CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN . A
1/ (Dcr 9,9-10) 2/ (Rm 8,9.11-13) 3/ (Mt 11,25-30)
“HÃY ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU ĐỂ ĐƯỢC BỒI
BỔ SỨC LỰC ”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Nếu chúng ta sống gắn bó với Chúa Giêsu, ai
cũng sẽ nhận thấy nơi Chúa Giêsu đã hành động khác với mỗi người chúng ta.
Chúng ta chỉ muốn giao tiếp, chơi thân với những người có danh, có quyền, có thế
và có tiền hoặc hợp “gu” với ta ! Còn với Chúa Giêsu, Ngài lại tiếp xúc với người
tội lỗi, những người bị bỏ rơi, bị khinh bỉ, những người nghèo khổ bần cùng.
Ngài còn mời gọi đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ, bổ sức cho: “Tất cả những
ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”
(Mt 11,28). Thật là diễm phúc cho chúng ta, khi biết đến với Chúa Giêsu, sống gắn
bó cuộc sống của ta với Ngài để được nâng đỡ ủi an.
1.
Xác định mạch văn của đoạn Tin Mừng (Mt 11,25-30):
Toàn bộ các chương 11, 12, 13 của Tin Mừng
Matthêu được nối kết chặt chẽ với tư tưởng Thần học, qua chủ đề về
"điều được giấu kín" mà lại được Mặc khải cho những người
bé mọn. Và các câu 25-30 hoàn toàn ăn khớp với toàn bộ mạch văn xét
về phương diện bút pháp cũng như tư tưởng, nhất là ở câu 27, đoạn
nầy có vẻ giống như Tin Mừng của Thánh Gioan ở chương 3,35; 7,29;
10,14-15;...
Đàng khác, người ta cũng ghi nhận rằng
trong mạch văn này thì chủ điểm của đoạn văn không đặt nặng trên Con
Thiên Chúa, mà đúng hơn là trên "điều" mà Chúa Giêsu mặc
khải cho loài người. Xét về toàn bộ các câu 25-27 không chỉ nói rằng
Thiên Chúa chỉ Mặc khải cho những kẻ bé mọn điều mà Ngài giấu kín
đối với hạng người khôn ngoan và thông thái, mà còn nói rằng đó
chính là cách thể đặc biệt mà Thiên Chúa dùng để tự Mặc khải về
chính Mình qua sứ vụ của Chúa Giêsu. là Con Một Thiên Chúa.
2. So
sánh:
Lời kinh của Chúa Giêsu và lời kinh của
các tác giả sách Huấn Ca trong Cựu Ước (Hc 6,25-30; 24,19; 51,1-30).
Nhịp điệu lời kinh của Chúa Giêsu trong đoạn văn nầy rất giông với
lời kinh tạ ơn của tác giả sách Huấn ca trong đoạn kết thúc (Hc
51,1-30). Lời kinh của Ben Sirach cũng bắt đầu bởi lời xưng thú:
* "Tôi xin tạ ơn Người. Giavê của tôi
...
Tôi
xin ngợi khen Người, Thiên Chúa tế độ tôi.
Tôi
xin tán tụng Danh Người ...
giống như câu:
* "Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con
xin ngợi khen Cha ..." (Mt 11,25).
Sau đó khai triển chủ đề về sự tìm kiếm
đức Khôn ngoan được Thiên Chúa hứa ban. Và cuối cùng kết thúc bởi
lời mời gọi hãy gia nhập trường phái của Ngài. Mang lấy ách và
gánh nặng của Ngài, ngỏ hầu được bồi dưỡng, an nghỉ.
"Hãy đặt cổ dưới ách khôn ngoan và
hồn các ngươi hãy mang lấy gánh nặng ..." (Hc 51,21). Một tiến
trình như thế, chúng ta cũng gặp được ở sách Khôn ngoan (Kn 6,9), tôn
vinh sự cao cả của Khôn ngoan và mời gọi độc giả hãy trở nên đồ đệ
của Khôn ngoan. Matthêu đi xa hơn bằng cách cho thấy nơi Chúa Giêsu có
sự hoàn tất của sự khôn ngoan Thiên Chúa: Chúa Giêsu hoàn tất vai trò
của con người nhỏ bé "dịu hiền và khiêm nhường" trong lòng
(Mt 11,29) và mời gọi chúng ta đến để học với Ngài, để sống như
Ngài ... hầu được nghỉ ngơi, bồi dưỡng.
3.
Tại sao Chúa Giêsu lại tôn vinh Thiên Chúa Cha vì sự thất bại của
Ngài nơi những người khôn ngoan và thông thái ?
"Con
xin ngợi khen Cha ...": Chúa Giêsu ngợi khen và chúc tụng, tạ ơn
Chúa Cha vì sự thất bại của Ngài nơi những kẻ khôn ngoan, thông thái.
Thật ra tự thâm tâm hay tự bản tính tự nhiên Ngài yêu quý những người
khó nghèo hơn kẻ được xã hội ưu đãi. Nhưng qua câu nói ấy, Ngài nhận
rằng sự thất bại nơi người khôn ngoan thông thái cũng như sự thành
công nơi những kẻ bé mọn là phù hợp với bản chất và công cuộc sứ
mạng của Ngài, mà Ngài phải hoàn tất để phục vụ loài người, đó
là cứu độ những người nghèo khó có tâm hồn khiêm tốn, là hạng
người bị người đời khinh chê, bắt bớ, ...
4. Ý
nghĩa câu: "... vì Cha đã giấu các điều ấy với hạng khôn ngoan
thông thái ..." (Mt 11,25):
Trong các chương 11-13 Matthêu khai triển ý
tưởng về việc "giấu" và "Mặc khải":
* Ai giấu ? Không phải con người, cũng
không phải Chúa Giêsu, mà chính là Thiên Chúa Cha: "vì Cha đã
giấu ...". Vậy sự bất tín phản bội cũng như lòng tin tưởng mà
Chúa Giêsu gặp thấy nơi người Do Thái, không phải là điều ngẫu nhiên
hay kết quả của sự tích cực hoặc tiêu cực từ các cố gắng cá nhân
của Ngài mà là do Thiên Chúa quyền uy, là ý muốn của Thiên Chúa để
hướng dẫn và điều khiển mọi hoạt động của Chúa Giêsu trong chương
trình cứu chuộc.
* "Các điều ấy" là những điều
gì ? Không có nghĩa là các khía cạnh cao siêu về chức vụ và về sứ
vụ quan trọng của Chúa Giêsu, mà chỉ ý nghĩa tổng quát của toàn bộ
sứ mạng của Chúa Giêsu, không cho hạng người kiêu ngạo, tự cho mình
là tài giỏi, thông thái, có học, biết lề luật và tôn giáo được biết.
Trái lại, Thiên Chúa yêu thương và muốn biểu lộ ý nghĩa cao siêu ấy
cho những kẻ đơn sơ, khiêm tốn nghèo khó trong tinh thần, những kẻ bị
hạng thông thái khinh bỉ.
II. Chú
thích:
* "Cha đã giấu không cho ...": Thiên
Chúa không hề thiên vị hay hẹp hòi với bất cứ một ai. Mà đây là
kiểu nói, ngụ ý rằng những kẻ tự cho mình là khôn ngoan thông thái
sẽ chẳng biết gì về Thiên Chúa, vì Ngài không ưa thói kiêu căng, mà
chỉ yêu thích và Mặc khải cho những kẻ có lòng khiêm tốn mà thôi.
* "Những kẻ bé mọn ...": Một từ
chỉ chung cho những ai sống chân chính, công bằng, có lòng bác ái yêu
thương. Luôn khát khao Đấng là Chân-Thiện-Mỹ, và không mãi mê hay tự
mãn về danh vọng tiền tài.
* "Không ai biết Người Con ...":
Ngụ ý cho thấy ngoài Thiên Chúa Cha, thì không ai có thể biết được
Chúa Con. Nên chỉ có những kẻ được Chúa Cha mặc khải cho thì mới
biết Chúa Con mà thôi (là những ai sống khiêm tốn, hiền lành, ...).
* "Những ai vất vả ... gánh
nặng": Chỉ chung những người nghèo khó, khốn khổ. Đồng thời còn
ngụ ý đề cập đến gánh nặng của luật Do Thái cũ.
* "Hãy mang lấy ách ...": Có
nghĩa là mời gọi mỗi người tín hữu chúng ta hãy rập khuôn để sống
như Chúa Giêsu, nói và làm như Ngài đã truyền dạy. Nhất là thực
hành "Giới luật Yêu Thương". "Luật Yêu Thương" của
Chúa không nhẹ nhàng chút nào và cũng rất khó thực hiện. Tuy nhiên,
Chúa luôn hộ trợ chúng ta qua các Nhiệm Tích và qua Giáo Hội, nên
trở thành "ách êm ái và gánh nhẹ nhàng" đối với những ai
thành tâm tuân giữ !
III. Áp dụng theo Tin Mừng:
Lời cầu nguyện tha
thiết của Chúa Giêsu diễn tả một tâm tình chân thực đối với Chúa Cha
và lòng yêu mến mọi người chúng ta, là những kẻ hèn mọn khiêm tốn
trước uy quyền của Thiên Chúa. Đồng thời Mặc khải cho chúng ta về
mối liên kết mật thiết bất khả phân giữa Ngài và Thiên Chúa Cha, và
tình yêu Ngài dành cho tất cả những ai yêu mến và học hỏi nơi Ngài
gương sống.
Nhìn vào cuộc đời
mỗi người chúng ta, chúng ta sống chung với nhau, gặp mặt nhau thường
ngày, mà hiểu được lòng nhau đâu phải là chuyện dễ dàng. "Dò
sông dò biển dễ dò; nào ai lấy thước mà đo lòng người". Biết
bao nhiêu lần xảy ra việc hiểu sai hoặc hiểu lầm nhau, đã sinh ra hận
thù, ghen ghét, chấp nhất nhau, chờ dịp để trả thù ... để trở nên
gánh nặng cho nhau, bằng mặt mà không bằng lòng nhau ... Thế nên sự
liên hệ giũa con người với nhau thường bị trục trặc trên mọi bình
diện ... Có khi nào bạn đã đặt vấn đề: "Mối quan hệ của tôi
với anh chị em tôi tại sao lại cứ trục trặc ?" Hoặc "Còn
mối liên hệ của tôi đối với Chúa thì sao ?". Chẳng ai muốn một
loại trục trặc nào gây rắc rối cho cuộc đời mình cả ! Vậy, muốn
giải quyết tận gốc, tận căn thì ta phải cần những gì và phải làm
thế nào ?
Phải chăng lời mời
gọi của Chúa Giêsu: "Hãy đến với Tôi, hỡi những ai khó nhọc và
mang gánh nặng nề. Tôi sẽ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Tôi và
hãy học với Tôi sự hiền hậu và khiêm nhường trong lòng". Là một
giải pháp tối ưu cho việc giải quyết những trục trặc của bạn và tôi
trong cuộc sống !?!
Hãy đón nhận Lời
mời gọi của Chúa Giêsu ! Hãy đáp lại Lời mời gọi của Ngài ! Hãy
đến với Chúa Giêsu mỗi ngày qua Thánh Lễ, để được Ngài bổ sức cho
bằng chính Lời Hằng Sống và Bánh ban sự sống đời đời ! Để được
Ngài nâng đỡ ban ơn giúp giải quyết những trục trặc với Chúa và với
anh chị em mình.
Hãy học nơi Ngài
gương sống khiêm tốn và hiền lành trong lòng để nhận ra mình là yếu
hèn, là tội nhân trước Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Thánh thiện,
giàu lòng từ bi xót thương, để được xót thương tha thứ và biết thương
yêu anh chị em, để biết luôn nâng đỡ và giúp nhau đạt được sự Thánh
thiện như lòng Chúa mong ước: "Các con hãy nên Thánh, như Cha các
con trên trời là Đấng Thánh".
- - - - - - - - - - oOo - - - - - - - - - -