CHÚA NHẬT I MÙA CHAY . A

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY . A
1/ (St 2,7-9;3,1-7)    2/ (Rm 5,12-19)  3/ Mt (4,1-11)
CHÚA GIÊSU CHỊU CÁM DỖ
I. Ý NGHĨA MÙA CHAY:
            Bước vào Mùa Chay, mùa giúp mỗi người tín hữu chúng ta chuẩn bị tâm hồn để cử hành Lễ Vượt Qua. Vì Mầu Nhiệm Vượt Qua là Mầu Nhiệm trọng đại nhất, là tâm điểm phụng vụ của Kitô Giáo. Tất cả các đại lễ trong năm, kể cả lễ Giáng Sinh, cũng đều quy hướng và cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua. Do đó, Mùa Chay chính là thời gian mà Giáo Hội, Hiền Thê của Đức Giêsu Kitô đã dùng để mời gọi con cái mình hãy thành tâm chuẩn bị tâm hồn cách xứng đáng lãnh nhận Hồng Ân Cứu Độ. Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro đến Thứ Năm Tuần Thánh (40 ngày). Đây chính là thời gian mà mỗi Kitô hữu phải “chay tịnh và sám hối”. Rút vào thinh lặng để cầu nguyện và sống nội tâm, để suy nghĩ và kiểm điểm lại đời sống của mình, để khám phá ra những nguyên nhân của sai lầm, của tội lỗi => để chân thành sám hối và quyết tâm đổi mới, nhờ Đức Tin và việc lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh Thể.

I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Việc chay tịnh và cầu nguyện là bí quyết và nguồn gốc của mọi thành công. Vậy mà chẳng mấy người lưu tâm đúng mức, nhất là tuổi trẻ! Trong thực tế đã minh chứng rõ điều này: Số người thành công trên mọi lãnh vực bao giờ cũng là thiểu số so với đại đa số vẫn cứ loay hoay hết cả cuộc đời mà chẳng thành đạt được chuyện gì đáng kể! Từ trong yên lặng, dễ để suy tư, dễ để nhận ra cái đúng cái sai, cái lầm lỗi, cái tội, cái phúc => để khám phá ra chính mình và khi đã biết mình và biết người thì mới “trăm trận trăm thắng”. Qua bài Tin Mừng này là một bài học kinh nghiệm giá trị cho cuộc sống của mỗi Kitô hữu chúng ta, khi nhìn vào sự chiến thắng của Chúa Giêsu đối với các chước cám dỗ của Satan quỷ dữ. Ma quỷ thì tinh ranh, thường lợi dụng tất cả mọi cơ hội để gài bẩy, để cám dỗ, để làm cho con người mắc mưu nó mà đánh mất Ơn nghĩa với Thiên Chúa. Đến cả Chúa Giêsu cũng không ngoại lệ. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài Tin Mừng để tìm ra được giải pháp chống lại các chước cám dỗ.
II. Phân tích:
1.      Phân đoạn:
+ (c 1-2): Hoàn cảnh diễn ra cơn cám dỗ.
+ (c 3-4): Cơn cám dỗ về bánh.
+ (c 5-7): Cơn cám dỗ về niềm tin tôn giáo.
+ (c 8-10): Cơn cám dỗ về quyền lực vinh quang trần thế.
+ (c 11): Ma quỷ thất bại, rút lui – Thiên Chúa đến.
2. Hoàn cảnh diễn ra cơn cám dỗ: 
            a. Nơi chốn: Sa mạc-Hoang địa.
            Là nơi hoang vắng yên tịnh, là nơi con người tạm xa lánh mọi sự … để suy tư, là nơi rất thuận tiên đẻ gặp gỡ Thiên Chúa.Chính Chúa Giêsu cũng đã thường lui vào nơi thanh vắng trong hoang địa để tâm sự, để cầu nguyện với Thiên Chúa (Mc 1,35-45; 6,31). Nhưng hoang địa cũng chính là nơi Ma quỷ lợi dụng để cám dỗ.
            b. Thời gian: Đầu Sứ Vụ công khai rao giảng, Chúa Giêsu có một giai đoạn cần để chuẩn bị, để suy nghĩ  hoặch định chương trình. Sau khi ở sông Giođan lên, Chúa Giêsu tràn đầy Thánh Thần. Ngài đã được trao sứ vụ Thiên sai.
            * Theo Matthêu: Chúa Giêsu bị cám dỗ sau khi chay tịnh 40 ngày đêm.
            * Theo Maccô: Chúa Giêsu chịu cám dỗ suốt thời gian 40 ngày đêm.
            c. Ý nghĩa của hoàn cảnh:
*Cuộc cám dỗ diễn ra trong hoang địa: Nơi ưu tiên và thuận lợi để gặp gỡ Thiên Chúa, thì cũng chính là nơi thường gặp cám dỗ. Cho nên khi đến với Chúa, sống với Chúa, thì không chắc đã thoát khỏi bị cám dỗ, mà ngược lại là đàng khác. Trong môi trường thánh thiện đạo đức thì thường bị cám dỗ trong tư tưởng (tội chia lòng chia trí trong lúc đọc kinh, dâng lễ … là thế). Tại sao Chúa Giêsu lại bị như thế ? Vì chính Thiên Chúa cũng muốn Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ là để cho chúng ta thấy được sức mạnh của lòng tin và sự cậy trông vào quyền năng Thiên Chúa (càng sống thánh thiện lại càng bị ma quỷ quấy rầy cám dỗ => khi một vật di chuyển càng nhanh thì lực cản càng mạnh).
            *Qua việc Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ, là để minh chứng rằng Đấng Thiên Sai Cứu Thế Cứu Thế đến để chia sẽ thân phận làm người của chúng ta. Là con người, ai cũng yếu đuối, mỏng dòn, sai lỗi, thường bị ma quỷ cám dỗ về mọi mặt. Thân phận con người là thân phận bị cám dỗ. Chúa Giêsu tuy ở địa vị Thiên Chúa, nhưng Ngài không cố giữ lấy địa vị ấy mà hủy mình ra không, trở thành giống hẳn chúng ta (Pl 2,7; Dt 3,17). Chính vì thế, Thiên Chúa muốn Con Ngài bị ma quỷ cám dỗ, chẳng những để chia sẽ thân phận của chúng ta, mà còn đưa chúng ta đến chỗ chiến thắng cám dỗ, vì Ngài đồng nhất với chúng ta, nên sự chiến thắng của Ngài cũng là của chúng ta và chỉ cách cho chúng ta trong cuộc chiến chống lại Satan: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ”.
3. Các cơn cám dỗ:
Cơn cám dỗ thứ nhất:
a. Cám dỗ ấy là gì ? và diễn ra thế nào ?
* Satan tấn công Chúa Giêsu vào chính lúc đói: Khi con người đói và đến độ mạng sống bị đe dọa thì bản năng sinh tồn tự vùng lên. Lúc này người ta vừa tuyệt đối hóa cơm bánh (cần thiết) lại vừa vô cùng ích kỷ (chỉ mình no), và cũng chính lúc này con người không còn tự chủ: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Satan cám dỗ Chúa Giêsu làm phép lạ để hóa đá thành bánh. Cơn cám dỗ đưa đến kết quả: + Chúa Giêsu thôi sống làm thân phận con người.
+ Không chia sẽ nỗi khốn khổ trong đói nghèo của con người.
+ Sử dụng quyền làm Thiên Sai để cứu mình và phục vụ cho mình, thay vì cứu người và phục vụ mọi người.
Chiến thắng: Chúa Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ này như thế nào ?    
* Chúa Giêsu đã dựa vào Lời Thiên Chúa để chiến thắng.
* Chúa Giêsu phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa Cha cách tuyệt đối.
* Tương đối hóa lương thực giữa lúc mà lẽ ra người ta tuyệt đối hóa nó.
4. Cơn cám dỗ thứ hai:
  1. Cám dỗ này là gì ? và diễn ra thế nào ?
* Trong cơn cám dỗ này, ma quỷ sử dụng ngay tâm trạng của Chúa Giêsu để cám dỗ Ngài: Chúa Giêsu dựa vào Kinh Thánh và lòng Tin Cậy vào Thiên Chúa, thì ma quỷ dùng ngay một câu Kinh Thánh đòi lòng tin cậy phó thác để cám dỗ. Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu điều gì ?
* Thôi không sống thân phận con người, không theo quy luật tự nhiên.
* Buộc Thiên Chúa phải làm theo ý mình.
            b. Chiến thắng: Chúa Giêsu đã chiến thắng chước cám dỗ này như thế nào ?
* Ngài vẫn dùng lời Kinh Thánh để chiến thắng, nhưng điều Chúa Giêsu nhấn mạnh đến là không lạm dụng tình thương của Thiên Chúa cho tình yêu vị kỷ của con người, không đặt Thiên Chúa trong điều kiện phải làm phép lạ, mặc dù Ngài có thể.
4. Cơn cám dỗ thứ ba:
  1. Cám dỗ này là gì ? và diễn ra thế nào ?
* Ma quỷ dùng lòng tham quyền thế ở trần gian để cám dỗ, dụ dỗ Chúa Giêsu phục lạy nó, nhận nó làm Chúa. Ở đây có nghĩa là đến với quyền năng bằng con đường của ma quỷ chứ không bằng con đường của Thiên Chúa. Đường của Thiên Chúa là đường đi của người Tôi Tớ đau khổ. Ngoài con đường này đều là những con đường trệch với đường Thiên Sai, là những con đường mà Thiên Chúa không muốn.
            b. Chiến thắng: Chúa Giêsu đã chiến thắng chước cám dỗ này như thế nào ?
* Ngài vẫn dùng lời Kinh Thánh. Dùng Lời Chúa thích hợp.
* Xua đuổi dứt khoát – tức khắc khước từ cám dỗ, không khoan nhượng.
* Đặt Thiên Chúa Cha là Đấng tuyệt đối duy nhất.
IV. Áp dụng theo Tin Mừng:
            Nhìn vào Chúa Giêsu là đối tượng duy nhất của mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ nhờ vào sự tin tưởng và phó thác vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa Cha là Đấng tuyệt đối duy nhất, nên Ngài đã dùng Lời của Thiên Chúa (Thánh Kinh) để đối đầu với Satan. Các cơn cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu, cũng chính là những cơn cám dỗ mà mỗi người chúng ta thường mắc phải trong cuộc sống: Cơm áo, gạo tiền, danh vọng, quyền lực … cũng đã làm cho chúng ta điêu đứng đến nỗi cũng đã biến nhiều người thành kẻ biển thủ, hối lộ tham nhũng hoặc có những người tán tận lương tâm. Cuộc sống là thế đấy! Bao nhiêu vất vã âu lo, chúng ta hãy hiến dâng cho Chúa là Đấng quan phòng, để “quẳng gánh lo âu mà vui sống”. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài để được Ngài bổ sức cho mà vượt qua các cạm bẩy của ma quỷ cám dỗ ta sống xa tình Ngài: “Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta bổ sức cho”. Nhờ Ơn chúa giúp sức và nhờ Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta sẽ vượt qua được tất cả những cơn cám dỗ của Satan trong đời sống. “Hãy sám hối ăn năn trong chay tịnh!”.
- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -