CHÚA NHẬT II MÙA CHAY . C



CHÚA NHẬT II MÙA CHAY . C
1/ (St 15,5-12.17-18)    2/ (Pl 3,17-4,1)  3/ (Lc 9,28b-36)
“ĐÂY LÀ CON TA, NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC TA TUYỂN CHỌN, HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Trong Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật về biến cố “Chúa Giêsu biến hình” và dựa theo một tài liệu duy nhất. Qua sự biến hình sáng láng của Chúa Giêsu, ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được diễm phúc chiêm ngắm sự Vinh quang của Chúa Giêsu: “Dung mạo Người bỗng đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng”. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người. Đó là Môi-sen và Elia, hiện đến uy nghi và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Trong sự ngây ngất tràn ngập hạnh phúc, các ông còn được nghe rõ tiếng của Chúa Cha nhắc bảo: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Người”. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài Tin Mừng để xác tín vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và vâng nghe thực hành những Lời Ngài dạy như Chúa Cha nhắc bảo.

II. Giải thích:
1.      Phân đoạn: Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng thành 3 phần.
+ (Lc 9,28): Sinh hoạt thường ngày của Chúa Giêsu là cầu nguyện cùng với ba Môn đệ.
+ (Lc 9,29-32): Cảnh vinh quang và thân tình trong cuộc biến hình của Chúa Giêsu.
+ (Lc 9,33-36): Ba Môn đệ ngây ngất trước vinh quang của Chúa Giêsu và đã nghe tiếng của Chúa Cha phán bảo từ trời: “Hãy vâng nghe Lời Chúa Giêsu”.
2. Giải thích: 
            * Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện (Lc 9,28b): Thánh Luca luôn lưu tâm đến sự cầu nguyện của Chúa Giêsu như là một bài học cho tất cả chúng ta trong cuộc sống (Lc 5,16; 6,12; 9,18b; 10,21; 11,1; 22,32.40-46; 23,34-36), nhất là trong biến cố quan trọng này. Chúa Giêsu cầu nguyện để hội ý với Chúa Cha đi đến nhất trí với Thánh ý của Chúa Cha, vì mục đích của cuộc đời Chúa Giêsu là đến thế gian thi hành Thánh ý của Chúa Cha, thực hiện tình thương đối với nhân loại: Chết vì yêu để Cứu độ nhân loại.
            * Các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan (Lc 9,28b): Ba ông nầy được đi theo Chúa Giêsu, vì đã được chứng kiến nhiều phép lạ như là chứng kiến sự hồi sinh của con gái ông Gia-rô (Lc 8,51-54), lại vừa được nghe lời loan báo đã làm cho các ông sửng sốt về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nhất là đối với Thánh Phêrô (Lc 9,22), sau nầy, các ông còn được chứng kiến cảnh sầu khổ của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu và cuộc vây bắt Thầy của quân lính. Cần củng cố Đức Tin cho các Ngài, vì sau khi Chúa về Trời, cả ba đều lãnh trách nhiệm quan trọng. Thánh Phêro lãnh đạo Giáo Hội còn non trẻ, Thánh Giacôbê thủ lãnh công đoàn Giêrusalem kỳ cựu và khó khăn trong buổi giao thời giữa luật cũ và mới, Thánh Gioan nhân chứng cuối cùng và lâu dài của Mạc Khải.
            * Ông Môisen và Elia (Lc 9,30): Đây là hai nhân vật lớn và quan trọng trong Cựu Ước. Một vị lập Luật là Môi-sen, sống vào thế kỷ XII trước Công nguyên. Còn Elia là Ngôn sứ sống vào khoảng thế kỷ IX trước Công nguyên. Cả hai đều có công lớn trong việc chuẩn bị cho dân Do Thái đón nhận Ơn Cứu Độ (qua Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người).
* “Nói về sự chết của Ngườ sẽ thực hiện tại Giêrusalem” (Lc 9,31): Muốn làm chứng Lời tiên báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là sự thật.
* Dựng ba lều (Lc 9,33): Lúc đó là dịp lễ lều ở thủ đô Giêrusalem (là lễ lớn của người Do Thái, để tưởng nhớ biến cố Xuất Hành, người ta dựng lều và ở trong đó vào dịp mừng lễ, như xưa cha ông họ sống trong lều ở sa mạc vậy). Ông Phêrô muốn mừng lễ tại nơi xảy ra biến cố Biến Hình của Chúa Giêsu, vì tại lúc đó và tại nơi đó có sự hiện diện rất ý nghĩa của người đã dự vào biến cố “Xuất Hành”. Đồng thời, trước vinh quang sáng láng mà các ông được diễm phúc chiêm ngắm, các ông muốn giữ lại lâu dài niềm hạnh phúc đó.
* “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Người” (Lc 9,35): Đây là lời giới thiệu và nhắn nhủ của Thiên Chúa Cha đối với tất cả chúng ta là những kẻ Tin vào Chúa Giêsu, là phải nghe Lời của Thiên Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã nhận lãnh, và chính Chúa Giêsu là Người Con được Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ chúng ta.
            3. Phân tích:
Biến cố “Biến Hình” được Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật. Sau khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người lần thứ nhất. Mặc dầu Chúa chưa chịu chết và sống lại, nhưng Người cũng muốn cho ba trong số các Tông Đồ được chiêm ngắm vinh quang của Người, dù chỉ trong chốc lát, để củng cố tinh thần và niềm tin của các ông trên đường theo Chúa và đồng thời để các ông có bằng chứng loan báo về việc Chúa Phục Sinh sau nầy. Biến cố “Biến Hình” đã được báo trước vì đã xảy ra sau khi Chúa đã hứa cho các Tông Đồ rằng: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, trong những kẻ có mặt đây, có người sẽ không nếm cái chết trước khi thấy Con Người đến trong vinh quang của Người” (Mt 16,28).
            Biến cố nầy cũng xảy ra sau khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống (Lc 9,20). Và Chúa Giêsu, khi đón nhận lời tuyên tín ấy đã dùng cuộc biến hình nầy để chỉ cho các Tông Đồ thấy trước chính vinh quang đó của Đức Kitô, là vinh quang thuộc về Thiên Chúa, hầu soi sáng giúp các ông thấy rõ ý nghĩa của cuộc khổ nạn mà Người đã loan báo, tức là cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh sắp xảy đến cho Người. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng muốn chứng minh rằng Người không phải là kẻ chinh phục hiển hách mà từ lâu bao đời mong đợi, cũng không phải Đấng giải phóng chính trị mà người đương thời mơ tưởng. Nhưng Người là người Tôi Tớ, là Đấng Thiên Sai chịu đau khổ: “Qua đau khổ Thập Giá, mới đạt đến Vinh Quang Phục Sinh”.
II. Mấy chi tiết đặc biệt của Tin Mừng Luca:
1. Bản văn Phụng vụ viết là “Khi ấy”, Tin Mừng Matthêu và Tin Mừng Marco viết là “Sáu ngày sau”, còn ở Tin Mừng Luca viết là “Khoảng tám ngày”. Cách nói khác nhau về thời gian không trái ngược nhau, Thánh Luca nói “khoảng” có nghĩa là xê dịch tùy các tính ngày. Điều quan trọng là khi nhắc đến thời gian nối liền hai biến cố: Việc tuyên xưng của Phêrô ở Cêsarê (Mt 16,16) và việc biến hình trên núi. Việc biến hình xảy ra sau là để chứng minh lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa”.
2. Ở Tin Mừng Mt 17,2 và Mc 9,2 dùng chữ “Biến Hình”, còn Luca lại dùng kiểu nói: “Diện mạo Người biến đổi khác thường”. Luca viết cho người lương dân trở lại, nên ông không dùng chữ “Biến Hình”, vì sợ dân ngoại hiểu lầm mà hình dung ra một tương tự nào đó giữa biến cố nầy với những chuyện “hóa thân” như bao chuyện thần thoại của dân ngoại giáo.
3. Chỉ có Tin Mừng Luca mới ghi rõ Chúa lên núi cầu nguyện, và cuộc biến hình xảy ra đang khi cầu nguyện. Khi viết như vậy, Luca có ý muốn cho chúng ta thấy rõ cuộc biến hình là kết quả của sự cầu nguyện. Tin Mừng Luca có ghi rõ nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện, muốn để lại cho chúng ta gương sáng cầu nguyện của Chúa Giêsu, để ta luyện tập và thực hành:
            * Lc 3,21: Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa.
            * Lc 6,12-13: Khi Chúa Giêsu chọn Tông Đồ.
            *Lc 9,8: Khi Phêrô tuyên xưng Đức Tin.
            *Lc 9,28: Khi Chúa Giêsu biến hình.
            *Lc 10,21: Khi các Tông Đồ đi thực tập rao giảng về.
            *Lc 11,1: Khi các Tông Đồ xin Chúa dạy cầu nguyện.
            *Lc 21,36: Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện để đủ sức đứng vững.
            *Lc 21,37-38: Trong những ngày cuối đời, Người thường lên núi cầu nguyện.
            *Lc 22,39-45: Chúa Giêsu cầu nguyện ở núi cây dầu.
4. Trong Tin Mừng của Luca, Môisen và Elia cũng được mặc lấy vinh quang Thiên quốc: “Môisen và Elia hiện đến uy nghi”. Điều nầy có nghĩa tương quan rằng: Hai vị nầy tiên báo: “Hai người mặc áo chói lòa” trong biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh (Lc 24,4). Hai vị nầy tiên báo: “Hai người y phục trắng ngời” (Cv 1,10) để cắt nghĩa cuộc thăng thiên siêu phàm cho các Tông Đồ.
            Sự liên tưởng nầy cho thấy: Theo Luca thì Môisen và Elia ở đây mang tư cách là những nhân vật Thiên quốc, đến báo trước vinh quang tương lai của Chúa Giêsu. Vì thế, biến cố biến hình có liên quan tới biến cố thăng thiên. “Đám mây” ở đây mà tác giả muốn “làm cho người ta chú ý vì đã làm cho các Tông Đồ sững sờ” (Lc 9,34), có thể đem so sánh với “đám mây” thăng thiên (Cv 1,9).
5. Các Tông Đồ mê ngủ và họ chỉ chứng kiến sự việc sau khi thức dậy (Lc 9,32), có liên tưởng đến biến cố ở vườn cây dầu (Lc 22,45-46).
6. Việc ông Phêrô xin dựng ba lều để kéo dài thời gian đặc ân, làm cho ta liên tưởng tới việc hai khách bộ hành đi Emmaus xin Đấng sống lại ở với họ lâu hơn nữa, trong khi vị khách lại giả vờ muốn đi xa hơn.
IV. Áp dụng theo Tin Mừng:
            Hãy nghe Lời Thiên Chúa Cha căn dặn là: Vâng nghe Lời Chúa Giêsu dạy và đem thực hành trong cuộc sống cách chân thành để được Cứu Độ.
- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -