CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG . A

HÃY DỌN TÂM HỒN ĐỂ ĐÓN CHÚA ĐẾN
(Mt 3,1-12)
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
            Trong niềm vui hân hoan và kỳ lạ biết bao với lời loan báo của Đại Ngôn sứ Isaia về dung mạo và thời đại của Đấng Messia – Lời loan báo đó đã vang vọng cất lên 7 thế kỷ trước khi Đức Giêsu, Đáng Thiên Sai Cứu Thế, cất tiếng khóc chào đời giữa đêm đông giá lạnh nơi cánh đồng Bêlem. Lời loan báo của Isaia đầy hình ảnh sống động, cụ thể và giàu tính biểu tượng quả là những tia sáng không chỉ làm sáng tỏ vai trò của Đấng Thiên Sai, mà còn làm nổi bật sứ mệnh của kẻ loan báo và dọn đường cho Đấng Cứu Thế, qua các thời đại là các Ngôn sứ và nhất là kẻ dọn đường Gioan Tẩy Giả (Gioan Baotixita),
hầu giúp mỗi người chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc hơn về những “Giáo Huấn” của Chúa Giêsu, và về vai trò của mỗi người chúng ta trong thế giới hôm nay: Cũng chính là “kẻ loan báo và dọn đường” cho mọi người biết chuẩn bị để mừng đón Con Thiên Chúa đến, đồng thời cũng biết chuẩn bị cho chính mình có một tâm hồn sám hối để xứng đáng đón mừng Chúa đến từng giây từng phút của cuộc đời và nhất là ngày Đức Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang.
II. Phân tích:
1. Chủ đích:  Đoạn Tin Mừng (Mt 3,1-12) mời gọi hoán cải => Hoán cải là thái độ thay đổi hoàn toàn con người của mình, cải tà quy chánh => Từ suy tư, nghĩ suy đến cách xử thế qua các việc làm cụ thể, để cần học hỏi và tìm biết cách sâu rộng và chắc chắn hơn về chân lý, hầu có quyết tâm thực hành thay đổi lối ssống; những gì chưa tốt, chưa hoàn thiện, chưa làm, . . . Phải cố gắng hơn để thay đổi cách nhìn hướng về Thiên Chúa => Sống trong, sống nhờ và sống với Thiên Chúa, đồng thời hướng đến anh chị em để thể hiện tình yêu thương mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện trong đời sống.
2. Phân đoạn:
+ (1-6): Phải sám hối vì Nước Trời đã đến gần!.
+ (7-12): Phải mau hoán cải vì Đấng Thiên Sai đến nơi rồi!.
3. Chú thích: 
      * Ông Gioan Tẩy Giả (c1): Còn được gọi là Gioan Baotixita, hay Gioan Tiền Hô, là kẻ dọn đường cho Đấng cứu thế. Con của Tư tế Zacaria và bà Elizabeth, sinh trước Chúa Giêsu khoảng 6 tháng (Lc 1,36), có họ hàng với Chúa Giêsu. Được khỏi tội Nguyên Tổ (Lc 1,44). Sống ẩn mình trong hoang địa, ăn châu chấu và uống mật ong rừng, mặc áo lông da thú (Mt 3,4). Xuất hiện giảng dạy cho dân, kêu gọi sám hối và đã làm phép rửa Thống Hối cho những người ăn năn, để dọn lòng đón Chúa Cứu Thế đến. Ông cương quyết bảo vệ công lý và sự thật, chống lại sự sai trái về đời sống luân lý của vua Hêrôđê nên đã bị vua bỏ tù rồi bị chém đầu (Lc 3,20; Mc 1,14; 6,17-29).
   * Hoang địa (miền Giuđê): Là vùng hoang mạc khô cằn từ phía nam Jerusalem đến Biển Chết. Nơi Gioan Baotixita (JB) giảng là sông Jordan, cách Biển Chết khoảng 6Km ngang với thành Giêrikhô. Gioan Baotixita rao giảng nơi hoang địa mà không vào thành phố, như ngụ ý là: Đòi hỏi lòng sám hối, đòi hỏi phải có sự hy sinh là hành vi sám hối ăn năn.
   * “Sám hối”: Từ ngữ dùng để diễn tả thái độ của con người quyết tâm hướng về Thiên Chúa: “tìm kiếm Giavê” (Am 5,4); Os 10,12); “tìm kiếm nhan thánh Ngài” (Os 5,5; Tv 24,6; 27;8); “hạ mình trước mặt Ngài” (1V 21,29; 2V 22,19); “Quy hướng tâm hồn về Ngài” (1Sm 7,3). . . Nhưng từ ngữ thông dụng nhất là động từ “Sub” diễn đạt ý tưởng thay đổi đường đi để trở về. Trên bình diên tôn giáo, nó biểu thị việc người ta từ bỏ những gì xấu và quay về với Thiên Chúa. Đó là điểm chính yếu của hoán cải, bao hàm việc thay đổi tính hạnh, định hướng lại lối sống trong cách cư xử là những hành vi bên ngoài phải có đi kèm với lòng quyết tâm sám hối. Trong Hy ngữ thì dùng chung động từ “Epistrephein”: Chỉ sự quay về với Thiên Chúa và từ cuộc trở về này, phát sinh một thay đổi phẩm hạnh thực tiễn, và động từ “Métanoia” nhắm ý nghĩa hướng nội tâm, và động từ “Métanoia” chỉ nghĩa thống hối, ăn năn => Đổi dạ, thay lòng => Thay đổi não trạng, cách sống => đi từ tình trạng tội lỗi, bê tha trụy lạc, tệ nạn, lười biếng . . . sang tình trạng đạo đức, thánh thiện, siêng năng.
    * “Nước Trời”: Chính là nước Thiên Chúa, Vương quốc Tình Yêu của Thiên Chúa, thường gọi là Thiên đàng nơi hạnh phúc hoan lạc mà mọi người đang hướng tới. Hình ảnh Nước Trời được diễn tả qua Tin Mừng của Matthêu ở chương 13.
    * “Isaia”: Con của Amos (Is 1,1) được kêu gọi làm Ngôn sứ (Is 6,1-13), là một trong bốn Dại Ngôn sứ sống vào cuối thế kỷ 7 sang đầu thế kỷ 3. Sứ điệp của Isaia trình bày rất rõ nét về dung mạo, thân thể và sự nghiệp của Đấng Cứu Thế.
    * “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước. . . Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (c11): Gioan Baotixita đã xác định ông chỉ làm phép rửa ở dòng sông Giođan để bày tỏ lòng thống hối. Còn Chúa Giêsu sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần => Đây là Bí Tích mà Chúa Giêsu đã thiết lập để ban ơn Cứu Độ “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bằng nước và Thánh Thần” (Ga 3,5). Lửa cũng chính là biểu tượng của Thánh Thần (Cv 2,3): Do đó rửa bằng lửa là ngụ ý chúng ta được thanh luyện và thánh hóa nhờ Thần Khí để lãnh nhận sự sống mới trong Đức Giêsu Kitô. Vì Đức Giêsu Kitô đã sống lại cũng nhờ Thần Khí Thiên Chúa => chính là Chúa Thánh Thần (Thiên Chúa Ba Ngôi).
III. Áp dụng theo Tin Mừng:
     1. Nhìn vào Ngôn sứ Isaia: * Isaia đã được Thiên Chúa chọn, gọi và sai đến với dân. Ngài đã can đảm loan báo và giới thiệu cho mọi người về dung mạo, thân thể và sự nghiệp của Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu. Noi gương vị đại Ngôn sứ Isaia, mỗi người chúng ta hôm nay cũng hãy can đảm loan báo và giới thiệu cho mọi người về Chúa Giêsu, tin vào Ngài là Đấng đã hy sinh chịu chết để cứu độ mọi người.
2. Nhìn vào Gioan Baotixita là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế: Bằng một cuộc sống hy sinh, khắc khổ chay tịnh trong hoang địa để bổ dưỡng và chuẩn bị cho sứ mệnh dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Rao giảng kêu gọi mọi người thành tâm thống hối ăn năn để chuẩn bị tâm hồn đón ơn Cứu Độ và đã can đảm chịu chết để làm chứng cho công lý, cho sự thật. Noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, chúng ta cũng phải biết sống hy sinh trong chay tịnh, thống hối ăn năn để dọn lòng đón ơn Cứu Độ và can đảm làm chứng cho công lý vì sự thật trong hoàn cảnh của xã hội đầy gian tham, bất công và gian dối. . . Đồng thời cũng hãy nhiệt tình trong sứ mệnh dọn đường, loan báo và giúp cho mọi người cũng biết sám hối để chuẩn bị đón Chúa đến.
3. Phút suy tư: Thời Thiên Chúa Cứu Độ còn đang thực hiện nơi cuộc sống chúng ta qua việc loan báo của Giáo Hội. Bằng các nghi thức phụng vụ, cử hành các Bí Tích và lời giảng . . . như Gioan Baotixita xưa kia kêu gọi sống cuộc sống mới => Chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Chuẩn bị bằng việc thống hối và thanh tẩy khỏi những gian ác và đổi mới đời sống => suy nghĩ những điều tốt, thực hành các việc lành. Đó chính là khởi đầu cuộc sống cá nhân từng người chúng ta ngay trong giây phút hiện tại “tân, nhật nhật tân”=> nghĩa là từng giây phút, từng ngày sống, mỗi người phải “làm đẹp” tâm hồn mình để chuẩn bị đón Chúa đến và cũng là bước sửa soạn cho gia đình mình, xã hội mình đang sống trở nên “Hang đá” xứng đáng đón Chúa. Công việc này thật quan trọng và gấp rút để đón ơn Cứu Độ, cũng là để tránh cho mình, gia đình mình và cả xã hội loài người khỏi “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa dưới nhiều hình thức! và nhất là để tận hưởng cảnh “Trời mới, Đất mới” trong bình an và hạnh phúc mà các Thiên Thần Chúa loan báo trong đêm Chúa Giêsu Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng Trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
* Vậy việc ăn năn sám hối tội lỗi mình, thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin Mừng là một điều rất phải thực hiện, không thể chấn chờ, hời hợt và bỏ qua!
* Tôi đã trải qua bao nhiêu Mùa Vọng rồi? Nhưng tôi đã thay đổi, đã chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong cuộc đời của tôi ? Hay tôi chỉ “Sống Đạo” theo kiểu giữ “luật đi đường” để khỏi bị phạt tiền?
- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -