CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN. B

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN. B
1/ (Am 7,12-15)    2/ (Ep 1,3-14)  3/ (Mc 6,7-13)
“NGƯỜI TÔNG ĐỒ ĐƯỢC CHỌN GỌI VÀ SAI ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
            Sau khi cùng các Môn Đệ về thăm lại quê cũ là Nazareth, tại nơi đây Chúa Giêsu đã bị chính những người thân và cả bà con dân làng xem thường. Chúa Giêsu rất buồn, đã bỏ làng mình để đi Loan báo Tin Mừng cho các miền khác. Thời điểm nầy là năm thứ hai từ khi Ngài bắt đầu công khai đi rao giảng. Qua một thời gian được huấn dạy sau khi được chọn gọi và đã chứng kiến cách rao giảng Tin Mừng của Thầy Giêsu. Giờ đây các Tông Đồ đã được Chúa Giêsu sai đi, từng hai người một, để các ông làm quen với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ban cho các ông quyền chữa bệnh và trừ quỷ. Nhìn vào hành trang mà các Tông Đồ nhận được, chúng ta cũng nhận ra tính cách siêu việt của Sứ Vụ nầy. Không hẳn bị lệ thuộc vào các phương tiện của trần gian, nhưng còn cần đến những quyền năng mà chính Chúa Giêsu đã trao ban cho các ông. Những quyền năng và ân sũng ấy có còn liên quan đến sứ vụ của Hội Thánh, của mỗi chúng ta hôm nay không ? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài Tin Mừng để giải đáp và củng cố Ơn gọi Tông Đồ trong sứ vụ của chúng ta hôm nay.

1. Phân đoạn: Bài Tin Mừng này có thể chia thành 3 đoạn:
a. Mc 6,7-9: Sắp đặt, chỉ thị và trao quyền.
b. Mc 6,10-11: Cách thức ứng xử khôn ngoan của người chứng nhân.
c. Mc 6,12-13: Mục đích và thành quả của sứ vụ.
2. Chú thích:
* Nhóm 12 người (c7): Đây là 12 vị Tông Đồ đã được Chúa Giêsu mời gọi theo Người (Mc 1,16; Mt 4,18). Khi sai các ông đi loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã trao ban cho các ông quyền năng trừ quỷ và chữa lành các bệnh tật (Mc 6,7 ; Lc 9,11). Từ “Tông Đồ” cũng có nghĩa là “Người được sai đi”.
* Không được mang theo gì trừ Cây gậy và đôi dép (c8-9): Trang bị cho các sứ giả kiểu nầy thì trong lịch sử nhân loại chưa có một thủ lĩnh nào giống như Chúa Giêsu. Tuy nhiên chính điều lạ thường nầy nói lên Quyền năng và sự quan  phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trong công cuộc của Ngài. Người Môn đệ sẽ được Ngài hộ trợ tất cả những gì cần thiết cho sứ mệnh, miễn là phải trung tín và phải đặt hoàn toàn niềm tin tưởng nơi quyền năng của Thiên Chúa.
* Cứ ở lại đó cho tới lúc ra đi (c10): Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ và tất cả chúng ta là phải có tinh thần phục vụ cao độ: Phục vụ ai, phục vụ nơi nào thì phải chu đáo đến nơi đến chốn, đừng nửa vời, đừng để lòng đổi thay …
* Hãy giũ bụi chân … (c11): Nơi đâu không đón nhận Tin Mừng thì bị coi như bụi dơ, mà các Tông Đồ phải “giũ bụi dơ” lại để tỏ ý phản đối và đoạn  tuyệt với những người thiếu tinh thần đón nhận (Cv 13,51)..
            II. Ý nghĩa cuộc sai đi: Người có quyền sai kẻ thuộc quyền => Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, đã được Thiên Chúa Cha sai đến thế gian để thực hiện công trình cứu chuộc. Khi thực hiện, Ngài đã cho phép và kêu mời con người cộng tác. Chúa Giêsu đã chọn gọi, huấn luyện và sai các Tông Đồ ra đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa như Ngài đã làm, để tiếp nối công việc nầy cho đến ngày Ngài trở lại trần gian lần thứ hai trong vinh quang của Vị Vua Vũ Trụ. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành Môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20; Mc 16,15-18).
            Còn trong đoạn văn (Mc 6,7-13): Lần tập sự đầu tiên dưới lệnh sai đi đối với các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã chỉ thị cho các ông không được manh theo gì, ngoài “cây gậy và đôi dép” như là hai phương tiện không thể thiếu đối với một người phải lên đường: Cây gậy để chống đỡ cho từng bước nhân và đôi dép để bảo vệ cho đôi chân, nhất là ở vùng đồi núi, đường dốc đá quanh co hiểm trở. Qua những vật thể đơn sơ hộ trợ cho sứ mệnh của người Tông Đồ, nhưng lại nói một ý nghĩa Siêu nhiên diễn tả một sứ vụ quan trọng và cấp thiết của người chứng nhân. Cây gậy còn diễn tả Quyền được Chúa Giêsu trao và đôi dép diễn tả sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, mà người chứng nhân được sai đi phải trung kiên trung tín, luôn tin tưởng vào sự quan phòng đầy yêu thương của Đấng sai đi.    
III. Ý chính bài Tin Mừng:
            Sau khi đã trang bị cho các Tông Đồ “Quyền năng Tinh thần”. Chúa Giêsu đã sai họ ra đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Các Tông Đồ phải từ bỏ các lợi lộc vật chất làm cản trở Sứ vụ quan trọng của mình. Đồng thời phải có tinh thần Phục vụ cao độ và luôn sẵn sàng để chấp nhận trong mọi tình, trước sự đón tiếp hay từ chối của tha nhân.
IV. Lời Chúa cho cuộc sống chứng nhân:
Trong sắc lệnh Tông Đồ giáo dân số 2, chúng ta sẽ đọc thấy các dòng chữ sau đây: “Ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là Ơn gọi làm Tông Đồ”. Trong Nhiệm Thể Chúa Kitô tức là Giáo Hội, toàn thân – tùy theo công dụng, khả năng từng phần tử khiến thân thể được tiến triển. Hơn nữa, các Chi thể trong Thân thể nầy gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau (Ep 4,16). Đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức của mình trong việc tăng trưởng toàn thân đều bị coi là không dụng ích đối với Giáo Hội cũng như đối với chính bản thân mình. Trong Giáo Hội có nhiều nhiệm vụ khác nhau, có nhiều công việc khác nhau nhưng cùng chung một sứ mệnh. Và trong kiến nghị thứ IV đề nghị lên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới họp vào tháng 10 năm 1987 cũng nêu rõ: “Vốn là chi thể của Giáo Hội, người Giáo dân còn tham dự vào Sứ mệnh Ngôn sứ thông qua việc tuyên xưng Đức Kitô bằng lời nói cũng như bằng việc làm, trong mọi tình huống của cuộc sống làm người”.
Như vậy, Giáo Hội, Mẹ chúng ta đã chỉ bảo cho chúng ta những điều rất rõ ràng để mỗi người chúng ta thể hiện chức năng và bổn phận làm con Thiên Chúa và làm Tông Đồ của Chúa Giêsu. Vậy, nếu chúng ta không tích cực và tha thiết với sứ mệnh cao quý nầy thì giá trị của đời sống chúng ta sẽ tùy thuộc vào cái gì ? Và chúng ta có được tham dự vào hạnh phúc của Đấng ra lệnh mà sai chúng ta đi loan báo Tin mừng không ?
“Đẹp thay bước chân của người sứ giả đem Tin Mừng”. Lời ngôn sứ Isaia đã vang lên trên 3000 năm nay rồi mà vẫn có giá trị cho sứ mệnh của người Tín Hữu hôm nay. Vâng đúng thế, ra đi để đem niềm vui, niềm tin, nguồn chân lý, sự bình an, ơn giải thoát … đến cho mọi người, không phải là một điều kỳ diệu sao ! Thế nhưng, mỗi chúng ta hôm nay đã cảm nghiệm và trải nghiệm được giá trị và lợi ích của Tin Mừng như thế nào ?
Khi Chúa Giêsu trang bị cho các Tông Đồ và sai các ông đi loan báo Tin Mừng, chúng ta có thể nghĩ rằng Ngài không tính toán … hoặc phó thác cho may rủi, cho lòng tốt của con người. Không phải thế ! Là Thiên Chúa, Chúa Giêsu rất hiểu rõ từng con người hơn ai hết. Chính sự kiện nầy càng chứng tỏ Quyền năng và sự quan phòng tuyệt vời của Ngài.
Không phải mọi Kitô Hữu đều được kêu gọi làm Tu Sĩ, Linh Mục. nhưng tất cả mọi Tín Hữu đều được kêu gọi làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống Tình Yêu chân thành. Nếu để lợi lộc vật chất và các lạc thú trần thế lôi cuốn đến nỗi quên lãng bổn phận làm con Thiên Chúa và sứ mệnh làm Tồn Đồ của Chúa Giêsu, thì sẽ trả lời ra sao với Chúa trước Tòa phán xét mai sau ! (Mc 10,29).
Của cải vật chất mà Thiên Chúa ban, chỉ có giá trị như một phương thế thôi, chứ nó không phải là mục đích. Đâu phải chỉ giàu có, sống lâu, thành đạt, có chức vụ là hạnh phúc … thiếu gì người giàu có cũng phải khóc, phải trả lẽ cho cuộc sống đời nầy, vì không thiếu những kẻ giàu có chỉ lại những người dốt nát, đồi bại trong gian lận, trộm cắp, hối lộ, ăn chận ăn bớt của kẻ khác. Đâu phải những người thành đạt, có chức quyền trong xã hội là những người có đạo đức, có lương tâm, sống công bằng bác ái đâu ! Hầu hết các Danh nhân trên thế giới đều xuất thân từ giới nghèo. Nếu không biết sống đúng với chức phận và chu toàn bổn phận; và nếu không biết xử dụng cho đúng tiền của, vật chất … thì chúng lại trở nên vật cản chúng ta vào Nước Thiên Chúa (Mt 19,23).
Hãy nhiệt tâm, nhiệt thành và trung tín thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã truyền giao cho mỗi người chúng ta trong thế giới hôm nay, bằng chính Quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa.

- - - oo - - -