CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN . A

1/ (1 V 3,5.7-12)    2/ (Rm 8,28-30)  3/ (Mt 13,44-52)
“XIN ƠN KHÔN NGOAN ĐỂ TÌM NƯỚC TRỜI”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Trong các loài được Thiên Chúa dựng nên, loài có linh hồn, có lý trí, có suy nghĩ ... đó chính là loài người. Chính vì thế mà loài người khác xa các loài vật với các bản năng, con người có những khả năng vô cùng phong phú và do đó cũng có những khát vọng vô biên. Thế mà chẳng mấy ai trông cuộc sống nầy cảm thấy mình đã thành công và đã thỏa mãn hết những ước vọng ! Mà có chăng là về một lĩnh vực, mọt phương diện nào đó thôi. Cuộc sống của con người ngày nay tuy đang ở thời điểm của nền văn minh và tiến bộ siêu tốc của khoa học kỹ thuật. Tuy vậy trong thực tế, đại đa số vẫn còn nghèo khổ lầm than, thiếu thốn đủ mọi phương điện, nên nguyên chuyện phải lo kiếm sống đã là vất vả gian nan rồi, chứ mấy khi còn thì giờ để mà mơ ước những chuyện cao siêu hơn.

Thế nhưng, theo Tác phẩm rất đặc sắc trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước, là sách "Khôn Ngoan" lại diễn tả rằng điều đáng mong ước hơn cả đối với con người chính là ĐỨC KHÔN NGOAN (Kn 6,8). Theo đó, người có đức khôn ngoan không những biết điều gì có giá trị và cần thiết nhất mà còn biết cách để đạt đến điều đó. Thế nên việc làm của người nông dân và người thương gia trong bài Tin Mừng trình thuật cho chúng ta, là hai tấm gương mà Chúa Giêsu muốn dùng để dạy mỗi người chúng ta: Phải sống khôn ngoan.
1. Cấu trúc của bản văn:
a. (câu 44-46): Giá trị của Nước Trời
* (câu 44): Dụ ngôn ví Nước Trời như Kho báu.
* (câu 45-46): Dụ ngôn ví Nước Trời như Viên ngọc quý.
b. (câu 47-50): Dụ ngôn lưới cá
c. (câu 51-52): Kết luận về các dụ ngôn.
2. Ý Tưởng :
Từ câu 44-46 có chứa đựng hai dụ ngôn. Được gọi là dụ ngôn sinh đôi, vì hai dụ ngôn nầy có cùng một trọng điểm và cùng một ý nghĩa: Cả hai đều nhắm đến giá trị của Kho tàng và Viên ngọc. Đồng thời cũng nói đến thái độ của người tìm được là "Bán" tất cả cái mình có để mua cho được (Sự quyết tâm với bất cứ giá nào để đánh đổi, để đạt cho bằng được).
* Giá trị của Nước Trời là Hạnh Phúc: Được sống với Thiên Chúa và hưởng niềm vui với Thiên Chúa => đòi hỏi nơi người muốn hưởng là chúng ta, những Kitô hữu phải quyết tâm sống như Chúa Giêsu và vâng theo Lời Ngài dạy: phải từ bỏ chính mình, phải lo lắng cho phần rỗi của mình trước tiên: "Tiên vản hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa ..." vì "Lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích chi". Sự quyết tâm từ bỏ những gì mình có, những gì mình yêu thích, những gì về vật chất mà mình quý trọng ... để với một mục đích là chiếm cho được Nước Trời. Một đòi hỏi quyết liệt, một sự từ bỏ quyết tâm, một sự đánh đổi mạnh liệt, can đảm ... dù phải đổ máu !
* Trong những cái tốt, phải biết chọn cái tốt nhất. Sách Khôn Ngoan dạy: "Cái đáng phải tìm kiếm là Thiên Chúa và Vương quốc hạnh phúc của Thiên Chúa.
Hai dụ ngôn nầy nhấn mạnh đến giá trị cao quý của Nước Trời, được ví như kho báu và viên ngọc quý mà khi người ta tìm được phải hy sinh bán tất cả những gì mình có với mục đích là mua cho bằng được.
* Điểm nhấn: Tìm thấy - Đi bán cái có - Mua cho được.
* Điểm nhấn thứ hai: Dụ ngôn 1: Tìm được do may mắn.
                                                                                 Dụ ngôn 2: Phải nhọc công đi tìm.
* Điểm nhấn thứ ba: Quyết định dứt khoát của người tìm thấy.
Sự từ bỏ quyết liệt để đánh đổi láy Nước Trời đã được dụ ngôn "Mẻ lưới" (câu 47-50) làm rõ nghĩa. Đời sống tốt lành, thánh thiện, đạo đức phụ thuộc của mỗi người sẽ được đền đáp; còn ngược lại, sẽ bị loại bỏ như kết quả của mẻ lưới được kéo lên, để chọn lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì vứt đi. Cũng giống như dụ ngôn "Cỏ lùng": Lúa tốt thì bỏ vào kho lẫm, còn cỏ lùng thì gom lại mà đốt đi. Ở ngày cánh chung, số phận của người lành thánh và kẻ gian ác được phân biệt rõ ràng: "được Hạnh phúc"; "bị Đau khổ".
3. Chú thích:
* Cả ba ví dụ về Nước Trời thì chỉ có Tin Mừng của Thánh Matthêu trình thuật.
* Không phải Nước Trời được so sánh như một kho báu, mà là cái thái độ của người tìm được kho báu, được so sánh với thái độ của khám phá ra Nước Trời. Vì vùng Trung Đông xưa kia thường xảy ra chiến tranh, loạn lạc nên người ta có thói quen chôn giấu vàng bạc, ngọc ngà châu báu ... Có khi vì thất lạc hay chủ bị chết nên kho tàng trở thành vô chủ.
* Ngọc: Là một loại vật chất có giá trị. Theo quan niệm của người Do Thái xưa, thì ngọc tượng trưng cho sự hạnh phúc. Nên có ngọc quý là hạnh phúc lớn nhất. Ở đây ngụ ý chỉ có Nước Trời mới là hạnh phúc lớn nhất.
* Ví dụ chiếc lưới thả xuống biển (câu 47) tương tự như dụ ngôn "Cỏ lung" (Mt 13,24t): Đây là hình ảnh của Giáo Hội hiện tại và Giáo Hội tương lai khi đến ngày thẩm phán của Thiên Chúa ở thời Cánh Chung. Mỗi người sẽ bị phân chia ra hai loại: người tốt kẻ xấu, như ngư phủ tách lựa cá tốt bỏ vào giỏ, cá xấu vứt đi hoặc như người nông dân gom lúa tốt bỏ vào kho lẫm, còn cỏ lùng thì gom lại mà đốt đi.
* ... lấy ra từ trong kho mình có cái mới lẫn cái cũ (câu 52): Người khôn ngoan hiểu biết thánh ý Thiên Chúa, sẽ biết dùng cả tinh hoa của Cựu Ước và Tân Ước, để áp dụng cho mỗi ngày sống, để trở nên thánh thiện và tiến gần tới Thiên Chúa hơn.
II. Ý chính bài Tin Mừng:
Qua các dụ ngôn diễn tả về Nước Trời. Với thái độ của người nông dân đối với kho báu và người thương gia đối với viên ngọc ; cũng như người ngư phủ làm công việc chọn lựa khi kéo mẻ lưới đầy cá: Chúa Giêsu muốn dạy mỗi người Kitô hữu chúng ta phải khôn ngoan, với thái độ và cách sống thật sáng suốt, can đảm và dứt khoát như các nhân vật điển hình trong dụ ngôn, để mỗi chúng ta cũng đạt được hạnh phúc trọn vẹn vĩnh cửu của Nước Trời.
            III. Áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống:
            Trong cuộc sống còn bao điều kỳ diệu đem đến hạnh phúc mà con người chưa khám phá ra, chưa cảm nhận hết mà lắm lúc còn thấy mâu thuẫn nữa là đàng khác ! Vì thế mà người thường thốt lên rằng: "Đời là bể khổ".
            Vâng ! Đời là bể khổ. Vì biết bao nỗi khổ làm đảo điên cuộc sống của con người. Mà cái gieo đau khổ cho con người nhất lại là những điều mà chính con người gây ra cho bản thân mình: Đó là đánh mất niềm hạnh phúc cả đời nầy lẫn đời sau. Vì tình yêu vô biên đối với tất cả loài ngươi, mà Thiên Chúa đã sai Con Một là Đức Giêsu đến thế gian để chia sẽ cái thân phận đau khổ của loài người và để cứu loài người thoát khổ bằng chính con đường đau khổ là Thập Giá, hầu đem lại hạnh phúc đích thực cho con người là Nước Trời.
            Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời: "Qua Thập Giá mới đạt tới vinh quang" và Ngài đã giới thiệu cho chúng ta biết "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống". Ngài đã dạy chúng ta mọi điều tốt đẹp cho cuộc sống và còn hứa sẽ trợ giúp khi mời gọi mỗi chúng ta "Hỡi những ai đang vất vã và khó nhọc, hãy đến với Ta. Ta bổ sức bồi dưỡng cho". Muốn đạt đến hạnh phúc vô biên với Chúa, là phải bước theo Chúa, sống như Chúa, làm như Chúa. Chúa Giêsu đòi hỏi nỗi người chúng ta phải sống từ bỏ: "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mọi sự mà theo". Sự từ bỏ mọi sự theo như những kẻ kém tin là một sự ngu dại. Thế nhưng lại là một sự khôn ngoan: "Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, ai mất mạng sống vì Thầy thì sẽ giữ được mạng sống", "Lời lãi cả thế gian mà đánh mất linh hồn thì được ích gì". Thế nên Chúa Giêsu đã đưa ra các dụ ngôn để diễn tả giá trị cao quý của cuộc sống hạnh phúc đời đời nơi vương quốc của Thiên Chúa: Là Nước Trời.
            Vậy để đạt cho được Nước Trời phải là công việc ưu tiên số một: "Tiên vả
 hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác Cha trên trời sẽ ban thêm cho". Thái độ phải có nơi mỗi người Kitô hữu chúng ta là am hiểu và cảm nhận bằng sự khôn ngoan, can đảm và dứt khoát, nhờ đó mà ta biết phải làm gì ? phải làm như thế nào để thực hành đúng Lời Chúa Giêsu dạy, hầu chiếm đoạt cho bằng được Nước Thiên Đàng hạnh phúc.
            Hãy siêng năng, nhiệt tình mà lo cho phần rỗi Linh hồn của mình và của anh chị em mình. Đừng biếng nhác, thờ ơ, thiếu cố gắng, hy sinh ... mà đánh mất "cả chì lẫn chài", "mất cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục thì uổng công lắm !".

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -