CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG.B
1/ (Is 63,16b-17.19b;64,2b-7) 2/ (1Cr 1,3-9) 3/ (Mc 13,33-37)
“PHẢI TỈNH THỨC, VÌ KHÔNG BIẾT
NGÀY GIỜ NÀO”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Toàn thể Giáo Hội lại bước vào một năm Phụng vụ
mới. Theo phân chia Lời Chúa qua chu kỳ 3 năm A,B,C, thì trong năm B nầy, chúng
ta sẽ được Lời Chúa trong Tin Mừng Máccô (Mc) soi dẫn. Nhưng vì Tin Mừng Máccô
lại vắn gọn, chỉ có 16 chương, nên một số Chúa Nhật sẽ được bổ sung bằng Tin Mừng
Giôna (Gn), Tin Mừng Matthêu (Mt) và Tin Mừng Luca (Lc).
Bước vào Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi mỗi người
Kitô hữu chúng ta sống lại tâm tình chờ đợi của dân xưa, để chuẩn bị tâm hồn một
cách chu đáo để đón mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh của Chúa Giêsu, là Ngôi Hai Thiên
Chúa. Mỗi Kitô hữu chúng ta phải ý thức Hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho
toàn thể nhân loại và riêng cá nhân mình: Đó là Ơn Cứu Độ. Và chỉ có lòng tin
chân thực mà cũng chính Thiên Chúa ban, chúng ta mới có thể đón nhận và thể hện
tình yêu sống động một cách cụ thể bằng việc thi hành Lời Chúa mời gọi qua bài
Tin Mừng Máccô: “Phải tỉnh thức” để đón chờ ngày Chúa Giêsu lại đến lần thứ hai
trong vinh quang.
1. Chú
thích:
Khi đọc đoạn Tin Mừng Mc 13,33-37. Chúng ta thấy
chủ đề “Tỉnh Thức” nổi bật. Vì từ ngữ “tỉnh thức” được lặp đi lặp lại đến 5 lần
trong đoạn Tin Mừng, không kể 1 lần nói gián tiếp ở câu 36, trong đó đến 3 lần
là lệnh “Phải Tỉnh Thức” và 1 lần Chúa Giêsu dặn mọi người: Phải canh thức.
- Phải tỉnh thức (Mc 13,33): Nếu so sánh với Mc
14,38: “Hãy canh thức và cầu nguyện”; lời của Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô
trong vườn Cây Dầu, thì hẳn phải có sự liên kết với nhau cách mật thiết. Việc cầu
nguyện là sống và giữ mối hiệp thông tốt đẹp với Thiên Chúa, đó là thái độ của
người tỉnh thức, tức là luôn ở trong tình trạng sẵn sàng để trình diện Thiên
Chúa khi Ngài kêu gọi.
- “Vì anh em không biết khi nào ngày giờ ấy đến”:
Chúa Giêsu ngụ ý tiên báo Thành Giêrusalem sẽ sụp đổ. Nhưng Ngài không cho biết
là đến bao giờ xảy ra và Ngài cũng có ý nói về ngày giờ Ngài sẽ đến với nhân loại
lần thứ hai với mỗi người. Nhưng cũng không cho biết là nào, giờ nào ! vì thế
nên phải luôn luôn tỉnh thức.
- “Như người đi phương xa … ra lệnh cho người
giữ cửa phải canh thức” (Mc 13,34): Chúa Giêsu tự ví Ngài như một ông chủ luôn
yêu mến và tin cẩn những đầy tớ, nên đã trao tất cả cho họ và yêu cầu phải luôn
chu toàn trách nhiệm trong canh thức và sẵn sàng, vì ông chủ sẽ về bất ngờ
không biết lúc nào, ngày giờ nào.
- “Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng
sáng” (Mc 13,35): Là lối nói có 4 canh đêm của người Rôma. Còn dân Do Thái chia
đêm thành 3 canh thôi (Tl 7,19; Lc 12,38), còn người Đông Nam Á chúng ta thì lại
chia thành 5 canh. Là thời điểm con người không để ý đến, hay lơ là, lại là lúc
kẻ xấu hay lợi dụng, ý muốn nói lên sự bất ngờ !
- “Bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc 13,36b): trong
Mt 25,1-11 thì ngủ cũng được, miễn là có chuẩn bị đầy đủ. Nhưng với Mc 13,36
thì không được ngủ mà phải tỉnh thức chờ chủ về. Chắc chắn Máccô không ghi lại
kinh nghiệm xót xa của Thánh Phêrô trong vườn Cây Dầu. Vì không tỉnh thức mà chỉ
lo ngủ nên bị khiển trách “Simon anh ngủ ư ? Anh không thức nổi một giờ sao ?”
(Mc 14,37t).
- “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũngnói với
hết thảy mọi người là: Phải canh thức ! (Mc 13,37): Chúa Giêsu không chỉ nhắc
nhở các Môn đệ, nhưng là cho tất cả những ai tin vào Ngài, là mỗi người chúng
ta: “Phải canh thức !”.
II. Tìm
hiểu ý nghĩa của bài Tin Mừng:
a. Bài Tin Mừng nầy là một dụ
ngôn kỳ lạ:
Vì trong bài Tin Mừng có một số chi tiết rất lạ:
một chuyến du hành của ông chủ (Mc 13,34), lại trao quyền cho tất cả các đầy tớ,
phân công chỉ định các công việc khác nhau cho từng người, mà chỉ nhắc người giữ
cửa “phải canh thức”, vậy các người khác thì sao ? Kỳ lạ vì xem ra không phù hợp
với trọng tâm của bài Tin Mừng: “Phải coi chừng, phải tỉnh thức …” (Mc 13,33)
b. Tác giả muốn nói gì với các độc
giả ?
Khi đi sâu vào chi tiết để trả lời câu hỏi
trên, chúng ta thấy điểm nổi bật trong bài Tin Mừng chính là chủ đề: “Tỉnh thức”.
Vì từ “tỉnh thức” được lặp lại tới 5 lần, không kể 1 lần nói gián tiếp ở câu
36b, trong đó 3 lần là lệnh truyền “phải tỉnh thức”. đó chính là điều mà Máccô
nhấn mạnh và gởi đến các độc giả.
c. Người giữ cửa là ai ? Có nhiệm
vụ gì ?
Theo truyền thống, nhà
của người ở Palestine cách đường bằng một cái sân có tường rào nơi cổng vào người
ta đặt một người gác cổng. Người gác cổng có nhiệm vụ phải có mặt thường xuyên
để canh phòng, chống lại bọn trộm cướp. Tất cả thành viên trong khuôn viên ngôi
nhà phải đồng trách nhiệm chịu chung tốn phí để trả công cho người giữ cửa.
Chính vào lúc ban đêm mà công việc của người gác cổng rất cần thiết, bởi vì có
thể ông chủ vè nhà lúc ban đêm hay là trộm cướp cũng lợi dụng vào những lúc nầy.
Và cũng chính ban đêm nên người gác cổng dễ ngủ, cho nên mới có lời nhắc nhủ của
ông chủ trước khi ra đi là “phải canh thức”.
Như thế hầu như nhân vật
chính là người gác cổng, bởi vì Máccô kể ra dụ ngôn nầy muốn nhấn mạnh đến “tỉnh
thức”, và bởi vì người gác cổng rõ ràng là người có trách nhiệm và trước tiên
trong việc tỉnh thức hơn các đầy tớ khác. Các đầy tớ khác được kể ra trong dụ
ngôn, mỗi người có một nhiệm vụ riêng, là cốt để nhấn mạnh đến phận sự đặc biệt
và quan trọng của người gác cổng: đó chính là tỉnh thức để canh gác, cho nên mệnh
lệnh có giá trị cho anh ta mà không có giá trị cho những đầy tớ khác (trong bài
dụ ngôn).
Như thế, cho chúng ta
thấy sự quan trọng và giá trị của việc “tỉnh thức hay canh thức” có liên quan đến
đời sống từng người chúng ta trong cuộc sống trần gian nầy. Bởi vì, mỗi người
chúng ta có nhiều bổn phận và trách nhiệm, nhiều công việc … và cũng chính là
người gác cổng ngôi nhà “thân xác và linh hồn” của mình, không thể giao lại cho
ai được, và vì không ai biết ngày nào, giờ nào, thời điểm nào ông chủ là Thiên
Chúa sẽ trở về với ta, nên việc phải sống khôn ngoan trong canh thức là điều mỗi
người phải có, phải có sự chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ như người đầy tớ trung tín,
như năm cô trinh nữ khôn ngoan … bất chợt vào bất cứ lúc nào ông chủ về, chàng
rễ đến … chúng ta mới có thể bước vào ngay phòng tiệc, và được ông chủ khen thưởng
!
b. Qua dụ ngôn bảo phải tỉnh thức,
muốn dặn chúng ta điều gì ?
Trong dụ ngôn, sự tương phản với đêm và giấc ngủ,
thì sự tỉnh thức nổi bật rõ rệt không chối cải được. Trước hết, tỉnh thức không
phải chú ý và mau mắn, mặc dầu yếu tố nầy vẫn có tính chất mặc nhiên. Nếu người
Kitô hữu được mời sống trong tỉnh thức, đó chính là vì trong khi bước đi trong
thế giới ban đêm, họ phải thể hiện ơn gọi và ân sũng đã lãnh nhận với tư cách
là con cái ánh sáng, phải hướng về phía trước, hướng tới cuộc trở về của người
chủ và ngày ấy đang đến gần. Sự tỉnh thức mang một đặc tính chung rất sâu đậm,
nó hoàn toàn hướng tới sự xuất hiện vinh quang của Chúa Kitô và sự hoàn thành
cuối cùng của Ơn Cứu Độ. Thái độ sống nầy được dụ ngôn trong bài Tin mừng trình
bày dưới khía cạnh một sự phục vụ Ông chủ. Người gác cổng đã lãnh nhận trách
nhiệm, nên phải tỉnh thức trong khi chờ đợi chủ trở về và khi tỉnh thức là để
bày tỏ lòng trung tín với chủ. Trong dụ ngôn, tỉnh thức chính là có một đời sống
nghiêm túc ngay từ bây giờ được ghi dấu bởi cái đang đến, có sự chuẩn bị chu
đáo trong khôn ngoan, trong sẵn sàng chờ ngày chủ trở về, đó là ngày quang lâm
của Đức Kitô. Đây là một cách diễn tả tình trạng cánh chung của tất cả chúng ta
đang sống lữ hành trong thế gian nầy. Chúng ta đã được Đức Kitô giải phóng khỏi
những gì thuộc về bóng tối, về ban đêm, đó là sự tội và sự chết … nên phải khẩn
trương hướng tới cuộc trở lại của Vua Kitô. Như vậy, tỉnh thức không phải là một
chuyện dễ dàng thực hiện. Không thể sống tỉnh thức mà không chiến đấu. Tư tưởng
nầy được diễn tả trong nhiều đoạn Tin Mừng Tân Ước (Rm 13,11t; 1Tx 5,608; 1Cr
16,13; Ep 6,10-20; 1Pr 5,8). Tỉnh thức bào hàm một sự chiến đấu chống lại các
quyền lực của sự ác đang hoạt động trong cái “éon” (thế giới) ban đêm nầy (Ep
6,12), bằng niềm hy vọng.
III. Ý
chính bài Tin Mừng:
Ông chủ yêu mến và đặt niềm tin vào các đầy tớ, nên ông đã trao mọi
trách nhiệm cho họ, rồi Ông đi xa mà không xác định ngày giờ trở về. Nên các đầy
tớ phải chuyên cần làm việc và canh thức để chờ đón Ông chủ trở lại. Lời kêu gọi:
“Đừng mê ngủ nhưng hãy tỉnh thức”.
- - - - - - - - - - oOo - - - - - - - - - -