CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN . A

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN . A
1/ (Gr 20,7-9)    2/ (Rm 12,1-2)  3/ (Mt 16,21-27)
“TÌNH YÊU DÂNG HIẾN”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Trong cuộc sống, khi mục tiêu càng cao thì càng đòi hỏi nhiều hy sinh cố gắng. Đó là chuyện hiển nhiên như hai vơi hai là bốn vậy ! Trong khi bản tính của con người dường như chỉ muốn những gì nhàn hạ và thoải mái. Chỉ khi chúng ta nhắm đến một mục đích nào cao quý, hữu ích thì lúc đó mới có sự thúc đảy và hấp lực đòi buộc chúng ta phải cố gắng để sẵn sàng can đảm chấp nhận mọi gian khổ hầu mong thành đạt. Cha ông chúng ta cũng đã dạy rằng: "Có công mài sắt có ngày nên kim", "Kiến tha lâu cũng đầy tổ".
Vậy đói với Ơn Cứu Độ thì sao ? Đây là một vấn đè rất quan trọng và cấp thiết cho chúng ta, là những người đang nhắm đến cứu cánh và mục đích là "Hạnh phúc Nước Trời". Chúng ta cần phải nổ lực, đòi phải hy sinh cố gắng để cộng tác với ơn Chúa, thì mới mong có thể thỏa mãn được với cái giá rất đắt mà Chúa Giêsu đã đề ra: "Ai muốn theo Thầy, phải từ chính mình, vác Thập giá mình mà theo" (Mt 16,24).

1. Phân đoạn: Có thể chia bài Tin Mừng thành 2 phần
A. Phần 1 (21-23): Chỗ đứng của đau khổ trong cuộc đời cứu độ của Chúa Giêsu.
a. (câu  21): Chúa Giêsu báo tin về cuộc thương khó lần 1.
b. (câu 22): Phêrô can ngăn Chúa Giêsu.
c. (câu 23): Chúa Giêsu quở trách Phêrô.
B. Phần 2 (24-27): Chỗ đứng của đau khổ trong cuộc sống của con người muố trở thành Môn đệ của Chúa Giêsu.
a. (câu 24): Từ bỏ mình, vác Thập giá là điều kiện cần phải có để theo Chúa Giêsu.
b. (câu 24-27): Lý do tại sao nên "Hiến Mạng Sống".
2. So sánh 3 đoạn văn loan báo cuộc thương khó trong Tin Mừng của Matthêu.
(Mt 16,21-23) ; (Mt 17,22-23) ; (Mt 20,17-19).
a/ Cả 3 đoạn đều có cấu trúc tam phân:
1. Lời loan báo thương khó (16,21; 17,22-23a; 20,17-19).
2. Phản ứng của các Tông đồ => vẫn không hiểu ý Chúa Giêsu nói (16,22-23; 17,23b; 20,20-24)
3. Lời giải thích của Chúa Giêsu (16,24-28; 18,1-4; 20,25-28).
b/ Thập Giá và Phục Sinh: Chúa Giêsu không chỉ nói đến khổ nạn Thập giá, nhưng bao giờ cũng là thập giá và phục sinh, sự chết và sự sống, dù nói về chính bản thân Ngài hay về các Môn đệ.
c/ Tiến trình Mạc Khải: Về tiến trình Mạc Khải thì tiệm tiến. Chúa Giêsu Mạc Khải về mầu nhiệm ơn cứu độ một cách tiệm tiến để giúp các Tông đồ dần dần hiểu được công việc của Người. Thế nhưng, các Tông đồ vẫn không nhận ra, dựa trên phản ứng của các ông: * Phêrô can ngăn (16,22); * Các Môn đệ buồn (17,23b) ; Tranh chấp quyền (20,20-24).
d/ Cách sắp xếp như thế có nghĩa gì ?
Tất cả cách sắp xếp trên không phải là không có ý nghĩa. Ba lời loan báo như muốn dẫn vào trình thuật cuộc khổ nạn để chuẩn bị và giải thích nó một cách Thần học. Chúa Giêsu đi vào khổ nạn với một ý thức tự do. Cuộc khổ nạn chẳng phải là một biến cố từ ngoài in vào định mệnh của Chúa Giêsu như kiểu một tai nạn nên phải chấp nhận. Nhưng là thành tố và là cao điểm của Nhiệm cục cứu độ của Người, là đường dẫn tới Phục Sinh. Mầu nhiệm nầy gồm 2 phương diện, mà một có tính cách chung quyết: Sự sống, niềm vui. Đàng khác Môn đồ và Sư phụ không thể tách rời nhau, cả 2 cùng liên kết trong cùng một sứ mạng và một số phận: "Nếu ai cùng chết với Đức Kitô, thì cùng sống lại với Người".
3. Phêrô can ngăn: Tại sao Phêrô can ngăn ?
            * Vì ông yêu Chúa và vì ông can đảm nhận được Chúa yêu ông.
            * Vì ông chưa am hiểu mầu nhiệm Cứu độ là sứ mệnh của Thầy Giêsu.
            Có phải tất cả các tác giả Tin Mừng đều đối lập sự yếu đuối của Phêrô với tên của ông hay không ? Tại sao họ làm như vậy ?
            Các Phúc Âm gia đều đối lập tên của Phêrô (Đá) với sự yếu đuối của ông, nhưng với những cách thức khác nhau. Sở dĩ các ngòi bút đều quy về Phêrô và sự yếu đuối của ông thì cũng không nhằm phê bình phêrô, nhưng muốn diễn tả Phêrô có đứng vững được là do Chúa, và sau nầy Giáo Hội có đứng vững được là do Phêrô biết cậy dự vào Chúa. 
            4. Chúa Giêsu quở trách nặng lời với Phêrô (câu 23):
            Bạn nghĩ gì về lời quở trách nầy ? Tại sao Chúa Giêsu lại quở trách Phêrô ? quở trách để làm gì ?
*Satan là: Kẻ phá hoại, kẻ mưu phản, kẻ phản phúc, kẻ gieo rắc sự chết chóc, kẻ cản lối. Chính Satan đã gây nên tội lỗi và sự chết chóc cho nhân loại, mà Thiên Chúa đã hứa Ơn Cứu Độ cho nhân loại.
*Thiên Chúa là Đấng siêu việt. Khôn ngoan, Thượng trí vô biên, ... Tư tưởng và ý nghĩ của Thiên Chúa vượt trên mọi loài.
*Lời quở trách nặng lời: Để giúp Phêrô chợt tỉnh thấu hiểu tầm quan trọng của Ơn Cứu Độ.
            Lời quở trách của Chúa Giêsu đối với Phêrô, giúp chúng ta hiểu thế nào về tầm quan trọng của Ngài trong chương trình cứu độ và tầm quan trọng của đau khổ trong sứ mạng của Chúa Giêsu. Qua Thập giá (đau khổ) mới đạt đến Vinh Quang (Phục Sinh.
            II. Chú thích:
* Đồ quỷ Satan, xéo đi cho khuất ... (câu 23): Phêrô vừa mới được Chúa Giêsu khen ngợi là kẻ có phúc trước đó (Mt 16,17), chẳng bao lâu sau ông lại nhận được một lời mắng thật nặng nề (Mt 16,23). Sở dĩ như vậy là vì ông đã can ngăn Chúa. Điều nầy cho thấy Chúa Giêsu rất nghiêm khắc với kẻ nào làm cớ cho người khác vấp phạm vì gương xấu (Mt 5,29t; 18,6t). Chúa Giêsu yêu thương co người hết tình, nhưng không bao giờ khoan nhượng trước nguyên nhân gây nên gương xấu, gây nên tội lỗi.
* Từ lúc đó Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các Môn đệ biết: Sau lời tuyên tín của Phêrô (Mt 16,16). Chúa Giêsu bắt đầu tỏ Mạc khải rõ ràng về công cuộc cứu độ là chấp nhận khổ nạn cùng cực trong thân phận con người Tôi Tớ đau khổ của Giavê, để bước vào vinh quang tuyệt diệu với Chúa Cha. Sở dĩ Chúa Giêsu đã Mạc khải tiệm tiến vì Ngài muốn chuẩn bị cho các Tông đồ bình tĩnh trước cái chết vừa đau thương vừa bất ngờ của Ngài.
*Tư tưởng của anh ... : Tư tưởng của con người chúng ta thực tế thật khác biệt sâu xa với tư tưởng của Thiên Chúa. Thế nhưng Thiên Chúa vừa mời gọi, vừa phù trợ để chúng ta cáng ngày trở nên giống Ngài (Mt 6,48).
*Ai muốn theo Thầy ... : Chúa Giêsu đã mời gọi tất cả mọi người chứ không hạn chế nơi một số nào. Từ "theo" hàm ý là chấp nhận, kể cả từ bỏ, hy sinh để noi gương Chúa Giêsu (Mc 8,34).
III. Ý chính bài Tin Mừng:
            Tình yêu dâng hiến của Chúa Giêsu qua cuộc khổ nạn, chết va phục sinh vẫn là một Mầu nhiệm quá lớn lao đối với con người qua các thời đại. Thập Giá đem đến vinh quang Phục Sinh: Qua đau khổ, đạt đến vinh quang. Đòi hỏi mỗi người Kitô hữu chúng ta phải cảm nghiệm thật sâu sắc để sống thực hành, để trở nên người Môn đệ chân chính của Đức Kitô.
IV. Áp dụng thực hành lời Chúa mời gọi:
            Là người Kitô hữu, là cũng chính người thuộc về Đức Kitô, là Môn đệ của Chúa. Mỗi người chúng ta được mời gọi sống nên giống Chúa Giêsu, để tiếp nối công việc cứu độ cho hết mọi người. Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu cũng chính là lệnh truyền cho tất cả chúng ta: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo". Lời nầy làm cho những ai theo Chúa để làm Môn đệ của Ngài cũng phải suy nghĩ, cầu nguyện thì mới có thể cảm nhận để tìm ra chân lý. điều mà chúng ta xem ra rất mâu thuẫn và phi lý, lại là chân lý, là sự thật và là sự sống: "Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy" (Mt 16,25).
            Là chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa, là Môn đẹ của Chúa Giêsu, là người tiếp nối sứ vụ cứu độ, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp, để cố gắng sống đúng như đòi hỏi mà Chúa Giêsu đã đè ra: Nghĩa là chúng ta phải sống hy sinh, từ bỏ mọi thứ xem ra không hợp với người chứng nhân, với người loan báo Tin Mừng.

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -