CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN. C



CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN. C
1/ (Dcr 12,10-11.13,1)    2/ (Gl 3,16-29)  3/ (Lc 9,18-24)
“THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ CỦA THIÊN CHÚA”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
1. Xác định mạch văn để phân đoạn:
            Với việc ông phê-rô đại diện cho anh em Tông đồ tuyên xưng Đức Tin vào Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thì từ đây công cuộc rao giảng Tin Mừng của Ngài lại bắt đầu bước vào một giai đoạn mới. Thật vật, việc rao giảng ở Galilêa coi như đã xong. Trong tình thân mật giữa Chúa Giêsu và các Tông đồ trở nên khắng khít hơn, từ đó sự kính trọng Thầy Giêsu đã đi vào niềm tin của các ông, nên Phê-rô đã chào kính Chúa Giêsu như là Đức Kitô của Thiên Chúa hằng sống. Tiếp liền sau đó, Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Ngài. Ngài chính là Đức Kitô đau khổ theo Thánh Ý của Thiên Chúa Cha. Đó là quy luật sống của Ngài cũng như các Môn đệ, là những kẻ bước theo con đường của Ngài.
            Phần loan báo Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu (từ chương 3,1 đến chương 9,50): Coi như chấm dứt, tiếp nối là phần loan báo về việc hoàn tất Mầu Nhiệm ấy (từ chương 9,51 đến chương 24, 1-53). Ta có thể chia bố cục bài Tin Mừng nầy như sau:
            * Các câu: 18-21: Phê-rô tuyên tín
            * Câu 22: Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó.
            * Các câu 23-24: Điều kiện để làm Môn đệ Chúa Giêsu.
2. Giải thích:
            * Elia: là một Ngôn sứ lớn sống vào khoảng thế kỷ 9 trước công nguyên. Sau khi đã hoàn thành sứ vụ Tiên tri của mình, ông đã được đưa về trời một cách đặc biệt, và do đó có lưu truyền rằng ông sẽ còn tái xuất (2V 1,11; 1V 17,1). Đặc biệt trong dịp Chúa Giêsu Biến Hình, để bày tỏ Vinh Quang cho các Tông đồ trên núi Tabor, chính vị Tiên Tri nầy cũng đã xuất hiện cùng với Môi – sen, đại diện cho Ngôn sứ và Luật (Mt 17,1-8).
            * Ngôn sứ thời xa xưa đã sống lại (câu 19b): ngụ ý nhắc tới Elia. Người Do Thái tin rằng chỉ có vị Đại Ngôn sứ Elia sẽ tái xuất hiện thôi.
            * Đấng Kitô (câu 20): Đấng Kitô được dịch từ ngôn ngữ Hy Lạp: Christos => Tiếng La Tinh Christus có nghĩa là “Đấng Cứu Tinh” ; “Đấng được xức dầu của Thiên Chúa”. Người Do Thái hằng mong ước một David thứ hai xuất hiện để khôi phục lại nhà Israel đã bị sụp đổ và đang bị ách thống trị của Đế quốc Roma. Họ chỉ muốn nhận Chúa Giêsu là nhân vật đó, nên họ đã muốn tôn Ngài lên làm Vua (theo kiểu loài người), chứ không nhận ra Người là Đấng Kitô, là Vị Cứu Tinh cao cả và còn là Thủ trưởng Tối cao của Vua David (theo ý định và chương trình của Thiên Chúa).
            * “Con Người phải chịu nhiều đau khổ …” (câu 22): Đây là lần loan báo thứ nhất của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn mà Ngài phải gánh chịu trong Sứ mạng Cứu Độ nhân loại (lần I: Lc 9,22 ; lần II: Lc 9,44 … ; lần III: Lc 18,31).
            * “Người cấm các ông …”: Chúa Giêsu chỉ muốn tiết lộ Sứ Vụ Thiên Sai của mình cho riêng các Tông đồ là những người thân tín lúc bấy giờ và Ngài muốn giữ bí mật cho tới giờ hành động của Ngài (Mc 14,41 ; Ga 16,25).
            * “Vác Thập Giá mình …”: Thập Giá là dụng cụ dùng làm hình phạt mà người Roma dùng để xử tử các tội phạm. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Đấng hoàn toàn vô tội nhưng đã tự ý nhận lấy khổ hình nầy để cứu chuộc nhân loại chúng ta. Do đó, đối với người Kitô Hữu, Thập Giá mang ý nghĩa của sự hy sinh, mà Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người phải chấp nhận khi đã quyết định bước theo dấu chân Người trong cuộc sống. “Thập Giá mình” tức là tất cả trách nhiệm, bổn phận, những khó khăn, gian khổ, những vất vả đau thương, kể cả những thử thách bắt bớ … ta gặp trong đời sống của ta. Đòi chúng ta phải hy sinh, hy sinh cả cái ý riêng để từ bỏ cả chính mình mà thực hiện theo Thánh ý của Thiên Chúa.
            * “Mạng sống”: đó chính là sự sống của con người, không gì quý hơn mạng sống. Trong câu 24, Chúa Giêsu nêu ra ba lần từ “Mạng sống” => nó diễn tả hai ý nghĩa: hai lần dùng trên có ý nghĩa là sự sống tạm bợ ở đời nầy, bất toàn và hữu hạn là sự sống của con người hiện tại. Còn từ “Mạng sống” ở lần thứ ba có nghĩa là sự sống toàn hảo, bất diệt là sự sống đã hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, mà chính Ngài cũng hy sinh cả mạng sống của mình mới có được, để trao ban lại cho những ai cũng biết hy sinh như Ngài mong muốn. Đó chính là Sự Sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa.
II. Chủ đích của bài Tin Mừng quy về chủ đề: Hy Sinh.
A/ Đức Kitô phải chịu khổ hình. Vậy tại sao lại ta phải Hy Sinh ?
            Hy sinh, hai tiếng nầy quả thật chứa đựng biết bao ý nghĩa. Xét chung chung thì ai cũng phải công nhận Hy Sinh là cao quý, cần thiết và cả bắt buộc nữa. Hầu như trên mọi bình diện và mọi tương quan trong cuộc sống đều đòi hỏi một sự hy sinh nào đó. Nên đề nghị và đòi hỏi của Chúa Giêsu đưa ra xem ra rất hợp lý cho đời sống người Kitô Hữu chớ không quá khắt khe. Nhưng trong thực tế, lại có sự đòi hỏi quyết liệt ở cái điểm là phải hy sinh để từ bỏ cả chính bản thân mình là một điều khó thực hiện, khi ta chưa nhận ra được hết cái giá trị của sự từ bỏ ấy lại cho ta “Mạng sống đời đời”. Thế nhưng, có lẽ chẳng mấy ai lại thích nghe nói đến hai tiếng “hy sinh”, chứ chưa nói đến sống. Vì đây không phải là loại đòi hỏi dễ thực hiện (nếu dễ thì chả cần phải nói, phải yêu cầu !). Trên bình diện cuộc sống, để thành đạt một công việc gì lớn hay nhỏ ta không thể thiếu hy sinh (từ công việc làm ăn, học hành, … nghệ thuật, phục vụ nhau, … và cả việc ăn uống, giải trí, ngủ nghỉ nữa …).
            Vậy, gương Hy Sinh của Chúa Giêsu và lời đề nghị như là một đòi hỏi quá quyết liệt như thế đã đánh động và giúp chúng ta sống và thực hiện đúng chưa ?
B/ Sống hy sinh là đời sống chứng nhân Tin Mừng.
            Thánh Phaolô đã nhận rõ được sự sai lầm của nhiều người cho chuyện Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá để cứu độ… là một sự điên rồ, phi lý (1Cr 1,18). Nhưng đối với Ngài và mỗi người chúng ta lại là một vinh dự, vì qua chính sự hy sinh đó của Chúa Giêsu mà chúng ta mới được Cứu độ: “Vinh dự của chúng ta là Thập Giá Đức Kitô ..”. Khi chúng ta sống sự hy sinh như Chúa Giêsu để hăng say rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho mọi dân mọi nước là chúng ta đang sống chứng nhân. Đời sống chứng nhân của Thánh Phaolô thật quá nhiều gian nan khốn khó (2Cr 11,22t), nhưng Ngài vẫn một lòng trung tín trong đời sống cứng nhân, đến nỗi Ngài đã thốt lên rằng: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,6). Vấn đề “từ bỏ và vác Thập Giá” mỗi ngày là điều chẳng giản đơn chút nào ! vì bản tính xác thịt của con người lại thích sung sướng, thoải mái, hưởng thụ hơn là hy sinh, thích nghỉ ngơi, giải trí hơn là làm việc … thích sống theo ý riêng, muốn làm gì thì làm và còn muốn kẻ khác theo ý mình nữa, thì rất là khó để bỏ ý riêng mà sống theo Thánh Ý Chúa !
            Thế nhưng, cái giá phải trả cho việc “sẽ cứu được mạng sống mình” là sự sống hy sinh. Vậy hãy cứ sống hy sinh như Chúa Giêsu yêu cầu, để có được như ý.(=> các chương 5-7 của Mt để hiểu rõ hơn các đức tính cần thiết của Môn đệ Chúa Giêsu, để luyện tập).
III. Áp dụng theo tin mừng:
            Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta theo Chúa thì phải chấp nhận con đường khổ giá Chúa đã đi, bằng cách luôn sẵn sàng tu chỉnh đời mình và chấp nhận mọi thử thách trong cuộc sống để theo Chúa từng ngày => từ bỏ chính mình để bước theo Chúa.
            Nhìn vào Chúa:
* Chúa hỏi các Tông đồ về nhận thức và tinh thần sống của dân chúng, Chúa cũng đang mời gọi chúng ta sống cuộc sống liên đới với tha nhân, sống với ai thì biết đời sống tinh thần của kẻ ấy, phải biết quan tâm đến phần rỗi linh hồn của họ.
* Chúa Giêsu đòi hỏi các Môn đệ phải xác định thái độ của mình đối với Chúa. Trong đời sống của mỗi chúng ta, nhất là những dịp sống riêng với Chúa như giờ Tĩnh Tâm, giây phút cầu nguyện, xét mình … Chúa cũng muốn chúng ta phải có thái độ dứt khoát của mỗi chúng ta đối với Chúa bằng chính niềm tin.
* Chúa Giêsu mời gọi mọi người muốn theo Chúa phải sống từ bỏ chính mình: Chúng ta phải tâm niệm lời mời gọi này trong từng giây từng phút, trong từng công việc của từng ngày sống, thì chúng ta mới có quyết tâm trong ý thức của đời sống. Lời nầy khích lệ chúng ta trên con đường theo Chúa khi ta gặp những gian nan thử thách. Vì sự từ bỏ chính không phải là chuyện dễ, nhưng đem lại cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu.
* Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi và có Môn đệ ở với Người: Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta thấy cầu nguyện là sức sống cho việc tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Chính việc hiệp nhất với Chúa bằng sự cầu nguyện mới giúp chúng ta sống tương giao hòa đồng, cởi mở và hiệp nhất với tha nhân được.
- - - oo - - -