CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN . A

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN . A
1/ (Is 49,14-15)    2/ (1Cr 4,1-5)  3/ (Mt 6,24-34)
“TRÔNG CẬY VÀO CHÚA QUAN PHÒNG”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
* Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ: Đất Trời, tinh tú, muôn loài muôn vật và con người giống hình ảnh của Ngài (St 1,1-31). Chính Thiên Chúa đã sắp đặt và điều hành sự luân chuyển trong vũ trụ, từ thời tiết qua thời gian, để cho con người được hưởng dùng trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Diều này đã được công nhận của tất cả mọi người sống trên mặt đất này, dù tin hay không tin, mỗi khi kêu lên rằng: Trời ơi! Trời mưa, trời nắng, trời gió … và nhờ Đức Tin mà mỗi Kitô hữu chúng ta càng xác tính cách chắc chắn hơn trong cuộc sống bằng sự cậy trong vào sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng nghĩa với việc chọn Thiên Chúa là “Chủ” của chúng ta trong mọi sự. Bài Tin Mừng này sẽ giúp chúng ta tái khám phá để tín thác và cậy trông hơn vào Thiên Chúa Tình Yêu, là Đấng luôn quan phòng chăm sóc chúng ta là hình ảnh của Ngài.

II. Nhận định:
1. Ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này thật rõ ràng: Vì Thiên Chúa là “Chúa” nghĩa là “Chủ” của chúng ta. Trước Thánh Nhan Ngài là Đấng tạo dựng, thì con người chỉ là thụ tạo, chỉ là tôi tớ. Chính vì thể mà con người chỉ có thể có hai thái độ:
* Hoặc là chỉ hướng về Ngài, coi Ngài như Ông Chủ duy nhất của chúng ta để thờ phượng và mến yêu Ngài.
* Hoặc là khinh chê và ghét bỏ Ngài.
Vậy con người không thể có thái độ thứ ba ở giữa hai thái độ trên. Nếu con người hướng về một ông chủ khác ngoài Thiên Chúa, dù bất kỳ là ai là cái gì, thì con người đã phục vụ sai lý tưởng và mục đích, như thế sự liên kết mật thiết với Thiên Chúa sẽ không còn nữa, hậu quả là mất hạnh phúc đích thật với Thiên Chúa.
Trong chiều hướng ấy, sự gắn bó với của cải và tiền bạc có thể là một trở ngại lớn của tình yêu chúng ta đối với Thiên Chúa. Tắt một lời rằng Thiên Chúa là Chúa của tất cả mọi người, con người có thể yêu thương hoặc ghét bỏ Ngài: “Tự do”.
2.Bởi vì Thiên Chúa là Chủ của chúng ta, nên Ngài sẽ lo lắng và an bài đến tất cả những gì mà con người chúng ta cần. Điều Ngài đòi buộc nơi chúng ta trước tiên là phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa: Nước Thiên Chúa ở đây phải hiểu là quyền cai trị của Thiên Chúa và tìm kiếm Nước Thiên Chúa là chấp nhận quyền cai trị của Thiên Chúa trong tâm hồn và trên cuộc đòi ta. Nghĩa là ta giao phó tất cả những mối bận tâm, ưu tư lo lắng thế sự của cuộc sống hiện tại cho Thiên Chúa. Có như thế ta mới cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa lo lắng hết mọi sự cho con cái của Ngài. Vì thế, vấn đề là phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết và sự công chính của Ngài, rồi những sự khác Chúa sẽ ban cho (Từ ngữ này phải hiểu cho đúng: Đây không phải là thái độ của người nằm chờ sung rụng, cũng không phải là thái độ phó thác “ngây thơ”, ban cho ở đây có nghĩa là Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta nếu chúng ta biết cố gắng cộng tác với sự giúp đỡ của Ngài: “Mọi sự tại nhân, thành sự tại Thiên”).
3. Vậy bài Tin Mừng này nói lên một cái nhìn rất thực tiễn của Chúa Giêsu đối với cuộc sống của mỗi người chúng ta. Ngài không lý tưởng như một số người thường nghĩ. Trái lại, Ngài rất biết và cảm thông với sự khổ nhọc của chúng ta trong việc tìm kiếm miếng cơm manh áo, vì ngài phán với chúng ta “ngày nào có cái khổ của ngày đó”; “Hãy đến với Ta, Ta bổ sức cho”. Có nghĩa là Chúa luôn quan tâm chăm sóc và ban ơn trợ giúp mỗi người chúng ta vượt qua được mọi khó khăn trở ngại trong cuộc sống từng ngày.
4. Đã hẳn đối với những ai tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa thì tất cả mọi sự đều tốt đẹp (Rm 8,28), nhưng điều chắc chắn là nếu phục vụ cho Thiên Chúa hết tâm hồn hết sức lực, con người sẽ không bao giờ chịu thiệt thòi hoặc chịu hư mất. Tình yêu Phụ tử của Thiên Chúa là Cha, không phải là một thứ tình yêu mù quáng, chỉ biết nuông chiều những thói hư tật xấu của con cái. Trái lại, Ngài là người Cha rất thật lòng yêu thương chúng ta, không chuẩn miễn cho chúng ta những đau khổ cần thiết cho cuộc sống. Vì chính qua những đau khổ mà chúng ta phải gánh chịu trong cuộc sống, lại là một bài học rất giá trị giúp chúng ta sống tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân hoàn hảo hơn. Vậy hãy cậy trong vào Chúa quan phòng, nghĩa là hãy tôn thờ Thiên Chúa, hãy chấp nhận quyền cai trị của Ngài trong cuộc đời của ta, hãy tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Rồi mọi sự khác Chúa sẽ cùng ta lo liệu, với ý thức rằng mọi sự xảy ra trong cuộc sống chúng ta đều tốt đẹp. Cả những đau khổ cũng rất cần thiết cho ta thực hiện sự Thờ phượng và yêu mến Chúa, để đạt đến hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa: “Qua đau khổ mới đến Vinh quang”.
5. Phân tích:
* (câu 24): Không thể làm tôi hai chủ: vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của.
* (câu 25-34): Phải tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
1/ Không ai có thể làm tôi hai chủ (c24): Đây là một sự thật trong cuộc sống mà Chúa Giêsu đã đưa ra để giúp chúng ta nhận định và áp dụng trong đời sống: Từ đời sống hôn nhân gia đình đến công ăn việc làm … sẽ có sự chênh lệch, hơn thiệt về tình cảm, về lợi nhuận … đưa đến những hậu quả không tốt trong quan hệ cuộc sống. Khi chọn của cải tiền bạc làm chủ cuộc đời mình sẽ dẫn đến ngộ nhận, làm mất tình nghĩa với mọi người, dù là người thân. Nhất là không còn nhận biết chính Thiên Chúa là đấng quyền năng trên mọi loài, là Đấng đáng được và phải tôn thờ Ngài trên hết mọi sự …
2/ Đừng lo mạnh sống … cho thân thể (c25): Trong đoạn văn (c25-c34), Matthêu đã dùng động từ “lo lắng” tới 6 lần, muốn nói lên sự nghiêm khắc của Chúa Giêsu đối với thái độ quá lo lắng cho cuộc sống. Ta cần phải hiểu cho rõ ý tưởng của Chúa Giêsu: Điều mà Chúa Giêsu lên án là sự lo lắng theo kiểu những người ngoại giáo (c32) lý do là vì chúng ta có Thiên Chúa là Cha, Ngài biết chúng ta và biết rõ những nhu cầu cần thiết của chúng ta. Thế nên phải làm việc, phải kiếm ăn, phải lo thu xếp các công việc bổn phận mình, nhưng luôn luôn với tư cách là một người tôi tớ của Thiên Chúa, là một người con cái của Thiên Chúa là Cha.
3/ Mạng sống không hơn của ăn … thân thể chẳng hơn áo mặc sao ? => Ý nói, nếu Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên thân xác và ban sự sống cho con người, thì hẳn rằng Ngài biết cách quan phòng và gìn giữ nó. Vậy, đừng ưu tư, lo lắng quá sức cho nó mà quên đi Đấng Tạo dựng nên nó.
4/ Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm (c32): Sự lầm lạc của dân ngoại hệ tại ở hai điểm:
* Ho không hề nhận biết có Đấng Tạo Hóa và do đó họ không biết tình yêu của Thiên Chúa đối với các tạo vật mà Ngài đã dựng nên.
* Vì thế họ mong chiếm hữu lấy tạo vật cho mình, sử dụng theo ý mình thay vì sắp đặt theo ý Thiên Chúa và cũng không biết cảm tạ Ngài trong sự thờ phượng.
5/ Đừng lo lắng về ngày mai … Ngày nào có cái khổ của ngày ngày ấy (c34): Đây là thái độ rất thực tế của Chúa Giêsu: Ngài biết rõ ràng từng bước đi của mỗi người chúng ta, không phải lúc nào cuộc đời chúng ta cũng gặp đau khổ, vì cuộc đời này vãn thường được coi là buồn vui lẫn lộn: “sông có khúc, người có lúc”; “nay cười, mai khóc”; nay lên voi, mai xuống chó”… Chính vì thế, mà Chúa Giêsu khuyên chúng ta đừng phóng đại những đau buồn đó một cách vô ích, để luôn sầu buồn lo lắng mà chẳng lo được gì (c27), nhưng hãy sống xác tín vào sự quan phòng của Thiên Chúa, tin chắc rằng Ơn Chúa là đủ cho chúng ta (Dt 13,5).
III. Áp dụng theo Ting Mừng:
            Cuộc sống của con người là thế ! của cải tiền bạc là thế ! nay còn mai mất ! “Một cơn gió thổi, cũng làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích”. Vậy cuộc sống con người thiết yếu phải quy hướng về Thiên Chúa, và mục đích của cuộc sống là thực hành sự công chính của Ngài. Sống là để phục vụ Thiên Chúa trong sự ngay chính và thánh thiện. Còn tất cả mọi thứ khác: sức khỏe, thời gian, công việc, của cải tiền bạc … chỉ là phương tiện giúp con người đạt đến hạnh viên mãn với Đấng Tạo hóa và chúng chính là phần thưởng cho sự phục vụ Thiên Chúa và tha nhân ở cuộc sống trần gian này. Vì thế, Chúa Giêsu đã dạy mỗi người chúng ta phải biết tin tưởng và phó thác cuộc đời mình vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa là Đấng Thượng Trí vô biên, phép tắc vô cùng hằng xem thấy ta, hằng biết mọi nhu cầu của ta. Chúa Giêsu đã sống nêu gương cho chúng ta: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của đấng đã sai thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Noi gương Chúa Giêsu và nghe lời Ngài dạy, mỗi người chúng ta hãy sống tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa để thờ phượng Ngài trên hết mọi sự. Hãy luôn đặt niềm cậy trông phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, đừng tự ỷ lại vào sức khỏe, quyền lực thế gian, của cải tiền bạc mà đánh mất hạnh phúc, vì không thể làm tôi hai chủ !

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -