CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN . A

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN . A
1/ (1V 19,9a.11-13a)    2/ (Rm 9,1-5)  3/ (Mt 14,22-33)
“CỨ AN TÂM, THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ !”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Điều mà ai cũng muốn, đó là sự an toàn, điều may mắn, tốt đẹp và đừng có cái gì trái ý của mình. Thế nhưng như vậy là cũng chưa đủ ! Vì trong thời gian của cuộc sống, đã bao điều từ ngoại cảnh đến nội tại, đã làm cho chính bản thân của ta phải buồn phiền, bực cả mình vì không vừa lòng, chưa ưng ý. "Đứng núi nầy mà trông núi nọ" vì đó là bản chất của con người luôn có những ước vọng vươn lên, nhưng càng muốn vươn lên lại càng nhận ra cái yếu đuối và giới hạn của bản thân. Trong lịch sử của loài người, kể cả các Thánh nhân đã cho chúng ta nhận thấy rằng các điều tốt đẹp trên dù có đạt được cũng chỉ là giới hạn và mau qua. Ngay cả khi Chúa Giêsu hiện diện thì không có nghĩa là Ngài sẽ làm tan biến những khó khăn cho chúng ta. Tuy nhiên, như khi xưa Chúa Giêsu ở bên cạnh các Tông đồ, đã giúp các ông thắng vượt được các khó khăn trở ngại; thì sự hiện hữu của Chúa Giêsu trong cuộc sống bằng chính niềm tin, như Lời Ngài đã phán: "Cứ bình tĩnh, Thầy đây mà, đừng sợ !".

1. So sánh đoạn Tin Mừng (Mt 14,22-33) với đoạn trước (Mt 14,13-21) ta thấy có những điểm giống nhau như sau:
* Các Tông đồ không cô độc một mình.
* Ở đoạn Mt 14,13-21: Các Tông đồ đứng trước đám đông nghèo khổ.
                Mt 14,22-33: Các Tông đồ đứng trước sự gào thét của cuồng phong.
* Chúa Giêsu đến trợ giúp các ông trong cơn quẫn bách.
2. So sánh đoạn Tin Mừng (Mt 14,13-21) với đoạn trước (Mc 6,45-52) chúng ta thấy Tin Mừng Matthêu có những điểm đặc biệt:
* Điểm khác biệt rõ rệt nhất là việc Phêrô đòi đạp trên sóng nước mà đi, nhưng khi nhìn thấy gió thì sợ, nên cìm nghỉm (câu 28-31).
* Phản ứng của các Tông đồ khi Chúa Giêsu đã lên thuyền Mt 14,32-33// Mc 6,51-52.
* Điểm khác biệt thứ ba kém rõ nhất là việc Chúa Giêsu ở một mình trong khi các Tông đồ gặp gió ngược cùng ý nghĩa của nó.
3. Phân đoạn:
*a/ (các câu 22-24): Thầy trò tạm xa nhau: Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình, còn các Tông đồ bị bắt buộc phải lên thuyền qua bờ bên kia trước, rồi gặp sóng dồn gió ngược.
*b/ (các câu 25-27): Thầy trò gặp lại nhau: Giữa đêm Chúa Giêsu đến với các ông nhưng họ không nhận ra Chúa Giêsu, vì thế họ sợ, Chúa Giêsu phải trấn an họ.
*c/ (các câu 28-31): Phêrô chìm xuống nước và được cứu vớt, Phêrô đòi đi trên mặt nước mà đến với Chúa Giêsu, nhưng khi nhìn thấy sóng nước ông sợ quá, chìm nghỉm, Chúa Giêsu phải đến cứu vớt ông.
*d/ (các câu 32-33): Phản ứng của các Tông đồ: Thấy thế, các Tông đồ tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
4. Chú thích:
            * Qua bờ bên kia: Ở đây là bờ biển hồ Tibêriat.
            * Người lên núi cầu nguyện một mình (câu 23): Chúa Giêsu vẫn thường cầu nguyện một mình nơi vắng vẽ, yên tịnh (Lc 5,16; 6,12; 9,18; ...) lại thường vào ban đêm khi mọi người đang yên nghỉ. Điều này hiển nhiên cho thấy mối tương quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha rất khăng khít. Nhờ vậy mà Chúa Giêsu mới biết vâng lời để thi hành Thánh ý của Chúa Cha một cách trọn vẹn.
* Canh tư (câu 25): Là thời gian từ 3-5 giờ sáng. Người Do Thái chia ban đêm thành 4 canh giờ, mỗi canh là 3 giờ (6-7-8 / 9-10-11 / 12-1-2/ 3-4-5).
            * Phêrô trong trình thuật của bài Tin Mừng là nhân vật nổi bật như một đại diện của Giáo Hội để đến với Chúa Giêsu là vị sáng lập. Tiếc rằng lòng tin của ông lúc bấy giờ còn non yếu, chưa vững mạnh trước phong ba bão tố. Nhưng về sau, ông đã xin Chúa ban thêm đức tin cho ông để ông hướng dẫn con thuyền Giáo Hội. Phêrô ở đây cũng chính là hình ảnh tiêu tiểu cho người Kitô hữu trong sự hữu hạn và bất toàn.
            II. Ý tưởng:
1. Thầy trò tạm thời xa nhau (câu 22-24):
* Tại sao Chúa Giêsu bắt buộc các Tông đồ lên thuyền qua bờ bên kia trước ?
            Trong Tin Mừng Thánh Gioan không nói là Chúa Giêsu bắt buộc, chỉ có ở Matthêu và Marco nói tới mà thôi. Vì Chúa Giêsu phải lên núi một mình để cầu nguyện với Chúa Cha, Và cũng là để cho các ông nhận ra con thuyền chở các ông là hình ảnh Giáo Hội, bị sóng gió cản ngăn và việc Chúa Giêsu không có mặt trên thuyền lúc bấy giờ và sau khi Chúa Giêsu lên thuyền: Ngài truyền cho sóng gió yên lặng, con thuyền được an toàn để các ông tin nhận Chúa Giêsu là Đấng quyền năng. Đấng sáng lập Giáo Hội, luôn bảo vệ Giáo Hội. Con thuyền Giáo Hội luôn bị cản ngăn, bị chòng chành bởi muôn ngàn trở ngại của sự dữ, sự ác, của sự bách hại ... nhưng không có một mạnh lực nào của thế gian, của ma quỷ có thể lấn át nổi (Mt 16,18).
* Giáo Hội có thể ví như con thuyền vượt qua những thế lực xấu và gian ác.
* Biển là sào huyệt của quyền lực sự dữ, sự ác (quan niệm của người Do Thái).
* Sóng nổi lên: lực lượng ác thần hoạt động rất mạnh mẽ. Thuyền phải đội sóng mà đi, có nghĩa là phải chiến đấu với ác thần, với sự dữ, sự gian ác ...
* Chúa Giêsu luôn phù hộ, trợ giúp cho Giáo Hội vượt qua biển trần gian trong bình an.
2. Chúa Giêsu đến với các Môn đệ (câu 25-27):
            * Chúa Giêsu đến với các Môn đệ vào lúc nào ? Giờ khắc ấy có nghĩa gì không ?
            * Vào canh tư: là canh cuối cùng của ban đêm, khoảng 3-5 giờ sáng. Sóng gió thổi mạnh vào lúc Chúa Giêsu sắp đến. Phải hiểu đây là thời cuối cùng, tận thế.
            * Tại sao các Môn đệ sợ hải khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với họ ? Vì đây là một sự lạ, các ông chưa từng bao giờ thấy nên tưởng là "ma".
            * "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !" (câu 27): Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy Ngài chính là Thiên Chúa. Ngài tỏ uy quyền trên sóng nước, biển cả đại dương... (Ngài đi trên mặt nước biển).
            * Truyền cho Phêrô đi trên mặt nước biển có ý thông chia quyền hành cho giáo Hội.
            * Các Môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !" (câu 23)
3. Phêrô được cứu vớt (câu 23-31):
            Phêrô thể hiện lòng nhiệt tình của mình với Thầy Giêsu, điều nầy đã được Tin Mừng Matthêu kể lại nhiều lần, đơn cử là lúc ông thấy chúa giêsu đi trên mặt nước để đến thuyền với các ông, nên ông cũng đã nhanh nhẹn thưa với Chúa: "Thưa Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy". Phêrô đã đạp trên sóng nước khi ông làm theo lệnh của Chúa Giêsu, nhưng thấy gió to sóng lớn thì ông hoảng sợ, nên ông đã chìm. Ông đã kêu cứu, Chúa Giêsu đánh giá về niềm tin của Phêrô: "Người đâu mà kém tin thế. Sao lại hoài nghi" (câu 31). Qua điểm nầy cho chúng ta một bài học giá trị trong cuộc sống: Giáo Hội tất yếu gặp sóng gió, nhưng nếu cứ theo lệnh Chúa, dựa vào ơn Chúa, sẽ đạp sóng mà đi. Nếu cứ nhìn vào những khó khăn mà nản chí sợ hãi chùn bước thì sẽ bị chìm, có nghĩa là ngưng cậy dựa vào Chúa, không lắng nghe Lời Chúa thì không thẻ nào vươn lên để đối mặt với kẻ thù được. Cuộc sống người Kitô hữu cũng thế, nếu thấy khó khăn, bắt bớ mà thiếu niềm tin thì cũng dễ chìm xuồng. như không dám đi Lễ, đọc kinh, hạ bàn thờ, bỏ đạo. Không dám nhận mình là kẻ có đạo, không tham gia các sinh hoạt tông đồ.
III. Ý chính bài Tin Mừng:
            Không có Đức Kitô, con thuyền Giáo Hội không thể nào đứng vững trước gian nan, sóng gió. Có Chúa Kitô, mọi sự lo lắng sợ hãi đều tiêu tan. Với quyền năng tối thượng, Đức Kitô đã luôn hiện hữu và trợ giúp Giáo Hội thắng vượt mọi cơn bão tố như lịch sử Giáo Hội đã chứng minh.
IV. Áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống:
            Hãy thẳng thắn nhìn vào cuộc đời mình để nhận thức vè tình trạng chưa có được sự thánh thiện: vì đang vướng mắc nhiều sai lầm, kém cỏi, tội lỗi ... để thật lòng sám hối ăn năn, cải tà quy chánh, quay trở về với Thiên Chúa tình yêu để được tha thứ và đỡ nâng bằng ân sũng, để thăng tiến mà đổi mới.
            Chúa Giêsu đã dùng chính tình yêu, bằng lòng nhân từ để biến đổi các Tông đồ từ kém cõi, nhút nhát sợ hãi của một thân phận yếu hèn hay sai lỗi thành con người hiểu biết, can đảm, nhiệt thành trong sứ vụ: Một Phêrô nóng nảy, yếu tin, chối Thầy trở thành trụ cột của Giáo Hội. Một Phaolô tàn bạo, sai lầm, bắt đạo trở thành một Thầy dạy đức tin. Một Mai Đệ Liên từ đam mê, tội lỗi thành người nhiệt tâm đổi mới cuộc đời, thành người loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu Phục Sinh.
Hãy tin tưởng phó thác vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. hãy bám chặt vào Chúa bằng lòng yêu mến, hãy vâng nghe Lời Chúa dạy, hãy thực hành những điều Chúa truyền, vững tin mà vượt qua mọi trở ngại gian nan, khó khăn trong cuộc sống hầu đạt đến vinh quang: "Có Thầy đây, đừng sợ !".

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -