CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN . A

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN . A
1/ Xh 22,20-26)    2/ (1Tx 1,5c-10)  3/ (Mt 22,34-40)
“ĐIỀU RĂN LỚN NHẤT, QUAN TRỌNG NHẤT”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu với các luật sĩ, Biệt phái, Xa-đốc, phái Hêrôđê, Kỳ mục, Thượng tế … càng ngày càng mạnh liệt và gay cấn. Họ tìm đủ mọi cách trong mọi dịp để giăng bẩy, tìm mọi sơ hở để tố cáo và thanh toán Chúa Giêsu cho hợp luật. Từ những câu hỏi về nộp thuế cho Hoàng đế (Mt 22,15-22) đến vấn đề kẻ chết sống lại (Mt 22,23-33). Rồi đến giới răn trọng nhất (Mt 22,34-40). Trước các âm mưu gài bẩy đầy ác ý của họ, Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho thấy nơi Ngài, một sự khôn ngoan trổi vượt và một lập trường với quyền uy của Đấng ban luật. Vì những con người lầm lạc và chai đá nầy vẫn không nhận ra vai trò Thiên Sai của Ngài… Để rồi họ phải nghe những lời quở trách nặng nề từ miệng Chúa Giêsu (Mt 23,13-36), Đấng luôn nhân hậu và khiêm tốn (Mt 11,29) không thể im mãi trước những gian ác của họ. Câu trả lời của Chúa Giêsu chỉ nhắc lại luật Cựu Ước, tuy nhiên Chúa Giêsu đã kết hợp các luật đó thành một thực tại duy nhất, làm nền tảng cho mỗi Kitô hữu sống trong Giáo Hội mà Ngài thiết lập: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

1. Phân đoạn:
a. Câu 34-36:  Ý đồ gian ác trong cách đặt câu hỏi.
b. Câu 37-40: Chúa Giêsu phân tích và giải nghĩa giới luật quan trọng nhất “Kính Chúa, yêu người”
            2. Câu hỏi đặt ra cho Chúa Giêsu nan giải ở điểm nào ?
* Theo Matthêu, thì đây là một câu hỏi rất nhẹ nhàng nhưng lại rất nan giải, mà nhóm Pharisiêu và Luật sĩ cấu kết lại để thử Chúa Giêsu. Trong cơ cấu văn chương của Matthêu, thì đoạn văn nầy được hiểu như một trình thuật về cuộc xung đột thứ ba trong bốn cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các Đầu mục Do Thái. Sau vấn nạn về việc nộp thuế (Mt 22,15-22) đến vấn đề kẻ chết sống lại (Mt22,23-33), rồi về Con Vua Đavid (Mt 22,41-46). Đây là câu hỏi về giới răn nào trọng nhất (Mt 22,34-40): “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất ?”.
* Câu hỏi nan giải ở đây là “Điều răn nào lớn nhất”. Vì các Giáo sĩ Do Thái bao giờ cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng ngang nhau của 10 Giới luật.
* Vậy khi họ đặt câu hỏi: “Điều răn nào lớn nhất” trong lề luật tức là giả định có một giới răn lớn nhất, trọng nhất. Như vậy khi xuất phát từ câu hỏi ấy mà trả lời thì khó tránh khỏi việc ưu tiên giới răn nầy mà bỏ giới răn kia. Vả nếu đúng thì giới răn đó lớn như thế nào. Mà khi xác định đã sai thì kẻ thù địch sẽ lợi dụng thời cơ để hạ uy tín.
3. Câu trả lời của Chúa Giêsu độc đáo ở điểm nào ?
* Theo TOB, nét độc đáo không nằm ở chỗ đề ra hai lề luật “Mến Chúa và Yêu người” vì trong Cựu Ước đã quá quen thuộc với hai luật nầy (Lv 19,18; Tl 6,5). Nhưng độc đáo ở chỗ là Chúa Giêsu đã liên kết hai luật ấy lại với nhau mà cho chúng một tầm quan trọng ngang nhau và nhất là ở chỗ đơn giản hóa và tập trung tất cả các lề luật vào hai lệnh truyền “Mến Chúa và Yêu người”.
* Hai giới răn về tình yêu là hai giới răn quan trọng nhất trong 613 điều qui định mà người Do Thái phải tuân giữ, có nghĩa là “Kính Chúa và yêu người” thâu tóm tất cả 10 giới luật và các điều qui định, chứ không chỉ là ớn nhất, trọng nhất. Căn cứ vào lời của Chúa Giêsu ở câu 40: “Tất cả luật Môisen và các sách Ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy”. Có nghĩa là sống luật là áp dụng luật để thực hành trong đời sống, để đạt đến mục đích, cứu cánh hạn phúc Nước Trời, phải dựa trên nền tảng là “Kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương mọi người như chính mình”.
4.Như vậy chúng ta phải thi hành luật ấy như thế nào ?
* Phải thâu tóm mọi lề luật vào luật yêu thương mà thôi. Bởi vì đây là điều căn bản và cốt lõi của tất cả lề luật. Vậy phải thâu tóm như thế nào ?
* Có nghĩa là không giữ luật vì luật mà chỉ giữ các luật khác như những hình thức cụ thể của luật yêu thương, vì đây là nền tảng. Ví dụ: “Nếu chúng ta đi dự Thánh Lễ Chúa Nhật vì luật buộc mà thôi, thì chúng ta chưa chu toàn lề luật theo tinh thần của Chúa Giêsu, nên đi cho xong, đi cho rồi … thiếu tâm tình chân thành, vì không có tình yêu nền tảng: “Kính thờ Thiên Chúa và yêu thương nhau” => nên đi trể, thích ngồi ngoài, thiếu tập trung chú ý đến từng lời kinh nguyện…
* Trái lại, nếu muốn sống theo tinh thần của Chúa Giêsu thì phải giữ luật ngày Chúa Nhật như một cách thế để sống tình yêu đối với Thiên Chúa trong việc thờ phượng Ngài trên hết mọi sự và chân thành với cộng đoàn Giáo xứ, mà mình là thành viên.
5. Chúa Giêsu đã đặt luật “yêu thương” ngang luật “Mến Chúa”. Vậy phải giữ luật yêu người như thế nào ?
* Chúa Giêsu nói là phải thực hành hai giới răn yêu thương cụ thể như thế nào, phải chăng đây là hai đường hướng khác biệt nhau của tình yêu ?
Nhưng trong cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy đâu là mối tương quan giữa hai tình yêu đó: Trong đời Ngài, việc hoàn thành tôn ý của Thiên Chúa Cha và tình yêu phục vụ nhân loại, mà Ngài phải hoàn tất công trình cứu chuộc, nhưng tình yêu ấy không tách khỏi tình yêu Thiên Chúa, vì đó là ý của Thiên Chúa Cha (Mt 20,28). Chúng ta cũng thấy điều này được khẳng định một cách tuyệt đối trong các thơ Của các Tông Đò và đặc biệt trong đoạn văn thời danh sau đây: “Nếu ai nói yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình thì nó là kẻ nói dối; vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy trước mặt, tất không thể yêu mến Thiên Chú, Đấng có chẳng thấy bao giờ”. Và đây là lệnh truyền mà chúng ta đã lĩnh hội nơi Chúa Giêsu: “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì hãy yêu mến anh em” (1Ga 4,20-21).
* Yêu anh em không có nghĩa là yêu họ chỉ vì Thiên Chúa đòi buộc, chỉ vì để vâng lời Thiên Chúa. Mối dây liên kết mà Chúa Giêsu thiết lập giữa hai giới răn chẳng phải là một mối dây ngoại tại, pháp lý tự ý Ngài bày ra, nhưng là nằm trong lý luận của Thiên Chúa, trong chính bản chất của “Thiên Chúa là tình yêu” và trong bản chất của mọi sự vật mà Thiên Chúa đã tạo dựng. Nên chúng ta không thể yêu mến Ngài mà không yêu mến anh em. Và không phải chúng ta làm như thế vì anh em … mà trng thâm tâm lại làm vì Thiên Chúa. Thiên Chúa đích thực chẳng phải là sản phẩm của những ước vọng và những tưởng tượng đạo đức của con người. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của nhân loại chúng ta, đã can thiệp vào lịch sử con người bằng cách trở nên liên đới với con người. Ngài đồng hóa với con người (Cv 9,5) đến nỗi từ đây ta không thể phân biệt Ngài khỏi con người nữa: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta …” (Ga 1,14). Thành thử khi thực sự yêu tha nhân vì họ là anh em, chúng ta sẽ yêu Thiên Chúa vì Ngài là Cha của chúng ta. Chỉ một tình yêu, cũng như con người chỉ một trái tim, chỉ một tấm lòng vậy !
6. Luật yêu thương mà Chúa Giêsu truyền ban liên quan đến đời sống của Kitô hữu như thế nào ?
a/ Luật đó đòi buộc như thế nào đối với Thiên Chúa là Cha ? Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, cho nên tình yêu đối với Thiên Chúa cũng phải tuyệt đối. Phải yêu Thiên Chúa bằng cả con người của mình: Hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn … Đó là đòi buộc tất yếu của tình yêu đối với Thiên Chúa nữa. Nên chúng ta phải đáp trả lại tình yêu mà Thiên Chá đã thực hiện qua Con Một là Chúa Giêsu đối với tất cả chúng ta: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu hiến mạng cho người yêu”.
b/ Tại sao luật yêu thương đòi buộc yêu tha nhân như yêu chính mình ?
* Trước hết đó là nền tảng của tình yêu Thiên Chúa => Thiên Chúa yêu chúng ta => nên ta phải yêu bản thân mình là hình ảnh của Thiên Chúa. Thứ đến phải yêu tha nhân như yêu bản thân mình, vì họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa => yêu hết mọi người, kể cả kẻ thù (Mt 5,38-47), vì sống tình yêu là nên trọn là như Cha các con trên Trời là Đấng trọn lành (Mt 5,48) => Như thế là sống trong tình yêu chân thật: là tình yêu Thiên Chúa. Yêu mà chưa phải vì người thì chưa phải là tình yêu thực. Yêu mà còn vì mình thì chỉ là lòng ích kỷ trá hình mà thôi => Tình yêu nhất thiết đòi phải quên mình !
II. Ý chính bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu đã tóm kết toàn bộ luật Cựu Ước: gồm 10 Điều răn và 613 điều lệ trong luật Do Thái giáo (gồm 365 điều cấm và 248 điều quy định) vào hai giới rân căn bản là “Mến Chúa và yêu người”. Đồng thời Ngài nói lên tầm quan trọng và sự liên kết mật thiết bất khả phân giữa hai lề luật, đến nỗi nếu thiếu một trong hai luật đó thì không thể coi là đã giữ luật và cũng không thể nói là có Đức Tin, là đã sống đức thờ phượng Thiên Chúa.

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -