CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN. A

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN. A
1/ (Ez 18,25-28)    2/ (Pl 2,1-11)  3/ (Mt 21,28-32)
“NGÔN – HÀNH SONG NHẤT ĐỂ THỂ HIỆN ĐỨC TIN”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Đây là dụ ngôn thứ nhất trong ba dụ ngôn liên tiếp mà Thánh sử Matthêu ghi lại, nhằm làm nổi bật thái độ đích thực phải có của người Môn đệ của Đức Kitô. Thật vậy, không phải chỉ kêu “Lạy Chúa, lạy Chúa”, cũng không phải chỉ biết đọc kinh ngoài miệng hoặc chỉ nghe suông Lời Chúa. Nhưng còn cần cả việc làm bằng tấm lòng chân thực nữa: Lời nói phải đi đôi với hành động, đó chính là nét son nơi người chứng nhân, vì “đừng nghe những gì họ nói, mà hãy nhìn kỹ việc họ làm”. Nói một đàng mà làm một nẻo, nói mà không thực hiện là người không thống nhất trong đời sống; không trung thực là kẻ gian dối.
Vậy để luyện tập cách sống trung thực cho mình: ngôn hành song nhất, hầu thể hiện được niềm tin của mình trong cuộc sống, chúng ta phải cố gắng thi hành những Giáo huấn của Chúa Giêsu đã dạy ta qua “Lời Chúa” để phát triển đời sống đức tin.
1. Phân đoạn: Có thể chia bài Tin Mừng thành 2 đoạn.
a. (câu  28-30): Dụ ngôn người cha mời gọi 2 người con trai đi làm việc trong vườn nho. Thái độ của 2 người con.
b. (câu 31-33): Áp dụng dụ ngôn.
2. Dụ ngôn nhấn mạnh đến đề tài nào ?
Đây là dụ ngôn đặc biệt của Thánh sử Matthêu. Matthêu đã xen dụ ngôn này vào trong một khung cảnh Tin Mừng của mình để làm nổi bật giáo huấn của Chúa Giêsu. Matthêu đặt dụ ngôn về hai người con vào giữa việc chất vấn quyền của Chúa Giêsu (Mt 21,23-27) và dụ ngôn “tá điền vườn nho” (Mt 21,33-46). Để qua dụ ngôn “hai người con” cho chúng ta thấy giữa “nói và làm” thì “làm” mới là quan trọng. Đây là chủ đề rất quan trọng của Matthêu: Tư tưởng, sự hiểu biết được diễn tả bằng lời nói, nói cho đúng, cho thật là điều rất quan trọng. Những điều hiểu biết được nói ra, nó càng có giá trị khi được thực hiện bằng chính hành động. Ngôn và hành song nhất là giá trị của “Nhân”. Lời nói phải đi đôi với việc làm, thì mới được kẻ khác tín phục và yêu mến. Là nổi bật và tăng giá trị của phẩm giá con người, ý thức để sửa đổi từng lời nói: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, là làm rõ được cái “tâm của nhân”. Còn nói một đàng mà làm một nẻo là chưa trung thực, là còn bất nhất, còn giả dối thì làm cho kẻ khác mất niềm tin vào mình, khinh thường không muốn nghe ta nói nữa vì toàn giả dối ! “Đừng nghe những gì họ nói, mà hãy nhìn những gì họ làm”. Vì nói hay mà làm dở: Mất giá trị của “Tâm”. Còn nói dở mà làm hay: Có giá trị, nhưng “Tâm” còn bất nhất; Nhưng nói đúng mà làm hay: Có giá trị “ngôn và hành” song nhất.
Đời sống đức tin nơi người Kittô hữu đòi hỏi sự thống nhất. Đức tin đòi phải thể hiện bằng chính lời nói và hành động: “Đức tin không việc làm là Đức tin chết” (Gc 2,14-26).
3. So sánh 2 câu trả lời của 2 người con trai, cho thấy cách đối xử của 2 người con đối với Cha mình như thế nào ?
* “Con không đi đâu” (câu 29): Khẳng định ý muốn là không đi làm, đây là một ách khẳng định ý riêng mình, tôi muốn sống độc lập không cần đến ai và không liên quan đến ai, kể cả những người mình đang cần và mang ơn: Cha.
* “Thưa Cha, vâng” (câu 30): Có vẻ khúm núm, xa lạ và không tha thiết với Cha.
Người Cha: hình ảnh Thiên Chúa.
Người con thứ nhất chỉ những người tội lỗi, thu thuế, đàng điếm, …
Người con thư hai chỉ những người tự cho mình là công chính, đạo đức, …
Vườn nho của Cha là Thiên Chúa => hiện nay là Giáo Hội.
* Người tội lỗi, xa lìa Thiên Chúa nhưng đã nhận ra những lỗi lầm, thiếu sót, sai trái của mình … thực tâm thống hối ăn năn, quay trở về với Thiên Chúa và Giáo Hội. Sẽ nhận được ơn tha thứ và hưởng phúc thiên đàng.
* Người cho mình là thánh thiện công chính trong tự kiêu, tự cao nên không nhận ra sai trái lỗi lầm của mình, nên không bao giờ có lòng thành tâm sám hối để sửa lỗi, họ luôn sống xa Thiên Chúa mà tưởng là gần. Đối với anh chị em mình, họ hay lên mặt dạy đời, cái gì thì mình cũng đúng còn ai cũng sai… thói kiêu ngạo đó đã dưa họ lìa xa tình yêu Thiên Chúa, họ đã mất hạnh phúc, sẽ lãnh án phạt muôn đời trong hỏa ngục, thế mà họ không bao giờ biết.
4. Hiểu theo dụ ngôn thì câu chuyện nầy có gì liên quan tới tôi không ?
            a. Áp dụng thứ nhất (câu 31): “Vào Nước Thiên Đàng trước” có nghĩa là gì           ?
Từ Proagein: tiếp vị ngữ “Pro” có nghĩa là trước, không chỉ có nghĩa về thời gian “trước và sau” hay về thứ tự “kẻ trước người sau” nhưng ở đây có nghĩa là khai trừ (thay thế) => Những người tội lỗi, thu thuế, đàng điếm,… biết sám hối ăn năn, biết cải tà quy chính thay đổi cách sống để nên thánh thiện sẽ vào Nước Trời chẳng những trước Biệt phái, mà còn chiếm chỗ của biệt phái nữa.
            Khi đọc câu chuyện dụ ngôn, chúng ta có thể chấm dứt ở câu 31, vì đã đầy đủ ý nghĩa, vì chúng ta thường gặp câu “Quả thật, Tôi bảo các ông…” được dùng để kết thác một dụ ngôn (Mt 5,26; Lc 14,24; 15,7; 15,10; 18,14;…). Nhưng ở đây còn kéo dài đến câu 32 là muốn diễn rõ ý nghĩa Giáo huấn của Chúa Giêsu về vấn đề “sám hối”: Cũng như một con người, sau khi từ chối yêu cầu của Cha, suy nghĩ lại, hối hận nên đã ưng thuận theo ý Cha của mình, đi làm vườn nho cho Cha. Trong khi ấy, người con thứ hai đã không làm như vậy mặc dù bề ngoài tỏ ra vâng lời Cha. Cũng thế, những người tội lỗi, thu thuế, đĩ điếm,… khi đã không vâng lời Thiên Chúa, nay lại hồi tâm vâng nghe theo lời mời gọi của Chúa Giêsu để hoán cải, còn những nhà lãnh đạo Do Thái thì công khai tuyên xưng vâng lời Thiên Chúa, lại từ chối lời mời gọi sám hối của Thiên Chúa qua Con của Ngài.
            b. Áp dụng thứ hai (câu 32): Có thể coi đây là câu văn mà Matthêu thêm vào để làm nổi bật việc áp dụng không ? Tại sao ?
            Một số nhà chú giải cho rằng đây là câu mà Matthêu thêm vào, lý do
- Đây là một câu mà Luca đã nói tới, nhưng Luca đưa câu nầy vào một chỗ khác theo thông điệp về Gioan Baotixita (Lc 2,28-30), để làm nổi bật lòng sám hối của kẻ có tội.
- Câu nầy bàn đến phản ứng cứng lòng của những người biệt phái và thái độ hối cải của những người thu thuế, đĩ điếm đối với lời kêu của Gioan Baotixita. Trong khi đó, chúng ta lại chờ bàn đến thái độ và phản ứng của họ đối với Sứ Điệp của Chúa Giêsu, Đấng quan trọng hơn Gioan Baotixita. Vì Gioan Baotixita chỉ là kẻ dọn đường: “Nầy Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Lc 7,27).
- Câu 32 xem ra không ăn khớp với dụ ngôn lắm, vì quả thực, trong dụ ngôn cả hai người con đều đã lựa chọn một cách xử thế qua lời nói rồi, sau đó đã thay đổi cách thực hiện. Nhưng khi ta đọc hết luôn câu 32, chúng ta mới nhận ra được Matthêu đã có mục đích đưa bài học áp dụng vào trong khung cảnh của mạch văn đi trước, trong đó Gioan Baotixita được coi là nhân vật chính; rồi làm làm rõ ý, hướng chúng ta nhận ra được rằng phải nghe Lời Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu mời gọi, để sống sám hối ăn năn thật lòng bằng ơn Thiên Chúa: Biến đổi tận căn, chứ không phải cứ đi xưng tội, cứ nói sám hối, cứ nói cố gắng đổi thay… mà sống vẫn tật nào tính đó, không thực sự đổi thay theo như lời nói: Ngôn hành bất nhất.
            II. Chú thích:
* “Người kia có hai người con”: Đây chính là Thiên Chúa và hai người con (CƯ) là hai hạng người tiêu biểu của Do Thái; (TƯ) là hai thành phần trong Giáo Hội.
* Nhưng sau đó, nó hối hận và đi làm (câu 29): Đây là quyết tâm của sự hoán cải và trở về làm theo ý Cha. Chúa Giêsu còn ngụ ý nói tới những người dửng dưng với sứ điệp của Ngài, nhưng sau đó đã hối cải và đã tin vào Ngài.
* Thưa Cha, vâng. Nhưng rồi lại không đi (câu 30): Đây muốn nói về thái độ bề ngoài, nói bóng bẩy trên môi miệng cho đẹp lòng người nghe, chứ trong lòng mang một sự gian dối, không thành thật; nói cho qua chuyện.
* … vào Nước Thiên Đàng trước các ông (câu 31): Theo ý nghĩa của mạch văn là khai trừ, là thay thế. Những người tội lỗi, thu thuế, đĩ điếm … không những vào Nước Trời trước các Biệt phái, Luật sĩ mà họ chiếm luôn chỗ của các Biệt phái, Luật sĩ.
* Đường công chính (câu 32): Chúa Giêsu muốn đề cao đức hạnh vị Tiền Hô là Gioan Baotixita, đã rao giảng sự hoán cải để dọn đường cho Ngài là Đấng công chính đích thực.
III. Ý chính bài Tin Mừng:
            Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, luôn yêu thương và kêu gọi tất cả mọi người tham gia vào công trình cứu độ mà Ngài đã thực hiện nơi trần gian qua Đức Giêsu Kitô, Con Một của Ngài. Ai nghe lời Chúa Giêsu và tích cực đem ra thực hành, chứ không chỉ nói suông, mới là người biết tuân phục Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa, thì sẽ được Thiên Chúa cho hưởng hạnh phúc Nước Trời với Ngài.

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -