CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN . A

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN . A
1/ Kn 6,12-16)    2/ (1Tx 4,13-18)  3/ (Mt 25,1-13)
“HÃY CANH THỨC ĐỂ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Trong chương 25 của Tin Mừng Matttêu, đã ban tặng cho chúng ta những giáo huấn rất quan trọng và đặc biệt của Chúa Giêsu. Với lối trình bày vừa chặt chẽ về bố cục và vừa trang trọng rõ ràng về nội dung. Thánh Matthêu dã làm nổi bật những điều kiện mà mỗi người chúng ta không thể xem nhẹ, có nghĩa là chúng ta phải thành tâm thực hiện: Từ tấm gương sáng của 5 cô thiếu nữ khôn ngoan biết chuẩn bị những gì là cần thiết (Mt 25,1-13). Đến người đầy tớ trung tín biết làm sinh lợi “số vốn” được Chủ ủy thác (Mt 25,14-30), và cuối cùng là thực thi Giới luật chính yếu là “Yêu thương” mà Chúa Giêsu đã truyền dạy (Mt 25,31-46). Bài Tin Mừng hôm nay là giáo huấn thứ nhất trong 3 giáo huấn quan trọng ấy.
1. Chú thích:
* Mười Trinh nữ: Là các cô phụ dâu trong đám cưới, cùng đi ra ngõ với cô dâu để đón chàng rể đến nhà, trong phong tục cưới hỏi của người Do Thái. Tuy nhiên ở đây, 10 cô trinh nữ này lại tượng trưng cho Dân Chúa đón chờ chàng rể là Đức Kitô sẽ đến trong ngày vinh quang trở lại trần gian lần thứ hai, mà người khôn ngoan luôn biết chuẩn bị sẵn sàng cho từng ngày sống, còn người dại khờ thì cứ thản nhiên không bận tâm thực thi lời Chúa dạy.
* Đi đón chàng rể: Lối so sánh Đức Giêsu Kitô với vị Lang quân là hình ảnh quen rất thuộc trong Tân Ước (Mt 9,14; Ga 3,29; 2Cr 11,2t; Ep 5,25t; Kh 19,7).Nhưng dụ ngôn 10 cô trinh nữ còn ngụ ý giải thích Giáo Huấn của Chúa Giêsu (Mt 24,42-44).
* Các cô thiếp đi và ngủ cả …: Ở đây, chúng ta thấy rõ việc các cô ngủ thì không bị khiển trách, mà điều bị khiển trách là không biết chuẩn bị, không biết đem theo dầu dự phòng => “5 cô khờ dại”.
*E không đủ cho …: Câu trả lời của “5 cô khôn ngoan” đối với “5 cô khờ dại” cứng rắn có vẻ lỗi đức bác ái và mất tình nghĩa chị em bạn bè. Nhưng trước tình thế khiến các cô khôn ngoan không thể xử trí khác hơn ! Cũng vậy, đứng trước ơn cứu độ, mỗi người phải tự lo cho phần rỗi linh hồn của mình, không chỉ nhờ cậy vào ai được, có nghĩa là phải lo sống đàng hoàng, thánh thiện, công chính, phải biết cậy dựa vào ơn Chúa, lãnh nhận các Bí Tích, phải lo làm việc lành, bác ái từng ngày sống … chứ không phải cứ sống thác loạn, thoải mái cho đến lúc “nước tới rốn thì mới nhảy” thì đã muộn rồi !
2. Chủ đích của bài Tin Mừng: “CANH THỨC”
Qua dụ ngôn 10 cô trinh nữ đã đưa ra một chủ đề rất quan trọng, đó là vấn đề Canh Thức = Tỉnh thức => Để từ chủ đề nầy đem tới một hành động cũng rất quan trọng: Đó là sống khôn ngoan.
a/ Canh Thức và Tỉnh thức khác và giống Tỉnh và Thức thế nào ?
* Thức là không ngủ. Còn Canh và Tỉnh là ngủ, nhưng trong trạng thái canh phòng. Có thể Thức mà không Tỉnh (như người uống rượu say – người mắc bệnh …). Tỉnh mà không Thức (như người nghiện ngập ma túy).
b/ Canh Thức hoặc Tỉnh Thức là trạng thái tâm hồn luôn luôn mở ra để sẵn sàng tiếp nhận những biến cố sẽ xảy tới bất cứ lúc nào; là luôn ý thức những nguy cơ tiềm ẩn sẽ xảy đến.
3.Dụ ngôn này nhằm khuyên chúng ta sống “Tỉnh Thức”:
* Nếu nối kết câu 1 câu 5 và câu 12 lại với nhau thì chúng ta thấy một đề tài xuất hiện ở câu 13: Đó là “Canh Thức”, vì Lang quân đến trễ. Đề tài nầy đã được nói đến ở các đoạn khác như Mc 13,35; Lc 12,37; Mt 24,42-44.
* Vậy Canh thức hay Tỉnh thức cũng có nghĩa là phải sẵn sàng.

