CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN . A

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN . A
1/ (Hc 15,16-21)    2/ (1Cr 2,6-10)  3/ (Mt 5,17-37)
“SỐNG TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA VÀ THA NHÂN”
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Sau khi công bố “Hiến chương Nước Trời” trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nhận ra một phần nào dung mạo của Chúa Giêsu Kitô. Vị Cứu Tinh của nhân loại có gốc gác, đã từng vang bóng một thời, nhưng hiện nay chỉ như một người nghèo giữa những người nghèo … Sứ điệp của Ngài thật mới lạ và phong phú. Cùng với tấm lòng nhân ái bao la, Ngài đã hiểu rõ phận người của chúng ta khi cùng chia sẻ thân phận với chúng ta và còn hơn thế, Ngài muốn cứu chúng ta khỏi chết muôn đời. Nên điều quan trọng trước hết là chúng ta phải thành tâm đón nhận lời Ngài, quyết tâm thực hành để đạt được ơn cứu độ. Thế nhưng với thân phận yếu đuối và thiếu quyết tâm, thì có những điều sẽ đụng chạm đến thói quen đã “thâm căn cố đế” trong chúng ta. Đây là chỗ ách tắc sẽ làm chúng ta không tiến triển và thay đổi được !
Giáo huấn của Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng (Mt 5,17-37) chính là chiếc chìa khóa vàng !

II. Phân tích:
Chúa Giêsu và lề luật: Chúa Giêsu kiện toàn lề luật Môi-sen.
* (c 17): Động từ “Pleroun” tiếng Hy Lạp được các bản văn dịch khác nhau => Kiện toàn, hoàn toàn, làm trọn, làm cho trọn … Vậy phải hiểu và dịch ra sao ?
* Từ “Pleroun” có thể hiểu theo hai nghĩa thế này:
- Làm cho ứng nghiệm (những điều đã tiên báo, đã nói trước).
- Làm cho đầy, cho hoàn chỉnh (Mt 5,17).
Như thế chúng ta có thể hiểu theo nghĩa thứ nhất với hai lý do: Lý do truyền thống và nỗi bận tâm của tác giả Matthêu.
a. Truyền thống: Một trong những điều cổ nhất mà người ta tuyên xưng do Đức tin (bất nguồn từ Chúa Giêsu và các Tông đồ) => Quả quyết rằng: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại đúng như lời Kinh Thánh (1Cr 15,3-4). Thánh Phaolô cũng nhận từ truyền thống này. Truyền thống có giá trị hơn lời của Phaolô, vì lời rao giảng của Thánh nhân bắt nguồn từ truyền thống. Như vậy truyền thống là nền tảng, để từ Phaolô hoặc các Tông đồ rao giảng đúng như lời Thánh Kinh: thực hiện lời Kinh Thánh đã được ghi chép trong Cựu Ước và Tân Ước.
Niềm xác tín rằng “Đức Kitô làm trọn Kinh Thánh” đã ăn rễ sâu trong ý thức Kitô giáo, niềm tin ấy là yếu tố cấu thành Đức tin của Công đoàn tiên khởi. Nó đặt trọng tâm ở việc Cộng đoàn hiểu lời Chúa Giêsu. Nhờ sự hoàn thành này mà Giáo Hội đứng ở điểm cuối của chuyển động lịch sử nhờ Thiên Chúa dẫn đưa và Đức Kitô là trung tâm của Kinh Thánh, vì bảo đảm sự duy nhất của Kinh Thánh. Ngài là Đấng mà sách luật Môisen và Tiên Tri nói tới (Ga 1,45). Tin vào Kinh Thánh là tin vào Chúa Giêsu Kitô: “Chính Ta và vì Ta mà Môisen đã viết đến” (Ga 4,45). Nhờ đó mà người ta hiểu được Đức Giêsu Kitô.
b. Nỗi bận tâm của Thánh Matthêu : Trong suốt Tin Mừng của Matthêu, chúng ta nhận thấy Matthêu luôn nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu làm trọn Kinh Thánh. Có nghĩa là làm cho Thánh Kinh ứng nghiệm (Mt 1,22; 2,15.17-18; 8,17; 21, 4.42; 26, 24.56;…)
* Làm cho đầy, làm cho trọn: Trong đoạn văn này, dường như nghĩa thứ hai rõ hơn, vì ở đây Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng không được bỏ điều nào mà phải giữ hết mọi điều. Các câu 18-19: “Trời đất sẽ qua đi …”.
* Giữ cách triệt để (c 21-37): Giữ hết, giữ trọn vẹn đến một chấm một phẩy cũng không được bỏ đi (một chấm: Tiếng Hy Bá Lai là Yod. Chuyển sang tiếng Hy Lạp là iota, là chữ nhỏ nhất trong các chữ). Triệt để đến độ không những tòa án lên án tội giết người (c 21) mà còn lên án cả người nào giận anh em, gia hình hỏa ngục cho cả những kẻ mắng nhiếc anh em (c 22). Rồi phải tiệt để không phải xin lỗi người xúc phạm đến mình, mà còn phải tự mình đến làm hòa với họ nữa (c 23-26). Triệt để đến độ khi nhìn người phụ nữ, mới them muốn trong lòng thì đã bị coi phạm tội ngoại tình (c 27-28). Triệt để đến nỗi phải dứt bỏ mọi cái gây nên dịp tội, ngay đến mắt, tay của mình cũng không từ (c 29-30). Triệt để đến nỗi tuyệt đối không được ly dị với bất cứ lý do nào, từ phía nào và cũng không được phép (cưới ghép) với người đã ly dị vì thấy tội nghiệp (c 31-32). Triệt để đến độ không được thề bồi vì muốn phô trương tính kiêu ngạo (c 33-36). Và tính triệt để phải được đề cao bằng bất cứ giá nào trong sự thật, trong công bằng bác ái: “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Không được thêm thắt, bịa đặt trong gian dối (c 37).
Vậy, Thần học của Thánh Matthêu đã chú tâm đến cả hai nghĩa: Ứng nghiệm và làm cho tròn đầy, cho hoàn hảo: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
* “Trước khi… một chấm một phết … cũng không thể bỏ đi được”.
- Nếu hiểu câu trên theo nghĩa chữ thì phải hiểu thế nào về thái độ của Chúa Giêsu đối với ngày Sabát và về sự tinh khiết theo nghi lễ (Mt 15,1), về việc Chúa Giêsu bênh vực các Môn đệ khi họ vi phạm một số luật Do Thái mà Mt kể lại-về thái độ của Thánh Phêrô và Phaolô đối với luật Môisen (Cv 15,5t).
Không thể hiểu theo mặt chữ, vậy phải hiểu thế nào ? Khi ta muốn đạt được tinh thần luật như Chúa Giêsu đưa ra, thì luật Môisen tức khắc sẽ giữ trọn tinh thần luật => Đó là tinh thần yêu thương. Luật yêu thương của Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải yêu thương mọi người, yêu thương cả kẻ thù, đến độ phải hy sinh hiến cả mạng sống của mình cho người mình phải yêu !
III. Sống mối tương quan với mọi người khi thực hành luật Thiên Chúa:
*Từ câu 21-32: Chúa Giêsu đã đưa ra hai mối tương quan: Tương quan huynh đệ (c 21-26) và tương quan nam nữ (c 27-31).
a. Tương quan huynh đệ: Từ “anh em” dùng ở câu (21-26) là ai ? Tại sao ?
* Là tất cả mọi người, vì tất cả đều là con một Chúa Cha (nhân bản hữu thần). Khổng Tử cũng coi mọi người là anh em, vì là con người, trong con người mang chữ nhân. “Tứ hải giai huynh đệ”.
Trong Kitô Giáo: Mọi người là hình ảnh Thiên Chúa, là con Thiên Chúa (thần bản).
Như vậy, Chúa Giêsu đòi chúng ta đối xử với mọi người như thế nào ? => Như anh em, có nghĩa là không những không được thù ghét mà còn phải coi họ như anh em, phải yêu thương tha thứ, phải làm hòa trước dù họ có lỗi với ta.
b. Tương quan nam nữ
Ngoại tình: Có phải Chúa Giêsu lên án tội ngoại tình, vì Ngài có cảm tình đối với người khác phái hay không ? (ngoại tình chỉ xảy ra trong trường hợp đã có gia đình, Chúa Giêsu muốn chú ý đến sự nguy hiểm cho điều thèm muốn đó).
Người phụ nữ ở đay là người đàn bà đang có chồng. Chúa Giêsu đặc biệt chú ý đến trường hợp này, vì hậu quả liên quan đến nhiều người: chồng, con cái, phá hoiạ hạnh phúc của gia đình người khác. Và để diệt trừ tội lỗi ngay trong lòng mình do sự thèm muốn bất chính về sắc dục.
Còn đối với những người chưa có gia đình, không được phép khi chưa có phép (luân lý). Thèm muốn để phạm tội dĩ nhiên có tội nặng dù chỉ trong tư tưởng. Theo tự nhiên đây là một điều tốt, sự thu hút của hai người khác phái, theo sinh học, đó là bản năng sinh tồn (riêng cho đời sống gia đình).
Còn về vấn đề ly dị, Chúa Giêsu có thái độ nghiêm khắc đối với những người gây ra sa ngã đó. Vì “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,3-6). Ngài còn dạy chúng ta phải có thái độ dứt khoát quyết liệt đối với tội lỗi, nhất định không phạm tội, dù chỉ trong tư tưởng và lời nói.
III. Áp dụng theo Tin Mừng:
            Trình thuật Tin Mừng như là một bài diễn giải của Chúa Giêsu về luật mới. Bằng cách quyết liệt và triệt để , cố gắng không khoan nhượng với cái xấu, kể cả những điều đã “thâm căn cố đế” trong cuộc sống cũng phải đổi thay, hầu đạt được Tám Mối Phúc Thật trong bản “Hiến chương Nước Trời” mà Chúa Giêsu đã dạy. Tất cả được xây dựng trên căn bản của sự công chính và tình yêu thương. Cả hai yếu tố đều đòi hỏi phải nổ lực phát xuất từ tâm hồn, chứ không phải từ sự thi hành luật theo chiếu lệ, theo hình thức bên ngoài được quy định như những người Biệt phái đã tùng làm: “bằng môi miệng, mà lòng trí thì xa Thiên Chúa”.
Vậy khi nhìn vào Chúa Giêsu, là Đấng đến không phải để bãi bỏ luật, mà làm cho luật nên kiện toàn. Chính Ngài cũng giữ luật một cách trung thành để tôn thờ Chúa Cha, và qua đó, Ngài đã thể hiện tình yêu đối với nhân loại chúng ta. Noi gương Chúa Giêsu và nghe lời Ngài dạy, nghĩa là sống thi hành luật của Chúa một cách trung thành để sống mối tương quan hiệp thông với Thiên Chúa và để mối tương quan hiệp nhất nên một với nhau được bền chặt. Chúng ta phải tẩy sạch những lớp bụi mờ đã làm sai lệch cách sống đạo tích cực, những quan niệm và lối sống biếng nhác, ươn lười, lối sống vô luân, thiếu tình thương, … vì không hiểu luật thì không giữ luật: “Ai giữ luật, thì luật giữ người ấy”.

- - - - - - - - - -  oOo - - - - - - - - - -