1/ (St 12,1-4a) 2/ (2Tm 1,8b-10) 3/ Mt (17,1-9)
CÁC CON HÃY NGHE LỜI
NGƯỜI
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Là con cái của Thiên Chúa, bổn phận
của mỗi người Kitô hữu chúng ta là phải vâng nghe lệnh truyền của Thiên Chúa là
Cha và Lời giáo huấn của Con Một của Ngài, là Chúa Giêsu, Đấng đã được Chúa Cha
sai đến trong trần gian để Cứu chuộc chúng ta. Đây là điều phải lẽ và hợp lý,
vì Lời Thiên Chúa là lời hằng sống! Vâng nghe Lời Chúa Giêsu và thực hành trong
cuộc sống là kẻ yêu mến Chúa Giêsu, là kẻ có phúc và được thuộc về gia đình của
Chúa: “Ai yêu mến Thầy thì vâng giữ Lời Thầy”, “Phúc cho ai nghe và thực hành Lời
Thiên Chúa”. Đó chính là diễm phúc cho mỗi người chúng ta, Thiên Chúa là Cha
cũng muốn cho tất cả chúng ta được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc vô biên ấy.
Nên đã ân cần khuyên bảo chúng ta hãy chuyên cần lắng nghe và thực hành những
gì mà Con Một là Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Hãy vâng nghe Lời Người”.
II. Chú thích:
* Truyền thống còn lưu lại cho chúng ta biết rằng
Chúa Giêsu đã “Biến Hình” hay còn gọi là “Hiển Dung” trên núi Tabor, nằm giữa
Nazareth và phía nam Hồ Galilê. Trong cuộc Thần hiện này: Núi, ánh sáng, các
nhân vật Elia, Môisen, đám mây, lều, …đều mang một ý nghĩa rõ ràng. Và sự chứng
kiến của các Tông Đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan => Muốn diễn tả Vinh quang hạnh
phúc mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho tất cả những ai biết chấp nhận vác Thập Giá
bước đi theo Ngài và biết vâng nghe, thực hành Lời Ngài, như Lời Thiên Chúa Cha
mời gọi.
* Môisen và Elia: Là hai nhân vật nổi tiếng
trong thời Cựu Ước:
- Môisen: Nhà lãnh đạo dân Israel, nhận Lề Luật
của Thiên Chúa trên núi Sinai và đã công bố và truyền lại cho dân.
- Elia là vị Ngôn sứ lừng danh.
Cả
hai vị hiện đến hầu chuyện Chúa Giêsu, như muốn nói lên vai trò của Chúa Giêsu
sẽ thể hiện => Là vị lãnh đạo và lập pháp của dân mới là Giáo Hội và cũng là
Đại Ngôn sứ khi thể hiện các lời tiên báo của nhiều thế hệ Ngôn sứ (Tl 18,15;
Mt 5,17…).
* “Xin dựng 3 lều”: Không chỉ là bị quyện hút bởi
sự vinh quang sung sướng mà còn muốn mừng Lễ Lều (Lc 23,39t) tại nơi Chúa Giêsu
Biến Hình, nên Phêrô đã xin Chúa Giêsu cho ông dựng ba cái lều cho ba Vị: Chúa
Giêsu, Môisen và Elia.
* “Dám mây bao phủ …” Đây là một hình ảnh tượng
trưng sự hiện diện của Thiên Chúa rất quen thuộc trong Cựu Ước (Xh 16,19;
19,16). Như Môisen gặp Thiên Chúa trên núi Sinai (Tl 5,2t).
* “Đây là Con Ta yêu dấu”: Lời khẳng định và
đóng ấn đậm nét của Thiên Chúa Cha trên sứ mệnh yêu thương của Chúa Giêsu, Con
Một yêu dấu với toàn thể nhân loại. Từ đó, Thiên Chúa Cha ân cần mời gọi mọi
người: “Hãy vâng nghe Lời Người”.
III. Phân tích:
1. Mạch văn của đoạn
Tin Mừng: Phân đoạn
này có liên hệ chặt chẽ với phần đi trước nhờ câu chuyển tiếp: “Quả thật, Ta bảo
các ngươi, trong những kẻ có mặt ở đây sẽ không nếm biết cái chết trước khi thấy
Con Người đến trong Nước của Ngài (Mt 16,28). Thật vậy, Chết và Phục Sinh, Vinh
quang và tủi nhục là hai khía cạnh của cùng một thực tại. Chúng liên kết mật
thiết gắn bó với nhau đến nỗi Chúa Giêsu không bao giờ tách rời, như ta vẫn thấy
trong các lời loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài. Nhưng khoảng thời gian đi trước
Phục Sinh, bao lâu mà Chúa Giêsu chưa sống qua biến cố ấy, cũng như bao lâu mà
Thánh Thần chưa được ban xuống, thì các Môn đệ vẫn chưa hiểu nổi và Chúa Giêsu
vẫn không thể cất nổi chướng kỳ ấy khỏi các ông được! “Vì khó hiểu và làm sao
tin nổi ?”.
Truyền
thống Nhất Lãm đều nhất trí cho rằng biến cố “Biến Hình” đã được ám chỉ đến
trong Lời nói đầy vẻ uy quyền nhiệm mầu ấy, dù cho thoạt đầu, nó có thể nói đến
ngày thế mạt, cánh chung. Có nhiều dấu chỉ khiến ta tin điều đó. Chỉ có ba Tông
Đồ là Phêrô, Giacôbê và Gioan được phúc hưởng kiến. Biến cố Chúa Giêsu trở lại
trần gian một cách vinh quang, được biểu thị qua việc “Biến Hình”, rồi lời chỉ
dẫn: “Sáu ngày sau” rất ít khi gặp thấy trong Sứ vụ công khai, dường như muốn
nói thời gian giữa lời tiên báo cuộc khổ nạn và biến cố “Biến Hình”: “Qua Thập
Giá đến Vinh quang”.
2. Chủ điểm của đoạn Tin Mừng: “Tiếng
nói từ Trời”: Tiến nói của Thiên Chúa Cha
*
Vậy tiếng nói ấy, nói cho ta biết những gì về Chúa Giêsu ?
*
Cả phân đoạn Tin Mừng đều hướng về “Tiếng nói của Thiên Chúa Cha phán từ Trời”
=> Thật thế, đó là cao điểm của trình thuật và nó biểu lộ cho chúng ta thấy
ba khía cạnh trong con người của Chúa Giêsu: Ngài là Con Thiên Chúa; là người
Tôi Tớ đau khổ mà Thiên Chúa ưu ái và là vị Tiên tri Tối cao => Thiên Chúa
Cha rất hài lòng về Người.
a. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa: Thành ngữ “Con Chí Ái” có nghĩa là
“Con độc nhất” => nó không những có nghĩa là Messia, Đấng được tuyển chọn,
mà còn có nghĩa là “Con Tiền Hữu”, tước hiệu này phát xuất từ sự cắt nghĩa câu
(Tv 2,7) trong cộng đoàn các Tông Đồ: “Ngươi là con Ta, chính hôm nay, Ta đã
sinh ra ngươi”. Người ta không dám chắc về ý nghĩa về câu nói ngay lúc được
phán ra cho các ông khi Chúa Giêsu Biến hình, nhưng một điều chắc chắn đối với
tác giả Tin Mừng, thì nó công bố sự “Tiền Hữu” của Chúa Giêsu. Và như thế, Lời
Thiên Chúa Cha phán trong cuộc “Biến Hình” đã trả lời cho lời tiên báo về cuộc
khổ nạn mà Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ. Trong phép rửa tại sông Giodan,
Thiên Chúa Cha công bố: Chúa Giêsu thực sự là Con Chí Ái của Ngài. Trong biến cố
“Biến Hình”, Thiên Chúa Cha lại tái xác nhận: Chúa Giêsu là con riêng của Ngài.
Và mời gọi: “Hãy vâng nghe Lời Người”.
b. Chúa Giêsu là Tôi Tớ của Thiên Chúa:
Với người Tôi tớ này, Thiên Chúa rất
hài lòng. Qua cách gọi thứ hai này, Thánh Matthêu nhắc lại cuộc Thần Hiện trong
phép rửa ở dòng sông Giodan, đồng thời cho thấy Thiên Chúa Cha giới thiệu Chúa
Giêsu như là “Người Tôi Tớ của Ta, kẻ Ta nâng đỡ, Người Ta đã chọn và Hồn Ta sủng
mộ. Ta đã ban Thần khí Ta trên Người” (Í 42,1). Khi gọi Chúa Giêsu là: “Người
được chọn”, “Đấng làm hài lòng Thiên Chúa Cha”, tiếng nói từ Trời đã ẩn giấu Thần
linh lên cung cách sống của Đấng Messia, Đấng “Hiền lành và khiêm nhượng trong
lòng” (Mt 11,29), “Người không bẻ gãy cây sậy bị dập …” (Í 42,2; Mt 12,18-21).
Để cho tất cả chúng học hỏi và sống như Ngài!
c. Chúa Giêsu là vị
Tiên Tri:
Điểm
đặc biệt và nổi bật trong biến cố “Biến Hình” đối với biến cố “chịu phép rửa”
là câu nói: “Các ngươi hãy nghe Lời Ngài”. Lời nói ấy được áp dụng cho Chúa
Giêsu về lời loan báo Tiên tri được ghi lại trong sách Thứ luật và trích dẫn
trong sách Công Vụ Tông đồ: “Từ giữa các anh em ngươi, Giavê Thiên Chúa của
ngươi sẽ chỗi dậy một tiên tri như Ta; các ngươi sẽ nghe Lời Ngài” (Tl 18,15).
Thánh Phêrô trong bài diễn từ tại Giêrusalem đã chỉ ra rằng: “Khi Phục Sinh
Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha đã bày tỏ nơi Ngài là một Môisen mới, một tiên tri
mà các người đợi trong cho thời cuối cùng”.; “Từ giữa đồng bào của anh em,
Thiên Chúa sẽ cho đứng lên một Ngôn Sứ như tôi để giúp anh em”. (Cv 7,37) Sự bảo
chứng ấy, Thiên Chúa đã ban cho ngay trong cuộc “Biến Hình” bằng cách cho ba
Tông Đồ biết rằng: “Chúa Giêsu là vị Tiên Tri” nên phải nghe Lời Ngài, nếu
không nghe thì sẽ bị khai trừ khỏi dân của Ngài (Cv 3,23; Lv 23,29).Vì Ơn Cứu Độ
tùy thuộc nơi Ngài. Đó là đời sống vĩnh cửu mà Ngài đã hứa ban cho những ai chấp
nhận “vác Thập Giá” bước đi theo Ngài.
IV. Áp dụng theo Tin Mừng:
Sau
khi đã loan báo về cuộc khổ nạn, chịu chết mà Ngài phải gánh chịu và sau ba
ngày Ngài sẽ Phục Sinh. Các Tông Đồ như trong mơ ngủ, chẳng hiểu gì! Sáu ngày
sau, Chúa Giêsu đem ba ông: Phêrô, Giacôbê và Gioan đi Theo Ngài lên một ngọn
núi cao và Ngài đã “Biến Hình” trước mặt các ông, để tỏ cho các ông thấy Vinh
quang sáng láng của Ngài, đó chính là vinh quang Phục Sinh. Và trong vinh quang
sáng láng đó, các ông lại được nghe tiếng của Thiên Chúa Cha từ Trời phán dạy: “Đây
là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe Lời Người”.
Qua biến cố đó, các Tông Đồ đã tin vào những Lời Chúa Giêsu đã nói, theo như Lời
của Thiên Chúa Cha mời gọi và quyết tâm bước theo Ngài.
Chúa
Giêsu là Đấng Cứu Thế, đã được Thiên Chúa Cha sai đến trong trần gian để Cứu Độ
nhân loại. Chính Ngài đã Mạc khải cho chúng ta biết các Mầu Nhiệm của Thiên
Chúa, Ngài đã truyền dạy cho chúng ta những điều chân lý, những điều tốt đẹp, để
giúp mỗi người chúng ta đạt đến sự sống đời đời. Ngài còn yêu thương chúng ta đến
nỗi bằng lòng chịu chết để cứu chuộc ta. Ngài còn lập các Bí Tích để nâng đỡ, để
ban ơn và để ở lại với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế. Không còn tình yêu
nào lớn lao cao cả cho bằng tình yêu của Chúa Giêsu đối với mỗi người chúng ta!
Khi Chúa Giêsu chấp nhận con đường khổ nạn để thể hiện tình yêu. Thiên Chúa Cha
đã hài lòng về Người Con Một yêu dấu và Thiên Chúa Cha ân cần mời gọi mỗi người
chúng ta “Hãy vâng nghe Lời Người”. Chúng ta đã sống thế nào để đáp lại tình
yêu của Chúa đối với chúng ta ? Đã vâng nghe Lời Chúa chưa ?!
- - - - - - - - - - oOo - - - - - - - - - -