CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN . A
1/ (Is 22,19-23) 2/ (Rm 11,33-36) 3/ (Mt 16,13-20)
“CHÚA GIÊSU THIẾT LẬP GIÁO HỘI,
TRAO QUYỀN CAI QUẢN CHO PHÊRÔ”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thiết lập để quy tụ
tất cả mọi người thành một Cộng đoàn, có tổ chức, có phẩm trật để giúp mọi người
đón nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa qua các Bí tích và để loan truyền Ơn Cứu Độ đến
với tất cả mọi người. Sau khi đã thiết lập Giáo Hội trên nền tảng là 12 Tông đồ,
Chúa Giêsu đã trao quyền cai quản Giáo Hội cho Thánh Phêrô và những người kế vị
với 3 sứ mạng: Rao giảng Tin Mừng, ban phát ơn Thánh và cai quản chăm sóc các
Tín hữu.
Mỗi người chúng ta đang được hưởng diễm phúc
tuyệt vời là được ở trong Giáo Hội, thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô, đang được
Giáo Hội chăm sóc. Là thành viên của Giáo Hội, chúng ta trở nên viên đá sống động
để xây dựng nên tòa nhà Giáo Hội. Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì cho Giáo Hội ?
Chúng ta cùng tìm hiểu bài Tin Mừng (Mt
16,13-20) để hiểu biết và mến yêu Giáo Hội hơn trong tinh thần xây dựng, bảo vệ
và phát triển Giáo Hội của Chúa Kitô.
1. Tìm
hiểu ý nghĩa của đoạn văn:
Từ lâu người ta vẫn xem đoạn văn nầy là đoạn
văn bản lề của Tin Mừng Matthêu. Chủ trương ấy dựa vào những lý do nào ?
* Dựa vào 2 lý do: - Một số vấn đề then chốt bây giờ mới xuất hiện.
-
Hoạt động của Chúa Giêsu từ đây bắt đầu đổi hướng.
a. Một số vấn đề then chốt bây giờ mới xuất hiện:
Lần đầu tiên Chúa Giêsu chất vấn các Tông đồ về con người mình và Phêrô minh
nhiên tuyên xưng: "Người thật là Đấng Messia. Và cũng lần đầu tiên Chúa
Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn mà Ngài sắp gánh chịu.
b. Hoạt động đổi hướng:
- Địa bàn hoạt động: Từ đây, Chúa Giêsu dần dần
rời vùng Galilê và tiến về Giêrusalem. Tiến về Giêrusalem có nghĩa là đi vào cuộc
khổ nạn và phục sinh. Ngay từ đoạn nầy, Ngài đã nhiều lần loan báo các đau khổ
của Ngài (Mt 17,22-23; 20,17-19).
- Đối tượng rao giảng: Hầu như Chúa Giêsu dành
mọi thời giờ cho nhóm 12 Tông đồ, để củng cố đức tin và thăng tiến đời sống,
công việc rao giảng.
- Chủ đề rao giảng: Từ trước đến nay, ý niệm Nước
Trời chiếm một vị trí chủ yếu, bây giờ chính con người của Đấng Messia đau khổ
và chịu sỉ nhục lại trở thành tâm điểm rao giảng của Chúa Giêsu. Và trong Giáo
huấn đó, Thập Giá sắp được trình bày như một sự cần thiết, vừa đối với Đấng
Messia vừa đối với những kẻ theo Ngài. Và hướng về Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập
để tiếp nối sứ mệnh của Ngài (Mt 16,17-19; 18,17-18).
2. Người
ta nói Con Người là ai ? Tước hiệu Con Người có nghĩa là gì ?
* Đây là cách xưng hạ mình, mà chính Chúa Giêsu
đã dùng để nói lên thân phận làm người của Ngài. Nhưng còn có nghĩa Tôn xưng,
như trong Daniel, Con Người đến trên tầng mây trời (Mt 8,20), lúc thì Ngài đồng
hóa với Con người trong Daniel, khi thì lại nói đến Con Người như nhân vật thứ
ba.
* Tại sao Chúa Giêsu lại đặt câu hỏi nầy ? phải
chăng là Ngài thăm dò dư luận ?
Có lẽ không phải để biết dư luận quần chúng về
căn tính của Ngài (Mt 16,20) mà nhằm dẫn vào câu hỏi thứ hai và làm xuất hiện
điểm khác biệt cơ bản giữa điều thiên hạ tưởng nghĩ và điều mà các Môn đệ phải
nghĩ và phải nói.
3. Thiên
hạ nói về Con người ?
a/ Trong những điều thiên hạ nói về Đức Giêsu: Đức
Giêsu được nhìn nhận là Ngôn sứ và được gắn liền với lịch sử Israel.
b/ (Các dư luận ấy xuất phát từ đâu ?
* Giả thuyết cho rằng Người là Gioan Baotixita
đầu thai (Mt 14,2).
*Giả thuyết xem Người như là Elia phát xuất từ
sấm ngôn Malakia 3,23. và cho thấy thiên hạ coi Đức Giêsu là vị tiền hô của Đấng
Messsia.
*Còn việc đề cập đến Giêrêmia, riêng của
Matthêu, có thể phát xuất từ một truyền thuyết Do Thái mà 2Mac 2,1-8 và
15,13-16 còn giữ lại dấu vết; việc đồng hóa Đức Giêsu với Ngôn sứ bị bách hại
cũng không có thể cắt nghĩa được là vì cả hai cùng có chung số phận làm người
đau khổ.
c/ Đức Giêsu là ai mà tại sao người ta lại không
biết ?
*Vì Ngài có gốc trần thế.
*Vì Ngài có cuộc sống như mọi người.
4. Câu
trả lời của Phêrô:
a. Lời tuyên tín của
Phêrô ở Matthêu khác với ở Marco và ở Luca như thế nào ?
* Ở Mt 16,13-20:
"Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (câu 16)
* Ở Mc 8,27-30: "Thầy
là Đấng Kitô". (câu 29)
* Ở Lc 9,18-22: "Thầy
là Đấng Kitô của Thiên Chúa". (câu 20b)
b. Ý nghĩa của biểu thức:
"Con Thiên Chúa hằng sống" là gì ?
"Con Thiên Chúa hằng
sống": Câu nầy của Matthêu được các nhà chú giải lượng giá rất khác nhau.
một số xem đây là lời tuyên xưng Thần tính của Chúa Giêsu (ý nghĩa viên mãn). Kẻ
khác lại coi đó là một thành ngữ tương ứng với Đấng Messia.
Nếu Phêrô nhận ra Thần
tính của Chúa Giêsu rồi (Mt 16,16), thì tại sao lại ngay sau đó ông đã mạnh dạn
chống lại chương trình cứu độ Người sẽ thực hiện ? Chúng ta nên phân biệt việc
hiểu câu nầy theo từng người: Chúa Giêsu, Phêrô và Matthêu.
*Chúa Giêsu: Xem ra
Ngài đã nghĩ các Môn đệ nhận ra Thần tính của mình vì những lý do sau đây:
- Chúa Giêsu đánh giá rất cao về lời tuyên tín của Phêrô. (câu 17)
- Chúa Giêsu trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời và quyền tha tội.
Điều nầy chỉ có thể hiểu
được khi Chúa Giêsu nhận thấy rằng Phêrô đã nhìn nhận Ngài có quyền đóng mở Nước
Trời, có quyền tha tội và có quyền trao ban những quyền ấy, nghĩa là nhận ra
Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
* Phêrô: Đúng là Phêrô
chưa nhận ra rõ ràng Thần tính của Chúa Giêsu vì những lý do sau đây:
- Ông cũng chỉ nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Messia (theo ý kiến của nhóm
mười hai).
- Vì ngay sau đó, Phêrô đã tỏ ra chưa hiểu (Mt 16,22); và lúc Chúa Giêsu
biến khỏi mồ (Phục sinh) ông cũng chưa hiểu. Nhưng nội dung câu nói của Phêrô vẫn
có ý nghĩa, mà Chúa Giêsu đã hiểu và đánh giá cao. Vì chẳng phải huyết nhục,
nhưng nhờ Mặc khải của Chúa Cha và nhờ Thánh Thần làm cho ông nói điều đó, mà
ông chưa hiểu, chỉ sau nầy Phêrô mới hiểu nổi !
* Matthêu: Matthêu
trình thuật lại điều nầy dưới ánh sáng Phục Sinh. Nếu ông đã làm khác với
Marco, tức là ông muốn độc giả hiểu về Thần tính của Chúa Giêsu.
c. Muốn nhận ra Chúa
Giêsu là ai thì ta phải làm thế nào ?
Chỉ có Chúa Cha mặc khải,
còn người phàm không thể làm cho chúng ta nhận ra đích thực Chúa Giêsu là ai được.
Chỉ có Chúa Cha ban cho chúng ta được ơn lớn lao ấy, nhờ sức mạnh của Chúa
Thánh Thần. Không phải khi muốn hiểu biết về Chúa Giêsu là ta hiểu được; mà
chính yếu là Thiên Chúa ban cho. Chúng ta chỉ chuẩn bị, sẵn sàng để tiếp nhận từ
sự hướng dẫn soi sáng của Chúa Thánh Thần mà thôi.
II. Trao quyền cai quản:( câu 18-19)
a. Chúa Giêsu đã ban những
quyền nào ?
- Làm nền tảng vững chắc (đá) cho Giáo Hội: Đức Tin.
- Cầm buộc và tháo cởi: Là quyền thu nhận vào hoặc loại trừ khỏi Nước Trời
và cũng là quyền quyết định những gì liên quan đến Tín lý và luân lý mà đời sống
cộng đoàn thiên sai đòi hỏi, y như trong sách Daniel, các Thánh của Đấng Tối
Cao đã được thông ban đặc quyền của Con Người. Quyền cầm giữ chìa khóa nầy do
Thiên Chúa thông ban, dựa trên niềm tin của Phêrô, một con người yếu đuối tội lỗi
đồng thời là một kẻ vững tin.
b. Hãy so sánh Mt
16,18-20 với Ga 21,15-17; 20,21-23: Theo Matthêu thì Chúa Giêsu trao quyền cho
Phêrô: Dựa trên cơ sổ Đức Tin, lúc Chúa Cha tỏ cho Phêrô biết rõ Chúa Giêsu là
ai ! Vì Chúa Cha Mặc khải cho Phêrô, nên Chúa Giêsu trao quyền cai quản Giáo Hội
cho Phêrô theo ý Chúa Cha. Đoạn nầy biện minh cho quyền của các Tông đồ trong
Giáo Hội. Còn theo Gioan, thì Chúa Giêsu ban quyền thu lãnh cho phêrô dự trên
cơ sở là Đức Mến.
Suốt 21 thế kỷ qua,
Giáo Hội của Chúa Kitô vẫn phát triển không ngừng. Mặc dù gặp nhiều sống gió,
trở ngại, bách hại từ thời sơ khai và cho đến hôm nay, nhưng Giáo Hội vẫn luôn
cố gắng chu toàn sứ mạng đã được Đấng sáng lập trao phó, để tồn tại và phát triển,
hầu đem ơn cứu độ đến cho mọi người trong mọi thời, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô
quang lâm thẩm phán.
- - - - - - - - - - oOo - - - - - - - - - -