CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN. B

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN. B
1/ (Xh 16,2-4. 12-15)    2/ (Ep 4,17.20-24)  3/ (Ga 6,24-35)
CHÍNH CHÚA GIÊSU LÀ BÁNH HẰNG SỐNG
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Trong xã hội hiện nay, vấn đề lương thực và kinh tế đang là chuyện sống còn của nhiều quốc gia trên thế giới. Sự chênh lệch về cung và cầu, có nhiều nước trở nên giàu có sung túc trong cuộc sống, thì cũng có nhiều quốc gia đang phải vật lộn với nạn thiếu lương thực. Phải chăng bài Tin Mừng Chúa Nhật XVIII  hôm nay như một âm vang xa vời mãi trong sa mạc không liên quan gì đến mỗi người chúng ta hay sao ? Bài Tin Mừng nằm trong chương 6 của bài Tin Mừng Thánh Gioan, triển khai diễn từ rất quan trọng của Chúa Giêsu về chủ đề “BÁNH HẰNG SỐNG”. Hầu làm sáng tỏ ý nghĩa và sự cần thiết của Bánh Ban Sự Sống đó chính là Chúa Giêsu, để mọi người Tin và đến lãnh nhận, để được sống đời đời nhờ Bánh Thánh Thể. Chúng ta cùng tìm hiểu để cảm nhận và năng đến lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể.

1. Phân đoạn:
Dựa trên mạch văn, ta có thể chia bài Tin Mừng thành 3 phần:
a. (câu 24-27): Dân chúng tiếp tục đi gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu muốn họ đi tìm kiếm Ngài không chỉ được ăn no nê, nhưng muốn họ Tin vào Ngài là Bánh Trường Sinh.
b. (câu 28-31): Việc mà mọi người phải có là Tin vào Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, được Chúa Cha sai đến.
c. (câu 32-35): Manna Thiên Chúa ban, chính Thiên Chúa cũng ban Con Một là Chúa Giêsu => Chính là Bánh đem lại Sự Sống đời đời. Chúa Giêsu khẳng định chắc chắn: Chính Ngài là Bánh Trường Sinh. Ai đến với Ngài sẽ không còn đói khát.
2. Chú thích:
* Caphanaum (c24): Là một thành phố nằm ở phía Tây Bắc Biển Hồ Galilê.
* Dấu lạ (c26): Thánh Gioan trình thuật về các phép lạ Chúa Giêsu đã làm như là các “dấu lạ” để hướng về ý nghĩa của cái “được chỉ”, để minh chứng quyền năng của Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai (Messia).
* Lương thực mau hư nát và lương thực trường tồn (c27): Nói rõ về giá trị khác biệt giữa hai thứ lương thực: Lương thực Trường tồn về tinh thần là của ăn nuôi dưỡng Linh Hồn (Mình và Máu Chúa Kitô), và lương thực nuôi sống thân xác là cơm bánh.
* “Chính Tôi là Bánh Trường Sinh”: Trong bài Tin Mừng Thánh Gioan, rất nhiều lần Chúa Giêsu đã Mạc khải về nguồn gốc và bản tính của Ngài như là “Ánh sáng soi thế gian” (Ga 8,12), là “Sự Sống” (Ga 14,6), là “Đấng từ Trời xuống” (Ga 3,13). Nên khi Ngài nói “Chính Tôi là Bánh Trường Sinh” => là Chúa Giêsu đã Mạc khải về “Mình và Máu Thánh Ngài” sẽ trở nên Bánh Hằng Sống, mà những ai lãnh nhận cách xứng đáng sẽ đạt đến hạnh phúc trường sinh => là có được sự sống đời đời.
3. Chúa Giêsu dẫn người Do Thái từ lựa chọn này đến lựa chọn khác, để cuối cùng đến sự lựa chọn căn bản như thế nào?
            a. Ở các câu 25-27 cho thấy người Do Thái được đặt trước những lựa chọn nào ? Chúng ta có hai lựa chọn:
* Lựa chọn 1: Đọc phép lạ hóa bánh như “dấu chỉ” hay như “phép lạ”.
* Lựa chọn 2: Nằm lì ở bình diện bánh hay vươn tới bình diện cao hơn đó là “Bánh Hằng Sống”
- Nhìn như dấu lạ thì cần có Đức Tin. Nhìn như phép lạ thì không cần Đức Tin, người vô thần cũng chứng kiến phép lạ được. Thế giới xuất hiện dưới con mắt người không tin => Vũ trụ mỏng, không có chiều dày. Còn dưới con mắt người có Đức Tin => Vũ trụ có chiều dày, nhìn vũ trụ như lượng số, nhờ Đức Tin giải mã. Người có Đức Tin nhìn vũ trụ vật chất như “cái chỉ” đến một Đấng quyền năng đã tạo dựng nên vũ trụ là Thiên Chúa.
- Dân Do Thái bị cám dỗ: Chỉ nhìn Chúa Giêsu như người tài, đã nhân bánh ra nhiều. Chúa Giêsu muốn họ vươn lên đến bình diện nhìn ra Bánh Hằng Sống là chính Ngài. Chúa Giêsu thanh lọc ý hướng tìm Ngài của họ (c26).
b. Ở các câu 28-31 cho thấy Chúa Giêsu đặt người Do Thái trước lựa chọn nào ?
* Người Do Thái duy luật chỉ nghĩ đến việc giữ luật.
* Chúa Giêsu đtặ đối lập giữa lề luật với việc tin vào Ngài.
- Dựa vào lề luật: Hoặc là không cần Đấng Cứu Độ, tôi có thể cứu tôi, lề luật cứu tôi. Đó là hướng của các luân lý ngoài Kitô Giáo, rèn luyện các nhân đức, nên thánh bằng sức của mình, nước Trời nắm chắc trong tay là do công mình.
- Công của mình nhưng sự Cứu độ của Chúa. Thánh Phaolô đã chống lại tư tưởng ỷ lại sức riêng của mình. Vì thế là cho rằng tin vào Đức Giêsu không đủ để cứu ta. “Không có Thầy, các con chẳng làm được chi”. Vai trò con người là chấp nhận tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, để Chúa làm mọi sự trong ta, nhưng không phải dể. Vì ta có dám buông của cải, danh dự, địa vị không ? Ta bám vào nhiều thứ, nên bỏ rất khó. Ở đây, Gioan cho thấy Chúa Giêsu dẫn chúng ta đi những bước thật khó khăn, để khi nào ta mới thật sự tin vào Chúa và đặt tất cả mọi sự trong tay Ngài !
c. Ở các câu 32-35: Họ được đặt trước lựa chọn nào ?
* Manna có phải là bánh đích thực không ?
- Manna là bánh do Chúa Cha ban, chỉ dấu hiệu báo trước Bánh đích thực bởi trời cũng do Cha ban. Bánh đích thực có nghĩa là Bánh đem lại sự sống đời đời.
- Phải lựa chọn Đức Giêsu như Bánh bởi trời đích thực hơn những cái khác. Giữa Chúa Giêsu với lề luật, giữa manna với Chúa Giêsu.
            4. Cái gì đã khiến người Do Thái không thể lựa chọn điều Chúa Giêsu đề nghị ?
a. Các ngăn trở:
* Quan niệm sai về Đấng Thiên Sai. Nhìn Đấng Messia như khôn đúc sẵn.
* Nhìn gốc gác trần thế của Chúa Giêsu (c41-42) (về nhân tính và xem thường).
* Quá nặng hình thức về lề luật và về vật chất.
- Đây cũng chính là những ngăn trở, cản ngăn chúng ta hôm nay. Mà Thánh Gioan muốn đặt vấn đề cho chúng ta hơn là cho những người Do Thái.
b. Tại sao những cái lẽ ra giúp người ta dể tin vào Thiên Chúa, thì lại trở thành xiềng xích cản trở họ?
- Vì họ coi những phương tiện như mục đích của họ: Lề luật – Tín Điều là phương tiện để đến với Chúa, để sống liên kết với Chúa. Thời giờ, sức khỏe, vật chất, tiền bạc là những phương tiện thuận lợi cho chúng ta thực hiện được Thánh ý của Chúa. Nhưng khuynh hướng của chúng ta thường tuyệt đối hóa nó và coi chúng như là mục đích và cứu cánh của mình, nên đã bị lệ thuộc và trở nên nô lệ cho vật chất tiền bạc. Và từ đó, nảy sinh đủ mọi lý do để che dấu kiếp nô lệ vật chất của mình và dần dần đánh mất Đức Tin.
            5. Từ cảnh tượng dân chúng chạy tìm để gặp Chúa Giêsu, Ngài muốn hướng dẫn dân chúng và mỗi người chúng ta đến điều gì ?
Trước cảnh tượng dân chúng tìm gặp Chúa Giêsu. Vì họ nhìn Chúa Giêsu là vị Ngôn sứ, là người tài – đức: vì đã nhân bánh ra nhiều và đã cho họ ăn no nê. Chúa Giêsu muốn họ vươn tới một bình diện quan trọng hơn, đó là Bánh Hằng Sống: Phải lo tìm kiếm Bánh Hằng Sống => Đó chính là Ngài, mà Chúa Cha đã ban cho nhân loại. Chúa Giêsu thanh lọc ý hướng tìm Ngài, cách đến với Ngài (c26) => để có sự sống (c27) => Vì chính Ngài là Bánh Trường Sinh (c35)
II. Ý chính bài Tin Mừng:
            Trước cảnh dân chúng tìm đến với Chúa Giêsu chỉ vì lợi lộc vật chất là được ăn no nê. Chúa Giêsu muốn họ phải lo tìm kiếm “Bánh” đem lại hạnh phúc sự sống đời đời là chính Ngài. Mà chính vì tình yêu thương nhân loại, đã luôn luôn sẵn sàng ban tặng Thân Xác và Linh Hồn làm của ăn nuôi sống mọi người.

III. Áp dụng vào đời sống:
Đa phần các Kitô Hữu hôm nay, nhất là giới trẻ, đã bị lôi cuốn theo chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa hưởng thụ. Từ đó, cộng thêm sự biếng nhác học hỏi về Chân lý Mạc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu giảng dạy (yếu kém giáo lý) dẫn tới việc sống lơ là và xem thường ơn Thánh, không siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, nhất là ít thiết tha với Thánh Lễ thường ngày, giữ các điều luật cách hình thức chiếu lệ … không còn ý thức về tội lỗi, thác loạn trong các tệ nạn … đang dần đánh mất Đức Tin. Từ đó, đã mù quáng trong cuộc sống, không làm chủ được bản thân, mất định hướng cho cuộc đời, dùng các phương tiện làm mục đích và cứu cánh của mình, đã trở nên gánh nặng cho xã hội, cho gia đình và cho Giáo Hội. Là Kitô Hữu, chúng ta hãy tha thiết với “Sự sống đời đời” mà chính Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên Thập Giá để cứu chuộc chúng ta, trả lại cho mỗi người chúng ta sự sống mà do “tội lỗi” đã cướp mất. Ngài còn là “Bánh Hằng Sống” nuôi dưỡng và trợ giúp chúng ta trên đường tiến về quê trời. Hãy siêng năng đến với Chúa Giêsu để lãnh nhận “Bánh ban sự sống” là Thánh Thể.
- - - oo - - -