CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN. B



CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN. B
1/ (Kn 1,13-15-2,23-24)    2/ (2Cr 8,7-9.13-15)  3/ (Mc 5,21-43)
“HIỆU QUẢ PHI THƯỜNG CỦA LÒNG TIN”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
            Trình thuật phép lạ chữa lành người đàn bà băng huyết được xen vào giữa phép lạ Phục sinh con gái ông Gia-rô, là điểm nổi bật của Tin Mừng Nhất lãm. Đặc biệt ở Marcô, trình thuật nầy muốn làm nổi bật quyền uy và lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Mà đối vời dân chúng lại là chuyện quá quen thuộc vì họ coi Chúa Giêsu là con bác thợ mộc hoặc thân nhân của Ngài lại cho rằng Ngài mất trí, còn các Kinh sư thì cho Ngài bị quỷ ám và dùng quyền của quỷ vương … để làm phép lạ (Mc 6,1-6; 3,21-22). Tuy nhiên, ở đây ta nhận thấy rõ chủ đích của Thánh sử Marcô khi xen hai trình thuật vào nhau là để làm nổi bật yếu tố, khiến Chúa Giêsu làm phép lạ “là Lòng Tin”. Hay nói cách khác là cả hai phép lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện đều dựa trên lòng tin của đương sự. Tuy có vài điểm khác biệt, nhưng nội dung chính của hai phép lạ cùng diễn tả một ý nghĩa: Hiệu quả phi thường của lòng tin. Chúng ta cùng tìm hiểu bài Tin Mừng nầy để nghiệm thấy ý nghĩa, giá trị và sự cần thiết của Đức Tin đối với ơn cứu độ cho phần rỗi linh hồn mình.

1. Phân đoạn: Bài Tin Mừng này có thể chia thành 2 phần chính:
a. Mc 5,21-24; 35-43: Phần nầy chia làm 2 đoạn tách rời:
       *Mc 5,21-24: Ông Giai-rô trưởng hội đường đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho con gái của ông gần chết.
       *Mc 5,35-43: Người nhà đem tin là con gái ông chết. Chúa Giêsu nói với ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”, và khi đến nhà, Chúa Giêsu đã làm cho con gái ông đã chết được sống lại.
b. Mc 5,25-34: Phần nầy cũng có 2 ý, được xen vào giữa:
       *Mc 5,25-29: Người đàn bà bị bệnh loạn huyết 12 năm, đã sờ vào áo Chúa Giêsu, và bà đã được khỏi bệnh.
       *Mc 5,30-34: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ: “Lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi về bình an và khỏi hẳn bệnh”.
2. Phân tích:
a. Trình thuật về người đàn bà bị băng huyết được làm sạch (Mc 5,25-34) được lồng vào trong trình thuật về bé gái, con ông Giai-rô được hồi sinh. Sau khi xét mỗi trình thuật, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao Thánh sử Marcô lại ghép 2 phép lạ nầy lại với nhau một cách chặt chẽ như thế.
* (c21): Chúa Giêsu sang bờ bên kia biển hồ, dân chúng lại kéo đến với Ngài rất đông. Có lẽ đây là miền Caphacnaum.
* (c22-23): Ông Giai-rô, trưởng hội đường đến với Chúa Giêsu kêu xin Ngài đến nhà để chữa lành bệnh cho con gái ông đang đau nặng sắp chết.
* (c24): Chúa Giêsu đi đến nhà Giai-rô. Dân chúng quá đông, chen lấn nhau để đi theo Chúa Giêsu.
* (c25-29): Người đàn bà mắc bệnh băng huyết đã lâu năm, cũng chen lấn trong đám đông để mong được toại nguyện với niềm tin vào quyền năng Chúa Giêsu: “Tôi mà sờ được vào gấu áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa”.
* (c35-36): Họ báo tin con gái ông Giai-rô đã chết: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy làm chi nữa ?”
* (c37-43): Chúa Giêsu thể hiện uy quyền của vị Thiên Chúa => Người đã cho em hồi sinh.
b. Qua câu chuyện của trình thuật thứ nhất là ông Giai-rô, một trưởng hội đường đến với Chúa Giêsu để cầu cứu Ngài đến nhà để chữa lành bện cho con gái của ông đang đau nặng. Thì trình thuật thứ hai được xen vào như một sự ngẫu nhiên, làm nổi bật uy quyền của Chúa Giêsu là vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương, luôn quan tâm đến số phận mỏng giòn của con người, Ngài đến để cứu giúp và cứu độ con người.
* Giữa một rừng người chen lấn xô đẩy nhau để được gần Chúa Giêsu, người đàn bà mắc bệnh băng huyết cũng lợi dụng chen vào để được đụng đến Chúa Giêsu. Tại sao bà ta làm như vậy ? Tại sao bà lại không xin thẳng, nói thẳng với Chúa Giêsu ?
* Vì bà xấu hổ và đau khổ với chứng bệnh đã 12 năm không chữa được, có lẽ bà nghèo và trở nên nghèo vì chứng bệnh đó: Bà xấu hổ vì bệnh của bà, nó làm cho bà ra ô uế, mà theo mặt pháp luật thì ai chạm đến bà cũng ra ô uế nên phải thanh tẩy theo lễ nghi. Bà ngại và sợ người ta phát giác ra mình, nên lợi dụng đám đông không để ý, mà thực hiện cái mong ước của bà, theo suy nghĩ của bà, và theo niềm tin xưa thì chiếc khăn, chiếc áo của người làm phép lạ (Cv 19,12), chiếc bóng của người ấy (Cv 5,15) đều có sức chữa bệnh. Người chữa bệnh có nơi mình một năng lực kỳ lạ, có thể truyền qua khăn, qua áo của người ấy => Nên bà tin, can đảm để đụng đến gấu áo Chúa Giêsu.
c. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ (Mc 5,30-34)
            Trong lúc người đàn bà muốn giấu kín, không muốn cho ai biết ý nghĩ của mình, việc làm của mình. Thì Chúa Giêsu lại lên tiếng hỏi: “Ai đã sờ vào áo Tôi ?”. Trước một đám đông chen lấn như thế, làm sao mà không đụng vào Ngài ?. Cho nên các Tông đồ cũng sững sờ ngạc nhiên (Mc 5,31).
            Để trả lời cho sự ngạc nhiên về sự vô lý và làm rõ nguyên nhân và hiệu quả, người đàn bà đã tự thú: Bà phục lạy trước mặt người, và nói hết sự thật với Chúa. Chúa Giêsu cảm phục bà vì lòng tin của bà và chữa bà cho lành: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi về bình an khỏi hẳn bệnh” (c34).
            Câu chuyện vừa làm cho mọi người chung quanh ngỡ ngàng, thì lại một tin buồn cho mọi người khi người ta đưa tin con gái ông Giai-rô đã chết.
            Chúa Giêsu tiến thẳng đến nhà ông Giai-rô, mọi người cũng đi theo. Dân chúng lại càng sững sốt ngạc nhiên khi Chúa Giêsu cho bé gái đã chết chỗi dậy và đi lại sinh hoạt như thường.
            d. Qua 2 trình thuật này, Marcô muốn nhấn mạnh đến điều gì ?
            Qua 2 trình thuật trên, hai phép lạ được lồng ghép lại với nhau, Thánh Marcô muốn nhấn mạnh đến quyền năng của Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa thật, là Đấng có uy quyền, là Đấng giàu lòng xót thương, luôn cứu giúp và cứu độ con người mỏng giòn, yếu đuối, bệnh tật và tội lỗi.
            Nhưng để được Ngài cứu giúp, để được Ngài cứu độ => điều quan trọng, yếu tố cần thiết nhất là phải có niềm tin. Người đàn bà bị bệnh và ông Giai-rô trưởng hội đường là minh chứng cho những kẻ đã đặt niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, nên họ đã được toại lòng mong ước: Người đàn bà đã được khỏi bệnh nan y, ông Giai-rô đã vui mừng vì con gái ông đã được hồi sinh.
II. Ý chính bài Tin Mừng:
            Qua trình thuật hai phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện: Là làm cho người đàn bà mắc bệnh băng huyết được lành và cho người con gái của Giai-rô, Trưởng hội đường chết được hồi sinh. Thánh sử Marcô muốn giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là Đấng quyền năng và giàu lòng xót thương, đồng thời cũng khám phá ra giá trị và sự rất cần thiết của “Đức tin”. Để qua niềm tin mà Thiên Chúa ban cho ta một cách nhưng không, chúng ta tin vững vàng vào quyền năng, tình thương của Chúa, chúng ta cũng sẽ được Người cứu chữa những bệnh hoạn tật nguyền và được Người cứu độ.
III. Áp dụng:
* Giáo hội muốn dùng bài Tin Mừng  này để củng cố niềm tin của chúng ta, biết đặt vào quyền năng, tình thương của Thiên Chúa và phải biết tín thác vào Người trong mọi sự.
* Qua gương bày tỏ niềm tin của ông Giai-rô và của người đàn bà bị bệnh loạn huyết, Giáo Hội muốn chúng ta bày tỏ thực sự niềm tin của mình vào quyền năng và tình thương của Chúa mỗi khi chúng ta đến cầu xin với Người.
* Lời Chúa hôm nay dạy ta: mọi ơn lành ta được là do quyền năng Chúa ban, và đòi hỏi nơi ta lòng tin kính biết ơn, đồng thời cũng dạy ta phải biết siêng năng đọc Lời Chúa, suy niệm để biết ý Chúa và đem ra áp dụng thực hành trong cuộc sống từng ngày.
* Khi chúng ta đã tin vào Thiên Chúa, đòi buộc ta phải sống tín thác thực sự vào sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng thời chúng ta phải thể hiện niềm tin bằng sự nhiệt tâm, nhiệt thành trong Đức Thờ Phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự, chu toàn bổn phận dối với Chúa mỗi giây phút trong cuộc sống, qua việc đọc kinh, cầu nguyện, dâng thánh lễ mỗi ngày và siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, để Đức Tin được bồi dưỡng và phát triển luôn mãi.
- - - oo - - -