CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN . A

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN . A
1/ (Lv 19,1-2.17-18)    2/ (1Cr 3,16-23)  3/ (Mt 5,38-48)
“GIỮ LUẬT ĐỂ SỐNG NÊN HOÀN THIỆN”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
* Tại sao cuộc sống phải hoàn thiện ? Làm sao để nên hoàn thiện ?
Đó là câu hỏi được đặt ra cho mỗi người trong mọi thời ! Khoảng 5 thế kỷ trước khi Chúa Giêsu Giáng Sinh, vấn đề này cũng đã trở nên đề tài tranh luận rất sôi nổi ở Trung Hoa, đã nổ ra một cuộc tranh luận triết lý về “con người”. Phái tiêu biểu cho Khổng Giáo là Mạnh Tử thì chủ trương: “Nhân chi sơ tính bản thiện” (con người từ khi mới sinh ra bản tính vốn tốt, nhưng khi khôn lớn thì mới tập nhiễm tính xấu bởi môi trường xã hội). Trong khi phái Hàn Phi Tử thì lại cho rằng: “Nhân chi sơ tính bản ác” (con người xấu từ lúc sơ sinh, lớn lên trong cốt xấu, nên đã được huấn luyện, dạy dỗ và tập luyên thì mới trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xă hội …).
Tất nhiên là đôi bên đều đưa ra những luận chứng cho lập trường của mình. Từ đó sinh thêm một phái thứ ba, như muốn dung hòa hai phái kia khi họ chủ trương: “Con người khi mới sinh ra thìbản tính không tốt cũng không xấu …”. Tốt xấu của mỗi người tùy thuộc vào bản chất và sự cố gắng luyện tập các tính tốt, các nhân đức để nên người. Nghĩa là thành “nhân” trước khi thành “anh hùng” để trở nên “Thánh” => “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Bài Tin Mừng (Mt 5,38-48) có nội dung làm sáng tỏ vấn đề này.
II. Chú thích:
1. Đây là một sứ điệp muốn giúp chúng ta nhận ra đỉnh cao và giá trị của sự công chính qua việc luyện tập sống theo lề luật mà Chúa Giêsu truền dạy chúng ta phải có tình yêu vô giới hạn khi thực thi Luật Chúa.
2. Tình yêu vô giới hạn là sống mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa là Cha và tha nhân là anh em trong tinh thần luật. Tình yêu này không loại trừ ai, không phân biệt thân hay thù và yêu thương không giới hạn để vươn tới mức độ tuyệt hảo là yêu như Đức Giêsu Kitô => “Chết cho người mình yêu”.
3. Phân đoạn:
- (câu 38-42): Phải sông tốt với mọi người kể cả làm hại đến mình.
- (câu 43-48): Hãy yêu thương kẻ thù.
Như thế chúng ta có thể hiểu theo nghĩa thứ nhất với hai lý do: Lý do truyền thống và nỗi bận tâm của tác giả Matthêu.
4. Đừng báo oán (38-42):
a. Nếu chúng ta thực hiện y như Chúa Giêsu dạy ở câu 38-42, thì hậu quả sẽ như thế nào cho bản thân và cho xã hội ?
*”Đừng chống cự người ác” => Nếu bỏ các phương tiện chống cự người ác: Quân đội, công an, tòa án, khí giới … Dù còn những phương tiện để chống người ác cũng không dùng nữa thì tội ác sẽ lan tràn, xã hội sẽ vô kỷ luật . . .
* Người ta vả má phải mà chìa luôn má trái cho họ vả, phải chăng là khiêu khích, là khuyến khích người ta xúc phạm đến thân xác mình ?
* Người ta cướp bóc áo trong mà mình lại để cho họ cướp luôn áo ngoài là khuyến khích họ ăn cướp của cải mình ?
* Người ta bảo đi một dặm, mà mình đi hai dặm là tạo điều kiện để kẻ khác bóc lột sức lao động của mình ?
* Người ta vay mượn mà ta dễ dàng cho vay mà chẳng có điều kiện nào là khuyến khích nạn lười biếng, ăn xin, nợ nần và quỵt nợ ?
b. Chúa Giêsu và Thánh Phaolô đã sống và thực hiện ra sao ?
 * Khi Chúa Giêsu bị vu khống, bị đánh đập, bị hành hạ … Ngài đã phản ứng thế nào ? (Ga 18 và 19: cuộc thương khó).
* Còn Phaolô sắp bị người ta nọc ra để đánh đòn thì Ngài phản ứng thế nào ? (Cv 22,25-29).
c. Vậy chúng ta phải hiểu và sống Lời Chúa Giêsu dạy như thế nào ?
* Ở đây có nghĩa là không để mình bị nhiễm, bị điều động bởi luật báo thù.
* Luật mắt đền mắt, răng thế răng là luật báo thù chừng mực nghĩa là không được báo thù quá mức, chỉ ngang bằng thôi, để thay thế luật Hammousabi trước đó là “luật rừng”: một thành mười. Luật này trích từ (Xh 21,24; Lv 24,20; Tl 19,21). Như thế Chúa Giêsu đưa luật không báo thù ra để đối lại luật báo thù theo kiểu con người: Đánh tao là tao đánh lại, là huề cả làng. Có nghĩa là Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng chống cự với người gian ác, vì tình yêu mà ta phải chịu đựng, nhịn nhục, hy sinh để sống theo luật yêu thương, yêu thương kể cả kẻ làm hại đến mình. Ở đây điều quan trọng là để cho luật yêu thương làm chủ điều động chứ không phải là luật báo thù. Đây là loại người hiểu biết, có sức mạnh nội tâm, dũng cảm, nhẫn nhục … chứ không phải là người nhu nhược sợ hãi, nhát đảm.
5. Hãy yêu thương cả kẻ thù (43-48):
a. Yêu thương kẻ thù là gì ? Kẻ thù là ai ?
* Kẻ thù của Israel là người ngoại giáo, là kẻ họ không thể yêu, là những kẻ họ không chào. Vì những người nầy không đồng quan điểm …
Yêu vì người, chứ không yêu vì mình. Chỉ yêu kẻ yêu mình, chào mình, giúp mình là tình yêu ích kỷ, xét cho cùng thì chưa phải là tình yêu, chưa có và chưa sống tình yêu đích thật ! Yêu vì người là tình yêu vị tha, tha thứ cho người làm hại mình mới là tình yêu thật, tình yêu hiến dâng, như Chúa Giêsu yêu chúng ta, như người Samaria nhân hậu. Như thế, ai cần yêu thì tôi yêu chứ không phải tôi chỉ yêu người tôi muốn yêu. Vậy, ai là người cần yêu ? Là tất cả mọi người, kể cả những người gian ác, tố cáo, chống đối, làm lại đến chúng ta, vì họ cũng được cần cứu độ => Yêu cả kẻ thù là muốn và làm cho họ được hưởng ơn cứu độ, vì Thiên Chúa yêu thương cứu độ mọi người, không trù một ai !
b. Tại sao yêu kẻ thù thì ta mới trở nên con cái Thiên Chúa ? 
       Vì tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu phổ quát (c 45b), tức là tình yêu vô vị lợi (Rm 5,8). Khi ta yêu kẻ thù thì ta đã để tình yêu Chúa sinh ta lại trong Chúa. Yêu kẻ thù đòi ta phải quên mình để tình yêu Chúa xuất hiện trong ta. Tình yêu đó là chính Chúa. Chúa điều động, hướng dẫn ta để ta yêu như Chúa yêu, vì ta không có sức yêu kẻ thù.
c. Yêu kẻ thù là nét đặc trưng để phân biệt Tình yêu Kitô giáo với tình yêu của người ngoại và người có tội:
* Yêu kẻ thù là tiêu chuẩn của người thuộc về Đức Kitô. Ai không phải là người Công giáo mà cũng yêu thương kẻ thù như thế thì cũng là Môn đệ của Chúa Giêsu. Còn ngược lại, ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội rồi mà không có tình yêu đó thì không phải là Môn đệ của Chúa. Chúng ta đã thuộc về Đức Kitô, là môn đệ của Ngài, chúng ta phải sống vì tình yêu đích thật của Ngài, chúng ta phải thực hiện luật yêu thương mà Chúa Giêsu đã dạy => Để yêu như Chúa yêu !
6. “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha là Đấng hoàn thiện” (5,48)
* Mệnh lệnh này có nghĩa là gì ? Tại sao phải nên hoàn thiện ? Có nghĩa là chúng ta sẽ trở nên như Thiên Chúa không ? Có phải chúng ta cũng tốt lành, thánh thiện như Thiên Chúa không ? Chắc chắn là không rồi, vì chúng ta là thụ tạo và tội lỗi mà ! Mặc dầu thân phận con người chúng ta yếu đuối, mỏng dòn, đầy đam mê dục vọng, đầy sai trái tội lỗi. Nhưng mệnh lệnh này là muốn khuyến khích chúng ta phải nhìn lên Thiên Chúa là Cha, là Đấng toàn thiện để noi gương, để mà sống như Chúa dạy và nhờ ơn Chúa, để mỗi ngày được trở nên giống Thiên Chúa Thánh thiện. Nếu cuộc đời của mỗi chúng ta nên thánh thiện, thì chúng ta mới được chung hưởng hạnh phúc với Đấng toàn thiện là Cha của chúng ta.
III. Áp dụng theo Ting Mừng:
            Là con người, bất luận là ai, tuổi tác nào hay địa vị nào đi nữa thì hầu như đều có một ước muốn khá căn bản: “Muốn yêu và muốn được yêu”. Bản chất “yêu” ấy thoạt tưởng như là điều đơn giản, nhưng thực tế cho thấy nó không đơn giản chút nào ! Vì mỗi ngày, sự hận thù, đàn áp bóc lột, giành dựt, tố cáo, chiến tranh, chém giết, … vẫn xảy ra và còn gia tăng nữa là đàng khác. Tại sao con người sống chung với nhau, là anh em một nhà, là con một Cha mà sự hận thù đang chia cắt tình nghĩa như thế ? Thưa, tại vì mỗi người chúng ta chưa biết sống tình yêu, không biết yêu thế nào cho phải, cho cân, cho đúng … Nhìn vào Chúa Giêsu, thành tâm lắng nghe Lời Ngài dạy chúng ta qua bài Tin Mừng, ắt ta tìm được chìa khóa để mở cửa lòng cho ước muốn “yêu và được yêu” tuôn trào đến với mọi người, kể cả kẻ thù. Mà kẻ thù ta đâu phải là người, giết đi thì ta sống với ai ? Noi gương Chúa Giêsu, Ngài yêu thương hết mọi người, chết cho mọi người mà Ngài yêu mến, kể cả những người tố cáo , đánh đập và đóng đinh Ngài trên Thập Giá, Ngài cũng xin Chúa Cha tha cho họ. Vì thế Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta hãy yêu thương nhau và yêu cả kẻ thù, là những kẻ làm hại, vu khống tố cáo, bắt bớ ta nữa. “Hãy yêu như Chúa yêu !”
- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -