CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN. B
1/ (1Ed 17,22-24) 2/ (2Cr 5,6-10) 3/ (Mc 4,26-34)
“NHỮNG DỤ NGÔN DIỄN TẢ NƯỚC THIÊN
CHÚA”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Trong chương 4 của Tin
Mừng Marcô trình bày cho chúng ta một loạt bài “Dụ ngôn”, mà trước hết là Dụ
ngôn “Người gieo giống”, với lời giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ chi tiết cho riêng
các Môn đệ và tất cả chúng ta; rồi Dụ ngôn “Ngọn đèn” với câu ví “Cái đấu” hay
còn gọi là “giá đèn” và hai dụ ngôn mà chúng ta tìm hiểu ở đây. Một trong hai Dụ
ngôn này là riêng của Thánh sử Marcô: Dụ ngôn nói về sự “nảy mầm, mọc lên và
phát triển của hạt giống”, với lời kết khá “đặc biệt” có vẻ như “úp mở” mà cũng
có nét rất lý thú và hấp dẫn, để kẻ nghe Dụ ngôn dễ hiểu và để áp dụng vào cuộc
sống của mình, hầu mong đạt cho được “Hạnh phúc” muôn đời với Thiên Chúa trong
Nước của Ngài.
1. Phân
đoạn: Bài Tin Mừng này có thể
chia thành 3 phần:
a. Mc 4,26-29: Chuyện Nước Thiên Chúa phát triển
lớn mạnh không ai biết thế nào, giống như hạt giống được chủ ruộng gieo xuống đất,
nó tự mọc lên và trổ đòng rồi sau cùng là bông lúa nặng trĩu mà chủ không hay
biết bằng cách nào!
b. Mc 4,30-32: Chuyện Nước Thiên Chúa phát triển
lớn mạnh cũng giống như hạt cải là loại hạt nhỏ bé, được gieo xuống đất, khi nó
mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, đến nỗi chim trời có thể làm tổ.
c. Mc 4,33-34: Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn giảng
dạy cho dân chúng để họ hiểu được và cảm nhận được về Nước Trời mà Chúa Giêsu
giới thiệu và mời gọi.
2. Giải
thích:
* Hạt giống nảy mầm và mọc lên …(c27): Đây là dụ ngôn chỉ riêng Thánh sử
Marcô ghi lại, nói lên sức mạnh âm thầm của việc rao giảng Tin Mừng, để mở mang
Nước Thiên Chúa. Đây cũng là câu trả lời cho những ai thao thức và thắc mắc là
làm sao để Nước Thiên Chúa được lớn mạnh; hoặc cho những người biếng nhác với sứ
mệnh “loan báo Tin Mừng “ của mình. Hạt giống ở đây chính là Lời Thiên Chúa,đã
được Chúa Giêsu loan giảng, rồi sau này Chúa Giêsu trao lại cho các Tông Đồ,
cho Giáo Hội và cho tất cả chúng ta và câu trả lời là: Hạt giống vẫn nẩy mầm và
lớn lên, cho dù biết hay không biết, dù để ý hay không quan tâm, dù rao giảng
hay không loan báo, dù thức canh chừng hay thờ ơ không nhìn ngó đến, dù ủng hộ
hay chống đối, bắt bớ cản ngăn … thì hạt giống vẫn nẩy mầm và lớn mạnh, phát
triển không ngừng.
* Đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa (c29): Đây nói về hình ảnh của ngày
tân thế theo kiểu nói của Kinh Thánh (Ge 4,13; Kh 14,15).
* Hạt cải (c31): Là loại hạt nhỏ nhất trong vavs loại hạt, nhưng khi mọc
thành cây thì lại lơn nhất trong các loại rau. Hình ảnh nầy muốn nói lên sự
tương phản giữa hai giai đoạn của việc thành lập và phát triển Nước Thiên Chúa.
Giai đoạn đầu nhỏ bé, ít ỏi, khiêm tốn; nhưng khi đã phát triển thì lớn mạnh để
đến với mọi người ở mọi thời, cho mọi dân tộc.
* Người dùng nhiều dụ ngôn … (c33): Chúa Giêsu đã dùng những dụ ngôn, những
câu chuyện như “văn dĩ tải đạo” để lôi káo sự chú ý và cả sự suy nghĩ của người
nghe. Nhưng cũng nói lên khía cạnh “Mầu Nhiệm” của Nước Trời, dầu hiểu hay
không hiểu đối với Lời Chúa, thì Lời Chúa vẫn là sức mạnh để biến đổi tâm hồn của
con người. Phải chăng đay là câu trả lời cho vấn đề: Tại sao có người đón nhận,
có người từ chối ? Rất có rhể, lời giảng bằng dụ ngôn chỉ như là mời gọi để gợi
ý suy nghĩ ban đầu; muốn thấu đáo, hiểu rõ phải tiến thêm trong việc học hỏi và
mới có thể trở thành “Môn đệ” của Chúa Giêsu được.
3. Hạt giống âm thầm mọc lên (Mc
4,26-29):
a/ Phân tích trọng điểm dụ ngôn: Dụ ngôn muốn nhấn mạnh điều gì ?
* Hoạt động của người gieo giống vào mùa gặt có đối nghịch với hoạt động
của người ấy trước mùa gặt hay không ? Chúng ta thấy: Khi tới mùa gặt người
gieo giống hành động mau lẹ và mạnh mẽ; đối lập với giai đoạn trước mùa gặt,
người ấy xem ra không hoạt động. Từ thời kỳ trước mùa gặt sang thời kỳ sau mùa
gặt có sự thay đổi đột ngột thái độ của người gieo giống. Sự tương phản ấy được
diễn tả bằng những từ ngữ: “nhưng khi”, “tức thì”.
Sau khi gieo giống, người
gieo giống trở lại cuộc sống bình thường: “Ông ngủ, ông thức, ban ngày, ban đêm”
chẳng cần quan tâm đến, trong lúc hạt giống lớn lên mà ông không hay biết.
Trong khi đó, đất cho hạt giống tự mọc lên “trước thành mạ, sau thành lúa, rồi
thành đòng, thành hạt lúa chắc nơi giẻ”. Người nông phu không phải làm gì nơi
cây lúa trong ruộng của mình: mọi sự xảy ra nơi cây lúa hình như chẳng cần đến
ông.
* Hai điểm đối nghich này có mục đích gì ? Rõ ràng có mục đích nhấn mạnh
đến hai thái độ khác nhau của người nhà nông trước và sau mùa gặt.
b/ Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hai
thái độ của người gieo giống để làm gì ?
Muốn trả lời câu hỏi nầy,
chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa thái độ của người gieo giống trong và trước mùa
gặt: là sự đối xứng của hai thái độ.
Can thiệp khi mùa gặt tới.
Thái độ nầy được diễn tả trong câu: “Tức thì liềm hái tra tay vì mùa gặt đã tới”.
Hãy so sánh hai câu nầy với Ge 4,12-16 và Kh 14,14-16. Mùa gặt chính là cuộc
phán xét tổng quát trong ngày cánh chung. Nếu sự can thiệp của người nông phu
vào mùa gặt ám chỉ cuộc phán xét của Chúa vào ngày cánh chung, thì sự bất can
thiệp của bác nông phu trước mùa gặt chỉ thái độ bất can thiệp của Thiên Chúa,
có nghĩa là tự hạt giống mọc lên ám chỉ mỗi người chúng ta như hạt giống tự sống
làm sao cho đúng với địa vị của mình để trổ sinh hoa trái (đương nhiên là nhờ
ơn Chúa) nhưng hầu như không thấy Thiên Chúa can thiệp trong hiện tại (Mt
11,2-6; 13,24-30.36-43) và đặt liên hệ giữa hai thái độ để mời thính giả phải
luôn lưu ý đến thời gian hiện tại, phải chu toàn bổn phận và trách nhiệm của
mình đối với Chúa và mọi người từng giây phút trong cuộc sống hiện tại.
c/ Dụ ngôn nầy nói gì với mỗi người
Kitô hữu chúng ta:
*Hỏi: Ta sống ở đời nầy
để làm gì ? Thưa: Ta sống ở đời nầy để tìm
hạnh phúc và hạnh phúc thật là được hiệp thông với Thiên Chúa.
*Mỗi người chúng ta đã
được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngài đã ban cho chúng ta sự
sống, thời giờ, sức khỏe, của cải vật chất, ban cho chúng ta cai quản vũ trụ,
đã cứu chuộc chúng ta, đã thánh hóa chúng ta … Thời gian hiện tại chúng ta đang
sống, phải tận dụng thời giờ, sức khỏe … tất cả những gì Thiên Chúa đã ban để
nên công chính và thánh thiện hầu đạt được sự sống hạnh phúc muôn đời với Thiên
Chúa. Như thế, câu hỏi ta đặt ra là: Vậy tôi phải có thái độ nào đối với thời
gian hiện tại mà Thiên Chúa ban cho tôi ?
+ Chẳng ai trong chúng
ta đã làm ra thời gian. Vì thời giờ là của Thiên Chúa. Nhờ thời gian mà chúng
ta có: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Và không ai trong chúng ta đã tự cho
mình sự sống, nhưng chúng ta lại phải có bổn phận và trách nhiệm cho cuộc sống
của mình để đảm bảo sự sống đời nầy lẫn đời sau. Những gì mà ta đã thực hiện được
trong việc làm sẽ lui vào quá khứ để tiếp nối cho giây phút hiện tại để luôn hướng
về một tương lai tươi sáng. Cứ như thế mà bất cứ một công việc nào, dù nhỏ hay
lớn, dù bằng trí óc hay lao động chân tay … trong cuộc đời của mỗi người vẫn tiến
mãi từ ngày nầy qua ngày khác, từ tháng nầy qua tháng nọ, từ năm nầy qua năm tới,
vẫn luôn hướng về tương lai. Viễn tưởng tương lai đá hướng về là ngày Cánh
chung, ngày tận thế mà được diễn tả là “mùa gặt” như bác nông phu cầm liềm hái
để gặt lúa về, thì Thiên Chúa cũng thu tóm tất cả mọi người lành vào kho lẫm là
Nước Thiên Chúa, còn kẻ dữ là lúa lép thì bỏ vào lửa mà đốt đi, nghĩa là chịu
phạt trong lửa đời đời là Hỏa ngục. Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do và cho mỗi
người one thánh: tự nhiên cũng như siêu nhiên, để mọi người tự lập, tự sống sao
cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa (giữ các điều răn của Ngài). Lắm lúc
trong cuộc sống đầy phong ba bão tố, gặp nhiều khó khăn trở ngại hầu như chúng
ta cảm thấy chẳng còn có sự hiện diện của Thiên Chúa, hoặc Thiên Chúa ngủ quên
hay đi vắng, như bác nông phu ngủ hay thức, đêm hay ngày không quan tâm gì đến
sự nảy mầm và lớn lên của cây lúa, bằng cách nào thì người ấy không biết (c27).
Nghĩa là Thiên Chúa để mặc ta tự do trong ơn Chúa, để làm cho cuộc sống của
mình được nẩy mầm, lớn lên mà Thiên Chúa không can thiệp. Nhưng khi đến ngày tận
thế, Thiên Chúa mới hành động. Lúc nầy, mọi người mới cảm nhận và thấy rõ ràng
những nổ lục và cố gắng của mình trong đời sống mới có giá trị cho sự sống muôn
đời. Nếu giây phút hiện tại chúng ta không cố gắng hoàn thành mọi bổn phận
trách nhiệm để nên công chính thánh thiện, thì lúc nầy mới thấy hối hận thì đã
quá muộn rồi vì khồn còn thời gian để làm lại nũa !
- - - oo - - -