CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN. B

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN. B
1/ (Is 35,4-7a)    2/ (Gc 2, 1-5)  3/ (Mc 7,31-37)
CHÚA GIÊSU ĐÃ CHỮA LÀNH CHO NGƯỜI CÂM VÀ ĐIẾC.
I. Tìm hiểu bài Tin Mừng:
Là người sống trên cõi đời, mọi người đều phải sống liên đới với người khác trong tiếp xúc để trao đổi ý kiến, tình cảm, quan điểm sống của mình. Vì thế, tất cả các giác quan của con người rất hữu ích cho mối quan hệ mật thiết bất khả phân nầy ! Khi truyền đạt ý kiến của mình thì cần phải nói, mà nói thì phải có người nghe, muốn thấu thì phải thấy. Sự đau khổ nhất của cuộc sống con người là mất khả năng nói, nghe, nhìn … Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ sự thông cảm của Chúa Giêsu đối với những đau khổ của kẻ kém may mắn trong cuộc sống, khi họ mất các khả năng nói, nghe, nhìn. Nên Ngài đã cho kẻ câm nói được, kẻ điếc nghe rõ và người mù được xem thấy. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu bài Tin Mừng để cảm nhận lòng thương xót của Chúa đối với bản thân mình; đồng thời cũng noi gương Chúa Giêsu để cảm thông, giúp đỡ những người kém may mắn hơn ta.

1. Phân đoạn: Tiếp tục trong chương 7, Thánh sử Marcô lại giới thiệu cho chúng ta về Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, qua công việc của Ngài, khi Ngài chữa lành cho người vừa câm vừa điếc (Mc 7,31-37). Ta có thể chia bài Tin Mừng nầy làm 3 phần:
a/ Câu 31: Lộ trình và nơi chốn mà Chúa Giêsu thể hiện tình thương và quyền năng của Đấng Thiên Sai.
b/ Câu 32-35: Cách chữa lành cho người câm điếc được đưa đến với Ngài.
c/ Câu 36-37: Thái độ khiêm tốn của Đấng Thiên Sai và thái độ của những người chứng kiến phép lạ.
2. Giải thích:
- Vùng Tia (c 31): Tia là một thành của nước Phênixia ở phía Bắc nước Do Thái; thời Vua David và Salomon, Tia đã có những bang giao với nước Do Thái (2Sm 5,11; 1V 5,24-25; 9,10-14), sau nầy còn có liên hệ “xui gia” nữa (1V 16,31). Thời Cgúa Giêsu, dân thành nầy có lẽ cũng hay đi lại với người Do Thái, đã có những người ở đây đến với Chúa Giêsu để nghe Ngài Giảng (Mc 3,8), nhưng bấy giờ Chúa Giêsu mới có dịp đến với họ.
- Qua thành Xidon (c 31): Thành phố bên bờ Địa Trung Hải, nằm giữa Tia và Beyruts. Thời cổ là thủ đô của dân Xidon và là mục tiêu để lên án của các Tiên Tri (Ga 25,22; Ed 32,30; Gc 4,4-8). Tuy nhiên trong thời Tân Ước thì Chúa Giêsu đối xử nhẹ nhàng hơn với họ (Mt 11,21-22; 15,21-28).
- Miền Thận tỉnh (c 31): Là vùng đất ở mạn Đông biển Hồ Galilê, gồm có 10 thành, ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Hy Lạp, đó là Sythôpli, Pella, Gadara, Dion, Hippo, Gerase, Philadelphia, Kanetha, Damas và Abila. Tin Mừng Nhất Lãm cũng hay nhắc tới miền “Thập tỉnh” nầy (Mt 4,25; Mc 5,20 ….).
- Biển Hồ Galilê (c 31): Còn được gọi là Biển hồ Giêrênaret hay Tibêriat. Ba Thánh sử gốc Do Thái (Mt-Mc-Ga) gọi là Biển Hồ vì nó có hình quả trám, chiều dài 21Km, chiều rộng 12Km, thấp hơn mặt Địa Trung hải và có chỗ sâu tới 40m, có nhiều sóng lớn và bão đột ngột, nhưng lại có nhiều cá.
- “Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy” (c 32-35): => Có lẽ câu chuyện được kể lại ở trong một môi trường ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, cho nên cũng theo cách thức chữa bệnh mà người ta vốn quen thấy ở nơi các thầy thuốc thời ấy.
=> Kẻ câm điếc: Đây là hình ảnh chỉ những người chưa được nghe và chưa hiểu biết về Chúa. Và cả những người đã nghe, đã biết về Chúa mà vẫn sống lơ là, buông thả.
=> “Đặt tay”: Là kiểu chúc phúc lành theo lối Do Thái (St 48,14-29) và cũng là cử chỉ quen thuộc của Chúa Giêsu khi làm phép lạ chữa bệnh (Mc 6,5; 8,23-25).
=> Tin vào Chúa Giêsu: Khi đã tin vào Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, nên người ta đã đem một người câm điếc đến để xin Người chữa lành.
- Chúa Giêsu cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả (c 36): Đây là một trong những đặc điểm mà Tin Mừng Marcô hay nhắc tới (Mc 1,41; 5,43;8,26;9,9), và được gọi là: “Bí mật về Đấng Thiên Sai”. Có lẽ Chúa Giêsu sợ dân chúng không hiểu đúng về chân tính của Ngài, khiến cho việc hoạt động rao giảng của Ngài thành khó khăn, mà sứ mạng nầy chỉ khi chết mới chu toàn hết được.
II. Áp dụng:
            A. Áp dụng theo Tin Mừng:
            Qua câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho người câm và điếc trong bài Tin Mừng đã trình thuật, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta hãy mau mắn chạy đến với Chúa Giêsu qua Giáo Hội để nhận lãnh những ơn lành Chúa ban cho đời sống hằng ngày. Qua các Bí Tích => chúng ta được Chúa chữa trị những thứ bệnh tâm hồn, bệnh câm điếc đức tin cho ta: Mở trí khôn để hiểu Lời Chúa, mở tai để nghe Lời Chúa, mở miệng để nói Lời Chúa, để tuyên xưng Đức Tin.
B. Áp dụng thực hành:
1/ Nhìn vào việc Chúa Giêsu đã làm: Chúa Giêsu chữa lành cho người câm điếc => Noi gương Ngài => Chúng ta hãy chữa trị bệnh điếc: Điếc giáo lý, điếc Lời Chúa bằng cách cố gắng học hỏi Lời Chúa và dạy cho tha nhân biết giáo lý, nhất là cho con cái hiểu biết Lời Chúa để đem ra sống thực hành trong đời sống.
=> Chúng ta hãy chữa trị bệnh câm: Câm vì không biết nói về Chúa, không biết tuyên xưng Đức tin, không biết đọc kinh cầu nguyện … bằng cách cố gắng đọc kinh cầu nguyện và nhiệt tình giúp cho kẻ khác học và đọc kinh đúng, thành tâm để cầu nguyện và làm việc Tông Đồ, sống theo tin thần Tin Mừng.
            2/ Chúa Giêsu ngước mắt lên trời: Chúa Giêsu thực hiện trước khi thực hiện phép lạ.
=> Chúng ta cần duy trì và ý thức những giây phút cầu nguyện trước khi khởi sự một công việc dù lớn hay nhỏ, để xin ơn phù trợ và hiệp nhất với Chúa.
            3/ Nhìn vào người câm điếc:
=> Chúng ta câm khi chúng ta không đọc Lời Chúa, không đọc kinh để cầu nguyện, khi không nói lời yêu thương, không tuyên xưng đức tin bằng đời sống tông đồ …
=> Chúng ta điếc khi chúng ta không biết đón nghe Lời Chúa để thực hành, khi giả điếc làm ngơ trước đau khổ của kẻ khác.
            Chung quanh chúng ta cũng có biết bao người đang câm, đang điếc về đời sống đức tin, về Lời Chúa. Chúng ta hãy nhiệt tình cộng tác với Chúa để chữa lành cho họ !
4/ Nhìn vào thái độ của dân chúng:
=> Họ đã đem người câm điếc đến để xin Chúa Giêsu chữa lành. Chúng ta cũng hãy mau mắn đem những người câm điếc đức tin, câm điếc Lời Chúa, lơ là trong sống đạo … đến với Chúa qua Giáo Hội để xin chữa trị.
=> “Người làm mọi sự tốt đẹp” => Chúng ta hãy biết ca tụng Chúa trước mọi kỳ công và trong mọi biến cố của cuộc sống.
III. Ý chính bài Tin Mừng:
            Chúa Giêsu đã thể hiện “tình yêu Thiên Chúa”, khi chữa lành cho người câm điếc, mà dân chúng đã đem đến xin Ngài cứu chữa. Muốn cho mỗi người chúng ta hiểu rằng cần phải có ơn Chúa soi sáng, mở lòng mở trí chúng ta mới có thể nghe và hiểu về Chúa mà tôn vinh danh Chúa được.
IV. Cầu nguyện:
            Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến thế gian để thể hiện tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại chúng con, cứu chữa chúng con khỏi mọi bệnh tật cả xác lẫn hồn. Con xin Chúa chữa lành bệnh câm điếc trong tâm hồn con, để con luôn nghe rõ Lời Chúa dạy mà sống thánh thiện, cho con luôn biết đọc, học Lời Chúa để con biết nói như Chúa, nói những lời yêu thương thay vì những lời xấu xa, tục tĩu.
            Epphatha ! Lạy Chúa, xin mở tai con, xin mở miệng con ! để con ca tụng Chúa là Tình yêu, là gia nghiệp của đời con. Amen.
- - - oOo - - -