CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN. B : LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ

CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN. B
LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ
1/ (Xh 24,3-8)    2/ (Dt 9,11-15)  3/ (Mc 14,12-16.22-26)
“GIAO ƯỚC TÌNH YÊU: ĐÂY LÀ MÌNH THẦY, ĐÂY LÀ MÁU THẦY”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
            Lời hứa của Chúa Giêsu: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” được diễn tả rõ nét nhất nơi Bí Tích Thánh Thể, là Bí Tích mà Chúa Giêsu đã lập trong bữa tiệc ly (vào chiều thứ năm tuần thánh), trước khi Ngài đi chịu chết là để tiếp tục Lễ hy sinh trên Thập Giá mỗi ngày qua Thánh Lễ và để ban Mình Máu Người hiện diện trong hình Bánh Rượu, làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn ta.

            Lễ Mình Máu Chúa Giêsu mà toàn thể giáo hội mừng kính hôm nay, nhắc nhở cho mỗi người chúng ta, với tâm tình tin yêu, tôn thờ, để bày tỏ lòng cảm nhận Tình thương của Chúa Giêsu đối với chúng ta, đặc biệt qua phép Thánh Thể và cũng là lời mời gọi mỗi chúng ta hãy đến để lãnh nhận với cả lòng tin yêu kính thờ, hầu bảo đảm cho sự sống đời đời của mình. Như lời Chúa Giêsu đã nói rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ Trời xuống, ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Gn 6,61). Đối với những kẻ không tin, không yêu mến và không đến để nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể như những người Do Thái năm xưa, thì hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Gn 6,63-64).
1. Phân đoạn: Bài Tin Mừng này nằm trong chương 14 của Tin Mừng Thánh sử Marcô, gồm 2 đoạn khác nhau được ghép lại:
a. Mc 4,12-16: Thời gian và khung cảnh chuẩn bị bữa tiệc.
b. Mc 4,22-26: Bữa Tiệc Ly => Cử chỉ của Chúa Giêsu trong bữa tiệc: Cầm lấy bánh và Chén rượu, dâng lời chúc tụng Chúa Cha-tạ ơn-rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ => Thiết lập giao ước tình yêu, đó chính là “Bí Tích Thánh Thể”.
2. Giải thích:
* Tuần lễ ăn bánh không men (c12): Tuần lễ mừng kỷ niệm lại biến cố vượt qua cảnh nô lệ ở Ai cập, vượt qua Biển Đỏ để vào Đất Hứa, trong suốt cả 7 ngày, phải cất mọi thứ có chất men khỏi nhà (Xh 12,15-20; Lc 23,5-8; …).
* Giết Chiên mừng lễ Vượt Qua (c12): Theo như cách thức mà Thiên Chúa đã truyền cho Môi Sen trước khi rời Ai Cập (Xh 12,1-4). Về sau trở thành luật buộc đối với người Do Thái phải cử hành hằng năm một cách long trọng (Xh 34,18; Ds 28,16-25; Đnl 16,1-8). Người Do Thái ăn thịt chiên với bánh không men, rau đắng và rượu.
* Từ câu 12-16: Diễn tả cách thực của biến cố quan trọng trong sự việc chủ động của Chúa Giêsu: sắp đặt thời gian và nơi chốn cho việc tổ chức ăn mừng lễ Vượt Qua, nhằm nói lên tính cách thần học của Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập.
* Hai môn đệ (c16): Thánh sử Marcô không nói tên của hai vị nầy, nhưng ở Luca cho thấy hai vị ấy là Phêrô và Gioan (Lc 22,8).
* Đức Giêsu cầm lấy bánh … (c22): Chúa Giêsu chủ tọa bữa tiệc, các môn đệ quây quần bên Ngài, đã diễn tả sự hiệp nhất trong cùng một tình yêu, để các ông cảm nhận được ý nghĩa và cách thức mà Chúa Giêsu thực hiện khi Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “cầm lấy bánh” trước khi trao cho các ông cùng ăn, “Ngài đọc lời chúc tụng, rồi bẻ ra” là muốn diễn tả sự liên kết gia đình huynh đệ và phân phát cho nhau trong cùng một tấm bánh “anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”.
* Và Người cầm lấy chén rượu … (c23): Cùng một cử chỉ như khi cầm lấy bánh, Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông và tất cả cùng uống chén rượu nầy: “Đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra vì muôn người”. Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ và tất cả chúng ta về giao ước mới được ký kết bằng chính máu của Ngài, sẽ đổ ra trên Thập Giá, thay cho máu của chiên bò trong giao ước cũ. Như thế Chúa Giêsu đã thiết lập một giao ước mới bằng chính “Thịt và Máu” của Ngài, khi Ngài hy sinh trên Thập Giá để đem lại ơn cứu độ cho tất cả nhân loại: Đó chính là Phép Nhiệm mầu Thánh Thể “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống, ai ăn Thịt và uống Máu Ta sẽ được sống đời đời và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết” Gn 6,54).
* Hát Thánh vịnh xong (c26): Theo nghi thức lễ Vượt Qua của người Do Thái, thì sau tuần rượu thứ ba, người ta hát Thánh Vịnh 115-118, rồi sau đó là kinh kết thúc. Tin Mừng nhất lãm không nói tới diễn từ cuối cùng của Chúa Giêsu gửi gấm cho các môn đệ lúc nầy, trước khi Ngài đi chịu nạn, chỉ nơi Tin Mừng Gioan đã ghi lại tâm tình nầy (Gn 13,12-20).
* Đi lên núi Ôliu: Một ngọn đồi, trồng nhiều cây Ôliu, nằm ở phía Đông thành Thánh Giêrusalem. Nơi Chúa Giêsu dẫn các môn đệ đến cầu nguyện trước khi Ngài bị bắt để bước vào cuộc Thương Khó.
3. Chuẩn bị bữa tiệc (Mc 14,12-16): Chúa Giêsu chủ động tất cả trong đoạn văn nầy.
* Ngài thấy rõ những sự việc sẽ xảy đến => ngài xuất hiện như một người nắm chủ tình hình và biết trước mọi sự:
- Làm chủ trong việc dọn mừng lễ Vượt qua: Đối với các môn đệ (c12-13); đối với gia chủ (c14) và đối với việc dọn tiệc, Ngài đã tính toán trước cả rồi.
- Ngài biết trước hết mọi sự: Tin Mừng Marcô cũng như các Tin Mừng khác đều nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu biết rõ cái chết của Ngài và Ngài làm chủ về cái chết đó.
- Đã nhiều lần Chúa Giêsu báo trước về cái chết của Ngài một cách rất rõ ràng (Mc 8,31-33; 9,30-32; 10,32-34; 14,2030). Nói ám chỉ về cái chết của Ngài (Mc 12,10-12). Ngài biết trước việc Giuđa phản bội (Mc 14,17-21). Các Tông Đồ vấp ngã (Mc 14,29-31). Rồi việc xảy ra sau khi Ngài chết.
4. Bữa Tiệc Ly (Mc 14,22-26):
            Trong bữa tiệc chúng ta thấy cử chỉ của Chúa Giêsu:
* Cầm lấy => Bánh và chén Rượu.
* Dâng lời chúc tụng và tạ ơn => Chúa Cha.
* Bẻ ra => bẻ bánh.
* Trao cho các môn đệ => Trao bánh và chén rượu.
            Những cử chỉ và lời nói làm chủ: “Đây là Máu Thầy, Máu giao ước đổ ra vì muôn người” => Chúa Giêsu làm chủ vận mệnh của Ngài.
Bẻ ra và trao cho các môn đệ: ý nói lên việc Ngài hiến thân chịu chết và đổ máu ra từ cạnh sườn và từ đó đã trở nên Hiến Lễ Hy Sinh và Giao ước Tình Yêu vì muôn người và cho muôn người, nay được diễn tả lại mỗi ngày trên Bàn Thờ qua Thánh Lễ Misa.
5. Bí Tích Thánh Thể và Lời Chúa là nguồn sự sống cho chúng ta:
            Lời hứa “ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” của Chúa Giêsu, được thực hiện rất rõ ràng và chân thật nơi “Lời: và “Thánh Thể” mà mỗi ngày Giáo Hội vẫn luôn cử hành để mỗi người chúng ta lãnh nhận, gặp gỡ để được sống và sống dồi dào nhờ Lời và Thánh Thể Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta, để muôn người ở mọi thời được giao hòa với Thiên Chúa, đẻ có của lễ dâng lên trời cao, để có lương thực nuôi tâm hồn trên hành trình dương thế và có mẫu gương sống cho mọi người và vì mọi người như Chúa Giêsu Thánh Thể. Giáo Hội và cả nhân loại đã rất cảm nhận và trân trọng về món quà giá trị và ý nghĩa mà Chúa Giêsu đã để lại, nhưng còn hơn thế, Chúa Giêsu còn mời gọi Giáo Hội và từng người đến với Ngài, học nơi Ngài bài học khiêm tốn để trở nên “Hiến Lễ” dâng cho Thiên Chúa và hiến thân vì mọi người, dù phải đổ máu đào để giao hòa, để kết ước giữa đất với trời và với mọi người trong tình yêu “Hiến Tế”, như Chúa Giêsu đã hy sinh Hiến Tế thân xác và linh hồn trên Thập Giá. Có như thế thì mới xứng đáng được gọi là “Con Thiên Chúa” (Mc 5,9). Do đó, Lời Chúa nói trong bài Tin Mừng về ý nghĩa và giá trị của cuộc đổ máu của Chúa Giêsu cho muôn người, mới được cử hành trọn vẹn. Vì Bí Tích Thánh Thể hay ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa không chỉ là việc tưởng nhớ tượng trưng một biến cố đã viên mãn, đã qua rồi; nhưng là một sự kiện hiện sinh: Chúa Giêsu đang được dâng trong các Thánh Lễ và cũng đang được bẻ ra, trao cho mọi người, để mọi người được thông hiệp vào sự sống muôn đời với Chúa ở cả đời nầy và được sống lại trong ngày sau hết.
            Hãy đến với Chúa để lãnh nhận, để kết hiệp và đẻ sống cùng, sống với, sống trong Ngài như Lời Chúa Giêsu mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng …” (Mt 11,26-30).

- - - oo - - -