CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN . A

1/ (Is 55,10-11)    2/ (Rm 8,18-23)  3/ (Mt 13,1-23)
“HẠT GIỐNG LỜI CHÚA TRÊN MẢNH ĐẤT TÂM HỒN ”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Có lẽ hình ảnh người nông dân đi gieo hạt giống rất quen thuộc đối với tất cả chúng ta, mà có thể chúng ta đã hơn một lần cũng đã làm công việc này ! Vì thế, qua Dụ ngôn "Người gieo giống" mà bài Tin Mừng hôm nay tường thuật sẽ giúp mỗi người chúng ta dễ cảm nhận và hiểu rõ ý nghĩa mà Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cụ thể: "Người gieo giống, hạt giống và mảnh đất" để giúp chúng ta dễ hiểu và sống thực hành Lời Chúa trong cuộc sống, để tâm hồn chúng ta trở nên mảnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa được trổ sinh bông trái nhân đức.

1. Bản văn này (Mt 13,1-23) có thể chia làm 4 phần:
a. Các câu 1-3: Khung cảnh của Dụ ngôn.
b. Các câu 3b-9: Chính Dụ ngôn: "Người gieo giống".
c. Các câu 10-17: Các lý đoaãn đến Dụ ngôn mà Chúa Giêsu dùng để nói đến (câu 10-15). Sự khác biệt giữa Môn đệ và những người khác (câu 16-17).
d. Các câu 18-23: Lời giải thích Dụ ngôn "Người gieo giống".
2. Tìm hiểu ý nghĩa Dụ ngôn "Người gieo giống":
a. Người gieo: Nếu xét theo công việc thì "người gieo giống" nầy là hạng người cẩu thả rất thiếu thận trọng trong khi tung hạt giống. Nhưng xét về chiều kích ý nghĩa của đoanh Tin Mừng, thì tác giả muốn diễn tả đến "Hạt giống", khi người tung gieo hạt, thì hạt giống vung vãi khắp nơi.
b. Hạt giống: Hạt giống đây chính là "Lời Chúa". Lời Chúa được Mặc khải cho hết mọi người qua mọi thời. Nhưng tùy thuộc vào từng hạng người đòn nhận, để từ đó trổ sinh ân sũng.
c. Mảnh đất: Muốn diễn tả tâm hồn của con người đón nghe, lãnh nhận. Tùy theo từng cá nhân nên tác giả muốn diễn tả: Hạt rơi bên vệ đường, hạt rơi vào sỏi đá, hạt rơi vào bụi gai, hạt rơi vào đất tốt.
Qua Dụ ngôn muốn nói lên tính quảng đại của người gieo giống là Thiên Chúa và tính phổ quát của công việc Rao giảng Lời Chúa của Giáo Hội. Theo ý nghĩa ấy, thì nếu không thấy hạt giống Lời Chúa mọc lên ở nơi nào, trong người nào, thì không phải là lỗi của người gieo cho bằng nơi ấy, người ấy đã không là mảnh đất tốt, không để cho hạt giống Lời Chúa mọc lên.
3. Lấy tiêu chuẩn nào để xếp loại đất ?
Lấy năng suất để xếp loại đất tốt hay xấu. Muốn xếp loại con người căn cứ vào đời sống: Có biến đổi và trưởng thành để nên công chính và thánh thiện trong lời nói, nơi việc làm và cung cách sống hay không ! Đời sống của mỗi Kitô Hữu được ví như 4 loại đất, tương ứng với 4 loại tâm hồn:
* Trước hết là loại tâm hồn khô cứng, cố chấp trong sai trái, tội lỗi ... giống như đát trên con đường đi. Hạt giống Lời Chúa chỉ nằm trơ bên ngoài tâm hồn, không thể thâm nhập vào bên trong được, vì thế đã bị chim trời lượm mất.
* Kế đến là loại tâm hồn hời hợt, nông nổi, ngông cuồng, ngần ngại và nhất thời, giống như mảnh đất sỏi đá. Hạt giống Lời Chúa không thể bám rễ sâu và phát triển được. Khi gặp những khó khăn, những bách hại thì thối lui, vấp ngã, mất niềm tin: Khước từ, chối bỏ ... dù là giả bộ.
* Tiếp đến là loại tâm hồn bị ràng buộc, bị áp lực, chằng chịt bởi lo cho công việc làm ăn, bởi những thói hư tật xấu, tệ nạn, những đam mê, những thú vui trần tục trong dâm đảng, say sưa, bận rộn cho những việc không đâu ra đâu. Coi thường việc đạo đức, không yêu thích việc lành thánh, bỏ bê việc phục vụ ... như mảnh đất đầy gai góc. Hạt giống Lời Chúa bị bóp nghẹt không thể phát sinh kết quả tốt được, nên bị lãng quên !
* Sau hết là loại tâm hồn ngay lành, thánh thiện, đạo đức, công chính, luông thành tâm thiện ý trong mọi công việc, nhất là việc bác ái yêu thương, sống công bằng. Biết siêng năng đón nghe, đọc, suy niệm và áp dụng thực hành Lời Chúa dạy, nên giống như mảnh đất tốt, mầu mỡ, nên hạt giống Lời Chúa đã phát sinh, kết quả bội thu, hạt sinh được 100, hạt 60, hạt 30.
4. Ý nghĩa và sự cần thiết của Lời Chúa cho mỗi người:
* Hạt giống chính là "Lời Chúa": Lời Chúa là Lời Hằng Sống. Lời Chúa là Lời Mặc Khải. Lời Chúa là Lời Cứu Độ, được ví như hạt giống tốt.
Lời Chúa có sức thánh hóa và biến đổi tâm can con người. Lời Chúa là chính Chúa. Lời Chúa là ngọn đèn: "Lời Chúa là đèn dọi bước con đi".
Vì thế, Lời Chúa rất cần thiết cho đời sống của mỗi người, nhất là người Kitto Hữu. Cũng Lời của Chúa Giêsu, nhưng kết quả khác nhau ở tất cả mọi hạng người: Từ các Biệt phái, Luật sĩ, các Vua quan, người phú hộ đến kẻ nghèo khó, người được xã hội ưu đãi hay kẻ bị bỏ rơi; người ngay lành công chính đến những tội nhân ... đều được loan báo và đón nghe. Nhưng sự biến đổi là tùy thuộc vào sự thành tâm, ý thức tự tâm hồn của từng hạng người.
Như vậy, chính Lời Chúa là Chân lý, là sự thật, sự sáng và là sự sống cho tất cả mọi người. Giúp mỗi người nhận ra được giá trị nội tại của Lời Chúa, để chúng ta đón nhận, lắng nghe và thực hành, để sửa đổi cách sống cho phù hợp với Lời Chúa dạy, biến tâm hồn trở thành miếng đất tốt, mầu mỡ cho Lời Chúa trổ sinh bông trái tất lành trong ta, để những ân sũng dồi dào của Chúa tồn tại và phát triển, để từ nơi ta, Lời Chúa được loan truyền đến với tất cả mọi người chung quanh ta trong sứ vụ Truyền Giáo.
* Người gieo giống chính là Thiên Chúa: Sứ mệnh rao giảng đã được Chúa Giêsu truyền lại cho Giáo Hội qua các Tông đồ. Từ Giáo Hội, mỗi người Kitô Hữu nhận lãnh bổn phận và trách nhiệm làm chứng nhân trong chứ vụ Tông đồ, để rao giảng Lời Chúa cho muôn dân: "Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28,20).
II. Chú thích:
* "Người gieo giống ra đi gieo ..." (câu 3): Hình ảnh người gieo giống cũng từng được Cựu Ước đề cập (Hs 2,25; Dc 6,12t; ...). Ở đây Chúa Giêsu nhằm loan báo một biến cố Cánh chung: Thời sau hết đã bắt đầu, Thiên Chúa đã gieo hạt giống của Người trên mặt đất. Và rồi ngài sẽ xem xét đến những kết quả của những hạt giống nơi các mảnh đất tâm hồn của từng người.
* "Hạt rơi trên sỏi đá, bụi gai, vệ đường ...": Ngụ ý nói đến những hoàn cảnh mà hạt giống không thể lớn lên để sinh hoa kết quả. Ở Palestin, người ta gieo hạt giống trước khi cày bừa để láp hạt giống. Tuy nhiên việc canh tác thời bấy giờ còn kém về kỹ thuật, không tiến bộ, không kỹ lưỡng như ngày nay, nên bụi gai và sỏi đá trong đám ruộng là chuyện bìn thường.
* "Ai đã có thì được cho thêm ..." (câu 12): Ở đây, Thánh Matthêu ngụ ý nói về người Do Thái đã có Cựu Ước, thì được thêm Tân Ước để nên hoàn thiện. Còn người tưởng mình đã có Lề Luật Môisen nhưng chỉ giữ cái hình thức bên ngoià thì phải là giữ luật thực sự, mà là kiêu ngạo không muốn đón nhận Tân Ước, thì họ sẽ bị mất hết tất cả chẳng còn chi nữa !
*  câu 14-15: Trích Ngôn sứ Is 6,9-10. Ngụ ý nói lên tình trạng dân chúng ham mê đời sống vật chất, đến nỗi lơ là với các giá trị tinh thần chân chính đem lại sự sống đời đời, nên dù có nghe mà chẳng hiểu được gì !
III. Áp dụng theo Ting Mừng:
            "Lời Chúa là ngọn đèn dọi cho con bước". "Ai nghe và thực hành Lời Chúa là kẻ có phúc". "Mẹ và anh em của Thầy là những người nghe và thực hành Lời Chúa".
            * Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong cuộc sống. Xin cho tâm hồn trở nên mảnh đất tốt để Lời Chúa trổ sinh trong con những nhân đức. Xin cho con hằng luôn áp dụng thực hành những gì mà Chúa đã dạy con.
            * Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài gọi con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên trả lời vừa khi con nghe Chúa. Xin cho con biết thân thưa lạy Ngày, Ngài muốn con làm chi ?

            => Lời Ngài là sức sống của con, Lời Ngài là Ánh sáng đời con, Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài làm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi, Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời, Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.