CHÚA NHẬT III PHỤC SINH . A

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH . A
1/ (Cv 2,14.22-33)    2/ (1Pr 1,17-21 3/ (Lc 24,13-35)
 “GẶP GỠ ĐỨC KITÔ: ĐÓN NHẬN ƠN TÁI SINH, BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI MÌNH”

I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
            Là con người sống trong cõi đời, mỗi ngày chúng ta có nhiều cuộc gặp gỡ với nhiều người khác. Từng cuộc gặp gỡ đó mang một ý nghĩa và mục đích riêng: Có cuộc gặp để tao đổi, để học tập hoặc cho công việc làm ăn; cũng có những cuộc gặp gỡ nhau trong chân tình để chia sẻ niềm vui hay nỗi đau buồn … Thế nhưng có một cuộc gặp gỡ đáng trân trọng, đầy chân tình và chan chứa ân phúc, đó chính là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Cuộc gặp gỡ này không những tạo được mối tương giao thân tình, mà còn mang lại cho người gặp niềm vui, sự an ủi, sự bình an, sự khích lệ cho cuộc sống!

            Vì gặp gỡ Đức Kitô là đón nhận ơn tái sinh để biến đổi cuộc đời mình, là chân thành mình gặp lại mình, để nảy sinh tình đệ huynh với mọi người … để cuộc đoiè luôn ngát hương tình yêu, xóa tan hận thù. Cuộc đời mà thiếu sự gặp gỡ Đức Kitô, là một cuộc đời khô cằn, héo hon, thiếu sức sống …
            Vì chính Đức Kitô là nguồn suối nước hằng sống, là ánh sáng soi đường, là chân lý sự thật và là sự sống cho tất cả những ai gặp gỡ Ngài! Thánh Luca cũng đã kể lại cho chúng ta từng chi tiết cuộc gặp gỡ rất lý thú giữa Chúa Giêsu Phục sinh và hai Môn đệ làng Emmau.
II. Phân đoạn:
* 1: Có thể chia bài Tin Mừng thành 6 phần:
+ (câu 13-14): Hai Môn đệ trở về làng Emmau, sau cái chết của Chúa Giêsu.
+ (câu 15-17): Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến với hai ông, hai ông không nhận ra Chúa Giêsu.
+ (câu 18-24): Ông Cơlêôphát kể lại việc đã xảy ra tại Giêrusalem: Chúa Giêsu đã bị bắt, bị kết án tử hình, bị đóng đinh vào Thập Giá-đã chết … mà vẫn sống.
+ (câu 25-27): Chúa Giêsu Phục Sinh đã cắt nghĩa Kinh Thánh cho hai ông.
+ (câu 28-32): Hai ông đã nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh, khi Ngài bẻ bánh trao cho họ.
+ (câu 32-35): Hai ông vội vàng quay trở lại Giêrusalem để thuật lại cho anh em.
2. Chú thích:
- Hai Môn đệ: Không phải là hai Tông đồ. Một người có tên là Cơlêôphát. Chắc hai vị này thuộc số 72 Môn đệ từng được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng.
- “Mắt họ không nhận ra”: Chúa Giêsu Phục Sinh đã ở trong một tình trạng mới, mặc dù là người thân thiết cũng không dẽ dàng nhận ra (Ga 10,14). Phải do Ngài chủ ý cho thấy thì mới thấy được, nên họ mới nhận ra ngài (Lc 24,30-38).
- “Bắt đầu từ Môisen …”: Đối với người Do Thái, Môisen chính là vị lãnh tụ vĩ đại, đã ghi chép lề luật cho dân, còn các Ngôn sứ cũng là những người được Thiên Chúa chọn và sai đến với dân để chuyển đạt Thánh ý Chúa cho dân. Các vị là những tác viên quan trọng của Lời Chúa thời Cựu Ước.
- “Họ năn nỉ người rằng” (c 29): Một phần do tính hiếu khách của người Do Thái, một phần là do hai vị đã cảm nhận được nơi “vị khách đồng hành” đột xuất này một điều gì đó đáng khâm phục khi cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ.
- “Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra trao cho họ” (c 30): Đây là cử chỉ mà Chúa Giêsu thường làm trong các bữa ăn, nhất là trong bữa Tiệc ly có một ý nghĩa đặc biệt. Vì đã quen, nên khi gặp lại cử chỉ này, họ nhận ra Ngài ngay!
- “Chúa đã sống lại thật rồi và hiện ra với ông Simon” (c 34): Các Tông đồ và các Môn đệ tại Giêrusalem đã lần lượt nhận được tin Chúa đã sống lại và đã hiện ra với một số Tông đồ và Môn đệ. Chuyện hiện ra với Simon Phêrô cũng đã được Thánh Phaolô đề cập rất sớm (1Cr 15,5).
- “Lập tức họ đứng dậy …” (c 33): Khi đã được gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, hai Môn đệ cũng được Ngài đổi mới tân hồn, họ đã trở nên can đảm, mau mắn, nhiệt thành …
3. Tìm hiểu ý nghĩa thần học của trình thuật Luca 24,13-35:
            Tác giả Luca đã có mục đích gì khi kể lại cho chúng ta từng chi tiết cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu Phục Sinh và hai Môn đệ làng Emmau ?
            * Ở đoạn (C 36-43) Luca mô tả việc Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với nhóm 11 với mục đích nhấn mạnh đến thực tại thể lý của Đấng Phục Sinh. Các Tông đồ là những người, sau này sẽ là nhân chứng của Đấng Phục Sinh cho mọi người. Chính vì thế, qua nhiều dấu chỉ, Chúa Giêsu Phục Sinh đã tỏ hiện ra cho các Tông đồ trong suốt 40 ngày (Cv 1,3). Còn ở đoạn (24,13-35), Chúa Giêsu Phục Sinh không hiện ra với các nhân chứng chính thức là các Tông đồ, mà hiện ra cho hai Môn đệ tầm thường. Cho nên tác giả không nhằm nhấn mạnh đến tính cách xác thực của thân xác Phục Sinh, mà lại đặt trọng tâm vào việc truyền cho các Môn đệ xác tín điều nầy là: “Cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu không ly cách Ngài với họ”. Đức Kitô Phục Sinh đã xác nhận với họ: Ngài vẫn còn hiện diện, vẫn đồng hành với họ, nhưng từ nay sự hiện diện và việc đồng hành ấy lại có tính cách vô hình. Vì thế, bài trình thuật đạt tới cao điểm của hai thời khắc nối tiếp nhau: Các Môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục sinh lúc Ngài bẻ bánh và lúc Ngài biến mất trước mắt họ (c 30-31). Từ đây, chúng ta thấy có một mối liên hệ mật thiết không thể tách rời giữa Đưc Tin và Bí Tích Thánh Thể. Trước khi đến với Bí Tích Thánh Thể, người ta phải Tin vào Đức Giêsu Kitô. Khi đã Tin vào Đức Giêsu Kittô, thì buộc phải đến với Bí Tích Thánh Thể, để gặp gỡ, để sống với Đức Giêsu Kitô bằng chính niềm tin là Ngài đang thực sự hiện trong Bí Tích Thánh Thể.
            4. Đức Tin và Bí Tích Thánh Thể liên quan thế vào theo đoạn Tin Mừng này ?
            Cả hai Môn đệ và Chúa Giêsu Phục Sinh gặp trên đường về Emmau, họ đang bị mối nghi ngờ, hoang mang ám ảnh, làm cho chúng ta liên tưởng đến những tâm hồn thiện chí, lo âu tìm kiếm. Đức Giêsu Kitô không vắng mặt trong sự đau khổ và sự tìm kiếm của họ. Như các Môn đệ, lúc đầu mắt của họ bị che đậy, làm cho họ không nhận ra Ngài (c 30). Như thế, có một mối liên hệ rất mật thiết giữa Đúc Tin và Bí Tích Thánh Thể. Trước khi đến với Bí Tích Thánh Thể, người ta phải nhận ra và Tin vào Đức Giêsu Kitô. Vậy, có một mối liên kết rõ rệt giữa :sự nhận biết” Chúa Giêsu và ơn ban Đức Tin, để từ đó mới có thể lãnh nhận ơn thánh một cách dồi dào bằng chính lòng tin mà trong Tin Mừng Luca thích diễn tả. Cách tương tự như thế, ở câu 45: “Chúa Giêsu mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh”. Còn ở sách Công vụ Tông đồ: “Thiên Chúa đã mở lòng bà Lydia, cho bà chăm chú lắng nghe lời Phaolô giảng dạy, và sau đó bà được chịu phêp Thánh Tẩy” (Cv 16,14). Đó là con đường dẫn đưa các linh hồn từ sự nghi ngờ đến Đưc Tin, và Đức Tin đến lãnh nhận các Bí Tích như đã được vạch ra trong đoạn Lc 24,13-35.
III. Áp dụng theo Tin Mừng:
            Tình trạng tâm hồn của hai Môn đệ Emmau vào chiều ngày Phục Sinh năm xưa, họ là những người đặt niềm tin vào Chúa Giêsu và vào Giáo Hội, nhưng vì những biến cố dồn dập xảy đến ngoài dự kiến và lòng mong ước, nên họ bắt đầu nghi ngờ chán chường, đành trở về quê nhà trong nỗi tuyệt vọng: “Chúng tôi hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ cứu chúng tôi và giải thoát Israel … thế mà …!” Tình cảnh ấy cũng có thể là tâm trạng của mỗi người chúng ta hôm nay. Có những lúc hầu như chúng ta cũng mất định hướng được cho cuộc sống. Từ những thất bại trong công việc làm ăn, hay những chuyện buồn từ ngoại cảnh hocwj tự trong tâm hồn, mà có không biết vì sao mà buồn, gây chán nản, ê chề, thất vọng … dẫn đến sự buông xuôi, biếng nhác trong đời sống, nhất là việc đạo đức và trở thành một thói quen cố hữu! và dần đua đến chỗ đánh mất niềm tin, tìm quên trong các tệ nạn, cố chấp trong tội lỗi, không muốn vươn lên để sửa đổi cuộc đời.
            Nhờ sự hiểu biết về Lời Chúa trong Kinh Thánh, mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã cắt nghĩa cho họ trên đường đi, Hai Môn đệ Emmau đã thay đổi quan niệm, họ đã sáng mắt ra, đã nhận ra Chúa Giêsu và từ đó, họ đã lấy lại được niềm tin, Và nhờ sự bình an của Đấng Phục Sinh, họ đã trở lại cuộc sống chứng nhân để rao giảng cho mọi người về Đấng đã chịu chết và đã Phục sinh vinh hiển để cứu độ nhân loại.
            Hãy chỉnh đốn lại đời sống bằng niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã Phục Sinh. Và hãy khởi đầu mỗi ngày sống bằng niềm hy vọng sẽ được cứu thoát. Phải có cái nhìn đúng đắn của Thiên Chúa, bằng con mắt đức Tin, về các biến cố xảy đến trong cuộc đời. Hãy đến để gặp gỡ Đức Giêsu Kitô với một tâm tình cảm mến và tri ân, để được nghe Lời Ngài và lãnh nhận Thánh Thể của Ngài mỗi ngày qua Thánh lễ. Vì mỗi lần ta gặp gỡ Ngài, là mỗi lần ta nhận được sự bình an, là mỗi lần ta được cũng cố niềm tin, được gia tăng ơn thánh hóa … để được hoàn thiện từng bước trong mỗi ngày sống, được tràn trề hy vọng, phấn khởi trong niềm vui, hầu quên đi bao nỗ nhọc nhằn. Hãy tín thác tuyệt đối vào tình thương của Thiên Chúa. Hãy quẵng gánh lo âu cho Chúa mà vui sống! Vì khi ta đến gặp gỡ Đức Kitô, ta được ơn tái sinh, biến đổi cuộc đờinên thánh thiện, nhận ra mình là tội nhân, là mỏng dòn yếu đuối, để đón nhận ơn trợ giúp, và cũng biết thông cảm và chia sẽ cho anh em mình, hầu nối kết tình hiệp nhất nên một bằng niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, mà giúp nhau sống nên Thánh.
- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -