CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN . A

1/ (Is 55,1-3)    2/ (Rm 8,35.37-39)  3/ (Mt 14,13-21)
“BŨA TIỆC TÌNH THƯƠNG”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Khi xuất hiện trong sứ vụ rao giảng. Chúa Giêsu đã thực hiện chương trình Cứu độ của Thiên Chúa Cha qua lời giảng và việc làm, để minh chứng tình yêu của Thiên Chúa Cha. Thật vậy, bằng lời giảng, Chúa Giêsu đã Mặc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa, về ý định nhiệm mầu cuả Thiên Chúa , kèm theo các việc làm như chữa lành các tật bệnh cho dân chúng để minh chứng về tình thương mà Thiên Chúa trao ban cho loài người qua Con Một là Đức Giêsu Kitô. Mà phép lạ hóa bánh ra nhiều để cho dân chúng ăn no nê mà còn dư thừa, mà bài Tin Mừng đã trình thuật, là một minh chứng, giúp chúng ta nhận ra tình yêu cao cả vô biên, tiên trưng cho phép lạ Thánh Thể, mà Chúa Giêsu thiết lập sau nầy trong bữa Tiệc ly.

1. Ý tưởng:
Các sách Tin Mừng đã kể lại cho chúng ta 6 trình thuật về việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều: Mt và Mc mỗi tác giả 2 bài (Mt 14,13-21 ; 15.32-39; Mc 6,30-44; 8,1-10), còn Lc và Ga mỗi người kể 1 lần (Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Như thế, chúng ta nhận thấy được ý nghĩa, sự quan trọng và cần thiết của Bí Tích Thánh Thể đối với tất cả chúng ta.
2. Tìm hiểu mạch văn:
Đặt lại trong toàn mạch văn tổng quát, phân đoạn Tin Mừng nầy giúp chúng ta tìm được một ánh sáng đặc biệt, để chúng ta xác định được ý nghĩa của nó: Dù Chúa Giêsu bị khước từ ở Nazareth (Mt 13,53-58) và sự kết thúc cuộc đời rất bi thảm của Vị Tiền Hô (Mt 14,1-12), đám đông dân chúng vẫn kéo đến gần Chúa Giêsu (câu 13) và Ngài đã chạnh lòng thương xót họ (câu 14). Trọng tâm của bài trình thuật đặt vào "Đám đông" và thái độ nhân từ của Chúa Giêsu đối với đám đông dân chúng. Toàn bài trình thuật xoay chung quanh các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Ngài là đấng chỉ huy và đồng thời cũng tỏ lòng thương xót đám đông dân chúng. Ngài đã cất tiếng tạ ơn Thiên Chúa Cha, vì tình yêu đã ban Bánh nuôi sống mọi người (câu 19). Nhiệm ý rằng: Qua đó Ngài cũng sắp thể hiện tình yêu, sẽ ban bánh cho họ ăn no nê, bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Biến cố nầy là một hình ảnh của Giáo Hội, mà ở trung tâm có Chúa Giêsu. Ngài là nguồn mạch mọi ơn phúc: Ngài ban Lời và Bánh. Kể đến là vòng tròn gần gũi với Ngài, đó là các Tông Đồ, những người chuyên ban các ân huệ của Chúa Giêsu đến cho mọi người (câu 19b). Đám đông dân chúng đứng chung quanh tràn đầy vui mừng vì sự hiện diện của Chúa Giêsu. Ngài ngước mắt lên Trời khi Ngài đọc Lời chúc tụng, ngài thực hiện những việc mà Cha Ngài ra lệnh phải hoàn tất (Ga 5,36), ngài không còn chỉ là Đấng trung gian như Môisen ngày xưa, mà còn là Đấng ban sự sống (Thánh Thể), vì chính Ngài là nguồn sự sống.
3. So sánh trình thuật hóa bánh ra nhiều với trình thuật lập Bí Tích Thánh Thể:
Biến cố nầy còn mặc thêm ý nghĩa của  Bí Tích Thánh Thể, điều ấy rõ ràng nếu chúng ta so sánh với trình thuật về Bí Tích Thánh Thể ở đoạn Tin Mừng Mt 26,20-29.
* Trình thuật hóa bánh ra nhiều, mở đầu bằng những ghi chú giống như lời mở đầu của trình thuật Bí Tích Thánh Thể (Mt 14,15// 26,20): "Chiều đến ..."
* Ở câu 19, trình thuật hóa bánh ra nhiều, dùng các động từ trong cùng một trật như ở trình thuật lập Bí Tích Thánh Thể: Câu 19: "Ngài cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá ... chúc tụng ...đoạn bẻ ra ... và Ngài ban cho các Môn đệ. Câu 26,26: Đức Giêsu cầm lấy bánh ... và chúc tụng rồi bẻ ra ... và ban cho các Môn đệ.
Trong trình thuật thêm một chi tiết đáng chú ý: vai trò của các Môn đệ như là trung gian giữa Chúa Giêsu và đám đông dân chúng được đề cao rõ ràng. Dường như Matthêu muốn cho chúng ta thấy rằng, trong Giáo Hội, khi các Môn đệ phân phát bánh của Chúa, thì họ làm vì một quyền năng mà họ đã lãnh nhận từ chính nơi Chúa Giêsu.
4. Ý chính bài Tin Mừng:
            Thấy dân chúng miệt mài chăm chú nghe Lời giảng dạy, họ chưa có gì ăn. Nên Chúa Giêsu chạnh lòng thương dân, Ngài đã làm phép lạ hóa 5 chiếc bánh và 2 con cá ra nhiều, để cho dân chúng được ăn no nê và còn dư 12 thúng đầy.
            5. Chú thích:
* Gioan Tiền Hô chết (Mt 14,3-12): Là cái chết hết sức đau thương của người công chính, dám chấp nhận hiểm nguy. Gioan Baotixita chết vì dám lên án sự bất chính của Vua Hê-rô-đê. Cái chết của Gioan Baotixita cũng có giá trị như những cái chết của các vị Tử Đạo.
* Đức Giêsu lánh vào nơi hoang vắng: Sau những giờ phút giảng dạy, chữa bệnh tật cho dân chúng với cả tấm lòng nhiệt tình. Chúa Giêsu thường rút vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Chính là những giờ phút yên lặng thánh, để Ngài tâm tình với Thiên Chúa Cha. Vì cầu nguyện chính là một hành vi thể hiện tình yêu đích thực, một sự tôn thờ chính đáng và là một tâm sự thành tâm. Đây là điều chúng ta phải lưu tâm, phải học hỏi, phải luyện tập không ngừng.
* Nơi hoang vắng: Xưa kia đi trong hoang địa, Môisen đã khẩn cầu Thiên Chúa ban Manna nuôi dân. Nay Đức Giêsu là Môisen mới, hơn hẳn Môisen Cựu Ước, chính Chúa Giêsu đã ban cho con người được no thỏa lương thực mới là Thánh Thể.
* Chính anh em hãy liệu cho họ ăn: Chúa Giêsu đòi hỏi cá Môn đệ, và tất cả chúng ta phải hết lòng phục vụ tha nhân. Trong các việc vượt sức con người thì chính Thiên Chúa sẽ hành động. Vai trò và sứ mệnh của Giáo hội, cũng là của tất cả chúng ta, vừa tiếp nối, vừa làm trung gian giữa Chúa Kitô và nhân loại.
* 5 chiếc bánh và 2 con cá: là hai thức ăn thông thường của người Do Thái.
* Đọc Lời chúc tụng: Hành vi và Lời đọc => giống trong trình thuật của bữa Tiệc ly sau nầy, khi chúa giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. vì thánh Matthêu coi việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều là tiên trưng cho Bí Tích Thánh Thể.
* 12 thúng đầy: con số 12 là con số tròn đầy, chỉ nền tảng của Dân riêng mà Thiên Chúa đã chọn, có 12 chi tộc. Để hướng về Tân Ước, Chúa Giêsu chọn 12 Tông đồ làm nền tảng để thiết lập Giáo Hội.
II. Sứ điệp Tin Mừng:
* Qua cử chỉ của Chúa Giêsu, cho thấy quyền năng của Ngài trên các yếu tố vật chất (như bánh và cá). Quyền năng ấy ở nơi Ngài, mà thế gian được tạo dựng bởi Ngài và cho Ngài (Cl 1,16), cử chỉ ấy đúng là một cử chỉ sáng tạo, giống như Thiên Chúa Cha đã làm.
            Đến ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hóa bánh ra nhiều để nuôi sống dân Ngài bằng chính thân xác của Ngài. Ngài vẫn tiếp tục làm trung tâm của Giáo Hội mà Ngài đã quy tụ bằng chính Bí Tích Rửa Tội, là nguồn sự sống, nguồn sức mạnh, niềm hy vọng và là tình yêu hiệp nhất cho toàn thể Giáo Hội.
* "Các con hãy cho họ ăn ...": Câu nói nầy còn đang vang vọng trong Giáo Hội hôm nay, ngỏ với các Vị thừa kế các Tông đồ và với tất cả những ai có trách nhiệm giáo huấn các linh hồn, kể cả các nhà giáo dục. Giáo lý viên và các bậc cha mẹ Kitô giáo, đó là việc phân phát cho mọi người Mình Máu Thánh Chúa Kitô và lời Ngài, hầu đem mọi người đến với Bàn Tiệc Thánh. Hãy siêng năng, nhiệt tình đến với Thánh Thể Chúa Giêsu, với tâm tình tôn thờ, kính yêu để nhận lãnh nguồn ơn sự sống, để ngụp lặn trong tình yêu vô biên, để cảm mến mà chúc tụng, ngợi khen và tri ân cảm tạ.
* Ghi Chú:
            (Mt 14,13-21): Hóa bánh ra nhiều lần 1 => Chúa Giêsu thực hiện ở đất Do Thái => dư 12 thúng.
            (Mt 15,32-39): Hóa bánh ra nhiều lần 2 => Chúa Giêsu thực hiện ở đất Dân ngoại => dư 7 thúng.
            Thực sự chỉ có 1 lần Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng Matthêu và Marcô thuật lại 2 lần, với 2 ý trong Bí Tích Thánh Thể cho người Kitô hữu gốc Do Thái: thừa 12 thúng là ý chỉ 12 chi tộc Israel; cho Giáo Hội ý chỉ là 12 Tông đồ. Còn ở lần 2: thừa 7 thúng là ý chỉ 7 Cộng đoàn gốc dân ngoại (Cv 13,19); (Đnl 7,1); (Tl 7,1) và thùa 7 thúng cũng ý chỉ 7 Tá viên (Cv 6,5).
            Chỉ 1 lần hóa bánh ra nhiều vì: Matthêu và Marcô kể 2 lần, để ám chỉ với hai mục đích trên. Luca và Gioan chỉ kể 1lần. Nếu mà 2 lần thì hai Vị đâu dám bỏ mà không kể.
            * Phép lạ hóa bánh ra nhiều có tầm mức xã hội: Chúa Giêsu không làm phép lạ nầy 2 lần vì sợ bị tung hô, và bị các Luật sĩ, Biệt phái gây khó khăn cho công cuộc rao giảng.
            * Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót: Ngài là Vị Mục Tử nhân lành, Ngài lo cả tinh thần lẫn vật chất cho dân.
            * Tiệc Thánh Thể quy tụ mọi người thành Dân Thiên Chúa. Tiệc Thánh Thể liên kết mọi người hiệp nhất nên một. Tiệc Thánh Thể làm nên Giáo Hội.
            * Phép lạ hóa bánh ra nhiều => tiên trưng cho phép lạ Thánh Thể.
            * Phép lạ hóa bánh ra nhiều phép lạ cuối cùng của Chúa Giêsu sống với đám đông dân chúng. và sau đó, Chúa Giêsu lặng lẽ sống âm thầm với các Tông đồ.

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -