1/ Ed 34,11-12.15-17) 2/ (1Cr 15,20.26-28) 3/ (Mt 25,31-46)
“CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ VUA VŨ TRỤ”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Bước vào tuần cuối năm phụng vụ, tuần 34 thường
niên, Giáo Hội long trọng mừng lễ “Chúa Kitô Vua Vũ Trụ”. Một khung cảnh oai
nghiêm, hùng vĩ và lớn lao ngoài sức tưởng tượng của con người, mà Thánh
Matthêu đã diễn tả qua bài Tim Mừng hôm nay. Nhưng nếu đi sâu vào nội dung của
bức tranh sống động kỳ diệu nầy, thì chúng ta lại càng cảm thấy bàng hoàng hơn
nữa, vì đây không phải là một thứ Quốc lễ có duyệt binh với đội quân tinh nhuệ
và vũ khí tối tân, cờ xí tung bay, kèn trống vang rền … Mà đây là “Ngày chung
thẩm” của toàn thể nhân loại. Vị Vua chủ trì cuộc tập trung vĩ đại nầy không ai
khác ngoài chính Đức Giêsu Kitô, Người Tôi Tớ đau khổ, vị Vua Hòa bình, Chiên
hy sinh, Đấng Cứu độ, Đấng thẩm phán tối cao: Vua Vũ Trụ. Ngài ngự đến trong
vinh quang, tách biệt người lành khỏi kẻ dữ, Ngài phán xét từng người theo những
việc họ đã làm. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài Tin Mừng để hiểu rõ hơn về ngày
chung thẩm đó, hầu biết thay đỗi lối sống trong tỉnh thức và sẵn sàng, mà chuẩn
bị đón ngày Đức Kitô đến để đưa chúng ta vào Vương quốc tình yêu của Ngài.
1. Chú
thích:
* Bài Tin Mừng nầy được gọi là “Diễn từ cánh chung”
là giải đáp của Chúa Giêsu trước thancứ mắc của các Môn đệ (Mt 24,3). Thực ra
các chương 24 và 25 của Matthêu luôn hướng tới cuộc Quang Lâm trong ngày tận thế
với ngụ ý rất rõ ràng là mời gọi mỗi người hãy sống “tỉnh thức và trung thành”
đối với bổn phận là Kitô hữu, trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm ngự đến.
* Tách Chiên khỏi Dê (Mt 25,32): Ở Palestina,
việc chăn chung chiên với dê trong một đàn là chuyện thường. Nhưng chiều đến,
người ta phải tách riêng chúng ra vì dê con cần phải được sưởi ấm suốt đêm:
“Tách người lành khỏi kẻ dữ”.
* Bên phải (Mt 25,33): Là bên danh dự. Vì chiên
có giá trị hơn dê, nên được ở bên phải (hữu). Người lành được ở nơi ưu tiên,
nơi hạnh phúc.
* Đói khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi
tù (Mt 25,35-36): Đây là những đối tượng cần được yêu thương giúp đỡ. Chúa
Giêsu đã liên đới với mọi nỗi đau khổ của nhân loại trong tất cả chiều sâu, chiều
rộng của nó. Trong cuộc sống ở trần gian của Ngài, Ngài đã luôn đứng về phía những
người nghèo, bị áp bức bóc lột, bị ngược đãi, bị đối xử phân biệt … Và Ngài đã
chịu chết để cứu chuộc cho tất cả mọi người.
* Lạy Chúa, có bao giờ chúng tôi đã thấy …
(Mt 25,37-39;44): Cả những người tốt lành lẫn những kẻ gian ác đã không biết rằng
khi họ làm hoặc đã không làm cho người anh em là làm cho chính Chúa (Mt
25,40;45). Chúa Giêsu đã tự đồng hóa Ngài với tất cả những người đau khổ, khốn
khó nghèo hèn, bị bách hại, bị ngược đãi, phân biệt đối xử … Vì chính Ngài đã
trở nên Người Tôi Tớ đau khổ.
* Hãy đến thừa hưởng … (Mt 25,34): Người lành
được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
* Đi cho khuất mắt … vào lửa đời đời …
(Mt25,41): Kẻ gian ác sẽ bị đau khổ đời đời. Đây là lời kết án phảng phất trong
hai chương 24 và 25 đối với những người không có lòng nhân ái, sự chân thành,
trốn tránh phục vụ, đã không làm điều đáng lẽ phải làm, đã không tuân giữ các
giới luật của Thiên Chúa, bỏ bê đời sống đạo, nhất là không sống luật yêu
thương mà Chúa Giêsu đã truyền dạy.
II. Nội
dung:
Bài Tin Mừng Matthêu 25,31-46 là bài Tin Mừng kết
thúc hai chương 24 và 25 nói về thái độ phải có của người Kitô hữu trong khi đợi
chờ Đức Giêsu Kitô trở lại lần thứ hai để phán xét nhân loại trong ngáy cánh
chung. Thật vậy, Chúa Giêsu là Vua vũ trụ sẽ đến lần thứ hai trong trần gian với
uy quyền và vinh quang để phán xét nhân loại. Ngày đó gọi là ngày tận thế, ngày
cánh chung, ngày chung cuộc, ngày kết thúc cuộc sống lữ hành ở trần gian của
toàn thể nhân loại, để tiến vào vương quốc vinh quang hạnh phúc của Thiên Chúa.
Ngày đó không ai biết trước được là ngày nào, vào thời điểm nào. Nên Chúa Giêsu
đã dạy tất cả mọi người chúng ta phải sống khôn ngoan bằng thái độ tỉnh thức sẵn
sàng, biết chu toàn bổn phận của mình trong từng ngày sống, để mong chờ “ngày
Chúa trở lại” (Mt chương 24-25).
Trong ngày đó, Chúa Giêsu ngự đến, Ngài sẽ phán
xét tất cả mọi người, Ngài sẽ thưởng – phạt công minh theo những việc làm trong
suốt cuộc sống trần thế. Ngài sẽ tách biệt người lành ra khỏi kẻ dữ (Mt 25,32).
a. Chúa Giêsu phán xét thế nào ?
Trong dụ ngôn về ngày chung thẩm (Mt 25,31-46)
chúng ta ngạc nhiên thấy rằng hầu như Thiên Chúa lãnh đạm, không quan tâm đối với
những gì mà con người đã dành riêng cho Ngài. Vì không thấy Chúa Giêsu lên án
ai về tội lộng ngôn phạm thánh, chối bỏ Thiên Chúa … Trái lại, Chúa Giêsu rất
quan tâm đến bất cứ một cái gì mà con người làm cho nhau. Khi làm một việc gì
cho người anh em, người hèn mọn nhất, mà Chúa Giêsu gọi là anh em của Ngài. Đó
là làm cho chính Ngài (Mt 25,40;45). Như vậy Ngài xét xử dựa trên tình yêu; sự
sống công bằng và đức bác ái.
b. Qua cách phán xét của Chúa
Giêsu: Giúp chúng ta hiểu về giới răn thứ hai như thế nào đối với giới răn thứ
nhất ?
Thiên Chúa là tình yêu,
một tình yêu vị tha: Tạo dựng và cứu chuộc. Thiên Chúa không phải là vị Vua lưu
ý đến vinh dự của Ngài. Ngài tuyệt đối chẳng cần nhiều tặng phẩm của chúng ta,
vì tất cả là của ngài ban. Nếu Ngài chúng ta phải tôn thờ Ngài trên hết mọi sự,
hết linh hồn, hết trí khôn … là vì ích lợi cho chúng ta; để cho chúng ta tìm thấy
sự hoàn thành sâu xa nhất, an toàn nhất, hữu hiệu nhất trong việc hiến dâng
chính mình chúng ta cho Đấng là nguồn suối cuối cùng của sự hiện hữu, chính là
lý do hiện hữu của chúng ta. Thánh Tôma đã viết: “Thiên Chúa tìm sự vinh danh của
Ngài không phải cho chính Ngài, nhưng là cho chúng ta”. Lòng thương xót của
Ngài xuất phát từ cùng một trái tim, một tình yêu liên hệ đến tất cả các tạo vật
của Ngài đã tạo dựng. Mỗi tạo vật đều quý giá trước mặt ngài. Ngài là Chủ - là
Tình Yêu, nên tất cả tạo vật, Ngài muốn qui về trong một tình yêu đó. Một tình
yêu đích thực là tình yêu vô vị lợi từ Thiên Chúa. Nên điều răn thứ nhất là thờ
phượng Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống hạnh phúc, là tình yêu trên hết mọi sự
(Mt 22,37). Và từ đó con người mới có thể sống yêu thương mọi người anh em như
yêu chính bản thân mình được. Mà Chúa Giêsu đã xác định giới răn thứ hai, cũng
quan trọng bằng giới răn thứ nhất (Mt 22,38). Tình yêu đích thực là yêu mến
Thiên Chúa, thờ phượng Ngài trên hết mọi sự, hết cả linh hồn, hết cả sức lực, hết
trí khôn … đồng thời phải yêu thương tất cả anh em, cả kẻ thù, cả những người
hèn mọn, nhất là những người không có khả năng trả ơn cho ta. Đó là tình yêu vô
vị lợi của Thiên Chúa. Đối với chúng ta, tình yêu vô vị lợi nầy, vô vị lợi ở chỗ
người yêu thể hiện tình yêu, lại không biết người hèn mọn mà mình yêu thương
giúp đỡ lại là Chúa Giêsu (MT 25,40;45). Như vậy, Chúa Giêsu đã đặt luật yêu
Chúa (Mt 22,37) ngang bằng với luật yêu người (Mt 22,29) và được Ngài dùng để
thâu tóm lề luật và lời các Tiên tri: “Mọi điều các ngươi muốn người ta làm cho
mình, thì cả các ngươi nữa cũng hãy làm cho người ta như thế, vì lề luật Môi-sê
và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Cách Chúa Giêsu phán xét cho chúng ta
thấy rõ
được giới răn thứ hai thâu tóm luôn giới răn thứ nhất: Yêu người mặc dầu
không biết người đó là Chúa, thì đã yêu Chúa rồi. Chúa Giêsu dạy và đòi hỏi mỗi
người chúng ta phải sống Tình Yêu: là sống công bình, bác ái đối với Thiên Chúa
và đối với anh em trong cuộc sống trần thế nầy, với thái độ luôn khôn ngoan
trong sẵn sàng tỉnh thức.
3. Từ dụ ngôn về ngày chung thẩm,
chúng ta rút ra được 3 hệ quả:
a/ Phân biệt được người có đạo: là người sống Tình Yêu (Gn 13,35).
b/ Việc sống đạo: phát huy và cổ vũ đời sống đạo.
* Yêu Chúa: Thờ phượng Thiên Chúa bằng các việc
phụng tự, cầu nguyện, dâng Thánh Lễ, lãnh nhận các Bí Tích …
* Yêu Người: Sống tình liên đới, yêu thương,
giúp đỡ, tha thứ đối với anh em.
c/ Rao giảng: Trong sứ mạng truyền giáo, thông truyền chân lý Mặc Khải.
Dạy giáo lý: là dạy cho mọi người biết Kính Chúa và yêu người.
III.
Áp dụng thực hành:
Chính Đức Vua Giêsu
Kitô đã đồng hóa Tình yêu tha nhân với Tình yêu Thiên Chúa, Và cũng chính Ngài
sẽ đến trần gian trong lần thứ hai, để phán xét tất cả mọi người dựa trên những
chân lý mà Ngài đã dạy truyền. Bài Tin Mừng đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Vậy
chúng ta hãy thành tâm quyết thực hành Lời Chúa đã dạy trong từng ngày sống bằng
sự khôn ngoan, tỉnh thức sẵn sàng, để được hạnh phúc mà chính Vua Giêsu sẽ ban
thưởng trong ngày tận thế.
- - - - - - - - - - oOo - - - - - - - - - -