CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG . A

CHỜ CHÚA ĐẾN TRONG NIỀM VUI CUỘC SỐNG
Mt (11,2-11)
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
            Bước vào Chúa Nhật III Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta được tiếp cận Lời Chúa Mt (11,2-11) => để chúng ta nhận ra được mối tương quan giữa Người được loan báo là Đấng Thiên Sai với kẻ dọn đường và loan báo là Gioan Tiền Hô, và để chúng ta thấy rõ mẫu gương của Gioan Baotixita , kẻ dọn đường đón Chúa đến, hầu mỗi người cũng phải biết làm như thế khi nhận ra Chúa đang đến với chúng ta trong từng ngày sống! Thánh Gioan Baotixita là một trong ba mẫu gương nổi bật trong việc  đón Chúa đến trong mùa vọng.
Hai vị kia là Đức Maria và Ngôn sứ Isaia, mà với tư cách và lối sống của vị Tiền Hô này đáng được mọi tín hữu chúng ta phải học đòi noi theo. Còn Đấng Cứu Thế đến, phải đến thì đã đến. Ngài đã đến trong tính cách mà các Ngôn sứ đã loan báo, chứ không đến như người ta ước vọng theo thị hiếu phàm trần. Đó chính là tâm điểm mà bài Tin Mừng đề cập đến.
II. Phân tích:
1. Chủ đích:  Đoạn Tin Mừng (Mt11,2-11) nói đến cái gì ? nhằm mục đích nào ?
* Đoạn Tin Mừng (Mt11,2-11) trình bày thắc mắc của Gioan Baotixita về căn tính của Đức Giêsu => Lời giải đáp của Chúa Giêsu cho Gioan Baotixita qua Môn đệ của Ông về những điều mắt thấy tai nghe => Qua những việc làm và lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Ngài chính là Đấng Messia (Is 26,19; 29,18; 35,5; 61,1) và từ đó, cho chúng ta thấy căn tính và vai trò của Gioan Tiền Hô, là kẻ dọn đường cho Chúa Giêsu.
* Matthêu trình bày những điều trên là nhằm giới thiệu cho chúng ta về Đức Giêsu. Ngài chính là Đấng Thiên Sai, là Đấng Messia, là Đấng Cứu Thế.
2. Phân đoạn:
+ (2-6): Gioan Baotixita sai Môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu , xem Ngài có phải là Đấng phải đến hay không (c2-4) và Chúa Giêsu đã trả lời cho Gioan Baotixita (c5-6).
+ (7-11): Quan niệm và cái nhìn của Chúa Giêsu về kẻ dọn đường là Gioan Baotixita.
3. Chú thích: 
            * Gioan Baotixita đang ngồi tù (c2): Vua Hêrôđê Cả là người đã tu sửa đền thờ Giêrusalem, Vua có 3 người con cùng cha khác mẹ là: Hêrôđê Antipat, Hêrôđê Philip và Aritôbulô. Gioan Baotixita vì đã can đảm trách cứ việc làm sai trái về đời sống luân lý của vua Hêrôđê Antipat, là dám lấy em dâu (vợ của Hêrôđê Philip) làm vợ mình, nên đã bị ông này bắt bỏ tù ở miền cực nam Pêrêa, trong pháo đài và cũng là cung điện Machéronte, từ tháng 4 năm 28 tới khoảng tháng 3 năm 29 thì bị chém đầu. Mặc dù bỏ tù Gioan Baotixita, nhưng vua vẫn có lòng kính trọng Gioan Baotixita, nên nhà vua vẫn cho các Môn đệ của Ngài vào thăm gặp thường xuyên.
            * Đức Kitô: Đấng được xức dầu, Đấng Cứu Thế (Messia), Đấng phải đến là Đấng mà Thiên Chúa đã hứa, mà dân chúng đang mong đợi.
            * “Những điều mắt thấy tai nghe” (c4): Chúa Giêsu dùng lời Tiên Tri Isaia (Is 29,19; 61,1) để trả lời, với dụng ý là Ngài đã thực hiện theo như lời Ngôn sứ đã loan báo về Đấng Thiên Sai, hay nói cách khác “cứ xem quả thì biết cây”, cứ những điều đã nghe lọt tai, đã thấy tận mắt thì là sự thật. Do đó, chính Ngài là Đấng phải đến chớ không còn ai khác ngoài Chúa Giêsu.
            * “Phúc thay người nào không vấp ngã vì Tôi” (c6): Vấp ngã nghĩa là bị chướng ngại, bị cạm bẫy làm cho té ngã. Người Do Thái có thể bị vấp ngã vì nghĩ về Đấng Thiên Sai khác với Chúa Giêsu, họ vẫn nghĩ và mong ước Đấng đó sẽ đến giải thoát dân khỏi cảnh đô hộ của Đế quốc Rôma và khôi phục lại cho đất nước được hưng thịnh.Thế mà Chúa Giêsu lại chỉ giảng dạy, làm phép lạ, thực hiện những việc đạo đức hơn là những việc chính trị, nên Chúa Giêsu  đã nói cho họ rằng “Ta là Đấng Cứu Thế, như vậy đó, đừng nghĩ khác mà bị vấp phạm, đừng sống theo ý riêng mình mà không tiếp nhận Ngài = có nghĩa là mất Ơn Cứu Độ!
            * “Cây sậy” (c7): Nói lên sự mỏng dòn yếu đuối. Không phải là nói về Gioan Baotixita như thế, nhưng Ngài phải là hình ảnh ngược lại: Kiên trì, can đảm, bất khuất. . . đây là nét tiêu biểu của Gioan Baotixita, thể hiện rõ nhát là với những Biệt phái (Mt 3,7), và với vua Hêrôđê Antipat (Mt 14,4).
* “Mặc gấm vóc lụa là” (c8): Ở nơi hoang địa làm sao có cảnh xa xỉ ấy! nơi đây chỉ có cảnh một người sống khắc khổ, thanh bạch, đạm bạc khó nghèo (Mt 3,4) chính là lối sông của các tiên Tri (2V 1,8). “Muốn đẹp lòng người khác bằng nhân đức hơn là áo mặc bên ngoài” (Luật Tu Đức Thánh Augustinô).
* Ngôn sứ (c9): Là người được Thiên Chúa chọn gọi và sai đi đến với dân, để đem Lời Thiên Chúa nói cho dân, chỉ dạy, bảo ban, an ủi và hướng dẫn dân.
* “Đây còn hơn cả Ngôn sứ” (c9): Gioan Baotixita là vị Ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước và người giao thời của thời Tân Ước. Ngài còn hơn là Ngôn sứ vì Ngài chính là vị Tiền Hô, là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ngài được diễm phúc hơn các Ngôn sứ là thấy Chúa Giêsu, là Đấng Thiên Sai Cứu Thế và còn giới thiệu cho nhiều người biết, để đón nhận Chúa Giêsu, đặc biệt là các môn đệ của Ông đi theo Chúa Giêsu. Điều mà các Ngôn sứ khác không có được là ơn khỏi tội Tổ Tông từ trong lòng mẹ.
            * “Nầy Ta sai sứ giả Ta đi trước mặt con” (c10): Đây là lời Ngôn sứ Malakhi (Ml 3,1), có ý nói về Tiên Tri Elia, và còn được hiểu đúng về Gioan Baotixita trong vai trò Tiền Hô cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế (Mt 11,14; 17,10-13).
            * “Chưa từng có ai cao trọng hơn” (c11): Câu này được hiểu về quá khứ chứ không về tương lai, về Cựu Ước chứ không về Tân Ước => so sánh Gioan Baotixita với những Ngôn sứ trước Ông. Gioan Baotixita cao trọng hơn là vì nhiệm vụ Tiền Hô, dọn đường của ông.
            * “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (c11): Nước Trời đay là chế độ Tân Ước. Muốn so sánh chế độ Cựu Ước và Tân Ước: Cựu Ước là chế độ luật pháp, còn Tân Ước là chế độ ân sũng, không có ý so sánh cá nhân, mà nói đến Tân Ước vượt hơn Cựu Ước.
III. Áp dụng theo Tin Mừng:
            1. Nhìn vào Chúa Giêsu: Khi Gioan Baotixita sai Môn đẹ của mình đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy,Thầy có phải là Đấng Thiên Chúa sai đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác ?”. Chúa Giêsu đã trả lời với họ rằng: “Cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắtthấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được khỏi, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,3-5) => Qua những việc làm, những lời giản dạy của Chúa Giêsu. Minh chứng Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian để Cứu Độ loài người. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy dùng chính lời nói và việc làm của mình để giới thiệu cho mọi người biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, để tất cả mọi người cũng tin vào Ngài mà được cứu độ.
            Để làm nổi bật vai trò của kẻ dọn đường cho Ngài, Chúa Giêsu đã khen Gioan Baotixita là kẻ cao trọng nhất, vì ông đã biết chuẩn bị cho sứ vụ của mình bằng cuộc sống hy sinh khắc khổ chay tịnh và can đảm làm chứng. Thế nhưng, Chúa Giêsu còn khẳng định kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan Baotixita => nghĩa là Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta được trở nên cao trọng và hạnh phúc trong Nước Trời. Tin vào Lời Chua, chúng ta cũng hãy cố gắng sống theo gương Chúa Giêsu, như Gioan Baotixita, để trở nên kẻ được diễm phúc nhất, khi chúng ta biết chu toàn sứ vụ truyền giáo của mình.
3. Phút suy tư: Trong thế giới hôm nay, khi khoa học tiến bộ vượt bậc để phục vụ con người, thì cũng là lúc đà tiến đó kéo con người vào cơ chế kinh tế thị trường, chạy đua theo vật chất nên con người đã và đang đánh mất chính mình về vấn đề đạo đức. Ngày nay có bao nhiêu người Kitô hữu vẫn còn cái nhìn vào Chúa Giêsu và đòi nơi Ngài một tính cách khác hẳn với việc Ngài làm và những lời Ngài dạy dỗ trong Tin Mừng. Thế nhưng Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là Đức Giêsu. Lời Chúa không thể qua đi dù cho lòng con người có đổi thay! Đức Giêsu vẫn là Đức Giêsu của lòng thương xót, đầy nhân hậu với tất cả mọi người đặc biệt là những kẻ tàn tật, khốn khổ. . . Và ai muốn đón nhận Ngài thì cũng phải kiên trung, khẳng khái trong niềm tin yêu hy vọng vào tình thương của Ngài, sống gắn bó thực sự với Ngài trong từng ngày sống mới có thể đạt được hạnh phúc! Vậy lối sống đạo thiếu niềm tin, thiếu nhiệt tình, thiếu việc làm là lối sống đạo không hợp thời. Vì “Đức tin không việc làm là đức tin chết”, Không phải kêu lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời đâu”.
Chính vì thế, chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, là lúc phải khẳng định lại cách “sống đạo” một cách thành tâm hơn, chúng ta mới có thể cảm nhận sâu sắc và thực hiện được sứ mệnh dọn đường đón Chúa đến trong cuộc đời. Nhìn vào Gioan Baotixita, Ngài đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để chu toàn nhiệm vụ dọn đường của mình. Chúng ta cũng phải noi theo Gioan Baotixita “sống đạo” trong mọi cảnh huống của cuộc đời để trở nên nhân chứng  của kẻ dọn đường cho Chúa Giêsu! Vì Chúa Giêsu như thế để khi làm cho kẻ mù xem thấy, người què đi được, . . . còn chúng ta là những Kitô hữu đã làm gì với một xã hội còn nhiều đui mù, que quặt. . . về đủ mọi mặt !?!
- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -