CHÚA NHẬT V MÙA CHAY . A

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY . A
1/ (Ed 37,12-14)    2/ (Rm 8,8-11)  3/ (Ga 11,1-45)
CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Con người có hai cuộc sống: Một cuọc sống tạm ở đời này và một cuộc sống vĩnh cửu ở đời sau. Sống ở đời này là để chuẩn bị cho cuộc sống hạnh phúc đời sau “sinh ký, tử quy”. Với người Kitô hữu chúng ta thì đây chính là một xác quyết mạnh khỏe, dứt khoát, không chút hoài nghi để định hướng cho cuộc sống đạt đến cứu cánh là “Hạnh phúc Nước Trời”. Sự sống của con người trên cõi đời này dù ở trong cương vị nào và hoàn cảnh nào đi nữa, cũng rõ ràng là bất toàn và hữu hạn. Cái chết không chối từ ai và cũng chẳng trốn thoát được. Nhưng sau khi chết, thì chúng ta sẽ đi về đâu ? sẽ ra sao ? và như thế nào ? phải chăng đây cũng là chỉ một giấc mơ ? Một huyền nhiệm ? hay một ảo tưởng ? Qua bài Tin Mừng này sẽ giúp chúng ta tìm ra được câu giải đáp cho vấn đề sâu xa này.

II. Nhận định: Chúng ta có thể tóm kết bài Tin Mừng này trong một câu: Chúa Giêsu đã Mặc khải Ngài là Đấng ban sự sống “Thầy là sự sống lại và là sự sống” (câu 25).
1. Phân đoạn: Có thể chia bài Tin Mừng này thành 6 phần
a. (câu 1-6): Hai chị em Matta và Maria đưa tin cho Chúa Giêsu biết em họ đau bệnh. Phản ứng của Chúa Giêsu trước tin đó.
b. (câu 7-17): Chúa Giêsu quyết định đi đánh thức bạn Người dậy. Các Môn đệ phản ứng.
c. (câu 18-27): Chúa Giêsu cũng cố niềm tin của Matta.
d. (câu 28-33): Chúa Giêsu xúc động trước nỗi đau khổ của con người.
e. (câu 34-40): Chúa Giêsu thổn thức trước cái chết của người bạn, cũng là con người.
f. (câu 41-45): Chúa Giêsu gọi Lazarô (đã chết 4 ngày) ra khỏi mồ và phản ứng của những người chứng kiến.
2. Chú thích:
            Cả ba bài đọc Kinh Thánh của Chúa Nhật V MC. A đều trình bày về “Ơn Tái Sinh” mà Thiên Chúa đã thể hiện do tình yêu vô biên và quyền năng của Ngài. Do đó, cuộc sống hiện tại của con người ở trần gian này là một cuộc lữ hành tiến về cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.
            * Phép lạ “tái sinh” Lazarô xảy ra gần cuối cuộc đời của Chúa Giêsu ở trần gian vào khoảng tháng 3 năm 30.
            * Bêtania (câu 1): Cách Giêrusalem gần 3km, một làng quê nơi ba chị em Matta, Maria và Lazarô sinh sống.
            * “Thầy là sự sống lại và là sống”: Trước quan niệm và lòng tin của hai chị em Matta và Maria, Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài chính là sự sống và Ngài còn ban sự sống đó cho những ai tin vào Ngài, kể cả người đã chết.
            * Đức Giêsu liền khóc (câu 35): Chia sẽ nỗi đau khổ. Tin Mừng ghi lại hai lần Chúa Giêsu khóc:
+ Khóc thương dân thành Giêrusalem lầm lạc (Lc 19,41-44).
+ Khóc vì xúc động trước cái chết của Lazarô và nỗi đau của Matta, Maria.
            Lần khóc trên như biểu lộ tình thương của Thiên Tính (Thiên Chúa) và lần khóc dưới như biểu lộ tình thương của Nhân Tính (Con Người).
3. Khi hai chị em đưa tin cho Chúa Giêsu-Phản ứng của Chúa Giêsu:
a/ Tại sao lúc Lazarô ốm, hai chi em đến báo tin cho Chúa Giêsu mà chỉ nói vỏn vẹn có một câu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang đau” ? (câu 3).
            * Trước hết, nguyên bản Syrie có nghĩa chặt của từ “Lạy Chúa” mà chúng ta biết rằng, các Tông Đồ sau Chúa Phục Sinh mới dùng từ này. Đây là niềm tin của Giáo Hội sau Chúa Phục Sinh, trước chỉ dùng từ “Rabbi: Thầy”. Ở đây, Gioan muốn ám chỉ một niềm tin có hậu của biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu Phục Sinh là sự sống cho tất cả những kẻ Tin.
            * Tại sao không nói tên mà chỉ nói: “người Thầy yêu” ? Chắc chắn là hai chị em quá rõ Chúa Giêsu yêu Lazarô lắm. Gioan muốn nói cho độc giả biết là Chúa Giêsu cũng yêu Matta và Maria (câu 5). Như vậy, Gioan muốn độc giả hiểu rõ rằng Chúa Giêsu rất yêu mến gia đình này, để có thể hiểu đúng phản ứng của Chúa Giêsu là phản ứng của một người yêu cả gia đình, Người thể hiện tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, sau này bằng cái chết trên Thập Giá, để đem lại sự sống cho họ.
            * Tại sao chỉ nói “Đau” mà không nói đau bệnh gì ? Không nói là sắp chết ? và cũng không giục phải đến ngay ? Chắc hẳn hai chị em tin rằng chỉ cần nói như thế thì Chúa Giêsu đã biết rõ tình trạng của họ và Chúa Giêsu đã biết cách phải làm thế nào rồi! Nghĩa là hai chị em đã tin Chúa Giêsu là Tiên Tri, không cần phải nói rõ vì Người biết cách hơn họ biết, Người biết điều gì cần hơn, tốt hơn cho họ! Như thế, chúng ta nhận ra được niềm tin, sự cậy trong phó thác và lòng yêu mến của chị em cô Matta đối với Chúa Giêsu. Chỉ cần nói ít, vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt.
            b/ Khi được báo tin người yêu đau. Chúa Giêsu đã trả lời cách lạc quan: “Bệnh này không đến nỗi chết…” (câu 4). Tại sao Chúa Giêsu biết rõ bệnh này sẽ chết, bởi vì sau 2 ngày Lazarô chết thật (câu 13-14), vậy mà Chúa Giêsu lại nói: “bệnh này không đến nỗi chết đâu”. Tại sao Chúa Giêsu nói mập mờ như vậy ? Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ thì mới hiểu được ý của Chúa Giêsu. Ngài đã được Thiên Chúa Cha sai đến trong thế gian là để thực hiện tình yêu của Thiên Chúa: “Cứu Độ nhân loại”, qua đó để tôn vinh Thiên Chúa và để những ai tin vào Ngài thì mới có đuọc sự sống lại và sự sống muôn đời. Như vậy phản ứng của Chúa Giêsu, nhìn ở gốc độ Thiên Chúa là Vinh Danh Thiên Chúa, Vinh hiển Con Thiên Chúa, nhìn ở gốc độ con người chính là sự cứu rỗi con người. Vì chính Chúa Giêsu là Đường, là Sự thật, là Sự sống, là Hạnh phúc của tất cả chúng ta.
            c/ Tại sao khi được báo tin “người Thầy yêu đang đau” Chúa Giêsu còn ở lại 2 ngày nơi đang ở (câu 6), lúc Lazarô đã chết Chúa Giêsu mới tới. Đến nơi, Ngài chỉ còn gặp người chết đã hạ huyệt trong mồ 4 ngày rồi (câu 39) ?
* Chúa Giêsu ở lại 2 ngày là để củng cố lòng tin của các Tông Đồ vào Ngài, cũng như để giúp cho chị em cô Matta và những người Do Thái chứng kiến cái chết của Lazarô nhận ra Ngài là đấng có quyền năng, Đấng ban sự sống và đó chính là sứ mạng của Ngài, là Vinh quang của Thiên Chúa. Muốn hiểu, họ phải trải qua sự đau khổ trong thương tiếc khi chứng kiến cái chết của Lazarô. Lazarô đã chết thật, đã 4 ngày, đã chôn trong mồ rồi, đã có mùi thối rồi! Và họ đã thấy Chúa Giêsu là Đấng đã ban lại sự sống cho Lazarô đã chết chôn trong mồ 4 ngày, nhờ đó Matta, Maria và những người Do Thái chứng kiến, đã tin vào Chúa Giêsu là “Sự sống lại và là Sự sống” (câu 21-27). Đó chính là “sự sống lại và là sự sống” của tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu. Đó cũng chính là niềm tin của mỗi Kitô hữu chúng ta.
IV. Áp dụng theo Tin Mừng:
            Là kiếp làm người, ai ai cũng trải qua các giai đoạn “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Được sinh ra sống trên cõi đời, con người phải gặp nhiều đau khổ bởi hoàn cảnh, bởi bệnh tật, già yếu… và phải kết thúc cuộc đời bằng cái “chết”. Chẳng có ai tránh khỏi được cái chết! Vì “Sinh ký, Tử qui”. Cuộc đời ở trần gian này là cuộc đời tạm, và tất cả mọi người đều phải chết, qua cái chết đẻ trở về với cội nguồn và cứu cánh của mỗi người chính là Thiên Chúa. Vì chính Thiên Chúa là nguồn Sự Sống của tất cả mọi người. Ngài là Đấng tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, ban cho con người Sự sống, giúp cho con người hoàn thiện trong từng ngày sống trên dương thế, để đạt đến Sự sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa. Trong cuộc sống, mỗi người trải nghiệm được đau khổ cũng như hạnh phúc, nhất là cảm nhận được nỗi đau, sự mất mát, sự thương tiếc ngậm ngùi của cảnh chia ly đối với những cái chết của bao người thân yêu! Chúa Giêsu cũng không ngoại lệ, cũng ngậm ngùi đau khổ, cũng khóc tiếc thương khi Ngài được tin người bạn thân yêu là Lazarô, Chúa Giêsu đã cho sống lại, muốn giúp chúng ta nhận ra:
            * Là thân phận con người, không một ai tránh được cái chết: “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một cách”.
            * Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, là Tình Yêu, là Đấng ban Sự Sống lại và Sự sống cho tất cả những ai Tin vào Ngài. Ngài cũng phải trải qua cuộc đời đau khổ, và cũng đã phải chết, chết một cách rất đau thương, nhục nhã, trần truồng trên Thập Giá. Nhưng Ngài đã sống lại Vinh hiển để ban sự sống cho nhân loại chúng ta. Ngài đã “Chết vì yêu”. Qua sự kiện đó, Ngài muốn củng cố niềm tin của tất cả những ai muốn có sự sống hạnh phúc muôn đời!
            Với niềm tin, chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: Tin Thiên Chúa là Cha, tin Chúa Giêsu là Con Một của Thiên Chúa Cha đã xuống thế làm người, chịu đau khổ, chịu đóng đinh trên Thập Giá, đã chết và đã Phục Sinh… tin xác loài người sẽ sống lại, tin có sự sống đời sau. Niềm tin đó phải được bồi dưỡng bởi Lời Chúa và các Bí Tích mà Chúa Giêsu đã thiết lập, để giúp chúng ta sống một cách thành tâm, tín thác, cậy trông và yêu mến Thiên Chúa. Nhờ đó mà chúng ta thăng tiến cuộc đời tạm này trong thánh thiện và công chính hầu đạt được sự sống hạnh phúc đời sau. Hãy cố gắng sống cho ra sống! Hãy loại trừ các tính hư tật xấu! Hãy tránh xa các tệ nạn! Hãy cố gắng sống nhiệt thành với Chúa và với mọi người! Hãy siêng năng trong đời sống đạo đức “Để được Sự sống lại muôn đời!”.

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -