1/ (Is 60,1-6)
2/ (Eph 3,2-3a.5-6) 3/ (Mt 2,1-12)
“LÊN ĐƯỜNG TÌM GẶP CHÚA”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Lễ Chúa Hiển Linh còn
được gọi là Lễ Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Trong đêm Giáng Sinh, Thiên Thần
Thiên Chúa báo tin cho các Mục Đồng tin vui mừng lớn lao nầy và cho toàn thể
nhân loại, cách riêng là dân Do Thái. Còn lễ Hiển Linh, với việc Thiên Chúa tỏ
mình ra cho mọi dân tộc, đại diện là ba Đạo Sĩ, vốn là dân ngoại nhưng được
Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến chiêm ngắm việc Thiên Chúa tỏ mình ra qua Người
Con là Hái Nhi Giêsu, để cùng được Ơn Cứu Độ phổ quát cho hết mọi con người,
vì đều được Thiên Chúa dựng nên và là hình ảnh của Ngài, thì cũng đáng được hạnh
phúc với Thiên Chúa Tình Yêu. Tư tưởng nầy ta tìm thấy được nơi Thánh Phaolô:
“Anh em không còn là khách lạ hay người tạm trú nhưng là người đồng hương với
các Thánh và người nhà của Thiên Chúa ngự” (Eph 2,19-22). Vì thế, ngày Lễ Hiển
Linh cũng chính là ngày Giáng Sinh của toàn thể nhân loại: “Thiên Chúa ở cùng
chúng ta” nghĩa là ở cùng tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc,
tiếng nói, quốc gia, …
1. Phân
đoạn: chúng ta có thể phân
chia bài Tin Mừng nầy thành 2 phần:
a/ (câu 1-8): Các Đạo Sĩ đến Giêrusalem hỏi đường để đi đến triều bái
Vua dân Do Thái mới sinh ra. Hêrôđê cùng Giêrusalem có phản ứng.
* (câu 1-2): Các Đạo Sĩ đến Giêrusalem hỏi nơi
Vua mới sinh.
* (câu 3-6): Nghe tin, Hêrôđê hỏi các Thượng Tế
và Ký Lục cho biết Đức Kitô phải sinh ra ở đâu.
* (câu 7-8): Hêrôđê hỏi các Đạo Sĩ về thời gian
ngôi sao xuất hiện và nhờ họ tìm hiểu tường tận về Hài Nhi Giêsu.
b/ (câu 9-12): Các Đạo Sĩ lên đường đi tìm để triều bái Hài Nhi.
* (câu 9): Ngôi sao lạ
lại xuất hiện.
* (câu 10): Họ vui mừng
vì lại được ngôi sao xuất hiện chỉ đường.
* (câu 11): Họ triều
bái và dâng lễ vật: Vàng, Nhũ hương và Mộc dược.
* (câu 12): Họ đã đi đường
khác mà về nhà theo như mộng báo.
2. Ý hướng của đoạn Tin Mừng:
Khi viết câu chuyện,
Thánh sử Matthêu muốn làm nổi bật điều gì ?
Tác giả Matthêu muốn đề
cao sự tương phản:
* Các nhà Đạo Sĩ nhờ kiến thức của mình và dưới sự dẫn dắt của Thiên
Chúa quan phòng (ngôi sao lạ), đã nhận ra và tìm đến thờ lạy, tỏ bày niềm tin
và dâng lễ vật lên Hài Nhi Giêsu.
* Còn các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái cùng với vua Hêrôđê, dù đã có lời
loan báo của các Ngôn sứ, có Lời Chúa trong Kinh Thánh Cựu Ước, mà họ đã không
biết và không tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi. Ngược lại, họ
còn tìm cách để giết chết trẻ Hài Nhi. Như vậy, sự kiện các nhà Đạo Sĩ nhận biết
Chúa, gợi cho người ta nhớ lại các lời sấm của (Í 49,23; 60,3-6 và Tv 72,10-15;
…) nói đến Ơn Cứu Độ cho muôn dân.
3. Hoàn cảnh Chúa Giêsu Giáng Sinh như thế nào?
Chúa Giáng Sinh vào khoảng
năm 4 hoặc 3 trước Công Nguyên, vào thời Vua Hêrôđê Cả trị vì từ năm 37 đến khoảng
năm 4 trước Công Nguyên. Lãnh thổ dưới quyền cai trị của ông gồm xứ Giuđê,
Iđumê, Sâmria, Galilê, Pêrê và vài vùng nữa về phía Nam. Bêlem theo như người
ta dự đoán ở phía nam Giêrusalem. Và vị Vua nầy băng hà vào khoảng cuối năm 4,
đầu năm 3 trước Công Nguyên.
4.
Mấy nhà chiêm tinh hoặc các nhà Đạo Sĩ là ai ?
Có lẽ đây danh xưng chỉ
những nhà thiên văn Babylon, là những người từ Phương Đông, quê hương của
Balaam (Ds 23,24). Đây là những người thông thái, am tường khoa chiêm tinh. Dựa
vào 3 lễ vật họ tiến dâng, người ta quả quyết là coa 3 vị. Truyền thuyết dân
gian còn kể tên 3 vị ấy: Một là Melechier da trắng, hai là Gaspar da vàng, ba
là Balthazar da đen. Qua đó thầm nói lên rằng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa có tính
phổ quát cho hết tất cả mọi người, mọi dân tộc, không phân biệt màu da, tiếng
nói, chứ không phải chỉ dành riêng cho dân tộc Do Thái (nhưng từ dân Do Thái).
5.
“Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra, hiện đang ở đâu ?”
*Câu hỏi của ba nhà Đạo
Sĩ có dụng ý như thế nào ?
Qua câu hỏi nhằm muốn
nêu bật ý tưởng về quyền Vua của đấng Mesia, là một điều quan trọng mà chính
người ngoại lại loan báo cho người Do Thái việc giáng sinh của Đấng Thiên Sai
mà người Do Thái hằng mong đợi.
6. “Ngôi sao của Người” là ngôi sao nào ?
Với khoa tướng số vẫn
coi trọng sự xuất hiện của các vì sao, vì nó tiên báo một vĩ nhân ra đời. Do
Thái giáo đồng thời với Chúa Giêsu, họ coi vì sao xuất hiện là có ý nghĩa chỉ Đấng
Mesia. Do đó, một ngôi sao hiện ra ở Đông Phương đối với người Do Thái có nghĩa
là Vua dân Do Thái xuất hiện. Tuy nhiên, có thật là một ngôi sao xuất hiện không ? có hai cách giải thích:
* Hoặc đay là một hiện tượng lạ lùng độc nhất trong lịch sử mà Thiên
Chúa có đủ quyền năng thực hiện, vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được.
* Hoặc đay là một chitiết văn chương gợi hứng từ Thánh Kinh chứ không có
thực, miễn là đạt được ý tưởng của tác giả: “Một vì sao sẽ xuất hiện từ nhà
Giacop”.
7. Tại
sao Tác giả lại nhấn mạnh đến thái độ “bối rối” của Hêrôđê ?
Hêrôđê bối rối vì ông
ta không tin và khi nghe một vì Vua đã xuất hiện, cả thành Giêrusalem cũng thế.
Khi nói “cả thành” có ý nói đến nhóm lãnh đạo dân Do Thái sẽ khước từ Đấng
Messia mà Thiên Chúa gửi đến cho họ và nhân loại. Mà Matthêu còn nêu ra hai hạng
người: “Thượng Tế và Kinh Sư” là những người đứng đầu, có nhiệm vụ lãnh đạo và
giáo huấn đức tin cho dân chúng, nên có nhiều uy tín và ảnh hưởng lớn đối với
dân. Chính hai nhóm nầy đã họp nhau bàn cách lên án chết cho Chúa Giêsu sau nầy.
Như thế, họ phải chịu trách nhiệm về việc khước từ Đức Kitô, Đấng Cứu Độ.
8. Câu trả lời của họ cho Hêrôđê, cũng nói lên lời tố cáo chính họ:
“Tại Bêlem, miền Giuđê,
vì trong sách Ngôn Sứ có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa,
ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhất của của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ
chăn dắt Israel dân ta sẽ ra đời”. Thật lạ lùng khi các nhà lãnh đạo dân Do
Thái loan báo cho Hêrôđê biết nơi sinh ra của Đức Kitô là Vua chăn dắt họ, mà
ngược lại họ không nhận ra Ngài, là trẻ Hài Nhi bé nhỏ tại Bêlem, như lời các
Ngôn Sứ đã loan báo cho họ ! (Is 7,14).
9. Lúc nhìn thấy ngôi sao: “Họ mừng rỡ vô cùng”. Qua phản ứng của 3 nhà
Đạo Sĩ, Matthêu muốn diẽn tả điều gì ?
Qua niềm vui mừng hớn hở
của 3 nhà Đạo Sĩ, Matthêu muốn biểu lộ cho ta thấy niềm vui của dân ngoại nơi
Chúa Giêsu, là con đường cứu độ mà họ mò mẫm đi tìm. Đối lại với niềm hân hoan
nầy là nỗi kinh hoàng của Hêrôđê và sự khước từ của các người lãnh đạo trong
dân Do Thái. Vui mừng biết bao cho những người dân ngoại khi họ tiến vào tòa
nhà Giáo Hội để hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, còn con cái trong nhà thì bị đuổi
ra ngoài. (Mt 7,23; 8,11-12)
10. “Họ sấp mình bái lạy Người, rồi mở tráp, lấy vàng, nhủ hương và mộc
dược mà dâng tiến” (Mt 2,11)
Cử chỉ của 3 nhà Đạo Sĩ trước Chúa Hài Đồng diễn
tả uy quyền Vương đế của Vua Giêsu và sự thuần phục quyền Vua Giêsu của 3 ông.
Theo phong tục Đông Phương, sau khi bái yết nhà Vua là đến phần dâng lễ vật. Ba
Đạo Sĩ đã dâng lên Chúa lễ vật: vàng, nhủ hương và mộc dược là những đặc sản
quý hiếm và giá trị nơi quê hương của họ. Vàng tượng trưng cho Ngai Vua và đức
tin, Nhủ hương tượng trưng cho sự bền vững và đức cậy, Mộc dược tượng trưng cho
ơn cứu chuộc và đức mến. Theo các Thánh Giáo Phụ thì đây là cuộc tuyên xưng các
tước vị của Hài Nhi mới sinh: Vàng chỉ tước vị Vua, nhủ hương chỉ tước vị Tư Tế,
Mộc dược chỉ tước vị Đấng Cứu Thế, sau nầy sẽ chịu Tử nạn, được mai táng bằng mộc
dược và sẽ Phục Sinh vinh quang, để làm Vua muôn loài, Vua các vua.
II. Ý chính bài Tin Mừng:
Sau khi đã nhận ra Ngôi
sao lạ xuất hiện, các nhà Đạo Sĩ từ Phương Đông đã vội vã lên đường để đi tìm gặp
Hài Nhi Giêsu, không quản ngại xa xôi cách trở, khó khăn nguy hiểm. Khi đã gặp
được, họ rất đỗi vui mừng và liền sấp mình bái lạy Người, tiến dâng Người lễ vật
quý giá là vàng, nhủ hương và mộc dược để minh chứng niềm tin – cậy – mến vào Đấng
Thiên Sai Cứu Thế.
- - - - - - - - - - oOo - - - - - - - - - -