CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN. B

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN. B
1/ (Đnl 4,1-2.6-8)    2/ (Gc 1, 17-18.21b-22.27)  3/ (Mc 7,1-8.14-15.21-23)
KHÔNG ĐƯỢC BỎ ĐIỀU THIÊN CHÚA DẠY ĐỂ GIỮ TẬP TỤC CỦA PHÀM NHÂN
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Trong đời sống, con người thường hay bị lôi cuốn bởi những phong tục tập quán của dân tộc, của từng địa phương. Những phong tục tập quán ấy ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con người, đến nỗi khi đến nơi nào thì phải sống dựa theo tập quán của địa phương đó (nhập gia tùy tục). Thế nhưng có những phong tục tập quán có giá trị cho tất cả mọi người ở mọi thời. Qua bài Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta thấy rõ về phong tục “sạch và dơ” của người Do Thái năm xưa vẫn ứng nghiệm cho chúng ta hôm nay, nhất là về đời sống tâm linh. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu để áp dụng vào đời sống đức tin cảu mình.

1. Bài Tin Mừng nầy nằm trong chương 7 của Thánh sử Marcô, Phụng vụ muốn nói với chúng ta về vấn đề: Sạch và Dơ trong đời sống, sạch và dơ trong cả nội tâm lẫn thể xác, khi trích một số câu và bỏ một số câu trong đoạn (Mc 7,1-23).
* Bỏ (c 9-13): Người Biệt phái khinh miệt lệnh truyền của Thiên Chúa.
                   (c 16-20): Mọi thức ăn đều sạch.
* Giữ lại (c 1-8) Lệnh truyền của Thiên Chúa và lệnh truyền của loài người.
                               (c 14-15.21-23): Sự đối lập giữa sạch và dơ.
2. Vấn đề sạch và dơ:
a/ Qua câu 15 => Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì ?
Câu châm ngôn (Mashal) về trong sạch của Chúa Giêsu ở Mc 7,15 chắc chắn thuộc về tình trạng cổ xưa nhất của truyền thống văn bản. Ngay cả những phê bình có vẻ khắt khe nhất về truyền thống nhất lãm cũng không phủ nhận việc gán cho Đức Giêsu điều nầy. Nếu cắt bớt đi khỏi câu văn một vài thêm thắt về sau, người ta sẽ được một câu châm ngôn dễ dàng dịch sang tiếng Aram cổ ngữ và có nhiều đặ tính của văn chương Do Thái cổ xưa như: Đối nẫu, Vần ép với những lối chơi chữ và một tiết điệu rõ rệt: “Không có gì ở ngoài con người có thể làm cho nó ra ô uế, nhưng chính cái xuất tự trong con người là cái làm cho nó ra ô uế”. Vì những cái gì bên ngoài làm cho con người dơ, như dính bùn đất, … thì khi tắm rửa sẽ sạch ngay. Vậy:
* Cái ở ngoài vào trong con người là cái gì ?
* Cái xuất từ trong con người mà ra là cái gì ?
- Chúa Giêsu không nói những cái bên ngoài dơ hay sạch, nhưng nói: Cái làm cho người ta ra nhơ uế.
Ví dụ: Nghe kẻ khác chửi mình mà mình chửi lại => vì tức giận, phải trả đũa thì đã làm cho ta ra nhơ uế. Nhưng nếu chúng ta vẫn bình tĩnh vui vẻ chịu đựng, không phản ứng, không cáu gắt, … thì chúng ta được phúc, không nhơ uế vì ta đã thực hiện điều Chúa dạy ta phải yêu cả kẻ thù, phải làm phúc, cầu nguyện cho những người vu khống, nói xấu bách hại, chửi rủa các con.
- Điều Biệt phái trách: không rửa tay trước khi dùng bữa: Điều nầy là dơ về bình diện thiêng liêng theo truyền thống và tập tục.
- Chúa Giêsu đã trả lời đúng câu hỏi của họ. Như vậy Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta đièu gì ?
Qua câu nói trang trọng, Chúa Giêsu muốn mọi người hãy tự thoát khỏi tình trạng xấu xa của mình để hối cải, để sử mình => để nên thánh thiện, chứ không phải chỉ nổ lực trong hiểu biết suông. Câu nói “khó hiểu” của Chúa Giêsu thật là dễ hiểu. Nó không đòi hỏi nhiều kiến thức, nhưng nó lại đòi hỏi nghị lực, sự cố gắng để nên hoàn thiện cuộc sống bằng sám hối, bằng hoán cải tận căn. Công việc nầy không lớn lao nhưng gây nhiều hậu kết cho bản thân và cho cả những người xung quanh. Chúa Giêsu cho rằng quyền lực chết chóc của sự dữ đè nặng trên con người và Ngài cho thấy sự đe dọa của nó xuất phát từ đâu. Nó không chạm đến con người từ bên ngoài do của ăn, nhưng tấn công từ bên trong con người và từ đó nó tung ra các cuộc tấn công, làm cho con người mất tự chủ và trở nên nhơ uế. Lời Chúa Giêsu tập trung ảnh hưởng của sự dơ bẩn trên cái bên trong, trong cõi lòng là trung tâm mọi quyết định. Như thế, một phần lớn, mà không bao giờ được bỏ quên, các quan niệm của Cựu Ước về dơ bẩn nhận được một giá trị tuyệt đối. Sự dơ bẩn đích thực, duy nhất, là sự dơ bẩn mà con người mắc phải khi tự do lựa chọn sự ác, sự xấu. Qua lời nói uy nghi ấy, Chúa Giêsu cho con người một sự tự do lạ lùng => Tự do đó phải ý thức về trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người, được khỏi mọi thiệt hại do những vật bên ngoài như đồ ăn thức uống … nó càng không có quyền phát xuất ra cái gây dơ bẩn, cái gây tai hại, sự chết chóc cho mọi người từ trong tư tưởng thiếu trong sáng và hành động thiếu tình yêu.
b. Giáo Hội sơ khai giải thích Thánh Ngôn:
Các nhà chú giải Thánh Kinh thì cho rằng các câu (18-20; 21-23) là những câu mà Giáo Hội sơ khai dùng để giải thích Thánh Ngôn. Chúng ta sẽ lần lượt phân tích:
* Qua các câu 18-20, Giáo Hội giải thích như thế nào ?
- Thức ăn bên ngoài không thể làm dơ tâm hồn người ta được.
Câu 19b: Trong các cộng đoàn người Do Thái coi vấn đề sạch dơ rất quan trọng, gây tình trạng chia rẽ giữa anh em Do Thái và Kitô hữu gốc ngoại (Cv 10-11: Phêrô bị khiển trách; cộng đoàn Giêrusalem đã giải quyết vấn đề kỳ thị). Lời nói của Chúa Giêsu được cộng đoàn sơ khai giải thích rõ ràng để nhấn mạnh: đồ ăn tự nó không dơ => như đồ cúng.
Đối với chúng ta, cái gì đã làm cho Kitô hữu gốc Do Thái và người dân ngoại chia rẽ, không sống tình bác ái ? Cái gì đã làm phân cấp trong Giáo Hội ? Phải chăng là vấn đề sạch dơ => Từ trong tâm hồn hay do những nghi lễ bên ngoài, vì do quan niệm quá hình thức bên ngoài theo tục lệ mà quên đi cái giá trị cao quý bên trong nội tâm => Quên đi thánh luật của Thiên Chúa.
* Qua các câu 21-23 Phụng vụ muốn đề cập đến lòng con người: Đó là sào huyệt của mọi tình ý xấu. Lòng con người được trình bày như một kho tích chứa mọi điều lành và dữ. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến điểm chốt: Vô lương tri (không chịu học hỏi) chính cái lòng ta làm chia rẽ con người, chính cái cố chấp, cái đố kỵ sinh ra hờn ghen, gây chia rẽ => Nó xuất ra từ trong nội tâm con người.
Khi tách đời sống luân lý ra khỏi đời sống phụng tự, sẽ có nguy cơ đem đến lối sống bề ngoài là giả hình. Như vậy cái bên trong không được bảo vệ, dễ bị dơ. Một khi nỗ lực giữ những cái bên ngoài để khỏi bị dơ (rửa tay trước khi ăn) thì càng hóa ra dơ thêm (vì đã bỏ đi những giá trị cao quý của nội tâm).
* Theo Chúa Giêsu: “Lệ truyền của tiền nhân” đối lập với “Lệnh truyền của Thiên Chúa” ở điểm nào ?
Lệ tuyền (tập tục) của con người không phải là con đường đưa chúng ta đến sự công chính mà chính là lệnh truyền của Thiên Chúa. Thế mà lệnh truyền ấy đã được cắt nghĩa sai lầm thành một điều luật của con người, áp đặt cho người khác một gánh nặng và bóp chết sự tự do của họ.
Từ cuộc tranh luận về vấn đề sạch dơ. Thánh Marcô cho ta thấy thái độ vị luật quá đáng của người Biệt phái, họ theo tập tục của Tiền nhân mà bỏ quên luật của Thiên Chúa. Họ chỉ để ý đến cái bên ngoài mà quên đi cái bên trong, thái độ giữ luật bên ngoài đã lột trần cho ta thấy sự thánh thiện giả dối bên trong của họ.
Vì thế, đối với Chúa Giêsu mọi thái độ vị luật, hình thức bề ngoài đều đáng bị lên án bởi lời sấm của Isaia. Lối thờ phượng bên ngoài có thể đối kháng điều răn của Thiên Chúa với ơn cứu độ của loài người, trong khi người tín hữu đích thực nhận ra lề luật Thiên Chúa ban cho là để cứu độ loài người. Sự thờ phượng đích thực đặt nền tảng trong tinh thần và chân lý như Thánh Gioan đã nói đến: “Nhưng giờ đã đến và chính là lúc nầy đây: giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23).
* Dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa tay (câu 2): Theo tập tục mang tính tôn giáo, người Do Thái phải thanh tẩy, phải rửa tay sạch trước khi ăn uống, chẳng phải chỉ vì vệ sinh mà là một nghi thức để chứng tỏ mình sạch. Những người Do Thái ở miền Nam, nơi có Thánh đô Giêrusalem, thì giữ luật nầy rất nghiêm nhặt. Còn ở miền Bắc có phần lỏng lẻo hơn, một phần vì sống chung với dân ngoại, một phần vì đất cát khô cằn, ít nước.
* Dân nầy tôn kính Ta bằng môi miệng … (câu 6): Trích lại lời nói của Ngôn sứ Isaia 29,13. Chúa Giêsu đã trách cứ dân thời Ngài, chỉ lo những cái bên ngoài, mà chẳng lưu tâm đến việc hoán cải để đổi mới bên trong tâm hồn, và Tiên tri đã gọi cái tình trạng “so le”, khác biệt giữa bên ngoài hình thức với bên trong nội dung ấy là “giả hình”. Có lẽ thói giả hình đó đang lưu hành và tồn tại trong đời sống của người tín hữu hôm nay: Giữ đạo hình thức, trở nên gian dối !
II. Ý chính bài Tin Mừng:
            Chúa Giêsu đã phân biệt sự thanh sạch theo nghi thức, tập tục với sự thanh sạch mà Thiên Chúa mong muốn, ấy là thái độ đúng đắn của tấm lòng, phát xuất từ bên trong tâm hồn chứ không phải chỉ là hình thức bên ngoài.
- - - oo - - -