CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH. B LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH. B
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
1/ (Cv 2,1-11)    2/ (1Cr 12,3b-7.12-13)  3/ (Ga 20,19-23)
“CHÚA GIÊSU ĐƯỢC ĐƯA LÊN TRỜI VÀ NGỰ BÊN HỮU THIÊN CHÚA”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
            Hôm nay Giáo Hội mừng kính biến cố Chúa Giêsu lên trời. Gợi lại kỷ niệm về sự ra đi cuối cùng của Chúa Giêsu. Từ nay, Ngài không còn hiện diện hữu hình với các Môn đệ nữa. Do đó, sự tường thuật biến cố lên Trời của các bản văn Kinh Thánh được đọc trong ngày lễ của các chu kỳ Phụng Vụ không muốn nhằm vào thời gian cố định giữa việc Chúa Giêsu sống lại và lên trời, mà chỉ muốn hướng đến biến cố Chúa Lên Trời “ở hai khía cạnh liên hệ” nhưng riêng biệt: Một bên là Chúa Giêsu được vinh hiển lên trời ngay lúc Người sống lại. Một bên là Người ra đi lần cuối cùng sau một thời gian đã hiện ra nhiều lần với các Môn đệ, đó là cuộc ra đi và trở về với Chúa Cha mà các Sứ đồ đã được chứng kiến trên núi Cây Dầu (DNTH IV, tr 59). Với những ý niệm như thế, giúp chúng ta dễ dàng đi vào bài Tin Mừng để tìm biết về biến cố Lên Trời của Chúa Giêsu, hầu tin chắc rằng: Chúa Giêsu đã lên Trời ngự bên hữu Chúa Cha, thì chúng ta cũng sẽ được lên Trời với Chúa, để tận hưởng vinh quang mà chính Chúa đã hứa ban cho tất cả những ai tin và sống với Ngài.

1. Phân đoạn:
Bài Tin Mừng này nằm trong phần cuối chương 16, kết thúc Tin Mừng của Thánh Marcô, có thể chia ra làm 2 phần:
a. (c15-18): Lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các Môn đệ: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho tất cả loài người”.
b. (C19-20): Chúa Giêsu được đưa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa (c19). Sau đó các Tông Đồ đã thi hành lệnh truyền: Đi rao giảng khắp nơi (c20).
2. Giải thích:
* Đoạn cuối Tin Mừng thứ II, từ câu 9-20 trong chương 16, Marcô đã tường thuật các lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi sống lại (với ai, ở đâu). Nhưng chỉ có lần sau cùng mới tỏ ra rõ nét hơn (Mc 16,15-19), kết luận thì thật ngắn ngủi và đột ngột trong có một câu (Mc 16,20) cho biến cố Chúa hiện ra và cho cả Tin Mừng vốn ngắn nhất.
* Các ông (c15): Đây là nhóm mười một (c14), vì đã mất đi một người là Giuda Itcariôt, đã phản bội và đã tự vận chết (Mt 27,5). Như thế lần hiện ra cuối cùng và từ biệt ra đi của Chúa Giêsu, chỉ có sự tham dự của các Tông Đồ, không có các Môn đệ.
* Anh em hãy đi tứ phương thiên hạ … (c15): Cho dù còn một số vấn đề chưa được thông qua, một vài ai đó chưa được thông suốt, nhưng tin vào sự thuyết phục kỳ diệu của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu vẫn truyền lệnh để các Tông Đồ ra đi loan báo Tin Mừng, không chỉ trong đất nước Do Thái, mà còn tới với mọi dân, mọi nước trên khắp hoàn cầu => Sự quan trọng cần thiết của việc Truyền Giáo.
* Tin và chịu Phép Rửa (c16): Tin là chấp nhận Chúa Giêsu và chịu Phép Rửa là bằng lòng sống như Chúa Giêsu, nghĩa là trở nên như Chúa Giêsu trong Giáo Hội của Ngài. Đức tin là điều kiện căn bản cần có để chịu Phép Rửa. Nhưng, Đức tin không cất mất tự do, mà còn cần để giúp con người hoàn thành mọi bổn phận và trách nhiệm của mình trong đời sống, và hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi là Tin hay không Tin (Ga 3,19).
* Ai không tin sẽ bị kết án (c16): Án luận phạt đây không do Thiên Chúa ra, nhưng là chính là sự từ chối không tin, hoặc không sống theo Lời dạy của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, họ tự trách ra khỏi nguồn sự sống, nguồn sự sáng và làm cho họ khô héo, chết khô, tối tăm (Ga 3,18-20; 15,1-5).
* Chúa Giêsu được rước lên Trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha (c19): Một lối diễn tả theo kiểu Cựu Ước (2V 2,11; Hc 48,9; Đn 7,13 và Tv 109.1), nhằm nói lên mầu nhiệm tôn vinh Chúa Giêsu trong nhân tính thánh thiện của Người. Hay nói cách khác, thân xác của Chúa Giêsu đã ra khỏi ảnh hưởng của thế giới vật chất và được đưa tới đỉnh cao nhất, được diễn tả là “ngự bên hữu Thiên Chúa”. Chúng ta không nên hiểu “lên trời” theo nghĩa vật lý; vì đây chỉ nói về một nơi chốn, chứ không xác nhận ở đâu, nghĩa là được đồng hưởng vinh quang: “là ngự bên hữu Thiên Chúa Cha”.
* Cho mọi thọ tạo (c17): Đồng nghĩa với “mọi dân tộc” (Mt 28,19). Chỉ có người mới có thể nghe giảng, và nhờ nghe giảng dạy mà con người mới có thể biết là tất cả mọi tạo vật đều do Thiên Chúa tạo dựng và trao phó cho côn người chăm sóc, hưởng dụng, từ đó, con người biết trân trọng và yêu mến mọi tao vật. Quan điểm nầy chịu ảnh hưởng tư tưởng của Thánh Phaolô, nhấn mạnh đến ơn Cứu độ của Thiên Chúa không những trên con người mà toàn thể vũ trụ (Rm 8,19-22; Col 1,13).
3. Biến cố Thăng Thiên (lên Trời):
            * Qua biến cố “Thăng Thiên” muốn chứng minh: Thiên Chúa đã tôn vinh Đấng đã được sai xuống thế gian để chia sẻ tận đáy khổ cực của thân phận con người. Đấng ấy đã vâng lời Thiên Chúa, khiêm tốn hạ mình xuống để trở nên tôi tớ, phục vụ mọi người, bằng lòng chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Đấng ấy đã bị chống đối, bị khinh chê, bị bắt chịu khổ hình và bị xử án trên Thập Giá và đã chết. Nhưng Thiên Chúa đã minh chứng rằng Đấng ấy là “Đấng cứu thế” (qua công việc mà Chúa Giêsu đã thực hiện). Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại, đã đưa Ngài trở về nơi Ngài đã phát xuất, qua biến cố “lên trời”. Chính vì thế, biến cố lên trời của Chúa Giêsu là sự tôn vinh của Thiên Chúa Cha đối với Người Con Một, là Thiên Chúa Ngôi Hai, thì một trật cũng minh chứng rằng: Bất cứ một ai đã tin vào Người Con Một đó và sống theo như Ngài đã dạy truyền thì cũng được tôn vinh với Ngài như vậy => Đó chính là niềm vui và hy vọng của tất cả chúng ta, khi tin vào sự sống lại và sự sống mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho chúng ta. “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Giêsu Kitô thì chúng ta cũng được sống lại với Người”. Nghĩa là chúng ta cũng được Thiên Chúa Cha tôn vinh như vậy, hay nói cách khác là chúng ta cũng được lên trời như Chúa Giêsu. Niềm vui xác tín đó dựa vào Lời hứa của Chúa Giêsu: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con, vì nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”, “Thầy muốn Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó với Thầy”.
* Lệnh sai đi: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” của Chúa Giêsu đối với các Tông Đồ có quan trọng không ? Và có liên quan tới sứ mệnh chứng nhân của chúng ta không ?
* Công việc “loan báo Tin Mừng” cho mọi dân tộc, là một công việc quan trọng và cần thiết của Giáo Hội trong mọi thời đại: Giáo Hội là Truyền Giáo:
- Suốt 33 năm sống kiếp làm người ở thế gian, 3 năm công khai đi rao giảng và kết thúc cuộc sống bằng cái chết, rồi Phục Sinh vinh hiển. Trước khi trở về với Chúa Cha , Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các Tông Đồ: “Hãy đi loan báo Tin Mừng”. Như thế, việc đi loan báo Tin Mừng là một việc làm quan trọng và cần thiết của toàn thể Giáo Hội, vì tiếp nối công cuộc Cứu độ của Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng để đem ơn Cứu Độ đến cho hết mọi người cùng tin, để cũng được cứu độ. Vì thế, Giáo Hội suốt 21 thế kỷ qua, luôn miệt mài trong cố gắng để vượt qua bao khó khăn trở ngại, để trung thành thực hiện Lệnh Truyền nầy không ngơi nghỉ ! Đó chính là công việc Truyền Giáo, mà mỗi người Kitô hữu đồng trách nhiệm.
- “Ơn gọi làm Kitô hữu, tự bản chất cũng là ơn gọi làm Tông đồ” (CD V2). Vì thế, lệnh truyền của Chúa Giêsu có liên quan đến từng người Kitô hữu của chúng ta. “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Cánh đồng Truyền Giáo thật bao la, công việc Truyền Giáo thật cấp bách, đòi hỏi mỗi người Kitô hữu phải cố gắng hy sinh và nhiệt tình, phải cộng tác và liên kết với nhau, giúp nhau chu toàn công việc quan trọng và cần thiết nầy một cách hoàn hảo.
* Truyền Giáo cho những người chưa biết, chưa tin vào Thiên Chúa là Đấng sáng tạo trời đất, là Cha nhân từ … chưa tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc … chưa tin vào Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa … chưa thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô.
* Tái Truyền Giáo cho những người tín hữu ít hiểu biết về giáo lý của Chúa Giêsu dạy, khô khan nguội lạnh trong đời sống đạo, không thể hiện được đời sống chứng nhân của mình, còn cố chấp trong tội, trong sai trái của các tệ nạn: trộm cắp, cờ bạc, số đề, rượu chè say xỉn, ngoại tình, … sống thiếu công bằng và tình thương. Tái truyền Giáo cho những gia đình thiếu đạo đức và tình bác ái; những gia đình còn rối trong hôn nhân, ngăn chặn nạn ly dị, nạn ngoiạ tình; nạn bỏ các ngày lễ nhất là ngày Chúa Nhật, … làm cản ngăn ơn Chúa, … không tuân giữ luật Chúa, đang có nguy cơ mất phần rỗi linh hồn.
            Đặc biệt trong năm nay, Giáo phận chọn làm năm Truyền Giáo, Đức Giám Mục mời gọi mỗi người hãy nhiệt tâm, nhiệt tình trong công việc loan báo Tin Mừng: Bằng việc siêng năng đào sâu, học hỏi Lời Chúa là nền tảng cho việc loan báo và siêng năng tham dự Thánh Lễ và nhận lãnh nhận các Bí Tích => là nguồn sức mạnh Truyền Giáo.

- - - oo - - -