4. Dụ ngôn nầy còn khuyên chúng ta phải sống khôn ngoan:
Dụ ngôn không đối chọi giữa các thiếu nữ thức với các thiếu nữ ngủ, mà chỉ đối chọi giữa các thiếu nữ khôn ngoan với các thiếu nữ dại khờ. Cho nên từ đề tài Canh Thức hay Tỉnh Thức, để dẫn chúng ta đến một cách sống khôn ngoan của người luôn tỉnh thức là luôn sẵn sàng bất cứ tình huống nào. Như vậy, Dụ ngôn khuyên chúng ta phải khôn ngoan trong cuộc sống. Khôn ngoan đối lập với khờ dại. Những Dụ ngôn trong Tân Ước cũng đưa ra thái độ đối lập giữa người khôn ngoan với người khờ dại, để đề cao thái sống của người khôn ngoan (Mt 7,24-27; Lc 6,47-49).
Nếu đem so sánh hai dụ ngôn Mt 7,24-27 và Mt 25,1-13 chúng ta sẽ thấy:
*  Mt 7,24-27: Cuối bài giảng trên núi.
- Người khôn: Xây nhà trên đá => nghe các Lời nầy mà thi hành.
- Người khờ: Xây nhà trên cát => nghe các Lời nầy mà không thi hành.
* Mt 25,1-13: Cuối diễn từ Cánh Chung.
- Người khôn: mang đèn có dầu dự trữ.
- Người khờ: mang đèn có không dầu dự trữ.
Rõ ràng Dụ ngôn nhằm dạy phải ăn ở khôn ngoan. Trong Tin Mừng Mt 7,24-27: thì khôn ngoan là nghe bản Hiến chương Nước Trời và đem ra thi hành. Còn trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ: thì khôn ngoan là biết đem dầu dự phòng.
* Nhưng đem dầu dự phòng là gì ?
Ở câu 10 cho chúng ta biết các cô khôn ngoan là những người biết sẵn sàng lo lắng cho cuộc sống trong bất cứ tình huống nào. Câu trả lời của vị Tân Lang với các cô khờ dại khi nghe các cô gõ cửa và kêu mở cửa: “Tôi bảo thật các cô, Tôi không biết các cô” (câu 12), làm chúng ta nghĩ đến Mt 7, 21-23: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa !” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời, mới được vào mà thôi … Ta không hề biết các ngươi: xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !”.
Trong đó, Chúa Giêsu đã nói rõ là muốn vào Nước Trời thì phải thi hành Thánh ý của Chúa Cha trong từng ngày sống, nếu không thì vào ngày “tận thế”, Ngài không biết đến chúng ta, cho dù chúng ta có làm gì đi nữa ! “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã từng nhân danh Chúa mà nói Tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỹ, nhân danh Chúa mà làm phép lạ đó sao ?” (Mt7,22).
Như thế, trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ cũng dạy mỗi người chúng ta cũng phải biết sống khôn ngoan như 5 cô khôn ngoan, là biết chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho từng ngày sống trong việc thực hành Thánh ý của Chúa Cha đã dạy qua Con Một là Đức Giêsu Kitô (xLc 13,25-27)
II. Ý chính bài Tin Mừng:
Qua dụ ngôn 10 cô trinh nữ cầm đèn đi đón Chàng rể, Chúa Giêsu muốn dạy mỗi người chúng ta phải biết khôn ngoan: là luôn sống thực hành Thánh ý của Thiên Chúa trong từng ngày, nhất là luôn biết sẵn sàng trong Tỉnh thức để đón Đức Giêsu Kitô, Ngài sẽ trở lại trần gian trong bất ngờ, mà không ai biết, không ai ngờ, để phán xét thế gian trong ngày “tận thế”.
III. Áp dụng thực hành:
* Chàng rể: Chúa Giêsu Kitô.
* 10 cô trinh nữ: Tất cả mọi người.
* Tiệc cưới: Tiệc Cánh Chung – Nước Trời.
* 5 cô khờ dại: Thái độ và lối sống buông thả, trụy lạc, tệ nạn … Sống thờ ơ biếng nhác đạo đức, dửng dưng không sẵn sàng …
* 5 cô khôn ngoan: Thái độ và lối sống thánh thiện, đạo đức, ngay chính. Luôn biết thực hành Lời Chúa, biết chuẩn bị sẵn sàng. Sống tích cực trong công việc …
* Đèn: Là thân xác và linh hồn.
* Dầu : Ơn Thánh của Thiên Chúa, là thời giờ, sức khỏe, phương tiện, vật chất, …
* 10 cô trinh nữ đều xác tính rằng : Chúa sẽ đến, nên cả 10 cô đều vui mừng đi đón và chờ đợi. Thế nhưng chỉ trong phút chốc, sự việc lại trở nên khác lạ không ai ngờ : 5 cô khôn được vào phòng dự tiệc, còn 5 cô khờ không được vào. Chỉ vì một điều rất nhỏ, đó là không chuẩn bị dầu dự trử cho chiếc đèn.
Cũng thế, nếu bạn và tôi, chúng ta cũng không biết chuẩn bị cho chiếc đèn thân xác chúng ta cho đủ Dầu ơn thánh, thì cũng không thể vào được Nước Trời. Mà « đăng vô du thì hỏa bất sinh » => Đèn mà không có dầu thì không cháy sáng. Người Kitô hữu không có ơn Chúa thì cuộc sống không thể là chứng nhân, là ánh sáng cho người khác được. Nếu không có cuộc sống gắn bó nên một với Thiên Chúa tình yêu, và cũng không cần Ơn thánh qua các Bí Tích, và cũng không cần ơn trợ giúp của Thiên Chúa, cũng chẳng cần đọc kinh, dâng lễ, chỉ biếng nhác và chìm đắm trong tệ nạn, sai trái từ việc nầy đến cái khác thì cũng sẽ phải lỡ chuyến tàu như 5 cô khờ dại vậy ! Hãy cố gắng sống tốt ! Hãy siêng năng để chuẩn bị sẵn sàng trong tĩnh thức để đón Chúa đến !

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -