CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN. A

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN . A
1/ Is 5,1-7)    2/ (Pl 4,6-9)  3/ (Mt 21,33-43)
“VƯỜN NHO: CŨ => DO THÁI GIÁO
                                         MỚI => GIÁO HỘI CÔNG GIÁO”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Thiên Chúa yêu thương nhân loại nên không bỏ rơi con người phải chết muôn đời trong tội lỗi, Ngài đã hứa ban ơn cứu độ. Để thực hiện lời hứa cứu độ, Thiên Chúa đã chọn một Dân riêng, để qua dân tộc nầy Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Ngài: Thiên Chúa đã chọn, gọi ông Abraham, và từ ông trở thành một dân tộc vĩ đại, đó là dân Do Thái. Từ dân tộc được chọn và ưu đãi nầy, nhân loại đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm Người, là Đức Giêsu, để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu xuất hiện, Ngài đã công khai rao giảng, hướng dẫn dạy dỗ con người biét sống nên thánh và chữa lành các bệnh tật trong dân. Cuối cùng Ngài đã chịu chết trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã thiết lập Giáo Hội, là dân mới, để tiếp tục công cuộc cứu độ của Ngài cho đến tận thế. Ngài trở nên là đầu và tất cả chúng ta là chi thể trong Nhiệm thể là Giáo Hội. vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi tham gia vào công việc truyền giáo trong Giáo Hội, là Vườn nho mới của Chúa Kitô.

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài Tin Mừng qua dụ ngôn “Thợ làm vườn nho” để biết rõ bổn phận và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, hầu chu toàn:
1. Phân đoạn: Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để giúp thính giả xác định một cách khách quan về cách đối xử của “Ông chủ” vườn nho đối với những người thợ làm vườn nho. Chúng ta có thể chia bài Tim Mừng  nầy làm 2 đoạn:
a. (câu  33-41): Chủ vườn nho đã sai các tôi tớ đi nhiều lần đến vườn nho và cuối cùng sai chính đứa con trai duy nhất để thu hoa lợi mà không được.
* câu 33: Giới thiệu lòng tha thiết của Ông chủ đối với vườn nho.
* câu 34-39: Giúp thính giả cảm  nghiệm thấm thía thái độ bất nhất của bọn tá điền khốn nạn, lười biếng độc ác. Và thái độ kiên nhẫn khoan dung của Ông chủ tới mức nào ?
* câu 40-41: Ông chủ sẽ đối xử ra sao ? Chính người nghe đã xác định được cách đối xử đối với bọn tá điền độc ác.
b. (câu 42-46): Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để giải thích dụ ngôn => để buộc người nghe xác định thái độ của mình đối với Ngài.
* câu 42-44: Giải thích dụ ngôn.
* câu 45-46: Sự phẩn nộ khi nghe dụ ngôn: phải có sự lựa chọn đối với Chúa.
2. Dùng dụ ngôn buộc người nghe xác định cách hành xử đích đáng đối với bọn tá điền vườn nho bất lương (33-34)
a. Tình yêu của Thiên Chúa đối với vườn nho:  Ông chủ đã làm gì cho vườn nho ? Ông rào dậu cẩn thận, khoét bồn đạp nho, xây tháp canh và trao cho Tá điền chăm sóc vườn nho của ông .
* Chúa Giêsu đã dùng một bộ từ ngữ giống như trong (Is 5,1-2.4), để giúp người nghe nghĩ đến đoạn văn Is 5, và khi đọc thì độc giả hiểu ngay về tình yêu của Thiên Chúa đối với “vườn nho” như thế nào !?!. Vì theo Is, thì Thiên Chúa hết lòng vì vườn nho, nên Ngài đã làm tất cả cho vườn nho của Ngài (Is 5,4). Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta nhận ra tình yêu Thiên chúa đối với vườn nho, cũng là nhận ra tình yêu của Ngài đối với mỗi người chúng ta.
b. Vườn nho ám chỉ cái gì ? Vườn nho ở đây chính là Nước Thiên Chúa, mà những Tá điền chính là dân Do Thái. Hiểu như thế thì tình yêu của Thiên chúa đối với vườn nho chính là tình yêu của Ngài đối với nước của Ngài, là nơi quy tụ những người được Ngài yêu thương. Nước Thiên Chúa là nơi mà con người đang mơ ước tận hưởng. Cứ đọc Tám mối phúc thật, cứ nghiền gẫm các các trang Kinh Thánh thì sẽ thấy Nước Thiên Chúa chính là điều mà chẳng những dân Do Thái mơ ước, mà còn là ước mơ của toàn nhân loại. Đó chính là hạnh phúc đích thực của con người, cho nên khi suy nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa đối với nước của Ngài, cũng chính là cảm nhận về tình yêu của Thiên Chúa đối với hạnh phúc của con người, mà nhóm đại diện làm tá điền canh vườn nho là dân Do Thái.
* câu 34-39: Khi tiếp cận với câu chuyện, thì có phải bọn tá điền lẫn Ông chủ là những người “bất bình thường” không ?
- Vâng, cả bọn tá điền lẫn ông chủ đều  “bất bình thường” => Nhờ cái “bất bình thường” của Ông chủ mà nhận ra được sự độc ác và lười biếng của bọn tá điền. Và nhờ sự “bất bình thường” của bọn tá điền độc ác, lại nhận thấy rõ ông nhân từ, nhẫn nại chịu đựng của Ông chủ. Ông chủ thật nhân lành và nhẫn nại chịu đựng trước bọn tá điền bất nhân, lười biếng và độc ác. Biết thế mà ông vẫn sai đầy tớ đến với vườn nho của mình từ lần này đến lượt khác, kể cả đứa Con trai duy nhất, để thu huê lợi. Còn bọn tá điền chẳng những không nộp huê lợi cho ông chủ lại còn ngược đãi đối với những đầy tớ được ông chủ sai đến, rồi chẳng những hành hạ và giết hết nhóm thứ nhất mà còn thực hiện sự độc ác đó với cả nhóm thứ hai; đến khi đứa Con trai duy nhất của ông chủ được sai đến thì chúng cũng chẳng tha ! Rõ ràng, Chúa Giêsu muốn cho thính giả của Ngài cảm nghiệm sâu xa sự độc ác của bọn tá điền bất lương, bên cạnh sự kiên nhẫn và lòng nhân lành của ông chủ, để sự bất nhân, độc ác của bọn tá điền nổi bật => Hầu sự thay thế tá điền mới là việc cần thiết !
Thế nhưng, sự “bất bình thường” ấy có xảy ra cách “bình thường” hay không ? Điều mà ta coi là “bất bình thường” thì lại là “bình thường” nơi người Do Thái. Ai cũng biết là người Do Thái đã hành hạ, ném đá và giết chết các ngôn sứ mà Thiên Chúa đã gởi đến để giúp đỡ họ. và đến cả Con Một Thiên Chúa là Chúa Giêsu, họ cũng chẳng tha, đã tố cáo, đánh đòn và cuối cùng cũng bị xử án chết treo trên Thập Giá.
c. Người nghe xác định cách đối xử với bọn Tá điền bất nhân
 =>  Dụ ngôn dừng lại ở câu 39, làm cho độc giả phải đặt vấn đề về cách đối xử với bọn Tá điền bất nhân độc ác. Chúa Giêsu giúp người nghe phải nhập cuộc và có thái độ phản ứng khi họ cảm thấy tình thương của ông chủ bị xúc phạm khi thấy rõ sự độc ác của bọn Tá điền. Nhập vai là ở chỗ đó, để chính người nghe phải viết tiếp phần con lại của dụ ngôn và đem ra hình phạt cho bọn ác ôn côn đồ đó. Vì Chúa Giêsu không nói đến cách xử trí của ông chủ, mà lại hỏi người nghe  xem phải đối xử với bọn tá điền đó như thế nào ? Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta nhập vai “Ông chủ” để nhận ra sự kiên trì, nhẫn nhục và lòng nhân hậu của ông chủ, đồng thời căm hờn về những thái độ của bọn tá điền độc ác.
3. Tìm hiểu ý nghĩa và giải thích dụ ngôn:
“Các ông hãy nghe Dụ ngôn” câu 33: Đây là một dụ ngôn pha trộn ngụ ngôn, Vì mỗi chi tiết trong dụ ngôn đều mặc một ý nghĩa:
* Chủ vườn nho là Thiên Chúa; Vườn nho là Nước Thiên Chúa mà những người ở trong nước đó là dân Do Thái (Is 5,1); Tá điền là những chức sắc lãnh đạo dân qua các thời đại; Đầy tớ được sai đến là các Ngôn sứ; Người Con trai duy nhất của ông chủ là chính Đức Giêsu.
* “Bọn chúng đánh người nầy, giết người kia, ném đá người nọ, … Sau cùng ông sai chính Con trai mình đến gặp chúng … Nào ta giết quách nó đi và đoạt lấy gia sản nó ! Thế là chúng bắt lấy cậu, lôi ra ngoài vườn nho, mà giết đi (Mt 21,34-39): Qua các thời đại, Thiên Chúa đã sai các đầu tớ của Ngài đến để hướng dẫn dân, đó chính là các Tổ phụ, các thủ lãnh, các quan án và các tiên tri, họ đã ngược đãi và đã giết chết. Sau cùng, Thiên Chúa đã sai chính Con Một là Đức Giêsu đến để hướng dẫn dạy dỗ họ, thế nhưng họ cũng đã ngược đãi và đã lôi Ngài ra ngoài thành Giêrusalem, đã giết chết Con Thiên Chúa bằng án Thập Giá (Ga 19,20; Dt 21,13).
* “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi …” câu 43: Nước Thiên Chúa đây là vườn nho, là những ân huệ đã ban cho từ trước đến giờ … Tất cả sẽ bị cất khỏi sự quản lý của các Tá điền bất nhân độc ác nầy là các chức sắc Do Thái. “Mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”: Nghĩa là Nước Thiên Chúa được trao cho Giáo Hội mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Giáo Hội đã bắt đầu công khai hoạt động từ ngày Lễ Ngũ Tuần, bằng sức mạnh và sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa. Phêrô đã được Chúa Giêsu đặt làm thủ lãnh cho một hàng ngũ lãnh đạo của “Dân Mới” là các Tông Đồ. Sự thay thế đó đã thực sự rõ ràng: Giáo Hội là Dân mới.
III. Ý chính bài Tin Mừng:
            Để thục hiện lời hứa ban Ơn cứu độ, Thiên Chúa đã chọn một Dân tộc làm dân riêng đó chính là dân Do Thái; được ví như “vườn nho” của Thiên Chúa và luôn được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc. Nhưng họ lại luôn sống phản bội lại tình thương của Thiên Chúa và không phát triển. Họ đã ngược đãi và giết chết các Ngôn sứ mà Thiên Chúa gởi đến để dạy dỗ, hướng dẫn họ. Cuối cùng họ cũng giết luôn cả Con Một để làm phát triển Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho hết mọi người.

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -