CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG
NIÊN . A
1/ Is 25,6-10a) 2/ (Pl 4,12-14.19-20) 3/ (Mt 22,1-14)
“TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐƯỢC
MỜI DỰ TIỆC NƯỚC TRỜI”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Từ cổ chí kim, từ xưa tới nay, tuy
cuộc sống của con người có nhiều thay đổi, nhưng hình ảnh “bữa tiệc” luôn gợi
lên một ý nghĩa, diễn tả sự quy tụ để chia sẽ một niềm vui và sự mong muốn của
bất kỳ ai. Lời ca của Ngôn sứ Israel về người Cha nhân hậu đang vang lên xuyên
qua mọi thời đại và đang thấu đến tâm từng người trong chúng ta. Người Cha đó sẽ
lau khô những giọt lệ khổ đau của từng người và đem đặt ngồi vào bàn tiệc để
thiết dãi “thịt thì béo rượu thì ngon” (Is 25,6-19a).Đối với thân phận bé nhỏ mỏng
manh của kiếp người, thì đó không phải là một diễm phúc sao ? Ấy thế mà vẫn
không ít kẻ vẫn thản nhiên, thờ ơ từ chối ! Thậm chí còn đày đọa, lên án, chống
đối các sứ giả được phái đến để mời đón họ vào dự “Bàn tiệc Thánh Nước Trời”.
Đi sâu vào bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ nhận ra, để từ đó, mỗi người hãy
suy xét về thái độ của chính bản thân, để sữa đổi, để quyết tâm siêng năng hơn
cho việc đến với “Thánh Lễ” mỗi ngày.
1. Phân tích đoạn văn: Khi tìm hiểu bài Tin Mừng qua dụ ngôn “Tiệc cưới” đã được hai Thánh sử
Matthêu và Luca tường thuật (Mt 22,1-14;
Lc 14,16-24). Tuy nhiên, trình thuật của Matthêu có phần mạnh mẽ hơn vì phản
ánh bối cảnh Cựu Ước rõ nét hơn so với Luca. Nhưng trong dụ ngôn, chúng ta có
thể nhận ra Ông Vua cũng như các khách được mời có vẻ khó hiểu và bất bình thường.
a. Về khách được mời:
Những người khách đã được Ông Vua kính trọng, quý mến nên đã tha
thiết mời họ đến dự tiệc cưới của Hoàng tử, nhưng xem ra họ coi thường lời mời
của Vua, không màng mà từ chối không đến với những lý do đơn giản: đi thăm trại,
đi buôn … Đó là điều khó hiểu thứ nhất. Đã không đến dự tiệc cưới theo lời mời
mà còn dám bắt lấy tôi tớ của Vua mà hành hạ rồi giết đi … Đó là điều khó hiểu
thứ hai.
b. Về Ông Vua:
Hành động của Ông Vua lại càng khó hiểu hơn:
* Ông mời khách đén nhiều lần, nài nỉ họ mà họ
không thèm đến, lại còn xử tệ và giết luôn sứ giả của ông.
* Ông tỏ ra tức giận sau nhiều lần kiên trì nhẫn
nại, nên phái quân lính đến tru diệt bọn sát nhân. Điều nầy có thể hiểu được,
nhưng ông lại thiêu hủy luôn thành phố của chúng thì thật khó hiểu.
* Ông lại sai gia nhân ra đường thâu nạp tất cả
mọi người gặp được, bất luận lành hay dữ, tốt hay xấu đưa vào chật phòng tiệc.
Xem ra ông là người hào phóng, nhưng lại có một cử chỉ rất khó hiểu: Khi Ông thấy
một thực khách không mặc y phục lễ cưới thì ông ra lệnh trói tay chân, bỏ vào
nơi tối tăm, nơi phải khóc lóc nghiến răng. Khó hiểu ! Thật khó hiểu !?!
2. Làm sao hiểu hành động bất bình thường của những người khách ?
Nét bất bình thường khó hiểu nơi những
người khách => buộc người Do Thái là người đang nghe Chúa Giêsu nói phải
nghĩ ngay đến họ, đến tổ tiên họ để nhận ra sự “quái gỡ” của tổ tiên họ và của
bản thân họ. Họ và tổ tiên họ là những người được ưu đãi, thế mà chẳng tiếp nhận
đặc ân lớn lao đó mà còn ngược đãi sứ giả của Đấng ưu đãi mình. Tại sao Chúa
Giêsu lại dùng dụ ngôn để nói với người Do Thái về chính thái độ của họ ? Dụ
ngôn mà Chúa Giêsu dùng có nhiều điều bất bình thường, khó hiểu gần như không
thể xảy ra trong thực tế. Điều ấy chắc chắn Chúa Giêsu đã hiểu và Ngài cũng hiểu
rằng những người nghe Ngài nhận ra điều ấy. Chắc hẳn Chúa Giêsu muốn cho người
nghe thâm cảm và nhận ra về sự bất bình thường của những người khách được mời.
Có hiểu như thế thì khi biết rằng dụ ngôn áp dụng về chính họ, họ mới thấm thía
được cái “quái gỡ” của bản thân họ: Là từ chối, là phản bội lại tình yêu của Thiên
Chúa đối với họ.
3. Làm sao hiểu hành động khó hiểu của Ông Vua ?
a/ Ông Vua phản ứng bằng một cuộc xuất
chinh tàn phá, ông sai lính tru diệt lũ sát nhân và thiêu hủy thành phố của
chúng. Nếu là một độc giả chăm chú theo dõi sự kiện thì khó chấp nhận sự gia
tăng đột ngột tình thế nầy. Vì hình như những người được mời dự tiệc đang ở
trong thành nầy nơi xảy ra đám tiệc. Vậy thì phải chăng tất cả thành sẽ bị tiêu
diệt cùng với mọi kẻ vô tội đang ở trong thành nầy, trong lúc thật ra chỉ có lũ
sát nhân mới đáng bị sự báo thù cay nghiệt ấy ? Phải chăng những kẻ chỉ cho biết
rằng họ không quan tâm đến lời mời của Vua, mà chỉ thích làm công việc riêng,
cũng phải chịu một hình phạt như mấy kẻ sát nhân kia ? Những câu hỏi vừa nêu
trên cho thấy rằng có một sự gián đoạn bên trong câu chuyện dụ ngôn ở câu 7: “Khi
vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân
đó, và thiêu hủy thành phố của chúng”. Hẳn là có một cái gì khác hơn mà dụ
ngôn nói tới ban đầu. Vì nếu người ta tiếp tục câu chuyện một cách hợp lý, thì
phải nhảy sang ngay việc mời những người khác. Thành thử cuộc xuất chinh phạt
xuất hiện như một vật thể lạ trong câu chuyện.
Hình như ở đây, Matthêu liên tưởng tới
việc tiêu diệt thành Giêrusalem đang xảy ra khi Ngài soạn thảo bản văn. Chỉ có
điều ấy mới có thể giải thích được tầm mức quan trọng của việc xuất chinh và việc
tiêu diệt toàn thành phố. Vào năm 70 sau công nguyên, Giêrusalem đã bị thiêu rụi
và các kẻ sát nhân không phải chỉ có một vài người nghe bản văn, nhưng là tất cả
bọn tá điền đã giết chết người con sau khi đã bàn tính (Mt 21,28-39). Rõ ràng
là một trình thuật do truyền thống chuyển đạt đã được tác giả giải thích tại
đây, một lối giải thích rút ra từ một biến cố thời sự. Matthêu nghĩ rằng phải
giải thích lời Chúa Giêsu như thế và ông hoàn toàn ý thức việc ông làm. Cái
Matthêu cho chúng ta, không phải chỉ chứng từ trong thực tế về những lời nói của
Chúa Giêsu đã được chuyển cho ông, nhưng còn là cách giải thích các lời đó cho
mọi phần tử trong các cộng đoàn đầu tiên của Giáo Hội. Hai khía cạnh ấy có liên
quan với nhau rất mật thiết. Vì chúng ta chỉ có thể hiểu được Lời Chúa là nhờ
được Giáo Hội giải thích, Lời được Chúa Thánh Thần linh ứng và liên hệ đến
chúng ta. Thành thử đối với Matthêu, việc Giêrusalem bị phá hủy điêu tàn là một
hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên tội của dân Israel cứng lòng và giết chết
Đấng Messia, Con Thiên Chúa.
b/ Tống ngục người khách không mang
áo cưới: Nghười ta thắc mắc tự hỏi làm thế nào một người bắt giữa đường lại có
thể có áo cưới được ? Như vậy chẳng phải là bất công lắm so ? Điều gây khó chịu
mà ta gặp trong câu chuyện nầy cho thấy rõ đây muốn nói đến một cái gì khác hơn
là y phục cụ thể. Chúng ta được chuẩn bị để hiểu, được giải thích (câu10), vì
tác giả dụ ngôn đã gghi chú trước là trong phòng tiệc có kẻ dữ người lành. Hiển
nhiên, kẻ không mặc áo cưới thuộc hạng người dữ. Chỉ có điểm nầy mới giải thích
được cách đối xử của Ông Vua đối với người không mặc áo cưới. Người ta không chỉ
đuổi y ra ngoài mà còn ném vào nơi tối tăm, chỗ khóc lóc nghiến răng.
Vì cỏ lùng và lúa cùng sống chung với
nhau trong Giáo Hội, nên sẽ có sự lựa chọn phân loại ngay trong hàng ngũ của
các kẻ tin. Tất cả mọi người được mời vào Giáo Hội, nhưng không phải vì thế mà
họ đương nhiên được vĩnh viễn cứu thoát, mà còn tùy thuộc vào đời sống Tin, Cậy,
Mến. Có vâng phục và thực hành Lời Thiên Chúa dạy không nữa ! “Gọi thì nhiều,
chọn thì ít”, “Từ đông sang Tây mọi người vào dự tiệc cưới, còn con cái trong
nhà lại bị đuổi ra ngoài”. Không phải kêu “Lạy Chúa, lạy Chúa, mà được vào Nước
Trời đâu …” vì thế, không phải tự phụ mình là kẻ có đạo, là người Công Giáo,
thuộc về Giáo Hội của Chúa Giêsu là mình nắm chắc chắn phần rỗi linh hồn … mà
còn phải sống đạo nữa cơ ! Hình như đó chính là sứ điệp thần học hàm chứa trong
phần thứ hai nầy của dụ ngôn. Điều nầy có giá trị cho mọi người và ở mọi thời.
Quả thật, khi ta sống theo ơn của Chúa Thánh Thần, thì ta cảm thấy chẳng còn luật
lệ nào ràng buộc, ngoại trừ luật yêu thương. Chúa thánh Thần sẽ dẫn ta vào con
đường Tình Yêu, con đườn mở rộng, con đường của tự do để gặp gỡ Đấng là nguồn mạch
sự sống là Thiên Chúa.
III. Ý chính bài Tin Mừng:
“Tiệc
cưới” là hình ảnh hạnh phúc Nước Trời đã được Thiên Chúa dọn sẵn cho dân Do
Thái. Thế nhưng họ đã từ chối, từ chối luôn Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ. Do
đó diễm phúc nầy đã được trao ban cho các dân tộc khác, để tất cả mọi người qua
mọi thời đại được mời gọi dự phần trong Nước Thiên Chúa. Để đảm bảo chắc chắn
được dự phần vinh quang hạnh phúc với Thiên Chúa, mỗi người chúng ta phải mặc y
phục tiệc cưới, nghĩa là phải mặc lấy ơn cứu độ qua Đức Giêsu, sống liên kết với
Ngài để trở nên công chính, thánh thiện như Thiên Chúa.
- - - - - - - - - - oOo - - - - - - - - - -