CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN. B
1/ (1Sm 3,3b-10.19) 2/ (1Cr 6,13c-15a.17-20) 3/ (Ga 1,35-42)
“ƠN GỌI SỐNG VỚI CHÚA”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Là chứng nhân và kẻ dọn
đường cho Đấng Cứu Thế, Gioan Baotixita không ngần ngại đx giới thiệu cho mọi
người biết về Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, và hơn thế, còn hy sinh cả môn
đệ của mình cho Đấng đến sau. Một gương sống tuyệt vời cho mỗi Kitô hữu chúng
ta, Vì tất cả chúng ta đang sống ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu, mà Thánh
Công Đồng Vatican II đã khẳng định: “Ơn gọi làm Kitô hữu, tự bản chất là ơn gọi
làm Tông đồ”. Mà là Tông đồ của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta cùng sống liên kết
với Ngài và cũng phải giới thiệu Ngài cho mọi người. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu
ý nghĩa của bài Tin Mừng, để cùng nhau thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.
1. Phân
đoạn: Bài Tin Mừng này có thể
chia thành 3 phần:
a. Ga 1,35-36: Gioan Baotixita giới thiệu Chúa
Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” cho hai Môn đệ của mình.
b. Ga 1,37-39: Họ liền đi theo Chúa Giêsu, đến
xem chỗ Người ở và ở lại với Chúa Giêsu
c. Ga 1,40-42: Trở về, họ giới thiệu cho người
khác. Anrê đã giới thiệu cho em là Simon và dẫn em đến gặp Chúa Giêsu và họ ở lại
với Người.
2. Giải
thích:
* Gioan Baotixita đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của Ông (Ga
1,35). Hai người ấy là ai ?
- Cũng như Chúa Giêsu và các bậc Thầy trong lịch sử nhân loại. Gioan
Baotixita cũng tụ họp chung quanh mình một nhóm Môn đệ (Mt 11,2; 14,12; Mc
2,18). Bản văn ở đây nói đến hai người đó là Anrê, anh ông Simon Phêrô (Ga
1,40), còn người thứ hai chắc là ông Gioan, con của ông Giêbêđê, em ông
Giacôbê, “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến …” (Gn 13,23; 19,26; 20,2). Truyền
thống gán cho Ông là tác giả cuốn Tin Mừng thứ tư.
* “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36): Từ “Chiên” vừa có nghĩa là con
chiên, vừa mang ý nghĩa là Tôi Tớ Giavê Thiên Chúa (Is 42,1-2); “Nầy là Tôi Tớ
Ta”, và diễn tả Con Chiên bị sát tế (Is 53,7): “Như chiên bị dẫn đến lò sát
sinh”: Có ý nói đến Chúa Giêsu như là Con Chiên bị sát tế. Vì chính Ngài vô tội,
nhưng đã nhận lấy tội nhân loại và đã chịu chết để cứu nhân loại.
* Hai Môn đệ nghe Ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu (Ga 1,37): Các Môn đệ
đã đi theo Gioan Baotixita nói và làm.
Dodó, khi nghe Gioan Baotixita giới thiệu về Chúa Giêsu, nên các ông đã đi theo
Chúa Giêsu.
Ở đây, chúng ta thấy lời
tuyên bố của Gioan Baotixita đã quyết định cho hai Môn đệ của mình, từ bỏ Thầy
cũ mà đi theo Chúa Giêsu. Rõ rang ơn gọi được một người khác hướng dẫn và đánh
thức, không phải chỉ bởi “Ánh Sáng” mà còn bởi “Người làm chứng cho Ánh Sáng” nữa.
Vì thế, ơn gọi làm Kitô hữu là ơn gọi sống với Đức Kitô, và giới thiệu Đức Kitô
cho người khác. Như trong bài Tin Mừng trình bày: Gioan Baotixita giới thiệu
cho Anrê, rồi tiếp đến Anrê giới thiệu cho em là Simon, để khi Simon đi theo Đức
Giêsu, được Ngài chọ và đổi tên là Kêpha (Phêrô) là Đá tảng, để trao quyền cai
quản, chăm sóc Giáo Hội cho ông.
* “Các anh tìm gì ?” (Ga 1,38): Theo Thánh sử Gioan, đây là lời nói đầu
tiên của Chúa Giêsu đối với những Môn đệ đầu tiên, mà chính Ngài đã cảm nhận
khi đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói với các môn đệ tiên khởi muốn theo Người,
để họ củng cố niềm tin khi quyết định đi theo Chúa.
* “Rabbi” có nghĩa là “thưa Thầy” (Ga 1,39): Các môn đệ của Gioan
Baotixita đã chuyển dịch tiếng “Thưa Thầy” từ Gioan Baotixita qua Chúa Giêsu,
mà họ dù chưa biết rõ về Chúa Giêsu, chỉ được Gioan Baotixita, thầy mình giới
thiệu, nhưng vẫn luôn tôn trọng từ trước (Ga 3,26). Và điều nầy cũng cho chúng
ta thấy rõ sự dọn đường của Gioan Baotixita và sự tiếp nối giữa Gioan Baotixita
và Chúa Giêsu trong sứ mệnh Rao Giảng và Cứu Độ.
* “Giờ thứ 10 (Ga 1,39): Người Do Thái chia ban ngày thành 12 múi giờ.
Giờ thứ 10 là khoảng 4 giờ chiều. Đó là một kỷ niệm khó quên của tác giả, cho
thấy ngài là người trong cuộc; và giờ thứ 10 còn mang một ý nghĩa khác: Số 10
là con số hoàn hảo trong quan niệm của Do Thái giáo. Vậy, giờ thứ 10 ở đây chỉ
sự hoàn tất và đánh dấu sự bắt đầu công cuộc rao giảng và cứu chuộc của Chúa
Giêsu.
* “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia nghĩa là Đức Kitô” (Ga 1,41): Thánh
Gioan muốn nhắc lại nguyên từ mà các môn đệ tiên khởi thường nói với nhau về
Chúa Giêsu, như gợi nhớ lại kỷ niệm thật đẹp: đã gặp được Đấng mà thầy cũ là
Gioan Baotixita thường nhắc đến và muôn dân hằng mong đợi. Cũng chính từ việc gặp
gỡ ấy mà cuộc sống của Thánh sử đã hoàn toàn biến đổi và trở nên môn đệ yêu dấu
của Chúa Giêsu.
“Chúng tôi đã gặp Đấng
Messia nghĩa là Đức Kitô” là lời giới thiệu chính xác nhất, đúng đắn nhất, tuyệt
vời nhất. Vì nó không chỉ là một lời giới thiệu suông, mà còn là lời khẳng định
niềm tin vào Đấng Kitô, và khi đã tin vào Đấng Kitô, và khi đã tin vào Đấng
Kitô cũng là lúc phó thác vào tình thương của Ngài, để trở nên môn đệ của Ngài.
Và một khi đã trở nên môn đệ của Ngài, ắt là phải làm cho chứng cho Ngài, giới
thiệu Ngài cho những người chúng ta gặp, chúng ta tiếp xúc, dẫn họ đến với
Ngài, để họ cũng tin và cũng trở nên kẻ làm chứng và giới thiệu.
II. Ý chính bài Tin Mừng:
Theo lời giới thiệu của
Thầy mình là Gioan Baotixita, hai ông Anrê và Gioan, là môn đệ của Gioan
Baotixita đã đến với Chúa Giêsu. Sau khi đã nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng
Messia, họ liền tìm đến với ông Simon, rồi dẫn ông đến để giới thiệu với Chúa
Giêsu, và tất cả các ông đã trở nên những Tông Đồ tiên khởi, cộng tác với Chúa
Giêsu để loan truyền Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
III. Suy tư và áp dụng Lời Chúa
vào cuộc sống chứng nhân:
Tất cả mọi người đều được
Thiên Chúa mời gọi để sống với Người trong Tình Yêu. Ơn gọi đó là Ơn gọi làm
Tông Đồ, mà Thánh công Đồng Vatican II đã khẳng định: “Ơn gọi làm Kitô hữu, tự bản
chất là Ơn gọi làm Tông Đồ”.
Một khi đã được mời gọi
sống trong ơn gọi làm Kitô hữu qua Bí Tích Rửa Tội, thì đòi hỏi mỗi người phải
chu toàn sứ mệnh trong chức vụ Tông Đồ của mình. Đây là bổn phận quan trọng
hàng đầu của người Kitô hữu, là người môn đệ của Đức Kitô, chính Ngài đã truyền:
“Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân dạy họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền
cho các con” (Mt 28,19).
Sống ơn gọi Tông Đồ,
đòi hỏi mỗi người Kitô hữu chúng ta phải sống liên kết với Chúa; học biết về
Chúa Kitô và còn phải giới thiệu Đức Kitô cho mọi người; để họ cùng tin và sống
liên kết với Ngài, để họ cũng được hưởng Ơn Cứu Độ. Như trong bài Tin Mừng,
Thánh sử Gioan đã làm nổi bật sứ mệnh Tông Đồ của Gioan Baotixita là kẻ dọn đường.
Ông đã không ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người biết, trong số đó có
các Môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).
Sau khi nghe Gioan
Baotixita giới thiệu về Chúa Giêsu, các Môn đệ của ông đã đi đến với Chúa Giêsu
và họ đã lưu lại với Ngài. Đoạn họ đã đi để loan báo cho những anh em khác:
“Chúng tôi đã gặp Đấng Messia nghĩa là Đức Kitô” (Ga 1,41). Rồi dẫn anh em mình
đến gặp Chúa Giêsu và ở lại với Người” (Ga 1,42).
Cuộc sống của mỗi Kitô
hữu chúng ta, trước hết phải sống liên kết với Chúa Kitô bằng chính niềm tin của
mình. Để qua các Bí Tích mà ta đã lãnh nhận và nhờ Lời của Ngài hướng dẫn, để
ta có được một sức sống mãnh liệt và dồi dào. Kế đến phải loan báo cho mọi người
biết và cũng dẫn họ đến với Chúa. Và bằng chính công việc hằng ngày, qua việc
tiếp xúc, trao đổi. Bằng việc giảng giải Giáo lý và lối sống chia sẻ, chăm sóc,
quan tâm, hướng dẫn, nhắc bảo; nhất là đối với các em thiếu nhi. Nghĩa là chúng
ta phải trở nên chứng nhân cho Chúa nơi những người gần nhất, quen biết nhất,
thân thiết nhất … rồi đến những người xa lạ, chưa quen biết. Nhưng phải thi
hành chức vụ Tông Đồ của mình một cách nhiệt tình, trung thành, ý thức và liên
tục suốt cả cuộc đời.
Sống và thực hiện được
như thế là chúng ta đã trở nên người Tông Đồ chân chính của Chúa Giêsu, trong sứ
mệnh tiếp nối công cuộc cứu rỗi của Ngài cho muôn dân. Hãy nhiệt tình trong bổn
phận đừng bỏ bê trách nhiệm của mình. Hãy thành tâm đón nhận hồng ân của Chúa,
nhất là bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh thể để được Chúa bổ dưỡng, bồi sức, để
trở nên chứng nhân thực sự trong cuộc sống từng ngày mà loan báo Hồng ân cứu độ
cho hết mọi người.
- - - oo - - -