1/ (Cv
2,14a.36-41) 2/
(1Pr 2,20b-25) 3/ (Ga 10,1-10)
“CHÚA GIÊSU LÀ MỤC TỬ
NHÂN LÀNH”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Hình
ảnh người chăn chiên và đàn chiên hơi xa lạ với người Kitô hữu Việt Nam chúng
ta. Nhưng lại là hình ảnh rất quen thuộc mà ngôn ngữ Kinh Thánh rất hay dùng, để
chỉ mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa là Đấng chăn dắt, chăm sóc đối với
đoàn chiên là dân Israel trong thời Cựu ước. Còn trong thời Tân Ước lại được
dùng để nói lên sự liên quan mật thiết giữa Chúa Giêsu là Đấng chăn chiên lành
đối với đoàn chiên là Giáo Hội. Thật vậy, Chúa Giêsu là người Mục Tử đích thực
tốt lành, đã hy sinh cả mạng sống mình cho đàn chiên là tất cả chúng ta, khi
Ngài nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống
mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Ngài còn khẳng định: “Tôi là cửa cho chiên ra
vào … Ai qua Tôi mà vào thì được cứu …” (Ga 10,7-9).
II. Nhận định:
Dùng
một hình ảnh quen thuộc trong đời sống của người Do Thái, Chúa Giêsu đã Mạc khải
cho tất cả chúng ta biết chính Ngài là Chủ tế, là Mục Tử ban hạnh phúc trường
sinh, mà bất cứ ai muốn đạt được phải qua Ngài.
1 Phân đoạn:
Có thể chia bài Tin Mừng thành 2 phần:
+ (câu 1-6): Dụ ngôn người Mục tử và kẻ trộm.
+ (câu 7-10): Chú giải dụ ngôn, áp dụng dụ ngôn.
2. Tìm hiểu dụ ngôn:
A. Hình ảnh người Mục tử: rất quen thuộc đối với những dân tộc thuộc địa bản văn hóa du mục như ở
Israel, hình ảnh người Mục tử là hình ảnh cổ điển.
1- Cựu Ước dùng hình ảnh này để chỉ:
* Các thủ lãnh lịch sử của họ như Mooissen (Hs
12,14; Is 63,11;1V 77,21; Ds 27,16-17;…
* Vua Đavid (2Sm 5,2; 24,17; Tv 78,21-72).
* Chỉ các vua và các thủ lãnh khác (1V 22,17;
Gr 23,1-2; 2,8; 10,21; Ez 34,1-10; Za 11,4-7; …).
* Nhất là chỉ Giavê Thiên Chúa trong lịch sử cứu
độ (Kn 48,15; Hs 4,16; 13,5-6; Tv 74,1; 77,21; 78,52; 80,2; 95,7; 100,3).
* Chỉ vị vua Messia trong tương lai (Ez
34,11-16; Is 40,11; 49,9-10; Jer 31,10; 50,17-19; Ml 2,12; Xp 3,19;…)
* Chỉ vị vua Messia là Chúa Giêsu: Vua vũ trụ
(Jer 23,4-5; Ez 34,23-24; 37,24)
2-
Trong Tân Ước cũng dùng hình ảnh này: Chúa Giêsu đã nhiều lần sử dụng hình ảnh
này để:
* Mô tả Israel vào thời Chúa Giêsu như một đàn
chiên bị bỏ rơi (Mt 9,36; Mc 6,34).Chủ đề chiên lạc cũng có thể coi như chủ đề
này (Mt 10,6; 15,24; 18,12-14; Lc 19,10; 15,4-7)
* Chỉ nhóm Môn đệ của Người như là Israel mới
(Mc 14,27; Lc 12,32)
* Diễn tả chính vai trò của Chúa Giêsu trong tuần
khổ nạn (Mc 14,27); Phục Sinh (Mc 14,28); và là vị thẩm phán (Mt 25,31-46)
B. Công thức nhập đề: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các
ngươi”: Đây là một kiểu nói, đưa ra một lý chứng mạnh hơn để củng cố câu chuyện,
làm nổi bật ý tưởng của câu chuyện. Trong dụ ngôn “Người Mục Tử” làm nổi bật chức
vụ, trọng trách của người Mục Tử nhân lành qua công việc của Chúa Giêsu- khác với
người chăn chiên thuê.
C. Người Mục Tử và kẻ trộm khác nhau ở những điểm nào ?
* Cách vào ràn chiên: - Người Mục Tử qua cửa mà vào.
-
Kẻ trộm trèo qua lối khác mà vào.
* Người canh cửa mở cửa cho chiên ra vào và
canh chừng kẻ trộm.
* Đối với đàn chiên, người Mục Tử biết tên, gọi
tên từng con chiên. Chiên biết Mục Tử và nghe tiếng Mục Tử. Mục Tử dẫn đường,
chiên bước đi theo.
D. Hiểu dụ ngôn theo nghĩa bóng:
Về
cách vào chuồng chiên, qua cửa mà vào nghĩa là gì ? Ràn chiên nghĩa bóng là dân
Do Thái (Cựu Ước) – Giáo Hội (Tân Ước), là các tín hữu. Người qua cửa là Chủ thực
sự chăn dắt chiên hay được Thiên Chúa trao sứ mạng. Người không qua cửa là kẻ
trộm, là kẻ rình để cướp lấy chiên. Chúa Giêsu có ý tố cáo những nhà lãnh đạo
Do Thái tỏ ra bất trung với nhiệm vụ của họ (bỏ bê đàn chiên, để đàn chiên lạc
lõng và phân tán, mà chỉ lo uống sữa và xén lông chiên, nghĩa là chỉ cầu lợi
cho mình). Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành, quyền tối cao chăm sóc Đoàn chiên của
Ngài được trao lại cho các Tông Đồ mà Chúa Giêsu đã chọn gọi. Rồi tiếp nối là
các Đấng kế vị với quyền và trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên mẹ và chiên con,
trong chứ vụ Giám Mục, và được trao chia cho các Linh Mục cộng tác với các Giám
Mục, phục vụ chăm sóc đoàn chiên là cộng đoàn Giáo Xứ. Trong các Giáo Xứ, Linh
Mục quản xứ được sự cộng tác của nhiều thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ
và các đoàn thể. Cơ chế sinh hoạt đó phải thống nhất từ trên (từ cấp Giáo Phận
xuống đến cấp Giáo Xứ, trong đơn vị Giáo Xứ, phải thống nhất từ Hội Đồng Mục Vụ
đến Ban Điều Hành/các Giáo Họ và các hội đoàn). Sự thống nhất này nói lên sự
Thông Hiệp trong tinh thần Hiệp Nhất trong một tình yêu chính là Đức Giêsu
Kitô, là Mục Tử nhân lành. Bất cứ một ai, dù trong cấp bậc nào, nếu sao nhãng,
bỏ bê trách nhiệm mình là trở thành kẻ
chăn thuê, đó chính là kẻ trộm vậy!
E. Đâu là tiêu chuẩn để nhận ra sứ mạng
của người Mục Tử ?
Biết
chiên, gọi tên chiên, dẫn đường, đi trước chiên, chăm sóc, chữa lành vết
thương, mang lại sự sống cho đàn chiên, tất cả là mẫu số chung: chỉ nghĩ đến từng
con của đàn chiên mà không nghĩ đến mình. Đó là đặc điểm của người Mục Tử tốt
lành. Để gọi tên từng con chiên, đòi hỏi người chủ chăn phải biết tên. Thiên
Chúa là Đấng thông biết mọi sự, dù là điều thầm kín trong cõi lòng ta. Chúa
Giêsu biết rõ từng con chiên, nghĩa là Chúa Giêsu biết rõ từng người chúng ta
hơn chúng ta biết về chính mình. Ngài biết rõ từng nhu cầu cuộc sống của mỗi
chúng ta.
Dẫn
đường đi trước: Người Mục Tử chấp nhận những khó khăn, nguy hiểm đến cho mình để
bảo đảm an toàn cho đoàn chiên. Đây là Mục Tử yêu chiên, chết thay cho chiên,
điều này minh chứng rằng: tình yêu vượt lên trên mọi bình diện. Nơi Chúa Giêsu,
các lời Ngài dạy, Ngài đã thực hiện trước: về đức khiêm tốn, Ngài đã cúi xuống
rửa chân cho các Môn đệ. Về đức yêu thương và tha thứ cho cả kẻ thù, Ngài đã chết
vì yêu và tha thứ cho tất cả: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì …”, Về đức vâng phục,
Ngài đã vâng lời bằng lòng chịu chết. Từ đây, chúng ta nhận ra được chính Đức
Giêsu, đích thực là Người Mục Tử quá nhân lành đối với đoàn chiên là Giáo Hội,
là tất cả chúng ta.
III. Áp dụng theo Tin
Mừng:
Người
Mục Tử nhân lành, đồng nghĩa với Chủ chăn tận tình, chăm sóc tận tâm mà Chúa nhật
IV Phục sinh giới thiệu cho chúng ta, đó chính là Chúa Giêsu. Vì Ngài đã nói: “Tôi
chính là Mục Tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11). “…Tôi
biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi” (Ga 10,14). Ngài còn giới thiệu
chính Ngài là Cửa: “Tôi là cửa. Ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9).
Như vậy, chúng ta đã nhận ra Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành đối với tất cả
chúng ta là đàn chiên của Ngài. Ngài đã hy sinh cả mạng sống vì yêu thương để cứu
chuộc chúng ta. Ngài còn ban muôn hồng ân để nuôi dưỡng chúng ta từng ngày sống,
qua các Bí Tích, nhất là qua Thánh lễ mỗi ngày. Nếu chúng ta đã biết và khẳng định
rằng: Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành của chúng ta và mỗi chúng ta thuộc về đàn
chiên của Ngài. “Chiên Tôi biết Tôi”, “chiên của tôi thì nghe tiếng Tôi”. Phải
chăng chúng ta biết Chúa Giêsu như biết một ai đó mà ta không thân ? Hay là
chúng ta chỉ nghe lời giảng dạy của Chúa như nghe một giọng nói của ai đó hơi
quen quen, hay như một tiếng hú của gió thoảng qua chăng ? Điều đó đang làm chứng
trong cuộc sống của chúng ta: một lối sống Đạo lơ là, biếng nhác, gặp chăng
hay chớ, cố chấp trong sai trái, chìm đắm trong các tệ nạn. Đi dâng Thánh Lễ
cho qua chuyện, đi cũng được mà không thì cũng chẳng sao! Xem ra ta còn coi trọng
công việc thể xác hơn là lo cho phần rỗi Linh Hồn, coi trọng của ăn vật chất
hơn của ăn tinh thần! Lối sống đó đang làm tan tác đàn chiên của Chúa, phân tán
trong tội lười, gây gương mù gương xấu cho kẻ khác, nhất là cho con cái và những
kẻ đang yếu kém Đức tin! Hãy chỉnh đốn lại cuộc sống, phải thống nhất lại cách
sống. Phải xét lại cách đối xử với Chúa là Cha, là Mục Tử nhân lành đối với
chúng ta, vì “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi và theo Tôi”. Cũng là lúc để xét
lại cách đối xử với anh em, là con một Cha, anh em một nhà, cùng một đàn chiên mà
làm những việc tệ hại như tố cáo nhau, bêu xấu nhau, triệt hạ nhau trong công
việc làm ăn …? Hãy trở nên Mục Tử nhân
lành như Chúa Giêsu!
- - - - - - - - - - oOo - - - - - - - - - -