CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN . A

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN . A
1/ (Ds 21,4b-9)    2/ (Pl 2,6-11)  3/ (Gn 3,13-17)
“THẬP GIÁ LÀ NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ, LÀ MẦU NHIỆM TÌNH YÊU”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Vào ngày 14/9 hằng năm, Giáo Hội long trọng mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá của Chúa Giêsu, để kính nhớ và tưởng niệm cuộc Tử nạn và Phục Sinh vinh hiển của Chúa Giêsu. Ngài đã bị trao nộp và bị kết án tử hình trên Thập Giá, một hình phạt khổ nhục và là sự thất bại nặng nề dưới con mắt người đời. Nhưng lại là kế hoạch diệu kỳ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Chỉ có những ai tin vào Đức Giêsu và bước theo Ngài, mới cảm nhận được tình yêu cao cả của Người hiến mạng sống cho người mình yêu. Đó là chính Chúa Giêsu đã hiến mạng sống của Ngài, chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta !

1. Phân tích:
Bài Tin Mừng nầy nằm trong chương 3 của Tin Mừng thứ tư: Thánh sử Gioan đã kể lại cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, một quan chức trong dân Do Thái, thuộc phái Pharisiêu. Cuộc gặp gỡ nầy xảy ra lúc thanh vắng vào ban đêm; và trong cuộc gặp gỡ trao đổi nầy (3,1-12). Chúa Giêsu đã mặc khải cho ông Nicôđêmô về giá trị của “sự sống đời đời” và sự cần thiết của việc “Tái sinh bởi Thần Khí”, thì có thể mới vào được Nước Thiên Chúa (3,5). Và để ông xác tính niềm tin vào mình, Chúa Giêsu phải nại đến lý chứng là chính Ngài đã nói những gì mà Ngài biết được từ Chúa Cha và Ngài làm chứng về những điều mà Ngài đã thấy, và cũng chính Ngài là người đến từ Thiên Chúa, đến từ Trời: “Không ai đã lên Trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ Trời xuống” (câu 13). Con Người đây chính là Chúa Giêsu, từ ngữ mà Ngài quen nói, ngụ ý chỉ về Ngài (Mt 8,20; 24,30; Gn 1,5 …) vừa diễn tả vinh quang, vừa nói đến sự khiêm hạ. Vừa là Con Thiên Chúa, vừa là người Tôi tớ đau khổ. Như thế Chúa Giêsu đã khẳng định chính vì Ngài là Con Thiên Chúa, nên đã từ Trời mà xuống và chỉ có mình Ngài là như thế thôi !
2. Để minh chứng về sứ mệnh của mình, là chịu chết trên Thập Giá để Cứu Độ nhân loại.
       Chúa Giêsu còn trích dẫn sự tích trong sách dân số (Ds 21,5-9): “Như Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, thì Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy. Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (3,14-15). Hình ảnh con rắn đồng được treo lên cao, mà Thiên Chúa đã phán dạy Môisen thực hiện để cứu dân Do Thái trong sa mạc năm xưa, là những kẻ phản bội, kêu trách Thiên Chúa, chống đối Môisen, đã bị Thiên Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết. Để những ai bị rắn cắn, nhìn lên “con rắn” đồng thì được cứu sống. Đó cũng chính là hình ảnh Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá, đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Để những ai tin vào Ngài, chấp nhận Thập Giá của Chúa Giêsu thì cũng sẽ được cứu sống, nghĩa là được ơn cứu độ.
3. “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (câu 14):
            Trong Tin Mừng thứ tư, Thánh sử Gioan dùng câu “Con Người phải được giương cao đến 3 lần (Gn 3,14; 8,28; 12,31-34), hình như là để tương ứng với 3 lần loan báo cuộc khổ nạn ở trong Tin Mừng Nhất Lãm. Nhưng ý nghĩa nơi Thánh Gioan lại diễn tả việc Chúa Cha tôn vinh người Con duy nhất là “Chúa Giêsu Kitô làm vua”, để lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha: “Khi nào Ta bị treo lên, Ta kéo mọi sự lên cùng Ta” (GN 12,32; 19,19-22). Khi so sánh Chúa Giêsu với con rắn đồng trong sách Dân Số, mà khi người bị rắn cắn nhìn “con rắn” thì được cứu sống; nay khi người ta nhìn lên Thập Giá với niềm tin thì được ơn cứu độ; nghĩa là được sự sống đời đời. Thánh Gioan đã kể lại cho chúng ta một hình ảnh thật ý nghĩa và sống động, vì với những điều mới lạ, khó hiểu, nhưng bất cứ ai tin sẽ được cứu thoát, “không phải đến tòa phán xét, nhưng ngang qua sự chết mà vào sự sống” (Gn 5,24).  
            4. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (câu 16):
            “Deus caritas Est” “Thiên Chúa là tình yêu” (1Gn 4,16): Chính Ngài là tình yêu, nên Ngài đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, họa ảnh Ngài. Ngài đã dựng nên họ là nam là nữ (St 1,26-31). Con người là tuyệt tác của Thiên Chúa trong tình yêu của Ngài ! Chính vì thế, khi con người bị ma quỷ tấn công, đã sa ngã phạm tội, đã đánh mất sống Thần Linh với Thiên Chúa và phải trầm luân trong đau khổ và phải chết muôn đời. Thì Thiên Chúa lại gia ân cứu độ, nên Ngài đã sai Con Một là Chúa Giêsu đến làm người trong thế gian để cứu chuộc con người. Chúa Giêsu đã đến trong thế gian để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Ngài đã vâng lời Chúa Cha để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta. Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chấp nhận cái chết trên Thập Giá. Và từ cỏi chết sống lại, Ngài đã ban sự sống đời đời cho nhân loại. Nhưng để có sự sống đời đời ấy, đòi phải có lòng tin. Phải tin vào Đức Giêsu là Đấng đã chịu chết trên Thập Giá vì “yêu”: “Để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (câu 16).
            5. Vì Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải lên án thế gian (câu 17):
* Thiên Chúa có lòng từ bi vô biên, và còn hơn thế bội phần ! và mãi mãi con người không thể nào thấu hiểu hết được tình yêu cao vời vĩ đại của Thiên Chúa. Sứ mệnh của Chúa Giêsu đã dược Chúa Cha sai đến thế gian là để minh chứng lòng nhân từ vô biên ấy. Thiên Chúa muốn cho mọi người đều được ơn cứu độ, nên khi Con của Người là Đức Giêsu đến thế gian không phải để luận tội mà là để cứu: “vì Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để nhờ Con của Người mà được cứu độ”.
6. Thập Giá minh chứng cho một tình yêu dâng hiến: chết vì yêu.
            Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Giáo Hội luôn đem đến cho con người những nguồn trợ lực rất phong phú nhờ các Bí Tích mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Trong đó, Bí Tích Thánh Thể cho ta được kết hợp sống động với Đức Kitô Cứu thế. Vì con người thì luôn bất trung - nên để cứu độ muôn người - Đức Giêsu Kitô đã nhận vào mình cái bản án ma n rợ, ô nhục, chết một cách thảm thương trên cây Thập Giá: Ôi cây Thập Giá vô tri mà đã được Thiên Chúa chọn làm phương thế cứu độ. Cây hành khổ tội nhân là Đức Giêsu, giờ đây lại trở thành cây vinh phúc cho mọi người. “Chướng kỳ, ô nhục và điên rồ” là cái nhìn của dân ngoại và người Do Thái đối với cây Thập Giá. Trong khi đối với mọi Kitô hữu chúng ta, thì Thập Giá lại là minh chứng cho một tình yêu vô bờ bến.
*Tư tưởng của anh ... : Tư tưởng của con người chúng ta thực tế thật khác biệt sâu xa với tư tưởng của Thiên Chúa. Thế nhưng Thiên Chúa vừa mời gọi, vừa phù trợ để chúng ta cáng ngày trở nên giống Ngài (Mt 6,48).
II. Áp dụng thực hành theo gương Chúa Giêsu:
            Chúa Giêsu đã dùng thập Giá mà cứu chuộc chúng ta, ngài còn mời gọi mỗi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mình mà theo”. Quả thật, Thập Giá vẫn là một mầu nhiệm của Tình Yêu cao cả vượt quá sự suy tưởng của con người chúng ta. Tuy vậy các mối tương quan chí thiết của con người với nhau như tình mẫu tử, vợ chồng, huynh đệ cũng chỉ bền vững và phong phú nhờ tương quan với sự hy sinh Thập Giá của Chúa Giêsu, một sự hy sinh không giới hạn, hiến mạng vì người yêu.
            Hãy rập khuôn, hãy sống cùng, sống nhờ và sống với Chúa Giêsu, để nhờ Ngài nâng đỡ ban ơn, hầu chúng ta cũng biết hy sinh cho nhau không giới hạn như Ngài, để tình yêu của mỗi người chúng ta cũng lên ngôi khi chúng ta biết chấp nhận Thập Giá của cuộc đời. Trong thư gởi tín hữu Do Thái đã quả quyết rằng: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được hậm lời vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9). Còn Thánh Phêrô đã lên tiếng nhắc nhở cho mọi người chúng ta: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại; nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô. (1Pr 1,18-19). Niềm vinh dự của chúng ta là Thập Giá của Đức Kitô. Vì nơi Ngài là ơn cứu độ của ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta. Mỗi khi nhìn lên Thập Giá, hãy cầu xin ơn được cảm nhận tình yêu cao cả nầy, để luôn bày tỏ lòng cảm mến tri ân mà dâng lời cảm tạ: “Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, chúng con ngợi mừng sự phục sinh của Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc chúng con”.

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -