CHÚA NHẬT VIII PHỤC SINH. B

CHÚA NHẬT VIII PHỤC SINH. B
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
1/ (Cv 2,1-11)    2/ (1Cr 12,3b-7.12-13)  3/ (Ga 20,19-23)
“CHÚA THÁNH THẦN ĐẤNG BẢO TRỢ - THẦN CHÂN LÝ – SỰ THẬT ĐANG HOẠT ĐỘNG TRONG GIÁO HỘI”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
            Trên Thập Giá, khi Chúa Giêsu chết và “trao Thần Khí mình” cho Chúa Cha, thì cũng chính là lúc Người “chuyển Thần Khí” cho Giáo Hội của Người (Ga 19,30). Sau khi từ cõi chết sống lại. Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội Thần Khí của Ngài qua các Tông Đồ: “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22). Đó chính là Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã giới thiệu và hứa ban, vì Chúa Giêsu luôn yêu thương chúng ta và không để chúng ta mồ côi khi Ngài trở về cùng Chúa Cha: “Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi: Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16-18). Cũng chính Thánh Thần là nguồn sự sống vĩnh cửu cho tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu (Ga 3,5-6; 7,39). Từ sức mạnh của Chúa Thánh Thần phát sinh ân sũng và các hoạt động của Giáo Hội, để qua Giáo Hội, các Kitô hữu được thánh hóa nhờ các Bí Tích và được soi sáng hướng dẫn để hoàn tihện cuộc sống từng ngày trong đời sống chứng nhân.

1. Cấu trúc của bản văn:
Bài Tin Mừng nằm trong phần cuối của chương 20: “Trình thuật biến cố Phục Sinh và sự hiện ra” của Chúa Giêsu với các Tông Đồ để ban bình an và cũng cố niềm tin của các ông vào sự Sống lại thật từ cõi chết. Sau đó, Chúa Giêsu đã trao lại cho các ông sứ mệnh mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha: Sứ mệnh Cứu chuộc, rao giảng, Thánh hóa. Và quy tụ tất cả mọi người vào trong Giáo Hội mà Ngài thiết lập. Để bảo đảm thành quả cho việc thực hiện những điều đó, và để biến các ông thành những cộng tác viên đắc lực, can đảm, sáng suốt. Các Tông Đồ phải cần đến sức mạnh và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nên Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các ông (Ga 20,21-23). Như thế, Chúa Giêsu Phục Sinh đã để cạnh sườn bị đâm thâu qua, từ đó phát sinh ra Giáo Hội và các Bí Tích (1Ga 5,5-8) và khi về cùng Cha, Ngài đã thực hiện lời hứa là ban Đấng Bảo Trợ đến, để khai sinh Giáo Hội, ban Giáo Hội cho các Tông Đồ và cho tất cả chúng ta, để giúp tất cả chúng ta trong Giáo Hội hoàn thành sứ vụ đã được Chúa Giêsu trao phó: “Làm cho muôn dân trở thành môn đẹ của Thầy”.
2. Giải thích:
* Lễ Chúa Thánh Thần hay còn gọi là lễ Ngũ Tuần (Pentecoste), là ngày mà Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa hiện xuống trên các Tông Đồ của Chúa Giêsu. Vào khoảng tháng 6 năm 30, khoảng 9 giờ sáng, dịp lễ của người Do Thái kỷ niệm 7 tuần sau khi họ liềm cắt lúa (Dnl 16,9) hay 7 tuần ăn bánh không men (Ds 28,16), nên có nhiều người về dự lễ tại Giêrusalem (Cv 2,5). Chúa Thánh Thần hiện xuống là để thực hiện lời các Ngôn sứ đã loan báo trong Cựu Ước (Gr 31,31-34; Ed 36,27) và nhất là để làm trọn chương trình Cứu độ của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu đã xuống thế loan giảng, đã thực hiện bằng giá máu và cuộc Phục Sinh vinh hiển của Người để lập nên một Giao Ước mới. Chúa Thánh Thần là Đấng bảo đảm cho sự trọn vẹn và thực hiện nơi loài người (Đấng Bảo Trợ). Như thế, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là phần kết thúc lễ Phục Sinh, mà phụng vụ chúa nhật hôm nay Giáo Hội kết thúc mùa Phục Sinh. Chắc nhắn Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, không chờ tới ngày lễ Ngũ Tuần mới đến để hành động, mà Người đã hoạt động từ khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ (St 1,2) và nơi các Ngôn sứ (Is 32,15; 44,3; 61,1; Ed 37; Tv 142,10) và đặc biệt với Chúa Giêsu (Lc 1,35; 3,22; 4,1.14; 10,21; 12,28 … ) để rồi chính Chúa Giêsu đã ý thức được sự hoạt động và cần thiết của sức mạnh Chúa Thánh Thần, nên đã hứa ban cho các Tông Đồ. Hay nói cách khác Chúa Giêsu đã truyền thụ một kinh nghiệm, một sức sống có Thánh Thần cho các ông (Ga 14,16-26; 15,26; 16,7.13), và cuối cùng trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các ông (Ga 20,22), Thánh Thần mà hình như khi Chúa Giêsu còn sống tại thế, bị giới hạn vào cá tính nhân loại và tầm hoạt đọng của Chúa Giêsu. Và khi Chúa Giêsu được tôn vinh, Ngài đã tuôn tràn Thánh Thần đó trên các Tông Đồ, trên Giáo Hội. Để từ đó, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện để soi sáng hướng dẫn và hoạt đọng trong Giáo Hội (Ga 7,39).
* Vì các ông sợ người Do Thái (c19): Vốn là dân ít học (Cv 4,13) lại sống nghề chài lưới (Mt 4,20-22) và đa số sống ở miền Galilêa (Lc 22,59), là miền “quê” so với thành phố “tỉnh” Giêrusalem (Mt 26,73) lại sống dựa vào Chúa Giêsu suốt thời gian Ngài còn ở trần thế (Lc 22,2;33; Ga 6,62; 17,12), hơn nữa biến cố lên án xử tử Chúa Giêsu trên Thập Giá đã làm cho các ông hồn vía lên mây (Mt 14,50-52); 60-70; Lc 12,34). Thế mà khi được tràn đầy Thánh Thần (Cv 4,8; 9,17) các Ngài đã nên can đảm mạnh mẽ, hoạt động nhiệt tình hăng say, không còn sợ thế lực nào cả (Cv 4,13; 19-20).
* “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (c21): Thiên Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu xuống thế gian để giảng dạy (Mc 1,14.38) chữa lành bệnh tật (Lc 4,40). Để ban sức sống dồi dào (Ga 10,10 …) Tất cả những công việc của Chúa Giêsu đều do Thánh Thần tác đọng (Lc 4,18-19). Nay Chúa Giêsu cũng sai các Tông Đồ và tất cả chúng ta làm như Ngài, tiếp nối công việc của Ngài, nhờ sức mạnh của Thánh Thần (mt 10,20; Ga 14,12; Cv 4,31; 5,15).
* “Người thổi hơi vào các ông …” (c22): Hơi là sức sống, là linh hồn (Stk 1,2) Chúa Giêsu truyền “sức sống, linh hồn” của Ngài là Thánh Thần cho các Tông Đồ, vì theo Thánh Phaolô: Đức Kitô và Thần Khí không tách biệt nhau, nên sống “trong Đức Kitô” là sống “trong Thần Khí” (Ga 2,2; Rm 8,2-27) và nhờ Thần Khí mà tất cả chúng ta sống sức sống của Chúa Giêsu: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà chính Chúa Giêsu sống trong tôi” mà chính Thánh Thần lại là sức sống trong Đức Kitô (Rm 8,6).
* “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Thánh Thần mà Chúa Giêsu được Chúa Cha ban (Mt 3,16; Lc 4,18), nay Chúa Giêsu ban lại cho các Tông Đồ, vì phải có Thánh Thần các Ngài mới có thể chu toàn nhiệm vụ mà Chúa Giêsu trao phó (Mt 12,28), và đặc biệt mới là việc của Chúa (Mt 10,20; Ga 15,26), cụ thể là việc tha tội mà Chúa Giêsu trao quyền cho các Tông Đồ (c23) nhờ sức mạnh và tác động của Chúa Thánh Thần.
3. Mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội:
            Theo sự mô tả của Thánh Kinh, Chúa Thánh Thần giữ một vai trò rất hệ trọng trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chính Người đã xức dầu cho Adam mới, là Chúa Giêsu (Lc 4,14-18), đã dùng quyền năng để tạo nên thân xác và linh hồn Chúa Kitô trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,35; Mt 1,20), đã hướng dẫn Ngài vào cuộc chiến thắng Satan tại sa mạc (Lc 4,1; Mt 4,1; Mc 1,12), đồn hành trong cuộc rao giảng (Lc 4,14). Trong công cuộc rao giảng đó, Chúa Giêsu đã dùng sức mạnh của Thánh Thần để chữa bệnh và trừ quỷ. Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần mà Ngài hứa với các môn đệ (Ga 14,16-18.26) và Chúa Giêsu còn quả quyết: Thầy đi thì có lợi cho các con …” Vì Chúa Giêsu có ra đi về với Chúa Cha thì Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ mới được sai đến cới chúng ta (Ga 16,7-11).
            Sách Tông Đồ công vụ đã cho chúng ta thấy hành động phong phú của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội sơ khai (đặc biệt nơi Phêrô và các Tông Đồ). Mặc dầu ngày nay, Thánh Thần Chúa ít tỏ ra những dấu gây xúc động bên ngoài, nhưng Ngài vẫn luôn tiếp tục hoạt động không ngừng trong thế giới nhân laoị, trong Giáo Hội, trong mỗi người Kitô hữu.
            Theo Công đồng Vatican 2: Chúa Thánh Thần là nguyên lực của Nhiệm Thể (LG 7), cưu mang những con cái của Giáo Hội (LG 64), biến Giáo Hội thành cộng đồng huynh đệ (GS 32). Và nguyên lý của sự hiệp nhất (LG 7) giữa những phần tử Giáo Hội và giữa anh em Kitô Giáo (LG 15). Chính Thánh Thần bảo tồn định chế mà Chúa Giêsu sáng lập (LG 12), hướng dẫn các Tông Đồ (SL 6), Đức Giáo Hoàng (LG 34), các Giám Mục (LLG 21), các Linh mục (MPV 15), Tu sĩ (VR 1), tất cả giáo dân (LG 34) và toàn thể mọi người. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội biết thích nghi (LG 12), biết canh tân (LG 9), biết trẻ trung hóa (LG 4) và cập nhật hóa theo đà tiến bộ của nhân loại (GS 21)
            Chings Chúa Thánh Thần không ngừng Thánh hóa, soi sáng hướng dẫn mỗi người theo năng khiếu, chức vụ và hoàn cảnh riêng biệt, vừa để chu toàn bổn phận trách nhiệm, để vừa góp phần xây dựng và hoàn thiện vũ trụ trong quyền năng và tình thương của Thiên Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ, ban Ơn Cứu độ và luôn Thánh hóa con người. Chúa Thánh Thần cũng là tác nhân chính trong việc Truyền Giáo: Sứ mệnh loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã trao lại cho tất cả chúng ta trong Giáo Hội: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” để ra đi … làm cho mọi người trở thành môn đệ Thầy. Có nghĩa là quy tụ tất cả mọi người, không phân biệt màu da, tiến nói, và trong Giáo Hội mà Chúa Giêsu thiết lập, để được Ơn Cứu độ là công việc rất quan trọng, cấp thiết và gặp nhiều khó khăn ở mọi thời đại, nhưng với sự hướng dẫn và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy luôn cố gắng để chu toàn.

- - - oo - - -