CHÚA NHẬT III MÙA CHAY . C
1/ (Xh 3,1-8a.13-15) 2/ (1Cr 10,1-6.10-12) 3/ (Lc 13,1-9)
“THỰC CHẤT CỦA VIỆC SÁM HỐI LÀ
THAY ĐỔI CÁCH SỐNG”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Trải qua hai tuần Mùa Chay, chúng ta đã cảm
nghiệm được ý nghĩa về sự chiến đấu thử thách của cám dỗ do ma quỉ, sự chiến đấu
để chiến thắng nhờ Lời Chúa và sau cám dỗ là vinh quang của Chúa Giêsu, đó cũng
chính là vinh quang của mỗi người chúng ta, khi chúng ta cũng biết dựa vào Ơn
và Lời Chúa dạy để chiến thắng các chước cám dỗ trong đời sống.
Bước vào Chúa Nhật III này, trọng tâm của Lời
Chúa lại kêu gọi mỗi người chúng ta phải ăn năn sám hối, để thay đổi lối sống bằng
những làm cụ thể và chân thành. Từ lâu lắm, người ta chỉ hiểu Lời Chúa theo
quan điểm và theo nghĩa đen nên đã không thể đổi thay, mà còn đi vào sự sai
trái và cố chấp trầm trọng: “Dù một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng không
ngoài Thánh Ý Chúa” (Mt 10,30; Lc 12,7). Rồi suy luận rằng bất cứ sự gì trên mặt
đất nầy xảy ra, dù tốt hay xấu, dù lành hay dữ do một ai đó gây nên cũng đều
“không ngoài Thánh Ý Chúa”. Tức là đều do Chúa định !
Bài Tin Mừng hôm nay, không nhằm giải tỏa vấn nạn
khá gai góc nầy, nhưng nhắm vào một bình diện thiết yếu của thân phận con người.
Theo đó, nếu mỗi người Kitô hữu chúng ta nhận thức được điều cao quý nhất của đời
mình là Đức Tin và mục đích của đời mình là phải đạt cho được hạnh phúc vĩnh cửu
Nước Trời. Thì chúng ta phải lo chuẩn bị trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng để
đến trình diện trước mặt Thiên Chúa … Thế nên hai biến cố mà Chúa Giêsu đề cập
trong bài Tin Mừng và kêu gọi “sám hối” chính là một mệnh lệnh đầy yêu thương,
nhưng cũng rất khẩn trương đối với mỗi người chúng ta … phải lo thực hiện, kẻo
chết mà không kịp hối !
1. Phân tích:
* Những người Galilê bị Tổng trấn Philatô giết … (Lc 13,1): Đây là
một vụ nổi loạn của một số người Do Thái và đã bị Philatô đem lính từ Antonia
(gần đền thờ Giêrusalem) tới đàn áp thẳng tay (theo sử gia Plavius).
* Tháp Silôê: Được xây
trên bờ kênh đào và bể nước Silôê, phía tây nam Giêrusalem. Không rõ nguyên nhân
nào mà tháp đã bị đổ, đè chết 18 người.
* Dụ ngôn cây vả: Qua dụ ngôn nầy muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta
phải lo cho cuộc sống của mình sinh hoa kết quả nhân đức, để ngày ông chủ là
Thiên Chúa đến sẽ hài lòng vì cuộc sống chúng ta, nhờ biết sám hối để luyện tập
các nhân đức nên thánh thiện và công chính như lòng mong ước của Chúa: “Các con
hãy hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
2. Lời
kêu gọi sám hối:
* Từ thời Cựu Ước, khi Thiên Chúa gởi các Ngôn
sứ đến với dân Israel, luôn khởi đầu sứ mạng bằng việc kêu gọi sám hối, bỏ đường
tội lỗi để quay về đường ngay nẻo chính, trở về với Thiên Chúa. (Os 14,2; Gr
3,14; 31,18; Ez 18 …)
* Thánh Gioan Tiền Hô
cũng khởi đầu sứ vụ dọn đường như thế (Mt 3,1). Ngài còn nêu rõ hai hình ảnh cụ
thể khác: “Cái rìu đã kề sẵn gốc cây” (Mt 3,14) và “Cái nia sàng sẩy lúa lép”
(Mt 3,12).
* Chúa Giêsu, Đấng Cứu
Thế cũng khởi đầu sứ mệnh Cứu chuộc bằng lời kêu gọi “sám hối và tin vào Tin Mừng”
(Mt 4,17). Ngài còn nói rõ mục đích xuống thế gian của Ngài là để kêu gọi những
người tội lỗi, để họ biết ăn năn sám hối để được cứu sống (Lc 5,32). Nên Chúa
Giêsu khẳng định: “Ai không ăn năn sám hối thì sẽ phải chết !” (Lc 13,3).
* Thánh Phêrô cũng nài nỉ những người đồng
hương phải ăn năn (Cv 2,38).
* Thánh Phaolô cũng không quên chủ đề quan trọng
nầy, nên Ngài cũng luôn nhắc nhở các Cộng đoàn sám hối (Cv 20,2; 1Tx 1,9).
* Mệnh lệnh chính của Đức Mẹ Maria khi hiện ra ở
Fatima: “Hãy ăn năn sám hối – Hãy cải thiện đời sống – Hãy siêng năng lần hạt
Mân Côi”.
* Thánh sử Gioan khẳng định: “Ai phạm tội thì
là nô lệ” (Ga 8,3).
3. Lý
do phải sám hối:
* Chúa Giêsu kêu gọi
chúng ta phải ăn năn sám hối, thay đổi cuộc sống, bỏ đàng tội lỗi, lối sống
gian ác … để được cứu sống.
* Vì tất cả chúng ta đều
là những tội nhân (Tv 50; Tv 12; Tv 142; 2Ga 8,1).
* Một Thánh nhân còn
sai lỗi 7 lần một ngày (Cn 24,16).
Vậy Thiên Chúa đã kêu mời và Ngài ban thời gian để chúng ta:
* Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để sám hối
(Dt 3,7-8); Tv 9,5)
* “Đây là giờ thuận tiện,
nầy là giờ cứu độ” (2Cr 6,2)
II. Áp dụng theo Tin Mừng:
1/ Giáo Hội muốn dùng
bài Tin Mừng nầy để nhắc nhở mỗi người chúng ta phải ăn năn sám hối và đồng thời
phải biết nhận ra nơi các biến cố xảy ra trong thiên nhiên hay trong xã hội là
những dấu chỉ khơi dậy lòng biết ơn và lòng sám hối của mình.
2/ Nhìn vào Chúa Giêsu:
Chúa Giêsu đã dựa vào những sự kiện cụ thể xảy ra trước mắt chúng ta để dạy
chúng ta bài học siêu nhiên về sự sám hối. Chúng ta cũng phải biết nhìn những sự
kiện tự nhiên để tập luyện hầu nhận ra được bài học siêu nhiên cho đời sống
thiêng của chúng ta.
Người làm vườn xin ông
chủ giãn thời gian để có thời giờ chăm sóc bón phân cho cây vả. Đây chính là
hình ảnh Chúa Giêsu đầy lòng nhân từ, nhẫn nại hằng luôn chăm sóc chúng ta bằng
các Bí Tích. Chúng ta hãy cố gắng để nhận ra lòng nhân từ của Chúa mà sống đẹp
lòng Chúa hơn, đồng thời cũng biết sống noi gương Chúa, phải có lòng nhân từ
tha thứ đối với những kẻ xúc phạm đến ta.
3/ Hãy nghe Lời Chúa:
Chúa Cha đã phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Ngài”. Chúng
ta hãy luôn lắng nghe Lời Chúa Giêsu phán dạy:
* “Các ngươi đừng tưởng
…”: Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta đừng thấy sự đau khổ của người khác mà vội
lên án họ.
* Qua dụ ngôn cây vả,
Chúa Giêsu dạy chúng ta những bài học giá trị:
- Biết tin nhận Thiên Chúa là Cha, sống cậy trông phó thác vào ơn Chúa,
nhờ đó chúng ta mới có thể đáp lại tình thương của Ngài bằng cách cố gắng sống
hoàn thiện mỗi ngày.
- Nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, chúng ta được Thiên Chúa ban ơn tha thứ.
Vì thế chúng ta phải biết dùng ơn Chúa: ơn tự nhiên cũng như ơn siêu nhiên để
làm cho đời sống ngày càng tốt đẹp hơn trước mặt Thiên Chúa.
- Sự khoan giãn một năm
nữa, biểu lộ sự nhẫn nại chờ đợi của Thiên Chúa, chúng ta hãy biết dùng thời
gian Chúa ban mà sống sám hối ăn năn những tội lỗi của mình, để cải thiện đời sống,
đừng cố chấp trong cuộc sống mỗi ngày.
- Dụ ngôn nầy cũng nhắc
nhở chúng ta đừng coi thường và bỏ qua ơn Chúa mỗi ngày cho ta, đặc biệt qua
Thánh Lễ, các Bí Tích nhất là í Tích Thánh Thể. Biết dùng ơn Chúa ban mỗi ngày
để cải hóa tận căn bằng việc sám hối, để cải thiện cuộc sống ngày càng thánh
thiện và công chính hơn.
- Mỗi người chúng ta giống
như cây Chúa trồng trong thế gian. Luôn được chủ vườn là Thiên Chúa quan phòng
chăm sóc, ban ơn hầu giúp trưởng thành trong ơn thánh qua các Bí Tích. Được ơn
phần hồn phần xác … được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thúc đẩy … Vì thế, chúng ta
phải coi chừng, phải biết cộng tác với Chúa để sinh hoa trái nhân đức, đừng cố
chấp, lười biếng mà trở nên cây vả không sinh trái, sẽ bị chặt đi và bị quăng
vào lửa hỏa ngục mà đốt đi.
Vì thế, Mùa Chay là thời
gian thuận lợi, nhờ Lời Chúa và nhờ ơn Chúa để chúng ta cố gắng luyện tập nhân
đức, cố gắng mà tu nhân tích đức, cố gắng để cộng tác với ơn Chúa, để biết sám
hối ăn năn những tội lỗi của mình, cải thiện đời sống, bỏ đàng tội lỗi, diệt trừ
các tên nạn ra khỏi con người mình, ra khỏi gia đình, ra khỏi giáo xứ mình như
lòng mong ước của Chúa, như lời khuyên bảo của Giáo Hội. Để tất cả mọi người đều
được hưởng Ơn Cứu Độ cúa Chúa Giêsu: Đã chết vì yêu chúng ta!
- - - - - - - - - - oOo - - - - - - - - - -