CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN . A

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN . A
1/ (Is 55,6-9)    2/ (Pl 1,20c.24-27a)  3/ (Mt 20, 1-16a)
“THIÊN CHÚA RỘNG LƯỢNG ÂN BAN”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Chúng ta đang sống trong thời “kinh tế thị trường” mở cửa. Các công việc làm ăn hầu như có những đổi thay theo thị trường, nên việc làm ăn gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi mỗi người phải chạy theo để tùy thuộc với thị trường. Đang trong cái thời “người khôn của khó”, công việc làm ăn “không thuận buồm xuôi gió”, cảnh chênh lệch trong “ cung và cầu”… Nảy sinh ra những nạn hàng giả, hàng thật giả, đã đem đến những bất trắc cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Với một cảnh kinh tế thị trường hỗn loạn như thế mà chúng ta đang phải chịu vất vả, khổ đau để tính toán lỹ lưỡng cho mọi công việc làm ăn. Khi đọc kỹ bài Tin Mừng Mt 20, 1-16a, kể lại cách làm ăn của ông chủ vườn nho trong dụ ngôn, thì được mấy hồi mà sập tiệm, mà tan gia bại sản ? Thế nhưng ở đây, Chúa Giêsu muốn giới thiệu cho chúng ta một ông chủ đặc biệt: Ông chủ của Nước Trời hạnh phúc ! Nên muốn hiểu rõ được cách hành xử của “Ông chủ” đặc biệt nầy, thiết tưởng chúng ta phải đọc lại cả chương 19 của Tin Mừng Matthêu với một loạt dụ ngôn nói về Nước Trời đã. Mà phần lớn, các đòi hỏi của “Ông chủ” cũng mang nét đặc biệt, vì rằng đây là “Ông chủ” duy nhất có khả năng và có quyền ban phát cho con người “hạnh phúc” tuyệt vời của Ngài.

1. Tìm hiểu nhân vật: Ông chủ vườn nho.
* Ông chủ vườn nho nầy có phải là một ông chủ kỳ lạ không ?
Khi nghiên cứu đoạn Tin mừng, chúng ta nhận ra ông chủ vuồn nho nầy rất kỳ lạ, Kỳ lạ từ cách thuê thợ làm vườn và cả cách trả tiền lương cho thợ
a. Kỳ lạ trong cách thuê thợ: Ai thuê thợ thì cũng mong công rẻ và thợ khỏe, nên ai cũng thuê thợ sớm từ ngày hôm trước hoặc rất sớm để họ có thể bắt tay làm việc sớm, đúng giờ lao động để có lợi cho công việc, có kết quả tốt. Đàng nầy thì ai ông chủ cũng thuê, không phân biệt người khỏe hay kẻ yếu, mất sức lao động; ngày giờ lao động sắp hết mà ông chủ vẫn thuê người làm công. Ông chủ thuê thợ rải rác suốt cả ngày. Ông chủ nầy còn kỳ lạ ở chỗ là ông không nghĩ đến phần lợi cho ông, không sợ thiệt cho mình mà chỉ sợ là người ta ở nhưng không, không có việc làm.
b. Kỳ lạ trong cách trả lương:
* Người đến làm sau lại trả lương cho đầu tiên. Điều nầy đối với chúng ta xem ra không kỳ, nhưng hơi lạ ! Kể cả những thợ đã được ông chủ thuê cũng vậy, vì không thấy ai phàn nàn về điều nầy cả ! Nhưng đối với Matthêu thì lại là lạ, bởi vì Matthêu xem đó là trọng điểm của dụ ngôn, mà ở câu 16 diễn tả.
* Người lao động chỉ 1 giờ lại trả lương cả ngày. Bình thường người ta trả lương cho thợ, căn cứ vào mức độ thợ làm lợi cho mình cách tương xứng với thời gian, và có cách để bớt xén được đồng nào hay đồng ấy. Cho nên không khi nào người trả nhiều tiền cho người làm ít công, trừ phi thợ giỏi tay nghề. Vì thế, khi nghe ông chủ nói với nhóm thợ làm lúc 9 giờ: “Tôi sẽ trả công xứng đáng” (câu 4). Thì độc giả sẽ nghĩ ngay rằng: nhóm thợ làm vào giờ thứ 11 (khoảng 5 giờ chiều) sẽ được trả ít hơn 1 đồng, như ông chủ đã thỏa thuận với nhóm thợ ông thuê từ sáng sớm. Còn nhóm thợ lao động trễ họ cũng sẽ nghĩ rằng đồng lương của họ sẽ ít hơn với người làm từ tảng sáng. Đến khi thấy ông chủ bảo người quản lý tập trung tất cả nhóm thợ lại để trả tiền cồn, và cách trả lương cho thợ thì độc giả mới chưng hửng, cả những người thợ được trả đầu tiên cho đến những người được trả sau hết, họ cũng chưng hửng không kém, nên họ đã lên tiếng trách móc ông chủ.
            Tóm lại, ông chủ nầy “không bình thường”, ông đã thực hiện sự tự do của ông để làm nổi bật lòng nhân từ của ông. Ông không nghĩ đến mình, lợi cho mình mà chỉ hành xử theo lòng thương xót mà thôi.
2. Chúa Giêsu đã tô đậm những nét “bất bình thường” nơi ông chủ vườn nho để làm gì ?.
       Rõ ràng Chúa Giêsu muốn tô đậm những nét bất bình thường, có vẻ kỳ lạ nơi “Ông chủ” vườn nho nầy để làm nổi bật lòng “nhân hậu” và sự “tự do” của ông chủ.
* Lòng nhân hậu: Từ cách thuê đến cách trả công, Ông chủ tỏ ra là người nhân hậu khác thường. Ông không nghĩ đến cái lợi lộc riêng cho mình mà chỉ nghĩ đến cái lợi cho người khác, sợ người thợ thất nghiệp. Việc ông thuê thợ vào bất cứ giờ nào trong ngày cho ta thấy ông chỉ sợ thợ ở không thôi. Trong cách ông trả lương cũng vậy, rõ ràng ông không căn cứ vào số gời lao động hay số công việc hoàn tất, mà chỉ hành động theo lòng nhân hậu. Chính ông cũng ý thức rõ động cơ hahf động của ông là ông nhân hậu (câu 15).
* Sự tự do: Do lòng nhân hậu của ông, ông đã vượt xa mọi khuôn thước bình thường mà con người phải cư xử công bằng với nhau. Lòng nhân hậu đã làm cho ông vượt xa cả giới hạn công bình, mà đi vào khu vực tự do nhờ tình yêu. Yêu không giói hạn, không bến bờ, yêu tất cả mọi người bằng tự do. Yêu đến độ thí ban Co Một cho nhân loại, chết để cứu nhân loại khỏi chết.

3. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta điều gì ?
            Qua dụ ngôn diễn tả nét kỳ lạ của “Ông chủ” vườn nho: với mục đích giúp độc giả và người nghe nhận ra được: Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, từ bi và luôn quảng đại xót thương đối với tất cả mọi người, không phân biệt đối xử. Và Ngài mời gọi mỗi người chúng ta vào làm vườn nho của Ngài (là Giáo Hội), ở lòng nhân hậu của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta, kẻ trước người sau và Ngài trả công cho chúng ta không căn cứ vào giờ làm và việc làm, mà theo lòng nhân từ xót thương (như anh trộm lành). Thiên Chúa hoàn toàn tự do khi lên tiếng kêu gọi, không một tạo vật nào dám tự hào có quyền trước mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa tự do chọn gọi những kẻ Ngài muốn và cắt đặt công việc tùy theo sự nâng đỡ của Ngài. Thiên Chúa chọ lựa nơi nào Ngài muốn vì Ngài là Chủ muôn loài. Thiên Chúa tự do thưởng công vì Ngài là Đấng thưởng phạt công bình. Sự tự do nơi Thiên Chúa, là sự tự do công thẳng và nhân từ. Tất cả những tính toán, những dự liệu pháp lý, những đòi hỏi, những tham vọng bất chính sẽ bị tan biến trước uy quyền, lòng nhân từ và tự do của Thiên Chúa. Điều nầy giúp chúng ta nhận ra thân phận con người của mình là tạo vật yếu đuối, tội lỗi, đầy tham lam, sống ích kỉ, ghen tuông, hiềm khích, ganh tị nhau và luôn so đo tính toán thiệt hơn trong tất cả mọi công việc, hay lẫn trốn bổn phận trách nhiệm của mình, nhất là công việc phục vụ chung.
            II. Ý chính bài Tin Mừng:
            Dụ ngôn đã trình bày cho chúng ta nhận thấy rõ lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta như nhau. Ngài mời gọi mọi người đi làm việc trong vườn nho của Ngài là Giáo Hội. Hãy hăng hái nhiệt thành trong tâm tình cảm tạ. Đừng ích kỷ, lười biếng, ganh ghét, so bì, tính toán, … mà sao nhãng công việc bổn phận của mình.
            III. Áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống:
            * Các tính ích kỷ, tự ái, tự kiêu, hay so bì tính toán, ganh tỵ, ghen tuông, hiềm khích, mánh khóe, lẫn trốn trách nhiệm … không biết đã “thường trú” trong chúng ta từ bao giờ và đã được sự “chấp thuận” của chúng ta như thế nào mà chúng vẫn âm thầm mạnh dạn phát triển không ngừng ! Chúng ta đã có thái độ nào với cái bọn đáng ghét, đáng trừ nầy ? vì rõ ràng chúng đang biến chúng ta thành kẻ tầm thường, mất tự tin và chẳng làm được gì ra hồn !
            * Nếu vì tính phân bì mà nghĩ rằng những người giàu sang, phú quý, kẻ có chức quyền … là những người được Thiên Chúa yêu thương cách riêng thì chắc chắn đã lầm rồi. Vì “sông có khúc, người có lúc”, “không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời” và “cây cao thì gió cả”, “to thuyền thì sóng lớn sóng”. Trong Giáo Hội, có nhiều công việc, có nhiều chức vụ nhưng chỉ có một Thánh Thần là Đấng soi sáng hướng dẫn. Tin Mừng còn cho chúng ta thấy Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt những người có tinh thần nghèo khó, những người tội lỗi biết sám hối ăn năn.
            * Là Kitô hữu, chúng ta phải trưởng thành trong Đức tin, không buồn sầu thất vọng khi gặp cảnh gian nan khốn khó. Không so bì, ganh tỵ với bất cứ ai. Phải xác tín rằng, Thiên Chúa là Đấng thông biết mọi sự, Ngài thấu suốt tâm can cõi lòng chúng ta. Ngài luôn ban cho chúng ta những ơn cần thiết cho cuộc sống.
            * Hãy cảm nhận để luôn cảm tạ tri ân Chúa vì biết bao ơn lành Ngài đã ban cho chúng ta, đừng sống vô ơn bạc nghĩa. Hãy đến với Chúa để được Ngài bồi dưỡng đỡ nâng. Hãy học nơi Ngài lòng nhân hậu và sự khiêm tốn.

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -