CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN. C



CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN. C
1/ (1V 19,16b.19-21)    2/ (Gl 5,13-18)  3/ (Lc 9,51-62)
“CHÚA GIÊSU CƯƠNG QUYẾT LÊN GIÊRUSALEM. LÀ MÔN ĐỆ CỦA CHÚA, PHẢI SỐNG CƯƠNG QUYẾT !”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
1. Xác định mạch văn:
            a/ Đoạn văn nầy mở đầu cho phần thứ ba của Tin Mừng Luca: Hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu => Mục đích lên Giêrusalem là để đi vào cuộc Tử nạn và Phục sinh vinh hiển => Để cứu chuộc nhân loại => Đó chính là mục đích mà Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến trong trần gian. Mục đích của cuộc hành trình nầy còn được Thánh sử Luca nêu rõ hai lần ở Lc 13,22 và Lc 17,11. Còn ở đây Ngài khẳng định sự quyết tâm của Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem là để hoàn tất chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa Cha, “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên Trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,51). Có nghĩa là để được vinh quang (Phục sinh), nhưng phải trải qua cuộc khổ nạn (chịu chết).

            b/ Mạch văn nầy giúp chúng ta hiểu Đoạn văn như thế nào ?: Rõ ràng là nhờ mạch văn nầy mà chúng ta mới có thể hiểu được đoạn Tin Mừng. Vì nó giúp chúng ta phải đọc đoạn văn nầy với ý hướng quy vào “trọng tâm và mục đích” của Chúa Giêsu, chính là cuộc khổ nạn. Hướng nầy sẽ giúp chúng ta đọc ra và nhận thấy ý nghĩa then chốt, mà chính Chúa Giêsu phải cương quyết chấp nhận để thực hiện: Đó là Tình Yêu. Vì chẳng ai thích chịu dau khổ và cũng không muốn cho người thân của mình chịu đau khổ cả. Trái lại cuộc “khổ nạn” mà Chúa Giêsu nhất quyết đi vào lại là một cuộc sỉ nhục, một sự điên rồ, dại dột, tràn đầy đau đớn … đối với những ai không Tin. Còn đối với những kẻ Tin, những người thuộc về Đức Kitô, thì đó lại là một vinh dự, là niềm hạnh phúc, Vì được Chúa Giêsu yêu thương Cứu chuộc !
2. Bố cục: Ta có thể chia đoạn văn làm hai phần:
* Các câu 51-56: Chúa Giêsu quyết định đi lên Giêrusalem. Chúa Giêsu đã bày tỏ sự phản ứng của Ngài đối với việc dân làng Samaria không tiếp đón Ngài, khác với phản ứng của Giacôbê và Gioan.
* Các câu 57-62: Chúa Giêsu đòi hỏi những người đã bước theo Ngài phải có tính quyết liệt cách tuyệt đối để khỏi bị ngoại cảnh chi phối.
II. Giải thích:
            * “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên Trời …” (c 51): Có nghĩa là sắp tới ngày Chúa Giêsu hoàn tất công việc ở trần gian. Thánh sử Gioan dùng theo ý tưởng Thần học gọn gàng hơn qua từ ngữ “Tôn vinh”. Còn Thánh sử Luca muốn dùng kiểu nói tiên tri qua từ ngữ “rước lên trời” để khỏi nhắc lại lời tiên báo trước đó về cuộc khổ nạn và phục sinh cùng lên trời (Lc 9,22.44). Vì thế chúng ta thấy nời Luca diễn tả cuộc lên trời của Chúa Giêsu đồng nghĩa với cuộc hành trình lên Giêrusalem (Lc 24,50 ; Cv 1,11-12). Đối với Luca, thành thánh Giêrusalem là nơi được tôn trọng cách đặc biệt (theo nghĩa tôn giáo). Bắt đầu từ Giêrusalem và cũng kết thúc tại đây !
* “Vào một làng người Samaria” (c 52): Chúa Giêsu lên Giêrusalem theo đường thẳng qua miền Samaria, nằm giữa Do Thái, phân cách hai miền Giuđêa và Galilêa.
* “Dân làng không đón tiếp” (c 53): Người Samaria vốn có ác cảm với người Do Thái (Ga 4,9) và đặc biệt họ chống lại những ai hành hương lên Giêrusalem. Còn người Do Thái thì khinh thị người Samaria vì nguồn gốc tạp chủng và những dị biệt về tôn giáo. Thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem đi ngang qua Samaria, là có ý bảo Chúa Giêsu đã làm gương cho các Môn đệ của Ngài về việc loan báo Tin Mừng cho muôn dân muôn nước mà sau nầy Ngài đã trối lại cho các ông (Cv 1,8).
* “Khiến lửa từ trời” (c 54): Hai anh em Giacôbê và Gioan được gọi là con của sấm sét (Mc 3,17), có lẽ âm hưởng nơi tâm tư về hình ảnh Ngôn sứ Elia trong cuộc Biến Hình của Chúa Giêsu (Lc 9,28-35) mà các ông đã được tận hưởng chứng kiến, nên đã muốn dùng hình phạt đối với sự thiếu lịch sự của dân Samaria, cũng như Tiên tri Elia đã giáng xuống trên kẻ thù của ông (2V 1,10-12).
* “Chúa Giêsu quở mắng các ông” (c 55): Chúa Giêsu thực hiện Giáo lý cao thượng mà Ngài đã dạy khi xử sự với “kẻ thù” => Hãy yêu kẻ thù (Lc 6,27-35). Hai Tông đồ nầy đã tỏ ra quá nhiệt thành với Chúa Giêsu mà hóa ra đã sai lầm, nên đã bị Chúa Giêsu quở mắng. Vì họ quên rằng Chúa Giêsu là Đấn Cứu Độ, đến để ban bình an và hạnh phúc cho mọi người (không phân biệt ai), chứ không phải để giáng tai họa (Ga 4; Lc 17,11-19; Cv 8).
* Ba trường hợp theo Chúa (Cc 57-62): Thánh Luca luôn đi tới tuyệt đối trong các đòi hỏi của Tin Mừng (so sánh Lc 14,25-26 với Mt 10,35 và Lc 5,11 voi2w Mt 4,20). Thánh Luca muốn giúp chúng ta phải có sự quyết tâm tuyệt đối trong việc theo Chúa. Ngài luôn ghi rõ đại từ “tất cả”. Ở đây Ngài muốn nhắc lại lời của Chúa Giêsu nói tới việc phải dứt khoát từ bỏ tất cả để theo Chúa, mà 3 sự việc của 3 người với 3 yêu cầu khác nhau, nhưng cùng một mục đích là đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đòi hỏi một quyết tâm từ bỏ “tất cả” khi đã bước theo Ngài !
+ Ơn gọi thứ I (Cc 57-58): Người môn đệ của Chúa Giêsu phải sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống gian khổ, bấp bênh, …
+ Ơn gọi thứ II (Cc 59-60): Người môn đệ của Chúa Giêsu cần phải khẳng định mối tương quan với Thiên Chúa là ưu tiên hàng đầu, trên hết mọi quan hệ. Do đó, muốn đáp lại Ơn gọi thì phải dứt khoát với mọi lắng lo của trần thế, kể cả những người thân thuộc.
+ Ơn gọi thứ III (Cc 61-62): Giống như Elisê (Bđ1), Người môn đệ phải mạnh dạn dứt khoát với những bịn rịn, tình cảm, đam mê công việc … vì tất cả những thứ đó có nguy cơ làm mất ơn gọi của mình.
III. Áp dụng theo tin mừng:
            Giáo Hội muốn nhắc lại cho mỗi người chúng ta về những đòi hỏi của sứ vụ Tông đồ: Phải khoan dung với kẻ thù (yêu kẻ thù), phải từ bỏ mọi đòi hỏi riêng tư (từ bỏ chính mình), phải ưu tiên cho việc rao giảng Tin Mừng, phải dứt khoát với quá khứ để nhìn thẳng về phía trước, hướng về tương lai trong mọi công việc hiện tại mà chu toàn lý tưởng Tông Đồ.
            1/ Nhìn vào Chúa:
* Chúa Giêsu cương quyết lên đường đi Giêrusalem để hoàn tất sứ mệnh Cứu Độ, noi gương theo Chúa, chúng ta cũng phải cương quyết vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ Tông đồ của mình và hoàn thiện đời sống.
* “Người sai mấy sứ giả đi trước”: Noi gương Chúa, trước khi thực hiện một công việc, một nhiệm vụ, chúng ta cũng phải chuẩn bị sửa soạn, để dọn đường sửa lối cho công việc được thực hiện hoàn hảo hơn.
* “Con Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu chữa người ta”: Người Tông đồ của Chúa đi đến đâu là để phục vụ, để cứu giúp, mưu cầu lợi ích cho tha nhân, chứ không phải để lợi dụng, để kết án, để xét xử, để báo oán nhau.
* “Con chồn có hang …. Con người không có nơi tựa đầu”: Theo Chúa thì không đòi hỏi sự an toàn, đầy đủ tiện nghi theo kiểu trần thế, nhưng phải chấp nhận thân phận của người lữ khách …
* “Phần con hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa trước mọi công việc khác”; “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa …”: Để cho cuộc sống của mình và của tha nhân hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, nên việc rao giảng phải là việc ưu tiên hàng đầu, không được trì hoãn, chậm trễ, mà phải tích cực tận dụng thời gian, phương tiện … cho sứ vụ cao cả nầy !
* “Ai đã tra tay vào cày mà ngó lại sau lưng …”: Đã quyết tâm theo Chúa thì phải dứt khoát với mọi ràng buộc khác, kể cả những ràng buộc gia đình.
2/ Nhìn vào các Tông Đồ:
* Giacôbê và Gioan còn sống theo tinh thần cũ là báo oán kẻ thù. Cũng vậy, theo Chúa mà chúng ta còn sống theo kiểu thế gian là giận hờn, ghen ghét, ganh tỵ, thù oán cá nhân … Chúng ta phải thay đổi lối sống như Chúa Giêsu đã dạy là hãy sống khoan dung tha thứ cho anh chị em xúc phạm đến mình.
* “Chúa đã sai các Tông đồ đưa tin đi trước Người”: Hôm nay Chúa cũng sai mỗi người chúng ta là những sứ giả của Người đi đến với mọi người, nhất là những người bất hạnh, những người đang gặp khổ đau về vật chất cũng như tinh thần, nhất là những người còn yếu kém Đức Tin, khô khan nguội lạnh, bỏ Đạo và cả những người chưa Tin. Đó chính là sứ mệnh truyền giáo.
3/ Nhìn vào những người theo Chúa:
* Người thứ nhất xin đi theo Chúa với óc vụ lợi để được an toàn cuộc sống trần gian nầy, vì anh ta nhìn thấy Chúa làm nhiều phép lạ, có thể cứu giúp mình được nhiều phương diện … Nếu chúng ta theo Chúa mà có óc vụ lợi, tìm an toàn cho mình thì không thể làm Môn đệ cho Chúa được (theo Đạo để được nhận quà nầy của nọ, khi không thì nghỉ, “đạo gạo”). Vì đã chấp nhận bước theo Chúa thì phải từ bỏ mọi an toàn và chấp nhận những thiếu thốn của đời sống.
* Người thứ hai được Chúa đích danh gọi, nhưng còn ngập ngừng, vì chưa dứt khoát, vì chưa ưu tiên cho việc của Chúa. Có lẽ chúng ta hôm nay, cũng là những Tông đồ của Chúa, mà chúng ta chưa chăm lo cách nhiệt thành bổn phận Tông đồ của mình, vì còn phải lo những công việc trần thế như buôn bán, nhăn nuôi, cày ruộng, thăm đồng, … nên chúng ta cũng còn bê trễ, biếng nhác, nhất là chưa cần ơn thánh Chúa qua việc lãnh nhận các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, là nguồn sinh lực cho cuộc sống nên thánh và trong công tác tông đồ.
* Người thứ ba lại tự ý xin theo Chúa, nhưng còn luyến tiếc quá khứ, chưa dứt khoát với gì đã từ bỏ … Chúng ta muốn hiến thân phụng sự Chúa, nhưng chưa dứt khoát những gì đã từ bỏ như lo lắng về những quan hệ trần thế, những lề thói sống của trần thế như đam mê, trụy lạc trong các thú vui cờ bạc đỏ đen, rượu chè hút chích … Sống như thế thì không thể nào hoàn thành sứ mệnh Tông đồ được vì chưa có sự dứt khoát từ bỏ, “cầm cày mà còn ngó lại đàng sau” thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.
IV. Đức Tin là chọn lựa hay từ bỏ ?
* “Ta là Ánh Sáng cho trần gian, ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được Ánh Sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12): Chúa là Ánh Sáng phát sinh từ Lời và hành động của Chúa Giêsu. Do đó, khi đã Tin và bước theo con đường của Chúa Giêsu bằng sự quyết tâm và lòng yêu mến, chúng ta cũng phải có suy tư, hành động và ngôn từ như Ngài, giống như Chúa !
* Trí tuệ là khả năng thẩm định điều tốt và xấu. Từ đó, ý chí sẽ quyết định phải làm điều tốt và loại bỏ điều xấu. Trong thực tế cuộc sống, điều xấu thường được khoác cho cái vỏ tốt để khiến chúng ta sai lầm do nhẹ dạ hoặc kém hiểu biết. Vì thế, chúng ta cần phải tìm hiểu và học hỏi luôn để không bị lừa dối và sai lầm.
* Điều quá hiển nhiên là cuộc sống hôm nay càng ngày càng có nhiều phức tạp, khi con người đã đánh mất nền đạo đức căn bản, trong khi phải chạy theo với đà phát triển của khoa học kỹ thuật. Nếu chúng ta không quan tâm đến mặt tu đức, không tự chế, không sống từ bỏ … thì chúng ta chắc chắn sẽ bị ngụp lặn trong các tiện nghi và hưởng thụ vật chất. Còn đâu thời gian cho đời sống nội tâm ? Cho công việc rao giảng Tin Mừng bằng cuộc sống chứng nhân ? Vì thế, mỗi người chúng ta cũng phải có một cuộc sống cương quyết, can đảm để thực hiện như gương Chúa Giêsu và Lời mời gọi: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác Thập Giá mình mỗi ngày mà theo”.
- - - oo - - -