CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN. B



CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN. B
1/ (Ed 2,2-5)    2/ (2Cr 12,7-10)  3/ (Mc 6,1-6)
“CHÚA GIÊSU BỊ TỪ CHỐI TẠI QUÊ HƯƠNG”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
            Thánh Marcô tiếp tục kể lại cho chúng ta những việc Chúa Giêsu đã làm, sau khi cho bé gái con ông trưởng hội đường Giarô sống lại. Chúa Giêsu trở về thăm quê nhà, chắc chắn với hy vọng làm được chút gì cho những người thân, sau khi đã bôn ba đây đó làm phúc lành cho thiên hạ; Ngài cũng không muốn cảnh “làm phúc nơi nao mà cầu ao thì rách nát”. Thế nhưng, Ngài đã thất bại và không ra khỏi vòng cương tỏa, thiện cận của tâm trạng con người: “Bụt nhà không thiêng”. Người đồng hương đã xem thường Chúa Giêsu khi họ tự đặt câu hỏi và tự trả lời: “Bởi đâu ông nầy được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được phép lạ như thế, nghĩa là gì ? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em họ hàng với ông Giacôbê, Gosê, Giuđa và Simon sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?”. Chính sự thiển cận, xem thường vì quá quen biết đó mà họ đã khước từ và không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, nên họ đã bị thiệt thòi là không có được một phép lạ nào ! Chúng a cùng nhau tìm hiểu bài Tin Mừng, để hy vọng qua kinh nghiệm đau thương của dân thành Nazareth, rút ra được bài học cho cuộc sống. Vì cũng lắm lúc chúng ta cũng xem thường Ơn thánh hoặc coi khinh những người thân quen nay đã được cân nhắc trong các chức vụ trong Đạo cũng như ngoài đời:

1. Phân đoạn: Bài Tin Mừng này có thể chia thành 3 đoạn:
a. Mc 6,1: Rời khỏi Caphacnaum, Chúa Giêsu trở về Nazareth, quê hương của mình.
b. Mc 5,2-3: Dân thành Nazareth ngạc nhiên khi Chúa Giêsu giảng dạy họ trong hội đường. Và họ đã xúc phạm đến Ngài khi coi thường Sứ mệnh của Ngài.
       *Mc 6,4-6: Chúa Giêsu đã đau buồn vì thái độ kém tin của những người bà con thân thuộc: “Ngôn sứ bị coi thường ngay tại quê hương mình”.
2. Phân tích:
* Đức Giêsu ra khỏi đó … (c1): Tức là ra khỏi nhà ông Trưởng hội đường (Mc 5,22-24). Sau khi đã chữa cho con gái ông Giarô sống lại (Mc 5,35-42) ở miền Caphacnaum.
* Trở về quê nhà (c1): Quê quán của Chúa Giêsu là thành Nazareth, nơi đây Chúa Giêsu đã sinh sống với gia đình suốt thời kỳ thơ ấu và lớn lên trong thời gian 30 năm (Mt 2,23; Lc 4,16). Cả 3 Tin Mừng nhất lãm đều kể chuyến về quê viếng thăm của Chúa Giêsu (Mt 13,54-58; Mc 6.1-6; Lc 4,16-24).
            a/ Trong chuyến về thăm quê nhà: Chúa Giêsu đã làm gì ?
            Khi trở về thăm quê nhà nơi Chúa Giêsu đã sống gắn bó 30 năm. Ngài đã làm công việc của một vị “Thiên Sai” là vào giảng dạy dân chúng trong hội đường.
            Điều nầy đã làm cho dân làng Nazareth ngạc nhiên về Lời giảng dạy của Chúa Giêsu “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được phép là như thế, nghĩa là gì ?” (c2).
            Tuy nhiên, thay vì ngạc nhiên để cảm phục , thì bởi thói thiển cận, xem rẻ, coi thường và khinh miệt Chúa Giêsu. Họ đã xúc phạm đến Chúa Giêsu, là xúc phạm đến tình thương Cứu Độ của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, đã được Thiên Chúa Cha sai xuống thế gian để cứu chuộc nhân loại nói chung và dân Israel, trong đó có cả dân làng Nazareth nữa. Sự khước từ bao giờ cũng mang lại hậu quả xấu => Không được Ơn Cứu Độ, không có được một phép lạ nào ! (c5-6)
            b/ Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về cái gì ?
            * Căn cứ vào câu 2a: Thì người ta kinh ngạc vì thấy sự khôn ngoan lời giảng của Chúa Giêsu. Nhưng câu 2b lại giải thích cho độc giả hiểu về sự kinh ngạc ấy không những vì khôn ngoan mà còn vì quyền năng của Ngài. Không những vì tài năng đã gây kinh ngạc mà còn về nguồn gốc của tài năng ấy.
            * Vậy tại sao khi nghe Chúa Giêsu giảng mà người ta lại kinh ngạc về tài năng của Ngài ? Chúng ta biết rằng, sự khôn ngoan và quyền năng chỉ có nơi Thiên Chúa. Và nếu Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu => Đây là 2 ưu điểm của “Đấng Messia”.
* Is 11,1: “Trên Ngài Thần Khí Giavê sẽ đậu xuống, Thần Khí khôn ngoan và trí tuệ, Thần khí mưu lược và anh dũng, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa”. Còn ở 1Cr 1,24: “Đối với những ai được kêu gọi dù là Do Thái hay Hy Lạp thì lại là chính Đức Kitô; quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Như thế, Marcô đã nêu lên hai nét ấy là để cho độc giả hiểu rằng, những đặc tính ấy nơi Đức Giêsu không do con người mà do mà là do Thiên Chúa. Do đó, Chúa Giêsu là người của Thiên Chúa sai đến thế gian. Và chính Ngài là Thiên Chúa, dù dưới con mắt thiển cận của dân làng Nazareth, quá quen biết Ngài trong gia đình của ông Giuse và bà Maria.
            c/ Họ đã vấp phạm: Cái gì làm cho các thỉnh giả trong Hội Đường vấp phạm ?
            Ở câu 3a nói về nguồn gốc của Chúa Giêsu, có thể có hai tác dụng:
* Tác dụng thứ nhất là để trả lời cho câu họ đã đặt ra ở câu 2: “Bởi đâu ông ấy được như thế ? Câu trả lời là “không do con người”. Vậy chính đọc giả phải rút ra kết luận: “Đức Giêsu là Đấng mà sự khôn ngoan và quyền năng đã gây cho người nghe kinh ngạc và thắc mắc về nguồn gốc của lời nói và cả việc làm của Chúa Giêsu. Từ đó, độc giả hoặc phải nhận ra do Thiên Chúa sai đến hoặc ít nữa phải tra hỏi về chân tướng của Ngài.
* Tác dụng thứ hai là gây vấp phạm: Người đồng hương đã chịu tác dụng nầy. Họ đã không thể nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai cho dù họ đã nhận thấy Chúa Giêsu có hai nét chính của Đấng Thiên Sai, chỉ vì Ngài là con người bình thường và quá bình thường trước cái nhìn thiển cận của họ, có gốc gác cũng bình thường như họ và làm công việc rất tầm thường để sinh sống (thợ mộc). Có lẽ họ bị cản ngăn bởi quan niệm hẹp hòi về Đấng Thiên Sai. Nghĩa là Đấng Thiên Sai không thể có gốc, có nguồn ở một con người bình dân !
            d/ “Ngôn sứ có thể bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc và trong gia đình mình mà thôi” (c4)
            Như thế, sau khi đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường. Mặc dù có nhiều người kinh ngạc về sự khôn ngoan và quyền năng của Chúa Giêsu. Nhưng họ không tin Ngài, còn bỉu môi … vì họ quá quen biết về Ngài, gia đình Ngài, cha mẹ và anh chị em trong dòng tộc của Ngài. Họ chỉ thấy Ngài là một bác thợ mộc, con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa, Simon và chị em là bà con lối xóm với họ.
            e/ Họ đã không tin vào Người (c46):
            Chính vì thế mà họ đã tin Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai Cứu thế. Hậu quả của việc không tin đó là họ không được một phép lạ nào ! Có thể so sánh với chương 5 => Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, vì dân chúng tin vào Chúa Giêsu và đã kêu xin Ngài cứu chữa như ông Giarô, như người đàn bà mắc bệnh loạn huyết 12 năm. Chúa Giêsu đã đáp ứng theo lòng tin của họ. Ngài đã thực hiện phép lạ, chữa lành bệnh tật vì dân chúng đã tin vào Ngài, đêm đến hiệu quả phi thường của niềm tin: “Đức tin con đã cứu chữa con”. Vậy cần phải sống và hành động bằng Đức tin, vì Đức tin không việc làm là Đức tin chết”.
II. Ý chính bài Tin Mừng:
            Sau khi đã đi rao giảng và làm nhiều phép lạ ở nhiều nơi. Chúa Giêsu đã trở về thăm lại quê hương Nazareth, là nơi mà Ngài đã sinh sống suốt thời kỳ thơ ấu và lớn lên trong mái ấm gia đình. Ngài cũng đã thực hiện sứ mệnh Thiên sai của mình, khi giảng dạy dân chúng trong hội đường. Dân làng rất đổi kinh ngạc về lời giảng dạy đầy khôn ngoan và quyền năng của chúa giêsu. Nhưng họ lại không tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, nên họ đã tỏ vẻ khinh thường, coi nhẹ và xúc phạm đến Ngài. Chúa giêsu tỏ ra rất đau buồn về thái độ cứng lòng tin của những người đồng hương. Nên họ chẳng nhận được một phép lạ nào !
III. Áp dụng:
“Chúa Giêsu đã không thể nào làm phép lạ tại đó … Người lấy làm lạ vì họ không chịu tin” (Mc 6,5-6): Qua kinh nghiệm đau thương của dân làng Nazareth, họ đã bị thiệt thòi cả đời nầy lẫn đời sau. Vì họ đã cứng lòng tin. Còn bạn và tôi, chúng ta đã sống niềm tin như thế nào ? Hay ta cũng sống đức tin theo cách: “Gần chùa kêu bụt bằng anh”, hay “Gần Nhà thờ thì trống với chiêng” mà lòng mình vẫn trơ như đá lạnh như đồng. Vẫn dửng dưng trước những buổi cử hành Phụng Vụ Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, vẫn biếng nhác trong việc lãnh nhận các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Vẫn sống buông thả trong các tệ nạn: cờ bạc, rượu chè say sưa, dâm bôn, trộm cắp, hận thù, đánh lộn, chửi nhau, gian lận trong buôn bán, lọc lừa dối trá trong tiếp xúc, vẫn ganh tỵ, ích kỷ, hơn thua nhau trong từng công việc, chỉ biết vu khống, nói xấu lẫn nhau … Cái thói đời xấu xa đó có phải là cách sống đức tin của chúng ta hôm nay chăng ?
- - - oo - - -