CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG.B
1/ (Is 40,1-5.9-11) 2/ (2Pr 3,8-14) 3/ (Mc 1,1-8)
“SỨ MẠNG DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Xét về ý nghĩa của bài Tin Mừng, thì Chúa Nhật
II Mùa Vọng này mới đích thực là Mùa chuẩn bị đón Chúa đến, với nhân vật nổi tiếng
của Mùa Vọng là Gioan Baotixita vị tiền hô của Đấng Cứu Thế, là vị Ngôn sứ kết
thúc Mùa Vọng của Cựu Ước, để mở màn Mùa Hồng Ân của Tân Ước. Giáo Hội dùng bài
Tin Mừng này để nhắc nhở các tín hữu rằng: Nếu Chúa đã một lần đến, thì Ngài
cũng sẽ lại đến lần thứ hai. Giáo Hội dùng lời của Thánh Gioan Tẩy Giả để loan
báo Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã đến và kêu gọi chúng ta phải chỉnh đốn lại đời
sống để xứng đáng tiếp rước Ngài.
Sống Mùa Vọng là hướng về việc Chúa ngự đến với
lòng khao khát đón Chúa, phải ý thức rằng chỉ có Chúa mới có thể can thiệp một
cách hữu hiệu vào đời sống của chúng ta và sẵn sàng để Ngài hành động trong cuộc
đời ta.
1. Chú
thích:
* “Khởi đầu Tin Mừng …”: là bắt đầu bằng việc
rao giảng của Gioan Baotixita, nhằm sử soạn chuẩn bị cho con người đón nhận ơn
cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu. Còn từ Tin Mừng, trước đây là Phúc Âm, hoặc
Evan (do tiếng La Tinh là Evangelium) chỉ các sách Thánh, thuật lại cuộc dời và
các giáo huấn của Chúa Giêsu. Tin Mừng có nghĩa là tin tốt lành, tin vui mừng:
đó là Hồng ân Cứu độ do Chúa Giêsu loan báo và ủy thác cho Giáo Hội tiếp nối
loan báo. Muốn đón nhận Tin Mừng thì phải có lòng sám hối và niềm tin (Mc
1,15).
* “Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa: Chính Chúa
Giêsu là Đấng Messia, Đấng Thiên Sai, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, là Con
Thiên Chúa, đã được các tiên tri loan báo. Chỉ sau khi Ngài đã Phục Sinh từ cõi
chết, các kẻ tin vào Ngài mới đủ xác tín để làm chứng mà loan báo Tin Mừng Cứu
Độ của Ngài cho muôn dân.
* “Isaia (câu 2): Vị ngôn sứ sống vào khoảng
năm 740 trước Chúa Giêsu Sáng sinh, đã tiên báo rất nhiều về Đấng Cứu Thế. Ông
thi hành sứ vụ tiên tri suốt 40 năm.
* “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con …” là
lời của tiên tri Malakia 3,1.
* “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa …” là lời của
tiên tri Isaia 40,3 => ngụ ý Tin Mừng Cứu Độ đã được các tiên tri loan báo.
* Gioan Baotixita (câu 4-8): Còn được gọi là vị
Tiền Hô, là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế, Ngài là một Đại Tiên Tri (Mt 11,19),
con của tư tế Dacaria và bà Eligiabeth, sinh trước Chúa Giêsu 6 tháng tuổi, có
họ hàng với Chúa Giêsu.
* “Áo lông lạc đà …” (câu 6): Gioan Baotixita
có một nếp sống khắc khổ theo lối các Ngôn sứ xưa (2V 1,8). Là chứng nhân cho Đấng
Cứu Thế, ông sẵn sàng sống khổ hạnh trong sa mạc, từ chối lối sống xa hoa của
người đời, Ông ăn châu chấu uống mật ong, hy sinh hãm mình, để chuẩn bị cho sứ mạng
của kẻ “dọn đường”.
* “Đấng đến sau Tôi: Gioan Baotixita đã xác định
sứ vụ của Ngài chỉ là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ngài khẳng định thân phận
của mình là “không đáng xách dép cho Đấng Cứu Thế” (Mc 1,7)
* “Làm phép rửa cho anh em bằng nước …” (Câu
8): Đây chỉ là một nghi thức sám hối mà Gioan Baotixita mời gọi và thực hiệntại
sông Jordan cho những người thật lòng sám hối để chuẩn bị đón Đấng Thiên Sai Cứu
Thế, và để lãnh nhận sự Thanh Tẩy thật sự của Chúa Thánh Thần do Chúa Giêsu đem
đến => là Bí Tích Rửa Tội.
2. Đại
ý của phân đoạn Tin Mừng:
Phân đoạn Tin Mừng nầy được trích từ mạch văn tổng
quát của “Lời tựa và sau lời tựa”. Phân đoạn Tin Mừng ầy nhấn mạnh đến tính
cách tương đối, phụ thuộc hoàn toàn sứ mệnh “dọn đường” của Ông Gioan Baotixita.
Ông không phải là Đấng Messia, không phải là Elia, cũng không phải là vị tiên
tri; Ông chỉ làm phép rửa thống hối bằng nước. Còn Đấng đến sau, ông tự nhận là
không xứng đáng cởi giày, xách dép cho Đấng ấy ! Vì Đấng đến sau Ông thì quá
cao trọng và quyền thế (câu 7). Chính Đấng ấy sẽ làm phép rửa cho anh em trong
Thánh Thần (câu 8). Gioan Baotixita cũng đang đợi Đấng ấy và ông cũng không biết
Đấng Messia là người nào. Và chỉ khi ông làm phép rửa cho Ngài như tất cả mọi
người khác, ông đã nhận được mặc khải cho biết qua biến cố: “Tầng trời mở ra,
Thần Khí ngự xuống trên mình Người bằng hình chim bồ câu và tiếng Chúa Cha từ
trời giới thiệu: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,9-11)
Tóm lại, Gioan Baotixita chỉ là nhân vật mẫu,
trong đó tập trung toàn thể cuộc chờ đợi của Cựu Ước, mà tiên tri Malakia và
Isaia đã báo trước với danh hiệu là Sứ Thần hay Thiên Thần và tiếng kêu trong rừng
vắng, trong hoang địa.
3. Tại
sao Gioan Baotixita lại coi mình như “tiếng kêu trong hoang địa” ?
Bình thường tiếng kêu trong sa mạc là tiếng kêu
tuyệt vọng, bởi vì trong hoang mạc ít người lui tới. Tuy nhiên, ở đây mang ý
nghĩa Cựu Ước, nơi sa mạc không phải là chỗ chết mà là chỗ yên tịnh dễ kết hợp
mật thiết với Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã vào trong sa mạc để ăn chay cầu
nguyện và sống liên kết với Thiên Chúa Cha, sa mạc là nơi thinh lặng để có thể
nghe rõ tiếng Chúa. Ông Gioan Baotixita hô vang trong hoang địa nghĩa là giói
thiệu: Chúa Giêsu xuất thân từ Thiên Chúa mà đến và chỉ có những người mang mỏi
sống với Chúa, mới lo tìm hiểu Ngài, mới đi tìm Ngài và mới có thể nghe được tiếng
Ngài. Còn sa mạc chỉ là nơi khô cằn, là tiếng kêu tuyệt vọng đối với những ai
không muốn đón nghe, bởi lòng họ còn chai cứng, còn đầy những mưu toan, lo lắng
bởi tiền tài danh vọng nên không thể nghe lời kêu mời của kẻ “dọn đường” để sám
hối. Còn những kẻ thành tâm, thì đã nghe rõ “tiếng kêu trong hoang địa” và ăn
năn bằng nghi thức sám hối tại sông Jordan bởi người Tiền Hô thực hiện.
4.
Phép rửa thống hối của Gioan Baotixita như thế nào ?
Được gọi là phép rửa thống hối, cầu ơn tha tội:
Nghĩa là phải có lòng sám hối ăn năn để được ơn tha thứ. Hầu xứng đáng trong đợi
và trong khi đón Đấng Messia, Đấng Cứu Thế đến. Chuẩn bị xứng đáng, đàng hoàng
trong, ngoài tươm tất …
5. Tại
sao phép rửa của Gioan Baotixita chuẩn bị cho phép Rửa của Chúa Giêsu (Bí Tích
Rửa Tội)?
Vì như chính Gioan Baotixita đã tuyên bố, phép
rửa của ông là một nghi thức được rửa trong nước, còn phép rửa của Chúa Giêsu
là phép rửa trong Thánh Thần, là một Bí Tích. Vì thế, Phép Rửa của Đức Kitô
siêu việt hơn ở chỗ là được tha thứ Tội Nguyên Tổ và hoàn toàn được tái sinh
trong nguồn ân sũng để biến đổi hoàn toàn con người cũ để nên con người mới, trở
nên con Thiên Chúa và con Giáo Hội. Trong khi đó phép rửa của Gioan Baotixita
chỉ là chuẩn bị để nhận ơn Cứu Độ qua Bí Tích Rửa Tội.
6. Ông
Gioan Baotixita đã lầm gương cho chúng ta như thế nào ?
Ông Gioan Baotixita đã làm gương cho chúng ta
bằng đời sống của mình: Ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn
châu chấu, uống mật ong rừng và nơi cư trú của ông là hoang địa. Ông đã sống với
nếp sống khắc khổ, cách sống chứng nhân của các ngôn sứ trong thời Cựu Ước, để
loan báo Đấng Cứu Thế. Ông đã chấp nhận lối sống ấy để bày tỏ lòng sám hối hoàn
toàn phó thác vào Thiên Chúa và chỉ dần dần biến đi trước Đấng mà ông phải loan
báo cho mọi người, ông đã không tước lấy cái vinh dự của Đấng Messia mà dan
chúng gán cho ông. Trái lại, ông tỏ ra khiêm nhường: “Đấng đến sau tôi, quyền
năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7)
II. Ý
chính bài Tin Mừng:
Khi Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Ngôn sứ Gioan
Baotixita được sai đến để “dọn đường” cho Đấng Thiên Sai Cúu Thế xuất hiện, như
lời loan báo của Tiên tri Malakia (3,1) và Isaia (40,3) trước đó về sứ mạng của
người dọn đường: “Nầy ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường
cho Con. Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng
để Người đi”.
Gioan Baotixita đã làm chứng về Đấng Messia, không phải chỉ bằng lời nói
và việc làm của mình, mà còn bằng chính mạng sống của Ngài.
III. Áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống:
* Bước vào Mùa Vọng, chúng ta sống sự mong chờ, là hướng về cuộc trở lại
của Chúa Giêsu, với tâm tình sám hối trong tỉnh thức để canh tân nội tâm. Hãy
thành thật nhìn thẳng vào sự sai trái, những tội lỗi và nết xấu của mình. Để
thành khẩn cầu xin ơn tha thứ của Chúa, hầu đón nhận Ơn Cứu Độ.
* Chỉ có một mình Đức Giêsu Kitô mới có thể cứu thoát con người tội lỗi
là chúng ta. Còn tất cả các cái khác của trần thế chỉ là giả danh mê hoặc con
người mà thôi. Hãy nhận ra sự thật đó trong cuộc sống từng ngày, để thêm lòng
khao khát chờ đợi ngày Chúa lại đến trong tỉnh thức khôn ngoan.
* Thiên Chúa yêu thích những tâm hồn nghèo khó, cư ngụ trong những người
sống trong sạch và hài lòng với những kẻ khiêm nhu, luôn biết hạ mình trước uy
quyền của Thiên Chúa và trước mặt mọi người. Thiên Chúa chỉ đến với những người
như thế.
- - - - - - - - - - oOo - - - - - - - - - -